TÁNH KHÔNG – Bát Chánh đạo

TÁNH KHÔNG
Trong Tăng Chi Bộ Kinh chương hai pháp, phẩm Hội chúng có nêu rõ : “Ở đây, này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo đối với các kinh điển do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến Không, khi các kinh điển ấy được thuyết giảng, họ không khéo nghe, không lóng tai, không an trú tâm để hiểu biết chúng, không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải lãnh thọ, cần phải học thuộc lòng. Nhưng đối với các kinh điển thi văn do thi sĩ làm ra, với các nguyên âm hoa mỹ, với các phụ âm hoa mỹ, các kinh thuộc ngoại giáo, được các đệ tử ngoại giáo nói lên, khi các kinh điển ấy được thuyết giảng, họ khéo nghe, khéo lóng tai, họ an trú tâm để hiểu biết chúng, họ nghĩ rằng các pháp ấy cần phải lãnh thọ ,cần phải học thuộc lòng”
Vậy những Kinh nào thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không? Trong 45 năm thuyết giảng Đức Thế Tôn chỉ nói về Duyên Khởi và Tứ Thánh Đế. Thực chất là Duyên Khởi lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu và Duyên Khởi lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh. Trên Bát Tà Đạo có sự thật về Khổ và sự thật Nguyên nhân Khổ tức Khổ Đế và Tập Đế. Trên Bát Chánh Đạo có sự thật Khổ Diệt và Con Đường đưa đến Khổ Diệt tức Diệt Đế và Đạo Đế. Khổ Đế và Tập Đế là hai sự thật thuộc về Thế gian, Diệt Đế và Đạo Đế là hai sự thật thuộc Xuất Thế gian hay là Siêu Thế. Những Kinh thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, liên hệ đến Không là những Kinh có đề cập Diệt Đế, đề cập đến chứng ngộ Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát. Đây là những kinh đề cập đến nghĩa Không, là chứng ngộ của bậc Thánh. Trong Trung Bộ Kinh có kinh Tiểu Không và Đại Không liên hệ trực tiếp tới nghĩa Không, nhưng không phải chỉ có như vậy mà Đức Phật đề cập tới nghĩa Không với rất nhiều chỗ khác nữa. Nghĩa Không này chính là Niết bàn, là sự không có mặt, sự trống không các pháp hữu vi (Phi Hữu ) .Đó là : Không, Vô Tướng, Vô Tác, Vô Ngã, Vô Thường, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Không Khổ, Không Nguyên nhân Khổ, Không Ràng buộc, Không nắm giữ, Không xua đuổi, Không Sinh Già Bệnh Chết. Đối với vị hữu học, Chánh Kiến trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ chứng ngộ và an trú một phần Không này còn vị vô học, Chánh Kiến đã chứng ngộ và an trú hoàn toàn Không này.( Vô cũng có nghĩa là Không). Các nghĩa Không này có thể được thuyết minh trong ba cái Không chính, đó là Không, Vô Tướng, Vô Tác. Và thế nào là Không, Vô Tướng, Vô Tác hay là Không Giải Thoát, Vô Tướng Giải Thoát, Vô Tác Giải Thoát ?
1- Tâm Không Tánh và Không Giải Thoát: Tâm biết của con người có hai loại : Tâm biết trực tiếp giác quan và Tâm biết Ý thức mà trong Tâm lý học gọi là Nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính. Tâm biết trực tiếp giác quan hay Nhận thức cảm tính bao gồm : Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thưc và Tưởng thức chính là thấy ( nhãn thức) ,nghe ( nhĩ thức ), cảm nhận ( tĩ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức) các đối tượng. Đối với người Phàm sau khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng, sẽ suy nghĩ ( tư duy) về đối tượng để xác định đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận là cái gì, tính chất ra sao, sẽ đối chiếu Ta với đối tượng, sẽ so sánh Ta hơn , kém hay bằng đối tượng. Trong Kinh Pháp Môn Căn Bản, Đức Phật gọi cái thấy, nghe, cảm nhận đó là Tưởng tri và suy nghĩ đưa đến tâm biết Ý thức kia là Thức tri và khẳng định Ý thức là không liễu tri tức hiểu biết không đúng sự thật về đối tượng. Trong lộ trình tâm Bát Tà Đạo của người Phàm ,Tưởng tri khởi lên thì Ý thức cũng khởi lên ngay, nên phát sinh Thái độ và Phản ứng với đối tượng. Vì thế ngừoi Phàm không thể nào tách bạch Tâm biết trực tiếp ra khỏi Tâm biết Ý thức nên không thể nào kinh nghiêm được Tâm biết trực tiếp một cách minh bạch được.
Đối với một Hành giả thưc hành Tứ Niệm Xứ đặc biệt là khi Niệm Thân thì khi một cảm giác ( cảm thọ ) khởi lên, sau khi thấy, nghe, cảm nhận cảm thọ ấy ,Chánh Niệm nhớ đến chú tâm quán sát các cảm thọ nơi thân( đối với Niệm Thân ) khởi lên, thì sẽ phát sinh Chánh Tinh Tấn. Chánh Tinh Tấn này sẽ làm phát sinh sự chú tâm quán sát các cảm thọ ấy. Sự chú tâm liên tục từ cảm giác này sang cảm giác khác theo thứ tự sinh diệt của chúng làm phát sinh trạng thái Chánh Định và do sự chú tâm này mà lộ trình tâm sẽ dừng lại Tâm biết trực tiếp Ghi nhận đối tượng. Sự chú tâm gọi là Chánh Định này không những làm cho lộ trình tâm kết thúc tại đấy mà nó còn là nhân duyên cho lộ trình tâm sau cũng trên đối tượng đó sinh khởi. Diễn tiến như vậy cứ tiếp tục cho nên có rất nhiều lộ trình tâm giống nhau trên Căn Trần ấy liên tiếp xẩy ra. Khi có một Xúc khác mạnh hơn xẩy ra thì lộ trình tâm trên đối tượng đó kết thúc và diễn tiến tương tự sẽ xẩy ra trên đối tượng mới. Do các lộ trình tâm diễn tiến như vậy nên Tâm biêt trực tiếp được “kéo dài ” ra và không có Tâm biết Ý thức nên Hành giả sẽ kinh nghiệm được Tâm biết trưc tiếp sẽ Ghi nhận đối tượng một cách trọn vẹn, minh bạch. Lộ trình tâm này được diễn tả như sau:
Xúc – <Thọ( Cảm giác) – Tưởng > – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác)
Tâm biết trực tiếp ( thấy, nghe, cảm nhận ) trong trường hợp như vậy không còn gọi là Tưởng tri nữa mà gọi là Thắng tri như Kinh Pháp Môn Căn Bản hay gọi là Tĩnh Giác. Hãy hình dung một đứa trẻ mới đẻ, tức thì sáu căn nó tiếp xúc sáu trần, lúc đó nó vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn cảm nhận các đối tượng nhưng nó không biết đó là cái gì vì Ý thức của nó chưa khởi lên được. Đây là tâm biết trực tiếp thuần tuý không có Ý thức đan xen vào. Tâm biết Tĩnh Giác cũng y như vậy, là tâm biết ghi nhận đúng sự thật các cảm thọ ở mức độ cảm tính. Tâm biết này do Căn Trần tiếp xúc phát sinh ra, không do học hỏi, là cái biết không tri thức khái niệm, không ngôn ngữ chế định, không phân biệt. Vì tánh chất của nó là “VÔ NIỆM, VÔ NGÔN, VÔ PHÂN BIỆT” nên tâm biết này còn có một tên gọi khác là Không tánh. Gọi là Không Tánh bởi tâm biết này không tri thức khái niêm ,không phân biệt đối đãi, không ngôn ngữ chế định, không có khái niệm vuông tròn, to nhỏ, dài ngắn, xanh vàng đỏ trắng, không cò khái niệm mặn ngọt chua cay, không có khái niệm mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có khái niệm sắc thanh hương vị xúc pháp, không có khái niệm nhãn giới cho đến ý thức giới, không có khái niệm vô minh cũng như hết vô minh, không có khái niệm khổ tập diệt đạo, không có khái niệm chứng đắc … .Khi an trú Không Tánh này Chánh Kiến sẽ kinh nghiệm được, Tâm biết Tĩnh giác hay Không tánh chỉ Ghi nhận những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận, mà không tìm hiểu, không nhận xét, không đánh giá đối tượng. Vì thế, không yêu thích, không chán ghét, không dính mắc ,không ràng buộc, không phiền não. Đây chính là Giải Thoát và gọi là Không tánh Giải thoát hay Không Giải Thoát. Giải thoát này nhờ có Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định mà chứng ngộ và an trú, và ba chi phần này thuộc về Định của Bát Chánh Đạo nên còn gọi là Tâm Giải Thoát. Đời sống các vị đã Giác Ngộ phần lớn an trú Không Giải Thoát này ngoại trừ khi phải giảng dạy, truyền bá Giáo pháp.
2- Tâm Vô Tướng và Vô Tướng Giải Thoát hay Không Tướng Giải Thoát: Một Hành Giả thực hành Tứ Niệm Xứ, khi Niệm Thọ, Niệm Tâm hoặc Niệm Pháp thì khi các cảm thọ và tâm biết trực tiếp khởi lên, thì Chánh Niệm : nhớ đến quán sát đối tượng ấy là Thọ( đối với Niệm Thọ), các loại tâm ( đối với Niệm Tâm ), nhớ đến quán sát đối tượng ấy vô thường, vô ngã, ly tham, buông xã ( đối với Niệm Pháp ) vv … khởi lên làm phát sinh Chánh Tinh Tấn . Chánh Tinh Tấn làm phát sinh sự chú tâm liên tiếp các đối tượng ( gọi là Chánh Định ) và ghi nhận đối tượng với tâm biết Tĩnh Giác rồi Chánh Tư Duy khởi lên sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu thông tin về đối tượng được Tĩnh Giác cung cấp với những thông tin trong “kho chứa”( bao gồm Lý Duyên Khởi, Vô thường, Vô ngã, Khổ Tập Diệt Đạo ) đã được Pháp học lưu vào và được Chánh Niệm kích hoạt lên. Chánh Tư Duy như vậy sẽ phát sinh tâm biết Ý thức, biết đúng như thật đối tượng gọi là Chánh Kiến, biết đối tương đó là Thọ, là các loại Tâm, đối tượng đó Vô thường, Vô ngã, không có Tham Sân Si với đối tượng …Chánh Kiến như vậy khởi lên thì cũng kinh nghiệm được không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ luỵ đối với những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức. Chánh Kiến còn có một tên gọi khác là Vô Tướng vì Chánh Kiến biết rõ các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là Tâm chứ không phải Cảnh. Và vì Cảnh thì có tướng còn Tâm thì Vô Tướng nên tâm biết Ý thức Chánh kiến còn được gọi là Tâm Vô Tướng. An trú Tâm Vô Tướng này chính là an trú Giải Thoát và giải thoát này gọi là Vô Tướng Giải Thoát hay là Tuệ Giải Thoát. Chánh Kiến hay Tâm Biết Vô Tướng không phải là Trí vô sư, không phải như Tâm biết Không tánh, không do học hỏi mà có, mà nó được phát triển đúng theo lộ trình Văn-Tư-Tu mới chứng ngộ và an trú Tâm biết Vô Tướng. Tuy Đức Phật không thầy chỉ dạy nhưng sự sắc sảo của Ngài đã giúp Ngài tự học bằng sự quán sát Sự Thật, các bậc Thanh Văn thì phải theo trình tự Văn – Tư – Tu mà Ngài đã chỉ dạy. Chánh Kiến là tâm biết Ý thức nên vẫn là cái biết có tri thức khái niệm, có phân biệt đối đãi, có ngôn từ chế định nhưng là tâm biết Ý thức đúng như thật, không phải như tâm biết Ý thức Vô minh của Phàm phu. Chỉ có Chánh kiến ( Minh) mới giác ngộ Tứ Thánh Đế mới xoá bỏ được Vô Minh( Thường kiến, Ngã kiến) trong “kho chứa”, mới đạt thành đạo quả A La Hán. Chính vì vậy Không Tướng( Vô Tướng) là Đại Không còn Không Tánh là Tiểu Không. Lộ trình tâm diễn tiến như sau:
Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến.
3- Vô Tác và Vô Tác Giải Thoát (không tạo tác ): Lộ trình Bát Chánh Đạo có trường hợp dừng lại Tĩnh Giác và an trú Không Giải Thoát, có trường hợp dừng lại Chánh Kiến thì an trú Vô Tướng Giải Thoát nhưng cũng có khi phát sinh lời nói ,hành động gọi là Chánh ngữ, Chánh nghiệp ,Chánh mạng và như vậy toàn bộ Tám chi phần khởi lên đầy đủ. Lộ trình như sau:
Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng do Chánh Kiến, do Trí Tuệ khởi lên không có Tham Sân Si nên không còn tạo tác, không còn là Nghiệp nhân như Tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng của Phàm phu làm phát sinh khỗ nữa, nên gọi là Vô Tác Giải Thoát.
Như vậy Tánh Không bao gồm : Không, Vô Tướng, Vô Tác là Tánh Không của tâm Bát Chánh Đạo, là Tánh Không của Tâm Thức, chứ không phải là Tánh Không của Thế giới, Tánh Không của Vũ trụ như các trường phái Phật giáo sau này chủ trương.
Thực tại của bậc Thánh tức là Tâm Bát Chánh Đạo và chỉ bậc Thánh mới giác ngộ Tánh Không còn Phàm phu thì Thực tại là Tâm Bát Tà Đạo không thể có Tánh Không mà chỉ có Tánh Vô Minh, Tánh Chấp Thủ. Vì thế không thể xẩy ra chuyện Kiến Tánh thành Phật nơi Tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu mà muốn Kiến Tánh thành Phật thì phải có Pháp học, Pháp hành đầy đủ, chính xác theo lộ trình Văn – Tư – Tu mới khởi lên Thực Tại Bát Chánh Đạo của bậc Thánh, mới giác ngộ Tánh Không.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *