Thấy các Pháp đang là – Là cái gì?

Thấy các pháp đang là hay thấy các pháp như chúng đang là, là một câu nói rất thời thượng trong giới tu tập Phật giáo hiện nay và được xem là cách tu tập đúng đắn, hiệu quả nhất của Phật giáo. Và để giải thích cho mệnh đề chính này có mệnh đề phụ ngay sau đó là: Thấy các pháp đang là chứ không phải thấy các pháp đã là, sẽ là hay phải là.

Câu này đã giải thích rõ là tu tập là để thấy các pháp trong hiện tại, ngay bây giờ và tại đây chứ không phải là thấy pháp đó trong quá khứ đã từng như thế nào hay thấy pháp đó trong tương lai sẽ như thế nào hay muốn nó bây giờ phải biến đổi ra như thế này hay như thế kia.

Cách hiểu này trái với sự thật là: Mọi đối tượng mà Phàm hay Thánh thấy biết đều là pháp hiện tại đang là, ngay bây giờ và tại đây chứ không phải Thánh thì thấy biết đối tượng đang là, ngay bây giờ và tại đây. Còn Phàm thì thấy biết đối tượng trong quá khứ hay trong tương lai nên Phàm phải tu tập để thấy biết pháp đang là, ngay bây giờ và tại đây. Vì sao vậy? Vì quá khứ thì đã qua nên không thể thấy pháp quá khứ, tương lai thì chưa tới nên không thể có pháp tương lai để mà thấy. Chỉ có thể thấy pháp hiện tại thôi, kể cả những sự kiện thuộc quá khứ hoặc tương lai được nghĩ đến cũng là những pháp đang xẩy ra trong hiện tại ngay bây giờ và tại đây. Đó chính là Cảm giác pháp trần do Ý căn tương tác với thông tin Pháp trần trong bộ nhớ tâm thức phát sinh, nó là pháp hiện tại, phát sinh ngay bây giờ và tại đây, nó không phải là pháp trong quá khứ, tuy nó có vẻ na ná, từa tựa, giông giống pháp đã từng xẩy ra trong quá khứ.

Tu để thấy pháp đang là có vẻ rất thời thượng nhưng lại hết sức mơ hồ và cái gì càng mơ hồ thì lại càng hấp dẫn vô minh bấy nhiêu. Mơ hồ chỗ nào? Mơ hồ ở chỗ pháp đang là đó là cái gì? Không có câu trả lời nào cả.

Đối với người hiểu đúng sự thật Tứ thánh đế và tu tập đúng sự thật Bát chánh đạo thì có hai cách để thấy biết ĐÚNG SỰ THẬT các pháp đang là:

*Một là: Khi thực hành Chánh niệm về thân (Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận cảm giác toàn thân hay Nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân) gọi là tu Chỉ thì chỉ có tâm biết trực tiếp giác quan Ghi Nhận hay Nhận Biết đối tượng đang là, không có tâm biết ý thức khởi lên. Lúc đó gọi là Tỉnh giác, tức chỉ có Nhãn thức ghi nhận đối tượng Hình ảnh; Nhĩ thức ghi nhận đối tượng Âm thanh; Tỷ thức ghi nhận đối tượng Mùi; Thiệt thức ghi nhận đối tượng Vị; Thân thức ghi nhận đối tượng Xúc chạm; Tưởng thức ghi nhận đối tượng Pháp trần.

*Hai là : Khi thực hành Chánh niệm về Thọ, về Tâm, về Pháp gọi là tu Quán (Nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thọ nơi Thọ, Tâm nơi Tâm, Pháp nơi Pháp) thì sau khi tâm biết trực giác ghi nhận hay nhận biết đối tượng thì tâm biết Ý thức Chánh kiến khởi lên BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT đối tượng đó là Cảm thọ, do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó là Tâm chứ không phải thế giới vật chất, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ), nó có vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly.

Sự thực hành Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo là để kinh nghiệm, thân chứng, an trú Tỉnh giác và Chánh kiến để THẤY BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT các pháp đang là. Mục đích để làm gì? Để chấm dứt THẤY BIẾT KHÔNG ĐÚNG SỰ THẬT của Phàm phu về các pháp đang là. Đó là Thấy bởi tâm biết trực tiếp giác quan nhưng lại Biết đối tượng đang là, là thế giới vật chất ( Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp ) nó sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú, có thể làm chủ, sở hữu, điều khiển nó ( chấp thường, chấp ngã ). Thấy biết này là vô minh, là nguyên nhân phát sinh tham sân si, phát sinh ràng buộc, phát sinh phiền não.

Thiền sư Nguyên Tuệ (13.8.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *