TIN SÂU NHÂN QUẢ – Bát Chánh đạo

TIN SÂU NHÂN QUẢ
Đây là câu nói cửa miệng của đa số người học Phật, tu Phật. Nhưng có thật sự những người tự nhận là đệ tử Phật đã tin sâu nhân quả đúng theo lời dạy của Đức Thế Tôn, hay đang xuyên tạc lời dạy về Nhân Quả của Ngài ?
Trong bốn mươi lăm năm thuyết giảng, Đức Phật đã thuyết giảng rất nhiều bài Kinh. Tuy nhiên các bài Kinh ấy đều xoay quanh một chủ đề chính là Khổ và Sự chấm dứt Khổ. Nói rộng hơn chút nữa thì Đức Phật thuyết giảng về Tham Sân Si là Nguyên nhân Khổ, Sự chấm dứt Tham Sân Si là Chấm dứt Khổ. Đây là sự thuyết giảng quan trọng nhất, sự thuyết giảng về Nhân Quả đặc sắc nhất của Bậc Chánh Đẳng Giác.
– Tham Sân Si là NHÂN và Khổ là QUẢ. Do Tham Sân Si có mặt mà Khổ có mặt. Nghĩa là khi Thấy Biết một đối tượng mà có Tham Sân Si khởi lên thì Khổ sẽ phát sinh.
– Do Tham Sân Si không có mặt mà Khổ sẽ không có mặt. Nghĩa là nếu Thấy Biết một đối tượng mà Tham Sân Si không khởi lên thì Khổ sẽ không phát sinh.
Lời dạy về Nhân Quả này phải được hiểu biết rốt ráo trong Pháp Học, phải được thực hành trong Pháp Hành, phải được Tuệ tri trong Pháp Thành. Nếu một người nghe xong, tin hiểu sâu sắc Tham Sân Si là Nguyên nhân Khổ, phải là một người rất hiếm có ở đời này, một người trí thực sự, bởi đa phần nhân loại tuy có nghe như vậy nhưng lại xuyên tạc lời dạy Nhân Quả này theo Kiến thủ, theo Vô minh của nhân loại.
Nếu tham khảo và nghiên cứu Kinh điển kỷ càng hơn, sẻ thấy trong Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật thuyết giảng Nhân Quả chủ chốt này theo một lộ trình Nhân Quả nối tiếp nhau. Do có Lục Nhập ( sáu Căn và sáu Trần ) mà có Xúc. Do có Xúc mà có Thọ. Do có Thọ mà có Ái. Do có Ái mà có Thủ. Do có Thủ mà có Hữu. Do có Hữu mà có Khổ ( Sinh Già Bệnh Chết ), sầu bi ưu não không thể kể xiết.
Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Khổ ( sinh già bệnh chết, sầu bi ưu não )
Lộ trình Nhân Quả này được quan sát tỷ mủ hơn chính là diễn tiến lộ trình tâm của Phàm phu gọi là lộ trình tâm Bát Tà Đạo. Nếu khảo sát thật chi tiết, lộ trình này diễn tiến như sau:
Xúc – <Thọ – Tưởng> – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Ý thức Tà Tri Kiến – Thâm Sân Si – Tà Định – Dục ( muốn ) – Tà Tinh Tấn – Phi như lý tác ý – Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng – Khổ ( sinh già bệnh chết, sầu bi ưu não )
Trong lộ trình tâm Bát Tà Đạo này Khổ và Nguyên nhân Khổ ( Tham Sân Si ) thuộc phạm trù Tâm chứ không phải Cảnh, phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu, nó Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu chứ không Thường hằng, thường trú nơi Cảnh, không phải của Cảnh như hiểu biết Vô minh của Phàm phu. Khi Căn Trần tiếp xúc phát sinh Cảm thọ và Tâm biết trực tiếp giác quan ( gọi là Tưởng ) nhận biết đối tượng ( Cảm thọ ) tiếp đến Tà Niệm – Tà Tư Duy khởi lên, làm phát sinh Ý thức Tà Tri Kiến ( hiểu biết về đối tượng ) và nếu Biết đối tượng đó là Dễ chịu, sẽ mang Hạnh phúc đến cho Ta thì sẽ thích thú đối tượng ( Tham ), nếu Biết đối tượng đó là Khó chịu, sẽ mang đau khổ đến cho Ta thì sẽ chán ghét ( Sân ), nếu Biết đối tượng đó là Trung tính không mang đến Hạnh phúc cho Ta thì sẽ Tìm kiếm một đối tượng Dễ chịu, mang lại Hạnh phúc đến cho Ta, để thay thế đối tượng Trung tính đó ( Si ). Như vậy, quán sát lộ trình tâm Bát Tà Đạo, sẽ Tuệ tri được Nhân Quả:
– Tuệ tri được : Tham Sân Si là Nhân sanh Khổ
– Tuệ tri được : Sự tập khởi của Tham Sân Si ( Nguyên nhân của Tham Sân Si ) là do Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Tri Kiến.
Đức Phật cũng dạy về Nhân Quả của lộ trình tâm Bát Chánh Đạo như sau :
Xúc -< Thọ – Tưởng >- Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tỉnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Để cho lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế gian ( thuộc về bậc Thánh ) này khởi lên phải có Văn tuệ và Tư tuệ chuẩn bị, tức là nghe giảng và tư duy để biết như thật về Lý Duyên khởi, về Vô thường, Vô ngã, về Khổ Tập Diệt Đạo. Trong lộ trình Bát Chánh Đạo, khi Căn Trần tiếp xúc phát sinh Cảm thọ và Tâm biết trực tiếp giác quan ( Tưởng ) nhận biết đối tượng, tiếp đến Chánh Niệm khởi lên ( nhớ đến Tham Sân Si là nguyên nhân Khổ ) … Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến khởi lên, Biết như thật đối tượng đó là Cảm thọ, nó Vô thường, Vô chủ, Biết như thật nếu Tham Sân Si với đối tượng thì Sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Do Thấy như vậy, Biết như vậy mà Tham Sân Si không thể khởi lên. Ví như một người Thấy hòn than cháy đỏ rồi Biết khởi lên, cầm lấy hòn than cháy đỏ bằng tay trần thì sẽ bỏng ngay, rất đau khổ. Do Thấy như vậy, Biết như vậy về hòn than cháy đỏ mà người đó không lấy bàn tay trần cầm lấy hòn than cháy đỏ. Như vậy, trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ :
– Tuệ tri được : Sự chấm dứt Tham Sân Si, Sự chấm dứt Khổ
– Tuệ tri được : Con đường chấm dứt Tham Sân Si, Chấm dứt Khổ là Bát Chánh Đạo.
Một người trí khi nghe và tư duy về Nhân Quả như vậy, có Chánh tín về Nhân Quả như vậy, sẽ thực hành Chánh Niệm : nhớ đến Tham Sân Si là Nhân sanh Khổ nên khi Thấy, Nghe, Cảm Nhận đối tượng, Chánh Niệm khởi lên … Chánh Tư duy – Chánh Tri Kiến khởi lên. Và nhờ vậy, Tham Sân Si, Sầu bi khổ ưu não không khởi lên. Nếu Chánh Niệm, nhớ đến Tham Sân Si khởi lên liên tục, thì Khổ được nhiếp phục liên tục, người đó sống với Khổ Diệt. Sự tu tập này đi đến viên mãn sẽ xoá bỏ thông tin Vô minh trong “kho chứa tri thức hiểu biết” đưa đến quả A la hán, là giải thoát tối hậu, là đích đến của cuộc đời. Chính vì vậy người trí TIN SÂU NHÂN QUẢ sẽ có Chánh Tín : Tham Sân Si là nhân sanh Khổ. Do Chánh Tín như vậy mà Tinh Tấn khởi lên và do Tinh Tấn như vậy mà tu tập Bát Chánh Đạo, và Bát Chánh Đạo nói gọn là Niệm – Định – Tuệ khởi lên. Đây chính là : Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ và do vậy mà an trú Khổ Diệt hay Niết Bàn. Với một người như vậy, đã kinh nghiệm được khi không có Tham Sân Si thì lúc ấy không có Khổ, sẽ không xuyên tạc Nhân Quả mà Đức Thế Tôn giảng dạy. Sự thực hành của họ chỉ có một pháp môn duy nhất là Bát Chánh Đạo, chỉ Chánh niệm ngay bây giờ và tại đây, không còn quan tâm về những gì đã xẩy ra trong quá khứ ( không còn phải quan tâm ta đã gieo nhân lành gì, nhân ác gì trong quá khứ ), cũng không còn quan tâm đến cái gì sẽ xẩy ra trong tương lai ( không còn phát nguyện để trở thành cái gì trong tương lai ).
Đa phần người học không có Chánh Tín về Nhân Quả theo lời dạy của Phật, tuy họ vẩn nghe thuyết giảng Tham Sân Si là nhân sanh Khổ, nhưng lời dạy đó giống như một gáo nước dội vào một khối sắt nóng đỏ, sẽ văng ra hoặc bốc hơi tức thì, không một chút nào đọng vào tâm trí họ. Nghe xong họ lại trở về với hiểu biết Vô minh từ vô thuỷ, Nguyên nhân Khổ không phải là Tham Sân Si mà : Khổ là do Hoàn cảnh nghèo đói, lạc hậu, thiếu tiện nghi … Khổ là do Nghiệp đã tạo tác trong quá khứ, Khổ là do thiếu phước đức, Khổ là do từ tiền kiếp chưa tích luỹ đủ các Ba la mật … Với hiểu biết như vậy, họ sẽ đi ra khỏi Nhân Quả mà Phật đã dạy: Tham Sân Si là Nhân sanh Khổ, họ sẽ không có Chánh Niêm : nhớ đến Tham Sân Si là nhân sanh Khổ, họ sẽ xa rời Bát Chánh Đạo. Những người như vậy, với hiểu biết như vậy họ sẽ thực hành tu tập để thành tựu phước báu để tương lai được giàu có, hạnh phúc, sống lâu, để kiếp sau được sinh cõi trời, để về thiên đường cực lạc, để tìm hạnh phúc tuyệt đối của Niết bàn. Họ sẽ tu tập cho tương lai, một kiếp vị lai nào đó chứ không phải cho Giải thoát ngay bây giờ và tại đây. Họ sẽ tụng kinh, niệm Phật, sám hối để tiêu trừ các Nghiệp chướng đã tạo trong quá khứ, sẽ bố thí, trì giới để tạo ra phước báo cho tương lai, để tích luỹ cho đủ các Ba la mật để kiếp tương lai Giác ngộ, để nhẫn nhục chịu đựng khổ đã tạo từ kiếp trước, để trả nghiệp quá khứ hoặc tu để chứng ngộ và thể nhập một Thế giới bản thể Chân Không hoặc một Bản Tâm không sinh không diệt nào đó chứ không phải tu để đoạn tận Tham Sân Si, đoạn tận Khổ ngay bây giờ và tại đây.
Vì không tin hiểu, không có Chánh Tín : Nhân sanh Khổ là Tham Sân Si nên mới đề ra : tu để chứng được các pháp Vô thường, Khổ, Vô ngã. Thực tánh các pháp là Vô thường, Vô ngã là điều Đức Phật đã dạy, nhưng các pháp là Khổ lại là hiểu biết điên đảo, xuyên tạc lời dạy về Sự Thật Khổ của Đức Thế Tôn. Nếu các pháp là Khổ, thì Khổ sẵn có, thường xuyên có, thường hằng, thường trú trong các pháp, Khổ là của các pháp. Như vậy khổ không có nhân, không có duyên, không thể thuyết minh được Duyên Khởi : Do cái gì có mặt mà Khổ có mặt, do cái gì không có mặt mà Khổ không có mặt. Điều này trái với sự thật là Thực tánh của Khổ phải Vô thường, Vô chủ. Nếu các pháp là Khổ thì Thánh hay Phàm đều khổ, sẽ không có Sự chấm dứt Khổ, sẽ không có Con đường chấm dứt Khổ. Nếu các pháp là Khổ thì Sự chấm dứt Khổ phải là Sự chấm dứt tất cả các pháp chứ không phải là Chấm dứt Tham Sân Si . Lý luận hơn nữa thì do các pháp Vô thường, sinh diệt nên các pháp là Khổ. Như vậy Nguyên nhân Khổ là do Vô thường sinh diệt lại là sự xuyên tạc trắng trợn lời dạy của Phật: Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si. Đức Phật chưa bao giờ giảng dạy Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là Khổ, Danh Sắc là Khổ, Các pháp là Khổ, mà ngay trong bài Kinh chuyển pháp luân, Ngài dạy : NĂM THỦ UẨN LÀ KHỔ. Nghĩa là Chấp Thủ Năm Uẩn sẽ phát sinh Khổ. Đức Phật là Bậc Chánh Đẳng Giác, Ngài đã tự mình giác ngộ Chân Lý, Ngài đã tuyên thuyết điều mình giác ngộ : Năm Thủ Uẩn là Khổ, Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si, Ngài không bao giờ thuyết giảng : Năm Uẩn là Khổ, Các pháp là Khổ do các pháp vô thường vì Ngài không thể tự mình lại mâu thuẩn với chính mình.
Một người trí Tin Sâu Nhân Quả : Tham Sân Si là nhân sanh Khổ sẽ tinh tấn thực hành Bát Chánh Đạo, cụ thể là thực hành Chánh Niêm về Thân Thọ Tâm Pháp và đặc biệt là Chánh Niệm : nhớ đến Tham Sân Si là nhân sanh Khổ ( Niệm Pháp ) thì khi Thấy, Nghe, Cảm Nhận đối tượng với Tỉnh Giác thì Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến sẽ tự động khởi lên, BIẾT Tham Sân Si là nguy hiểm, Tham Sân Si đối tượng sẽ khởi lên Khổ. Do THẤY như vậy, BIẾT như vậy mà Tham Sân Si không còn nhân duyên để khởi lên, Khổ không còn khởi lên. Nếu Chánh Niệm : nhớ đến Tham Sân Si là nhân sanh Khổ liên tục khởi lên, từ đối tượng này đến đối tượng khác, từ giây phút này đến giây phút khác thì người đó sẽ kinh nghiệm giải thoát khổ từ giây phút hiện tại này sang giây phút hiện tại khác không dừng nghỉ. Đó là Tuệ Quán trong giây phút hiện tại. Lúc đó sẽ không còn Truy Tìm Quá Khứ, không cần biết đến đã tạo tác nghiệp nào trong quá khứ, đã trả được bao nhiêu nghiệp, đã tích luỹ được bao nhiêu Ba la mật … không còn Ước Vọng Tương Lai, không cần một phước báo nào cho tương lai, không cần Ba la mật nào cho tương lai, không cần một sanh y nào cho tương lai…Lúc đó sẽ không có đời trước, không có đời này, không có đời sau, không có khoảng giữa của hai đời. Đó chính là Sự đoạn tận khổ đau.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *