Sống với Tứ Niệm Xứ là làm tốt việc của mình, không xen vào việc của người

Tu tập Tứ Niệm Xứ để khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế không chỉ là một phương pháp tu tập mà hơn thế nữa, nó là một lối sống. Lối sống với Trí nhớ chánh hay thuật ngữ Phật học là Chánh niệm, đó là:

  • Sống trú quán thân nơi thân với Chánh niệm Nhiệt tâm Tỉnh giác để nhiếp phục tham ưu trong đời,
  • Sống trú quán thọ nơi thọ với Chánh niệm Nhiệt tâm Tỉnh giác để nhiếp phục tham ưu trong đời,
  • Sống trú quán tâm nơi tâm với Chánh niệm Nhiệt tâm Tỉnh giác để nhiếp phục tham ưu trong đời,
  • Sống trú quán pháp nơi pháp với Chánh niệm Nhiệt tâm Tỉnh giác để nhiếp phục tham ưu trong đời.

Lối sống này là lối sống thích nghi, lối sống chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây, lối sống này phát sinh kết quả:

  1. Một là làm tốt việc của mình
  2. Hai là không xen vào việc của người khác
  3. Ba là không lo chuyện trời đất, chuyện thiên hạ

Sống với Tứ niệm xứ

1- Một: Thế nào là làm tốt việc của mình

Khi tu tập Tứ niệm xứ là Nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thân, quán sát Thọ, quán sát Tâm, quán sát Pháp ( Pháp mà Đức Phật thuyết giảng ) lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên nơi vị đó:

XÚC- [Thọ – Tưởng]- Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – (Tỉnh giác)- Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Như lý tác ý – {Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng}.

Lúc đó vị đó thấy, nghe, cảm nhận đối tượng gọi chung là THẤY, với tâm biết trực tiếp giác quan thuần tuý, không có tri thức khái niệm, không có ngôn từ, không có phân biệt (vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt ) chỉ ghi nhận hay nhận biết đối tượng và gọi cái thấy đó là TỈNH GIÁC. Và vị ấy BIẾT đối tượng với tâm biết ý thức CHÁNH TRI KIẾN, biết đúng sự thật về đối tượng.

Do THẤY NHƯ VẬY, BIẾT NHƯ VẬY vị đó kinh nghiệm được không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy, không có khổ, không có vui với bất kỳ đối tượng nào. Tuy với bất kỳ tư thế nào, khi đi đứng ngồi nằm, với bất kỳ công việc gì vị đó đều kinh nghiệm không thích ghét, không khổ vui với bất kỳ đối tượng nào, bất kỳ công việc nào nhưng nhờ Chánh tinh tấn – Chánh định vị đó tích cực chú tâm liên tục vào các cảm giác trên thân, chú tâm liên tục vào công việc nên 80% những suy nghĩ linh tinh, vô bổ, vô ích làm cho phân tâm đưa đến phiền não, đưa đến lơ là công việc được chấm dứt nên công việc được hoàn thành nhanh hơn, tốt hơn gấp bội.

Làm việc với sự chú tâm liên tục trong trạng thái Chánh định tuy nội tâm vắng lặng thích ghét, vắng lặng khổ vui với các đối tượng bên ngoài nhưng sẽ có Tích cực, Vui và Thoải mái mà thuật ngữ Phật học gọi là Tinh tấn, Hỷ và Lạc của Chánh định do sơ thiền, nhị thiên, tam thiền, tứ thiền từ nội tâm phát sinh.

Làm mọi việc với tâm thế Tích cực, Vui, Thoả mái từ nội tâm phát sinh thì sẽ không nhác nhớn, không uể oải, không chán nản, chắc chắn là sẽ hoàn thành tốt công việc.

Làm tốt việc của mình là làm việc với Tích cực, Vui, Thoả mái phát sinh từ nội tâm chứ không phải làm với thành công, với kết quả xuất sắc. Làm việc với tâm thái Tích cực, Vui, Thoải mái nhưng kết quả cũng có thể thành công, cũng có thể thất bại chứ không phải bao giờ cũng thành công nhưng thành công hay thất bại không còn chi phối vị đó, không còn làm vị ấy buồn vui.

Không những làm tốt việc của mình là làm với tâm thái Tích cực, Vui và Thoải mái từ nội tâm phát sinh (không phải là Tích cực, Vui và Thoải mái do Thích thú công việc, từ đối tượng bên ngoài phát sinh) mà làm tốt việc của mình còn làm tốt với lời nói, hành động cư xử với các đối tượng bên ngoài đúng với sự thật không còn bị thích ghét hay tham sân si chi phối.

Đó là lời nói, hành động đúng mực, tử tế, bi mẩn với đối tượng mà thuật ngữ Phật học gọi là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

Đó là làm tốt việc của mình. Và phải hiểu rằng, việc cần làm của một đời người chỉ có một việc duy nhất là LÀM CHO MÌNH HẾT KHỔ và có thêm chút nữa là LÀM CHO MÌNH HẾT KHỔ ĐƯỢC VUI nhưng lưu ý một chút, Vui ở đây là Vui từ nội tâm do Chánh định khởi lên không phải cái Vui mà phàm phu mê đắm, cái Vui do sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái, cái Vui do Danh Lợi phát sinh.

2- Hai: Thế nào là không xen vào việc người khác

Khi thực hành Tứ niệm xứ khởi lên lộ trình tâm Bát chánh đạo, Thấy là Tỉnh giác và Biết là Chánh tri kiến thì sẽ không nhận xét, không đánh giá đối tượng, không thích ghét, không khổ vui với đối tượng nên không xen vào, không can thiệp vào việc của người khác.

Có thể có lúc, có nơi có lời nói, hành động cư xử với đối tượng nhưng với Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng phát sinh từ Chánh tri kiến, từ tư tưởng vô chủ, vô sở hữu hay vô ngã thì không còn tư tưởng áp đặt, tư tưởng làm chủ, tư tưởng điều khiển đối tượng nên không xen vào việc của người khác.

Lúc đó có nói năng hành động gì với đối tượng thì vẫn là không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy với đối tượng đó. Đó chính là không xen vào việc người khác.

3- Ba: Thế nào là không lo chuyện trời đất, không lo chuyện thiên hạ:

Sống với Tứ niệm xứ không phải là bịt mắt lại để không thấy, bịt tai lại để không nghe, bịt miệng lại để không nói mà là Thay Đổi THẤY VÀ BIẾT, từ Thấy là Tưởng tri và Biết là Tà tri kiến của Phàm phu thành Thấy là Tỉnh giác và Biết là Chánh tri kiến của bậc Thánh. Người sống với Tứ niệm xứ Thấy đối tượng là Tỉnh giác, là Không Tánh ( Tánh không ), Biết đối tượng là Chánh tri kiến, là Không tướng ( Vô tướng ) nên không phiền não, khổ vui với bất kỳ cái gì trên đời, không lo lắng, sợ hãi, không liên quan đến bất kỳ chuyện gì trên đời.

Đó là không lo nghĩ chuyện trời đất, chuyện thiên hạ. Sống với Tứ niệm xứ là sống với Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát là giải thoát khỏi khổ đau, là đạt đến mục đích sống, mục đích cuộc đời. Và khi đã đạt đến mục đích cuộc đời, đang trú ngụ nơi mục đích cần đến thì đâu còn đi tìm kiếm cái gì nữa nên không còn lo chuyện trời đất, chuyện thiên hạ là vậy.

Phàm phu không sống với Tứ niệm xứ, không sống với Bát chánh đạo mà sống với Tà niệm, với Bát tà đạo với cái THẤY là Tưởng tri và cái BIẾT là Tà tri kiến là vô minh, chấp ngã, là hiểu biết sai sự thật, là tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu, tư tưởng điều khiển nên không bao giờ làm tốt việc của mình là HẾT KHỔ ĐƯỢC VUI. Tuy rằng có Vui nhưng Vui đó bản chất là vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn, Vui đó chỉ đổi khổ này lấy khổ khác mà thôi.

Lối sống đó chỉ xoay quanh thích ghét, xoay quanh hai cực đoan yêu thương và thù hận ( yêu thương đối tượng này, chán ghét thù hận đối tượng kia ) và lời nói hành động với đối tượng hoàn toàn thiên vị bởi thích ghét, bởi tham sân. Đó chính là xen vào việc của người khác và rộng hơn là lo lắng, buồn vui vì chuyện của trời đất, chuyện của thiên hạ.

Ví như, hàng ngày vào mạng internet rồi với lộ trình tâm Bát tà Đạo, yêu thương bênh vực người này bằng đủ thứ suy diễn, tưởng tượng, chán ghét thù hận rồi đả kích, miệt thị, đặt điều để hạ gục người kia … rồi buồn vui vì chuyện đó. Đó chính là lo lắng chuyện của trời đất, chuyện của thiên hạ.

Người sống với Tứ niệm xứ, với Bát chánh đạo cũng có thể tiếp nhận các thông tin đó trên mạng, thấy cái cuộc chiến tranh với vũ khí ngôn từ, với binh khí miệng lưỡi xẩy ra bởi yêu ghét ( tham sân ) tàn phá tàn hại thế gian không ngừng nghỉ … nhưng vị đó xử lý các thông tin đó với Chánh tri kiến, với Tứ thánh đế, với hiểu biết đúng sự thật Khổ Tập Diệt Đạo, vị đó Tuệ tri sự thật khổ, Tuệ tri sự thật nguyên nhân khổ của nhân loại qua các sự kiện trên mạng internet. Do tuệ tri Khổ đế và Tập đế như vậy mà “lông tóc dựng ngược” và quyết tâm thoát ra khỏi cái chiến trường đau khổ và chết chóc của thế gian bằng Diệt đế và Đạo đế.

Những ai đã học, hiểu và thực hành đúng Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo thì đều thân chứng lối sống: Làm tốt việc của mình, không xen vào việc của người, không lo chuyện thiên hạ.

Còn ai muốn khám phá sự thật để khẳng định : Có hay không có lối sống này thì hãy tham dự các khoá thiền Tứ niệm xứ của Gosinga như sau: Các khoá online 6 buổi, 13 buổi, 23 buổi thường xuyên trên zoom mỗi tháng hoặc khoá thiền Tứ niệm xứ trực tiếp 2 ngày, 4 ngày, 9 ngày đăng ký trên www. batchanhdao.vn hoặc gosinga.vn

Thiền sư Nguyên Tuệ (7.6.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *