Tham Nhũng – Bát Chánh đạo

Hầu như mọi người đều nhận thức Tham nhũng là một vấn nạn của xã hội loài người từ xa xưa cho đến ngày nay, một vấn nạn làm nhức nhối tâm can bao người. Và cũng từ xa xưa con người cũng đã đề ra rất nhiều phương cách để chấm dứt nạn tham nhũng nhưng cho đến ngày nay không những nó không chấm dứt mà nó còn có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Vậy tham nhũng là gì? Tham Nhũng là 2 từ ghép giữa Tham và Nhũng, nội dung diễn tả một quá trình nhân quả trong nội tâm con người. Đó là Tham hay Thích một cái gì thì sẽ Muốn có cái đó và do Muốn có cái mình thích thì sẽ Nhũng Nhiễu, sẽ gây khó dễ cho người khác để có được cái mình thích.

Đa phần thì cho rằng chỉ có người có chức, có quyền mới Tham và Nhũng . Vì thế tham nhũng gây khó dễ cho đời sống nhân loại, cản trở sự phát triển, phân tán các nguồn lực đầu tư, gây ra các hậu quả nghiêm trọng… Có người nhìn rộng hơn thấy rằng Tham và Nhũng xẩy ra trong mọi lĩnh vực đời sống và không những người quyền cao chức trọng tham nhũng mà nó phát triển ở mọi tầng lớp, mọi vị trí. Ví dụ như có người nhận xét là nền giáo dục ngày càng tồi tệ, đạo đức xuống cấp trầm trọng nguyên nhân sâu xa là do tham nhũng.

Để giải quyết vấn nạn tham nhũng nhân loại nhận thức rằng phải hoàn thiện thể chế, hoàn thiện luật pháp, phải minh bạch, phải có sự chế tài nghiêm minh. Và như vậy hệ thống nhà nước , các bộ luật hình sự, dân sự, các bộ máy lập pháp, hành pháp như quốc hội, toà án, cảnh sát, nhà tù … ra đời và ngày càng hoàn thiện để diệt trừ tham nhũng. Nhưng xem ra lịch sử chống tham nhũng của nhân loại cho dù nhà nước quân chủ hay dân chủ có thể chế tài được một số tham nhũng ở dạng thô nhưng lại làm phát sinh tham nhũng tinh vi, vi tế chứ không chấm dứt được tham nhũng. Vì sao vậy ? Vì nhận thức tham nhũng còn thuyết sót còn phiến diện, còn mâu thuẩn còn sai lạc.

– Một là :Tham và Nhũng không chỉ tham nhũng về Vật chất mà còn có tham nhũng Tinh thần. Tham nhũng vật chất là Tham muốn hạnh phúc vật chất do tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, tiện nghi gọi là Tham Lợi nên nhũng nhiễu gây khó dễ, cản trở công việc, làm người khác đau khổ, làm cho mình đau khổ. Tham nhũng Tinh thần là tham muốn hạnh phúc tinh thần do danh tiếng, quyền lực, hơn thua … gọi là Tham Danh nên nhũng nhiểu, tranh chấp, làm hại người khác làm người khác đau khổ, làm cho mình đau khổ. Ví như trên mạng xã hội, tuy không quen biết nhau nhưng vì tham danh, vì hơn thua nên nhảy vào bình luận, trang cãi, tranh đấu, cạnh tranh nhau, mạt sát nhau, tàn sát nhau bằng binh khí ngôn từ, binh khí miệng lưỡi. Đó chính là tham nhũng, là do tham danh mà nhũng nhiễu người khác và kết quả khổ mình, khổ người. Trong hai loại Tham nhũng này, Tham Lợi chi phối con người rất ghê gớm nhưng thô, dễ thấy dễ biết còn Tham Danh rất vi tế nên khó thấy khó biết, nhưng nó lại chi phối con người nhiều hơn và thảm hoạ nó gây cho con người kinh khủng hơn.

– Hai là :Tham nhũng là tham muốn vật chất và tinh thần đưa đến nhũng nhiễu, cản trở, làm hại, gây khổ sở cho người khác nhưng cũng gây hậu quả đau khổ cho chính mình không chỉ riêng người có chức có quyền mà nó xẩy ra với mọi con người ( chỉ ngoại trừ các bậc thánh đã giác ngộ )với các hình thức, mức độ và hậu quả khác nhau mà thôi. Ví như một người do thích ( tham ) và muốn có tiền bạc nên ( nhũng ) móc túi lấy cắp tiền bạc của người khác. Đó cũng là tham nhũng đúng theo nghĩa đen của từ này.

– Ba là : Con người mâu thuần ngay trong nhận thức : Đó là vừa muốn chấm dứt tham nhũng vừa ca ngợi để tăng trưởng tham nhũng. Điều này thể hiện ở chỗ, tất cả nhân loại, từ truyện cổ tích dân gian đến văn học điện ảnh, thi ca âm nhạc, triết học đến chuyện tán gẫu hàng ngày đều ca ngợi, vinh danh Hạnh phúc vật chất, Hạnh phúc tinh thần do sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái … từ thế giới ngoại cảnh mà có, mặc định rằng chỉ có Hạnh phúc đó mới chấm dứt được đau khổ. Sự việc đó biểu hiện nhân loại đang trực tiếp kích thích tham muốn có được hạnh phúc đó. Và để có được các thứ Hạnh phúc vật chất, tinh thần đó thì phải lao tâm khổ trí, phải sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối… vì thế mà cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, vợ chồng tranh đoạt nhau, hàng xóm láng giềng tranh đoạt nhau, quốc gia này tranh đoạt với quốc gia kia, người ta đâm chém, gài bẩy, lừa lọc nhau… Vì tham muốn hạnh phúc đó mà con người đang nhũng nhiễu nhau, tàn hại nhau, gây đau khổ cho nhau. Đó chính tham nhũng. Đây là mâu thuẩn trong đời sống nhân loại vừa muốn chấm dứt tham nhũng vừa khuyến khích tham nhũng.

– Bốn là : Giải quyết tham nhũng của nhân loại đang giải quyết cành ngọn chứ không giải quyết gốc rễ. Các bộ máy lập pháp hành pháp, các bộ luật dân sự hình sự, toà án, cảnh sát, nhà tù … của mỗi quốc gia có nhiệm vụ chế tài tham nhũng, bảo đảm cho người dân sống yên lành, không bị nhũng nhiễu bởi hành vi tham nhũng của mọi đối tượng. Tuy các quốc gia đã làm cho nhiều người dân tự giác, không tham nhũng, nhũng nhiều và cũng chế tài được rất nhiều hành vi do tham mà nhũng nhiễu người khác bằng các bản án hình sự và dân sự nhưng hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu không chấm dứt mà nó ngày càng tinh vi hơn. Cho dù các bộ luật có hoàn chỉnh đến mức độ nào, ngăn chặn và chế tài tội phạm đến mức độ nào thì quốc hội các nước vẫn liên tục ra thêm các bộ luật, bổ sung các điều luật để đối phó với các loại tội phạm mới xuất hiện tinh vi hơn do trí óc con người tìm cách lách qua các điều luật cũ ngày càng thông minh hơn. Vì sao vậy ? Vì chống tham nhũng như vậy mới chỉ nơi cành ngọn chưa phải nơi gốc rễ. Chặt cành ngọn tham nhũng này cây đó sẽ tiếp tục mọc ra cành ngọn tham nhũng khác vì gốc rễ vẫn còn nguyên vẹn, còn được nuôi dưỡng. Chỉ khi nào gốc rễ của cái cây tham nhũng được đào bới lên, được chặt bỏ đi thì mọi cành ngọn tham nhũng mới bị đoạn tận.

– Năm là Gốc rễ của tham nhũng là ở Nội tâm chứ không phải nơi Ngoại cảnh. Chính Tham ái Hạnh phúc vật chất và Hạnh phúc tinh thần do sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái … của thế giới ngoại cảnh khởi lên mới làm phát sinh Hành vi nhũng nhiễu gây hại người khác. Vậy NGUYÊN NHÂN THAM NHŨNG THUỘC VỀ NỘI TÂM chứ không thuộc về THẾ GIỚI NGOẠI CẢNH. Vậy để chấm dứt tham nhũng bằng cách thức hiện nay của nhân loại chỉ nhiếp phục, đè nén tham nhũng chứ không thể giải quyết tận gốc tham nhũng vì cái gốc của tham nhũng là Tham ái đã được lập trình và cài đặt trong bộ nhớ tâm thức nhân loại. Hễ Căn Trần tiếp xúc phát sinh lộ trình tâm thì cái lập trình tham ái, tham nhũng được kích hoạt và tự động khởi lên không ai có thể làm chủ, điều khiển được nó ( vô chủ vô sở hữu ).

– Sáu là : Trong lịch sử nhân loại chỉ có một con người duy nhất, độc nhất vô nhị đã khám phá và truyền dạy phương pháp chấm dứt GỐC RỄ THAM NHŨNG, đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã khám phá và truyền dạy Tứ Thánh Đế và Bát Chánh Đạo. Những ai học, hiểu và thực hành đúng Tứ Thánh Đế và Bát Chánh Đạo đã đạt được Chánh định với mức độ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền sẽ kinh nghiệm được trạng thái Vui và Thoải mái mà thuật ngữ Phật học gọi là Hỷ Lạc. Đó là một thứ Hạnh phúc kỳ diệu khác hẳn Hạnh phúc vật chất và tinh thần khởi lên từ thế giới ngoại cảnh mà nhân loại tham muốn. Hạnh phúc kỳ diệu này do Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – Tỉnh giác mà khởi lên, là thứ Hạnh phúc phát sinh từ Nội Tâm chứ không phải do lao tâm khổ trí, không phải do giành giật cạnh tranh, không phải do nhũng nhiễu với thế giới bên ngoài mà có. Hễ có sự chú tâm liên tục với hai loại chú tâm có tầm có tứ và chú tâm không tầm không tứ là nó khởi lên liền. Người nào kinh nghiệm và an trú được thứ Hạnh phúc do Chánh định khởi lên này sẽ không còn tham muốn, không còn tìm cầu Hạnh phúc vật chất và tinh thần mà thế gian tham muốn và người đó sẽ KHÔNG CÒN THAM NHŨNG bất kỳ cái gì ở trên đời.

Trạng thái Chánh định mà Đức Phật khám phá ra và truyền dạy 2600 năm trước được Ngài khẳng định trong kinh điển là chứng được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền một cách không khó khăn, một cách không mệt nhọc, một cách không phí sức. Lời dạy đó đã bị tam sao thất bản nên người học Phật ngày nay cho rằng chứng được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền là điều không thể, giống như mò kim đáy biển vậy. Những ai có duyên có thể tham dự khoá tu học online 6 buổi, 13 buổi hay khoá tu học trực tiếp 2 ngày, 4 ngày, 9 ngày của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Gosinga thì sau một thời gian tích cực thực hành đa phần sẽ kinh nghiệm được chỉ cần một hơi thở vô ra là đã vào được sơ thiền, chỉ cần một hơi thở vô ra là có thể vào thẳng nhị thiền hoặc tam thiền.

Thiền sư Nguyên Tuệ (27.5.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *