BỊ TREO LƠ LỬNG
Ngoại trừ các bậc Thánh đã giác ngộ theo chỉ dạy của Đức Phật, còn tất cả nhân loại, dù gái hay trai, già hay trẻ, giàu hay nghèo, ngu hay trí đang tìm lối thoát khỏi khổ trong tương lai. Vì vậy, ai ai cũng đang cố gắng chịu đựng khổ, nhẫn nhục chịu đựng khổ với hy vọng tương lai sẽ thoát khỏi các nỗi khổ đó.Những người giàu có, thành đạt nhẫn chịu để hy vọng giàu có thành đạt hơn để có thể hết khổ phải nhẫn chiu. Trẻ con hy vọng lớn lên trở thành người lớn để tự do tự tại đi đây đi đó, làm những việc mình muốn và không còn khổ vì lệ thuộc bố mẹ. Hy vọng sẽ thành đạt, giàu sang để không còn khổ vì nghèo đói, vì bị coi thường. Hy vọng cơn bão không đổ bộ vào nơi mình ở, hy vọng mưa thuận gió hoà, hy vọng kẻ thù sẽ bị trừng phạt đích đáng … Đến kẻ tử tù cũng sống trong hy vọng ngày đó chưa phải là ngày mai, vẫn phấp phỏng hy vọng mình thoát án tử. Tín đồ các tôn giáo thì hy vọng sau khi chết có một đời sau tốt đẹp, hy vọng sẽ được hiện hữu nơi thiên đường cực lạc, hiện hữu nơi thế giới tâm linh mầu nhiệm, vĩnh hằng.
Lối sống HY VỌNG TƯƠNG LAI chi phối toàn thể đời sống nhân loại nên bất cứ một ai không còn một tia hy vọng nào ở tương lai, không còn hy vọng thoát khổ trong tương lai thì họ sẽ tự sát. Hiện tượng này phơi bày một sự thật : Khi con người không còn hy vọng thoát được khổ trong tương lai thì KHỔ MỚI HIỆN NGUYÊN HÌNH KHÔNG CÒN ĐƯỢC CHE GIẤU BỞI HY VỌNG VÀ LÚC ĐÓ NÓ GHÊ GHỚM ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ NÀO CHỊU ĐỰNG NỔI. Chính vì nhận thức của nhân loại đã mặc định “chỉ có một lối thoát khổ duy nhất xẩy ra trong tương lai” nên toàn bộ cuộc sống từ triết học, văn học, nghệ thuật, ca nhạc đến sự tán gẫu hàng ngày đều nhắm đến tạo dựng, ca tụng một lý tưởng sống lạc quan, tin tưởng tương lai, cỗ vũ cho tương lai. Và lối sống đó đã cột chặt con người vào những ước vọng tương lai, vào những dự định tốt đẹp sẽ xẩy ra trong tương lai.
Lối sống Hy Vọng Tương Lai tuy có mặt tốt là đã giúp cho con người chịu đựng được mọi gian truân cay đắng của cuộc đời để tồn tại, nhưng nó lại làm phát sinh một nỗi khổ mới còn kinh khủng hơn.Đó là nỗi khổ bị treo lơ lửng giữa Hy vọng và Thất vọng.Từ việc làm hiện tại đến kết quả hy vọng trong tương lai là thời gian Chờ Đợi.Hy Vọng thì phải Chờ Đợi, nhưng ở đâu có Chờ Đợi thì ở đó có căng thẳng và có cả thấp thỏm lo âu thất vọng và ở đâu có căng thẳng, có thấp thỏm lộ âu thất vọng thì ở đó có Đau khổ. Chờ đợi là thấp thỏm, là lo âu, là căng thẳng, là đau khổ, cho dù chờ đợi những điều tốt đẹp nhất chỉ một giờ nữa sẽ xẩy ra, ví như bà mẹ thấp thỏm chờ chàng rể đến rước dâu là con gái của mình từ 9 giờ sáng đến 10 giờ sáng. Cái một giờ chờ đợi đó nó dài hơn rất nhiều so với một giờ của cuộc sống thường ngày và đầy thấp thỏm. Máy bay đến trễ giờ 30 phút và sự chờ đợi tuy sự thực chỉ có 30 phút nhưng sao cảm thấy nó dài ghê. Từ khi mua tờ vé số đến khi xem được kết quả là thấp thỏm chờ đợi ….Kỳ vọng tương lai càng lớn bao nhiêu thì nỗi khổ bị treo lơ lửng cũng càng lớn bấy nhiêu.
Có một lối thoát khỏi mọi khổ đau, cay đắng của cuộc đời trong hiện tại, NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự mình tìm ra, giác ngộ và thuyết giảng. Lối thoát đó là thay đổi TÂM chứ không phải thay đổi CẢNH, cụ thể là thay đổi lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu gồm : Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Kiến – ( Tham Sân Si ) – Tà Định – Tà Tinh Tấn – Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng sang lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của Bậc Thánh gồm : Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Khi tu tập, lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên gọi là Bát Chánh Đạo siêu thế thì đó cũng chính là Thực Tại Xuất Thế Gian của Bậc Thánh và trong thực tại Xuất Thế đó không còn Nhân, không còn Duyên cho Vô minh, cho Tham Sân Si sinh khởi, nên không còn Nhân Duyên cho Khổ khởi lên. Khi Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên nơi một vị đệ tử hữu học ( đang tu học ) hay vị vô học ( đã tu học xong ) thì thực tại của vị đó Vắng mặt Khổ, không còn Khổ mà thuật ngữ Phật học gọi là Khổ Diệt hay Niết Bàn. Vì vậy, Khổ Chấm Dứt, Khổ Diệt hay Niết Bàn là ngay bây giờ và tại đây khi mà Bát Chánh Đạo khởi lên. Nghĩa là thay đổi được Tâm từ Bát Tà Đạo sang Bát Chánh Đạo ngay lập tức KHỔ HẾT LIỀN, không còn phải chờ đợi khổ sẽ hết trong tương lai nữa. Nếu giây phút hiện tại, ngay bây giờ và tại đây làm được như vậy thì khi giây phút tương lai trở thành hiện tại thì cũng hết khổ như vậy và thực tại của người đó từ giây phút này sang giây phút khác sẽ không có khổ. Vì điều này mà kinh điển có nói : Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng là Thiết thực hiện tại ( khổ diệt ngay bây giờ và tại đây ), Không bị chi phối bởi thời gian. Bị chi phối bởi thời gian là pháp hữu vi, phát sinh theo định luật Nhân Quả theo thứ tự nhân trước quả sau, còn Khổ Diệt hay Niết Bàn là sự vắng mặt, sự không hiện hữu của Khổ nên là pháp vô vi, do không còn Nhân Duyên nên Khổ không có, chứ Không phải Bát Chánh Đạo là nhân, Khổ Diệt, Niết Bàn là quả. Khi tu tập Bát Chánh Đạo, Khổ được chấm dứt ngay bây giờ và tại đây nên không còn hy vọng tương lai, vì vậy không có khổ do bị treo lơ lửng giữa hy vọng và thất vọng. Tu tập Bát Chánh Đạo thân chứng được Khổ Diệt, Niết Bàn ngay bây giờ và tại đây thì sẽ chấm dứt được hiểu biết sai lạc, tu là để thấy được các pháp vô thường, khổ, vô ngã. Thực tại bậc Thánh là Bát Chánh Đạo tuy vẫn vô thường, vô ngã như Phàm phu nhưng đâu còn khổ như của Phàm phu nữa để mà thấy khổ. Đúng sự thật là tu để biết đúng như thật, thực tại bậc Thánh là Vô thường, Khổ diệt, Vô ngã chứ không phải tu để thấy các pháp vô thường, khổ, vô ngã. Có lý luận cho rằng có hai loại khổ, khổ để tiếp tục khổ và khổ để hết khổ, nghĩa là Phàm phu chịu khổ để rồi khổ tiếp còn người tu chịu đựng khổ để hết khổ.Đó cũng là tà kiến tu để hết khổ trong tương lai.
Đại Đức Nguyên Tuệ