TỈNH GIÁC KHÔNG PHẢI LÀ TRÍ TUỆ - Gosinga

 TỈNH GIÁC KHÔNG PHẢI LÀ TRÍ TUỆ

 TĨNH GIÁC KHÔNG PHẢI LÀ TRÍ TUỆ
Khi thực hành Chánh Niệm về thân tức “Nhớ đến chú tâm quán sát các cảm giác trên thân” thì nhờ Nhớ đến như vậy mà sự chú tâm sẽ xẩy ra từ đối tượng này sang đối tượng khác trên thân, nên người tu sẽ kinh nghiệm được, lúc đó chỉ có tâm biết Thân thức ghi nhận các đối tượng ( cảm giác ) mà không có tâm biết Ý thức khởi lên. Không những vậy, mà khi có sự chú tâm liên tục từ đối tượng này sang đối tượng khác trên thân, người tu cũng kinh nghiệm được, lúc đó xuất hiện đối tượng nào thì chỉ có tâm biết trực tiếp ( Nhản thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức ) ghi nhận đối tượng, còn tâm biết Ý thức không khởi lên. Vì thế, không nhận xét, đánh giá đối tượng, không yêu thích, không chán ghét đối tượng, không dính mắc ràng buộc, không phiền não với bất kỳ đối tượng nào. Trạng thái chỉ có tâm biết trực tiếp giác quan ghi nhận đối tượng mà không có tâm biết Ý thức kèm theo được gọi là Tĩnh Giác. Khi an trú Tĩnh Giác người tu kinh nghiệm được giải thoát và giải thoát này do Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định mà có, nên gọi là Tâm Giải Thoát hay còn gọi là Không Tánh Giải Thoát. Cách thực hành với Niệm Thân như thế này còn gọi là Tu Chỉ ( Dừng lại ).
Niệm Thân hay Tu Chỉ là bước khởi đầu hết sức quan trọng, người tu có thể an trú Tâm giải thoát trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi, nói năng làm việc từ sáng đến tối, nhưng giải thoát này là giải thoát có hạn kỳ vì khi không thực hành thì nó chấm dứt. Tĩnh Giác chỉ đưa đến giải thoát có kỳ hạn chứ không đưa đến giải thoát tối hậu, giải thoát không kỳ hạn nên cổ nhân đã ví tu nó như dùng đá đè cỏ, hết đè thì cỏ lại đứng lên. Vì sao vậy ? Vì tâm biết Tĩnh Giác có tính chất “vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt” trong nó không có “Vô minh cũng không có Minh” nên không thể xoá bỏ “Vô Minh Chấp Ngã” mà chỉ nhờ sức mạnh của Định để “nhiếp phục” Vô minh chấp ngã mà thôi. Muốn xoá bỏ “Vô Minh Chấp Ngã” phải Tu Quán bằng Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp với năm chi phần : Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – [ Tĩnh Giác ] – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến. Chánh Kiến là Minh, là Trí tuệ khởi lên mới đưa đến Tuệ Giải Thoát, mới xoá bỏ “Vô Minh Chấp Ngã” và đưa đến giải thoát tối hậu, giải thoát không kỳ hạn. Vì vậy, để giải thoát tối hậu, để chấm dứt luân hồi sanh tử phải Chỉ Quán đồng tu. Chỉ và Quán ở đây không phải là Thiền Chỉ và Thiền Quán như cách hiểu và thực hành của Phật giáo Nam tông hiện nay, Thiền Chỉ và Thiền Quán đó là sự bày đặt sau này thuộc về tạng Luận, không đúng với nội dung Chỉ và Quán mà Đức Phật dạy trong kinh Nikaya.
Tu Chỉ để an trú Tĩnh Giác thì chỉ cần hướng dẫn cách thực hành đúng và khi thực hành đúng sẽ nhờ Định mà sẽ an trú Tĩnh Giác, an trú Tâm giải thoát, nhưng Tu Quán là tu tập Chánh Kiến, tu tập Trí Tuệ nên phải theo lộ trình Văn – Tư – Tu nghĩa là Nghe giảng để có Văn Tuệ, Tư duy để có Tư Tuệ và thực hành Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp để có Tu Tuệ. Tu Quán như vậy mới thay đổi được nhận thức, thay đổi được hiểu biết, xoá bỏ được tà kiến vô minh chấp ngã. Nếu chỉ có Tu Chỉ mà không có Tu Quán thì tuy vẩn có thể đạt được định, đạt được giải thoát khi thực hành nhưng hễ dừng thực hành lại, thì vô minh chấp ngã không còn được nhiếp phục sẽ bùng lên còn dữ dội hơn so với khi chưa tu. Vì sao vậy ?Vì khi đã cảm nhận được định, cảm nhận được một ít giải thoát trong định thì khi ra khỏi định, tâm Bát Tà Đạo lại khởi lên và lúc đó Ngã Mạn Ta Hơn sẽ bùng lên.Tại vì lúc đó ý nghĩ Ta đắc định, Ta giải thoát, Ta hơn người sẽ chiếm cứ và chi phối tâm. Điều này đã được nhà văn Kim Dung diễn tả theo nghĩa ẩn dụ rất hay trong tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ”.
Trong tác phẩm văn học “Tiếu ngạo giảng hồ” ngoài nghĩa đen, Kim Dung còn truyền tải đến người đọc nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ của câu chuyện. Nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ của Tiếu ngạo giảng hồ mà Kim Dung muốn truyền tải là gì, thì chỉ có Kim Dung mới nói chính xác được, tôi sẽ không suy đoán điều đó, mà tôi nói nếu suy xét tác phẩm theo nghĩa ẩn dụ sau đây thì sẽ có ích lợi cho người tu học Phật. Đó là tác phẩm mô tả sinh hoạt đấu đá, tranh giành ẩu đả của thế giới giang hồ nhằm ám chỉ thế giới tâm thức. Trong đó, hình tượng Nhậm Ngã Hành là nhân cách hoá của tư tưởng CHẤP NGÃ, có tính chất bá chủ, bá quyền toàn bộ tâm thức. Nhậm là trì giữ, Ngã là Bản Ngã, là chủ nhân chủ sở hữu của tâm thức, nên Nhậm Ngã Hành là trì giữ Bản Ngã, chấp thủ Bản Ngã. Sự tu học Phật giáo nhằm mục đích xoá bỏ tư tưởng Chấp Ngã hay là làm cho Bản Ngã “chết đi”, nhưng nếu không hiểu đúng, không hành đúng thì tu chỉ làm cho Bản Ngã lớn mạnh thêm mà thôi. Đầu tiên là Nhậm Ngã Hành bị mắc vào cái bẩy của Đông Phương bất bại, một nam nhân nhưng có những thứ vũ khí rất lợi hại của đàn bà như vẻ đẹp, tình thương, sự quan tâm săn sóc … và những cái đó sẽ đưa đến ràng buộc ghê ghớm, tượng trưng bằng môn võ kim chỉ thêu thùa nhưng địch thủ khó lòng thắng cuộc. Ẩn dụ này là lúc đầu mới đến với Phật giáo, người tu sẽ tiếp thu biết cao lý tưởng cao đẹp, phát nguyện tu để thành Phật, trở thành một con người vĩ đại, có trí tuệ siêu việt, có thần thông quảng đại, có hào quang chói loà, đi mây về gió, muốn xuất hiện nơi đâu trong tam thiên đại thiên thế giới này thì đến đó chỉ trong một cái búng tay, một người có tình thương sâu sắc muôn vật muôn loài, đến cả từng ngọn cỏ giọt sương, cứu khổ cho muôn loài, một người có chí nguyện vĩ đại đến mức không có cái gì so sánh được, ví như lý tưởng khi nào còn một chúng sanh chưa thành Phật thì Ta sẽ chưa thành Phật vv…Những tư tưởng đó phù hợp với sự nâng cao Bản Ngã nên người tu thích thú những điều kỳ diệu đó, lấy cái đó để tô điểm cho Bản Ngã của mình và cuộc sống tu hành là gặm nhấm vị ngọt của cái bánh vẻ ấy. Tiếp đến sự việc Nhậm Ngã Hành bị giam dưới đáy Tây Hồ ở Hàng Châu 12 năm là để chỉ cho một khoảng dài 12 năm tu tập Thiền Định. Trong khoảng thời gian đó, Nhậm Ngã Hành vắng mặt trong giang hồ nhưng chưa chết và cái bóng của y vẩn là nỗi ám ảnh, đe dọa thế giới giảng hồ. Ẩn ý của điều này là Thiền Định chỉ nhiếp phục Bản Ngã chứ không thể đoạn tận Bản Ngã và tâm thức chưa thể bình an. Sau khi ra khỏi Tây Hồ, Nhậm Ngã Hành chiến thắng tất cả giảng hồ, không còn ai địch thủ, là ám chỉ tu thiền định như vậy chỉ đưa đến một Bản Ngã lớn hơn, vĩ đại hơn khi chưa tu thiền định mà thôi. Chỉ khi Nhậm Ngã Hành chết, thế giới giang hồ mới được bình yên là ẩn ý khi Bản Ngã “chết” lúc đó thế giới tâm thức mới bình an. Cái chết của Nhậm Ngã Hành, cái chết của Bản Ngã được ẩn dụ qua sự việc Lệnh Hồ Xung và phái Hằng sơn chấp nhận chết khi nghe tin, ngày mai Nhậm Ngã Hành sẽ tấn công lên núi. Họ biết rằng không thể thắng được Nhậm Ngã Hành nên cả đêm họ ca hát, nhảy múa vui chơi, không còn canh gác, không còn kỷ luật, tập tành, bỏ lơ mọi chuyện, không còn toan tính đối phó với Nhậm Ngã Hành, để sáng mai đón nhận cái chết. Nhưng sáng mai họ nhận được tin Nhậm Ngã Hành đã chết và giang hồ từ đây mới được bình yên. Lệnh Hồ Xung là nhân cách hoá của Trí Tuệ được tu tập và sự kiện Lệnh Hồ Xung đón nhận cái chết một cách vui vẻ phải hiểu là “cái chết” của Bản Ngã. Nghĩa là khi Trí Tuệ được tu tập cho đến viên mãn, tự mình thấy, tự mình biết, tự mình thân chứng : “Sự thật Bản ngã ( là cái tư tưởng chấp ngã, là tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu, đưa đến xung đột, đưa đến đau khổ như thế nào ), Sự thật tập khởi Bản ngã, Sự thật chấm dứt Bản ngã, Sự thật con đường chấm dứt Bản ngã”, thì tư tưởng Chấp Ngã sẽ tự tiêu vong như cái chết của Nhậm Ngã Hành. Như vậy, chỉ có Tuệ mới đoạn tận Chấp Ngã chứ Định chỉ nhiếp phục chứ không đoạn tận được Chấp Ngã và với việc tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế thì có cả Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Kiến gọi tắt là Niệm – Định – Tuệ sẽ xoá bỏ được, đoạn tận được “Vô minh Chấp ngã” trong bộ nhớ tâm thức, đưa đến giải thoát tối hậu, chấm dứt sinh tử luân hồi.

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *