Bản ngã là gì? Hiểu biết đúng sự thật về Bản ngã

BẢN NGÃ Là gì?

Bản Ngã đó chính là TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ của tâm biết ý thức tà kiến mà thôi, chứ không có một Cái Ta, Bản ngã nào hết.

Mục đích của Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và khéo léo thuyết giảng là để LIỄU TRI tất cả các sự vật, hiện tượng hay tất cả pháp.Đức Phật đã đưa ra công thức mẫu về Liễu Tri Khổ, để người tu học có thể áp dụng, ngõ hầu có thể liễu tri mọi pháp. Liễu Tri Khổ là phải hiểu biết đúng sự thật về bốn khía cạnh của Khổ. Đó là :

  1. Sự thật Khổ ( Khổ đế )
  2. Sự thật Khổ tập khởi ( Nguyên nhân Khổ, Tập đế )
  3. Sự thật Khổ đoạn diệt ( Diệt đế )
  4. Sự thật Con đường Khổ diệt ( Đạo đế )

Vậy, để Liễu Tri pháp được gọi là Bản Ngã, phải tuệ tri bốn khía cạnh tương tự : Sự thật về Bản ngã; Sự thật Bản ngã tập khởi ; Sự thật Bản ngã đoạn diệt; Sự thật Con đường Bản ngã đoạn diệt.

1 – Hiểu biết đúng sự thật về Bản ngã :

Tất cả nhân loại ( chỉ ngoại trừ các bậc Thánh Phật giáo ) đang từng giây phút sống với một cái TA đồng nhất từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lại. Cái TA ấy được nhân loại cho là tự có, không được sinh ra cũng không bị mất đi, nên tiếng Tàu gọi là BẢN NGÃ hay Tự Ngã. Bản Ngã ấy có mặt nơi tâm biết Ý thức có “Chủ thể và Đối tượng” của con người. Ví như, Ta thấy – ngôi nhà, Ta nghe – tiếng ngựa phi, Ta nếm – vị ngọt của quả xoài, Ta biết – cô bé rất xinh vv…

Cái Ta, Bản ngã ấy là chủ nhân, chủ sở hữu của các loại tâm biết từ nhãn thức thấy, nhĩ thức nghe cho đến ý thức biết. Cái Ta, Bản ngã ấy còn là chủ nhân, chủ sở hữu của các tâm hành như: Ta nhớ đến, Ta thương, Ta ghét, Ta nói, Ta làm, Ta hạnh phúc, Ta khổ đau …

Không những vậy mà Cái Ta, Bản ngã ấy còn là chủ nhân, chủ sở hữu của các Đối tượng như : nhà của Ta, xe của Ta, con Ta, vợ Ta, tiền của Ta … Tâm biết ý thức cũng luôn luôn so sánh Cái Ta, Bản ngã ấy với Đối tượng nên có xác quyết Ta hơn, Ta kém, hay Ta bằng đối tượng.

Như vậy, tâm biết ý thức của con người luôn luôn có mặt một Cái Ta, Bản ngã với ba nội dung : TA BIẾT, CỦA TA, TA HƠN, TA KÉM, TA BẰNG mà kinh điển dùng tiếng Tàu là : Ngã kiến, Ngã sở kiến, Ngã mạn tuỳ miên.

Vì vậy, khi đối diện với đối tượng Dễ chịu thì tâm biết ý thức sẽ khởi lên hiểu biết, trong đối tượng này có hạnh phúc, nó sẽ mang hạnh phúc đến cho Ta, nên sẽ phát sinh thái độ yêu thích ( Tham ), khi đối diên với đối tượng khó chịu thì hiểu biết, trong đối tượng này có khổ, nó sẽ mang đau khổ đến cho Ta, nên phát sinh thái độ chán ghét ( Sân ), khi đối diện đối tượng Trung tính thì biết rằng trong đối tượng này không có đau khổ nhưng cũng không có hạnh phúc, không mang hạnh phúc đến cho Ta nên phát sinh hành vi tìm kiếm đối tượng Dễ chịu để thay thế đối tượng Trung tính ( Si ). Đời sống nhân loại xoay quanh Cái Ta, Bản ngã ấy, nỗ lực để nuôi dưỡng, bảo vệ, phát triển, làm đẹp, hoàn thiện, vinh danh, ca ngợi Cái Ta, Bản ngã ấy.

Nhưng các pháp đều phát sinh theo quy luật Duyên khởi, nghĩa là do hai nhân bình đẳng tương tác rồi cùng diệt mới phát sinh, nên các pháp là vô thường, vô chủ vô sở hữu. Vì vậy không hề tồn tại một Cái Ta, Bản ngã không sinh không diệt là chủ nhân chủ sở hữu của các pháp Danh và Sắc, nghĩa là các pháp đó VÔ NGÃ.

Vậy thì Cái Ta, Bản ngã mà nhân loại đang nuôi dưỡng, bảo vệ, vinh danh đó là cái gì?

Bản Ngã đó chính là TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ của tâm biết ý thức tà kiến mà thôi, chứ không có một Cái Ta, Bản ngã nào hết.

Ví như, một ông chồng đang mắng chửi đánh đập vợ con, đập phá đồ đạc thì lúc đó tư tưởng chấp ngã của anh ta chỉ chấp thủ thân tâm này là Ta thôi, còn vợ con, nhà cửa, đồ đạc là Không Phải Ta. Lát sau đi ra khỏi nhà và bắt gặp một người đang nói xấu, bịa đặt, xúc phạm vợ con anh ta thì ngay lập tức anh ta sẽ phản kháng và cho kẻ kia một trận.

Vì sao vậy ? Vì lúc này tư tưởng chấp ngã của anh ta khởi lên chấp thủ thân tâm, vợ con, nhà cửa, đồ đạc đều là của Ta, là Ta. Tối đó anh ta xem trận đấu giải nhất nhì giữa Việt nam và Thái lan. Nếu Thái lan thắng, anh ta sẽ tức giận chửi rủa, thậm chí đập bể cả Tivi, nhưng nếu Việt nam thắng anh ta sẽ sung sướng reo hò, gặp ai cũng bá vai bá cổ, ôm hôn thắm thiết kể cả người lúc chiều anh ta vừa gây gổ.

Vì sao vậy ? Vì giờ đây tư tưởng chấp ngã khởi lên, chấp thủ từ Mục nam quan đến Mũi cà mâu đều là của Ta, là Ta cả. Nếu anh ta lên tàu vũ trụ bay quanh quả đất vài năm thì anh ta không còn phân biệt Việt nam và Thái lan mà tư tưởng chấp ngã của anh ta chấp thủ quả đất này là của Ta, là Ta.

Một cô nữ sinh đến trường với bộ quần áo đẹp đắt tiền rất hiếm, chỉ một mình cô ta có và được học sinh cả trường khen ngợi. Đương nhiên cô rất tự hào và sống với Bản ngã Ta hơn, nhưng sự thực không có một Bản ngã Ta hơn nào cả mà chỉ là tư tưởng chấp ngã, chấp thủ bộ quần áo đẹp hơn là Ta mà thôi vv…

Vậy thì không hề có một Cái Ta, Bản ngã đồng nhất từ quá khứ, hiện tại đến vị lai con người đã mặc định mà con người đang sống với tư tưởng chấp thủ Bản ngã, chấp thủ hoặc là Sắc, hoặc là Thọ, hoặc là Tưởng, hoặc là Thức là của Ta, là Ta, là Bản ngã mà thôi. Tư tưởng CHẤP NGÃ cũng đồng nghĩa với tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu, nghĩa là Cái Ta, Bản ngã làm chủ, sở hữu, điều khiển các pháp.

Chính vì vậy mà nhân loại không trừ một ai đang sống để làm chủ đời mình, làm chủ tương lai, làm chủ hạnh phúc, làm chủ bản thân, gia đình, xã hội, làm chủ thiên nhiên. Người tu thì tu tập để làm chủ thân khẩu ý, làm chủ tâm, làm chủ nghiệp, làm chủ cảm xúc, làm chủ sinh già bệnh chết.

Mọi định chế, mọi luật lệ từ tổ chức Liên hợp quốc đến các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương đến các cách cư xử quy định bất thành văn của một nhóm người đều đặt nền tảng trên quyền sở hữu. Mọi tranh chấp, xung đột từ quốc gia đến cấp độ cá nhân đều là xung đột về quyền sở hữu.

Nhân loại đang sống với tư tưởng CHẤP NGÃ trái với sự thật VÔ NGÃ nên mâu thuần, xung đột với sự thật thực tại, vì thế mới có sầu bi khổ ưu não. Tư tưởng CHẤP NGÃ chấp thủ hoặc là Sắc, hoặc là Thọ, hoặc là Tưởng, hoặc là Hành, hoặc là Thức là của Ta, là Ta còn gọi là NĂM THỦ UẨN. Chính vì vậy, Đức Phật kết luận : Năm Thủ Uẩn Là Khổ.

2 – Hiểu biết đúng sự thật về Bản Ngã tập khởi :

Bản ngã chính là TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ có mặt nơi tâm biết ý thức tà kiến trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu. Hiểu biết đúng sự thật Bản ngã tập khởi là biết đúng như thật Nguyên nhân phát sinh tư tưởng chấp ngã, nghĩa là thuyết minh duyên khởi : do cái gì có mặt mà tư tưởng chấp ngã có mặt. Lộ trình tâm Bát Tà Đạo diễn ra như sau :

XÚC – [ Thọ – Tưởng ] – Tà niệm – Tà tư duy – [ Ý thức tà kiến ] – Tham sân si – Tà định – ….

Ý thức tà kiến do hai tâm hành Tà niệm – Tà tư duy mà phát sinh, nghĩa là Tà niệm có nhiệm vụ tìm kiếm, kích hoạt các thông tin “cái này là của ta, là ta” như mắt tai mũi lưỡi thân ý là của ta, là ta được lưu giữ trong kho chứa ( bộ nhớ ) tâm thức và Tà tư duy phân tích, so sánh, đối chiếu đối tượng với thông tin mà Tà niệm kích hoạt. Do vậy sẽ phát sinh tâm biết ý thức và tư tưởng Ta thấy, Ta nghe, Ta ngửi … chính là tư tưởng chấp ngã. Các tư tưởng chấp ngã này lại được lưu trở lại vào bộ nhớ tâm thức làm nhân cho Tà niệm kích hoạt ở lộ trình tâm sau.

3 – Hiểu biết đúng sự thật về Bản ngã đoạn diệt :

Đó là hiểu biết đúng sự thật : do cái gì không có mặt mà Bản ngã không có mặt nghĩa là Bản ngã đoạn diệt. Đó chính là khi Tà niệm – Tà tư duy – Ý thức tà kiến không có mặt thì Bản ngã không có mặt, Tà niệm – Tà tư duy – Ý thức tà kiến diệt thì Bản ngã diệt. Và đó cũng chính là lộ trình tâm Bát Tà Đạo diệt thì Bản ngã, tư tưởng chấp ngã diệt.

4 – Hiểu biết đúng sự thật về Con đường Bản ngã đoạn diệt :

Đó là khi lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên khi có Chánh niệm về Thân Thọ Tâm Pháp thì không còn tư tưởng chấp ngã, không còn Bản ngã.

– Với Chánh niệm về thân, nghĩa là Nhớ đến chú tâm quán sát thân nơi thân thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo gồm:

  • XÚC – [ Thọ – Tưởng ] – Chánh niệm – Chánh tích cực ( tinh tấn ) – Chánh định – ( Tĩnh Giác ).

Lộ trình tâm chỉ có tâm biết Tĩnh Giác “vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt” nên không tồn tại bất kỳ một tư tưởng nào, vì vậy tư tưởng chấp ngã, Bản ngã không có mặt.

– Với Chánh niệm về thọ, về tâm, về pháp nghĩa là Nhớ đến chú tâm quán sát Thọ Tâm Pháp thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo gồm :

  • XÚC – [ Thọ – Tưởng ] – Chánh niệm – Chánh tích cực – Chánh định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh tư duy – Ý thức Chánh kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

Lộ trình tâm này có Ý thức Chánh kiến là tư tưởng vô chủ, vô sở hữu hay vô ngã nên không còn tồn tại tư tưởng chấp ngã, không còn tồn tại Bản ngã. Sự thật Con đường Bản ngã đoạn diệt đã chỉ rõ, chỉ khi nào thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế lúc đó Bản ngã mới không có mặt, không hiện hữu. Lúc đó mới đoạn diệt Năm Thủ Uẩn, lúc đó mới đoạn diệt Khổ.

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *