Nhìn đời bằng con mắt Tuệ

Có hai cách nhìn đời: Nhìn đời bằng con mắt Vô minh, thích ghét và Nhìn đời bằng con mắt Tuệ, giải thoát.

Cách nhìn đời thứ nhất của đa số nhân loại là nhìn đời bằng con mắt Vô minh nên như có những người đã dùng từ là “đui mù” trước thực tại cuộc đời và vì thế mà thích ghét, ràng buộc, nô lệ, khổ vui hệ luỵ với các sự việc của cuộc đời.

Cách nhìn đời thứ hai là nhìn đời bằng con mắt Tuệ do Đức Phật Thích ca khám phá ra. Đó là nhìn đời bởi “TUỆ TRI VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM VÀ SỰ XUẤT LY”. Nghĩa là khi thấy, nghe, cảm nhận sự việc thì sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu sự việc đó với “Tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly”. Phân tích so sánh đối chiếu như vậy sẽ làm phát sinh ngay liền hiểu biết đúng sự thật mà Phật học gọi là Tuệ tri: Sự việc đó là Cảm thọ, tiếng Việt gọi là Cảm giác do Căn Trần tiếp xúc( hay tương tác ) mà phát sinh, nó là Tâm chứ không phải Vật, nó vô thường, vô chủ sở hữu. Sự việc đó có vị ngọt, có niềm vui hạnh phúc, khả lạc khả hỷ, khả ý, hấp dẫn, kích thích lòng dục nhưng nó chỉ là Lạc thọ, một Cảm giác dễ chịu. Nếu thích nó, tham ái nó thì sẽ rất nguy hiểm vì khi đã tham ái thì sẽ ràng buộc với nó, muốn nó là của mình mãi mãi. Và vì Cảm giác dễ chịu đó vô thường nên khi nó biến hoại, biến diệt, mất đi sầu bi khổ não sẽ khởi lên. Do Tuệ tri Vị ngọt và Sự nguy hiểm mà sẽ Tuệ tri được sự xuất ly là không thích ghét, không ràng buộc, không nô lệ, không khổ vui, không hệ luỵ với sự việc đó, giải thoát khỏi sự việc đó.

Hãy thường xuyên nhiều lần và nhiều lần hàng ngày phải luyện tập cách nhìn đời bằng con mắt Tuệ cho thuần thục để nó trở thành một thói quen cốt lõi của cuộc đời. Đây chính là Trí tuệ giác ngộ mà Đức Phật đã khám phá và tuyên bố trong bản kinh Phạm Võng thuộc Trường bộ kinh: “Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ tuệ tri sự sinh diệt của thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không còn chấp thủ”.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (24.9.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *