NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI TU TẬP CHÁNH ĐỊNH - Gosinga

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI TU TẬP CHÁNH ĐỊNH

1.   Hỏi về trạng thái Định

HỎI

Thưa sư, con không nghĩ đã đạt được tứ thiền, vì mới thực hành được mấy tháng. Con thở một vài hơi là không còn cảm giác hơi thở nữa, dòng suy nghĩ thẳng băng, trắng xóa, chỉ thấy ở phần ngực thì hân hoan, mặt thì vui nhè nhẹ, đầu thì rỗng rang, nên khi sư dạy phần quán Pháp tư duy về vị ngọt, sự nguy hiểm, hay là tư duy về 2 lộ trình tâm là con không làm được, rất muốn mà không khởi lên được ý. Xin hỏi con có thực tập sai chỗ nào không?

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Theo như mô tả thì có thể đạt nhị thiền có hỷ có lạc. Muốn khẳng định là Có Chánh định thì phải nhất tâm không còn bị phân tâm, không nhớ đến, nghĩ đến những vấn đề khác ngoài Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận… và tự mình so sánh trạng thái đó với các tiêu chuẩn đã học về sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền (bài giảng Chánh định và Tà định). Đang an trú Định mà muốn chuyển sang quan Thọ hoặc Tâm, Pháp thì phải tác ý chuyển Niệm, chuyển sang quan sát đối tượng là Cảm giác hay quán tâm, quán pháp.

Chánh Định

2.   Hỏi về lợi ích, mục đích của tu tập Chánh Định

 

HỎI

Thưa sư, con mới học, văn tuệ chưa đầy đủ, có thể là sư có dạy rồi nhưng con chưa nhớ được, vậy sư cho con hỏi lại lợi ích của việc đạt các tầng thiền là gì ạ? Có giúp cho đạt giác ngộ không ạ?

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Đạt các tầng thiền để kinh nghiệm được sự GHI NHẬN thuần túy. Đó là Tỉnh giác và do Tỉnh giác mà không có tham sân si, có Khổ diệt. Thân chứng các tầng thiền là Thân chứng ĐỊNH, thân chứng Tâm giải thoát. Phải thân chứng 2 phần ĐỊNH và TUỆ mới đưa đến giác ngộ, giải thoát.

 

HỎI

Sư cho con hỏi ở một số nơi nói là: Diệt được 5 triều cái mới chuẩn bị chứng nhập được Sơ thiền, gồm: Tham dục – Sân hận – Hôn trầm – Trạo cử – Nghi. Nếu như thế, theo định nghĩa này, vào được Sơ thiền rất khó, và khi tâm vắng lặng, yên ổn khi ngồi thiền chỉ mới dừng lại ở mức Chánh niệm tỉnh giác mà thôi.

Hai là về thực tập thiền, khi ngồi thấy tâm có chút an ổn, còn không ngồi lại trở về tham sân như cũ. Con hiểu là khi ngồi như vậy, tham sân si tạm an ổn xuống, chứ vẫn còn, chưa diệt trừ được. Như vậy có đúng không?

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Khi đạt được nhất tâm tức là chỉ nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận cảm giác toàn thân, không nhớ nghĩ đến bất kỳ một chuyện gì khác, lúc đó sẽ có sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân, từ cảm giác này sang cảm giác khác thì đã vào định hoặc sơ thiền, nhị thiền hay tam thiền… Lúc đó sẽ kinh nghiệm được tâm VẮNG LẶNG không có tham sân si, chính là không có 5 triền cái: tham dục (tham), sân hận (sân), hôn trầm, trạo cử, nghi (si). Chính chú tâm liên tục phát sinh trạng thái định sơ, nhị, tam tứ thiền NHIẾP PHỤC Năm triền cái. Mục đích kết quả của Chánh định là NHIẾP PHỤC Năm triền cái, tức là nhiếp phục tham sân si, nhiếp phục Khổ. Không phải như kinh điển hiểu sai là đoạn trừ 5 triền cái, đoạn trừ tham sân si rồi mới chứng sơ thiền. Nếu đoạn trừ được 5 triền cái, đoạn trừ được tham sân si là chứng ngộ khổ diệt (Diệt đế) rồi, đạt đến mục đích tối hậu là CHẤM DỨT KHỔ rồi.

Tu tập Định gồm sơ thiền nhị thiền… mục đích và kết quả là Nhiếp Phục tham sân si, Nhiếp Phục Nguyên nhân Khổ, Nhiếp Phục Khổ chứ chưa thể đoạn tận khổ. Tu tập Tuệ mới đưa đến xoá bỏ Vô minh, chấp ngã trong bộ nhớ mới đưa đến ĐOẠN TẬN vô minh chấp ngã, ĐOẠN TẬN bát tà đạo, ĐOẠN TẬN tham sân si, ĐOẠN TẬN khổ.

 

3.   Hỏi về cơ chế phát sinh Hỷ Lạc của Chánh Định

 

HỎI

Thưa Sư, cho con hỏi Cơ chế sinh học phát sinh hỷ lạc của Chánh Định là như thế nào ạ? Con có nghe Hỷ Lạc của Sơ thiền do ly dục sanh, nhưng chưa hiểu thật rõ cơ chế sinh học ạ.

Vì cơ chế hỷ lạc của Bát Tà Đạo thích ghét phát sinh cảm giác nơi nội tạng thì con đã được Sư giảng giải rõ rồi ạ nên con không biết cơ chế phát sinh Hỷ Lạc của Chánh Định có liên quan vùng nội tạng không ạ, nếu có thì liên quan như thế nào ạ.

Mong Sư giảng giải giúp con. Con xin cảm ơn Sư ạ.

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Hỷ Lạc của sơ thiền là do duyên với Ly dục, ly bất thiện pháp mà phát sinh. Ly dục, ly bất thiện pháp là vắng mặt tham sân si, vắng mặt mọi tham muốn, mọi tư tưởng bất thiện thì lúc đó phát sinh Lạc và Hỷ:

– Lạc: do trước đó trên thân có tham có sân có si nên có các Khổ thọ, Lạc thọ nhưng Khổ thọ có thô, có vi tế phần nội tạng là chủ yếu. Khi đạt sơ thiền các Khổ thọ này chấm dứt. Sự chấm dứt khổ thọ, căng thẳng trên thân nên cảm nhận cảm giác thoải mái. Cảm giác thoải mái đó gọi là Lạc do Ly dục sanh.

– Hỷ nhè nhẹ thỉnh thoảng khởi lên thực chất không phải do Ly dục mà thực chất cũng giống như Hỷ của nhị thiền nhưng Hỷ nhị thiền mạnh hơn. Hỷ này do chú tâm các cảm giác trên thân đặc biệt là cảm giác thở vô thở ra mạnh và thô nên cảm giác chuyển động do hơi thở gây ra tại vùng ngực, bụng, nách… đặc biệt là vùng bụng gây nên cảm giác vui đó. Đối với sơ thiền thì chú tâm chưa khít khao nên hỷ chưa mạnh, nhị thiền thì chú tâm tự động khít khao, các cảm giác vùng ngực bụng thô, mạnh nên hỷ mạnh. Lên tam thiền cảm giác thở vô ra phần ngực bụng rất nhẹ, vi tế thậm chí đôi lúc không còn cảm nhận được nên không còn Hỷ.

Nhị thiền có Hỷ Lạc do Định sanh. Hỷ như phân tích ở trên, còn Lạc là cảm giác thoải mái dễ chịu xuất hiện trên thân do chú tâm liên tục khít khao tự động không tầm không tứ, từ đối tượng này sang đối tượng khác phù hợp với quy luật sinh diệt của đối tượng, không điều khiển, không can thiệp vào mọi cái đang xẩy ra. Vì vậy mọi căng thẳng, mọi khổ thọ chấm dứt nên cảm nhận Cảm giác thoái mái, dễ chịu mạnh. Cảm giác này xảy ra một số chỗ trên thân.

Tam thiền thì Lạc cũng giống nhị thiền mà không có Hỷ.

Tứ thiền vì cảm giác rất vi tế nên không còn Lạc do vắng lặng phần lớn cảm giác trên thân.

Ngoài hỷ lạc còn có cảm giác tích cực phát sinh trên mọi tế bào thân thể một cảm giác phấn khởi gần giống hỷ. Cảm giác tích cực, phấn khởi phát sinh toàn thân cho dù là Tà tinh tấn hay Chánh tinh tấn đều giống nhau.

 

HỎI

Theo kinh điển, Đức Phật từng đi tu tập thiền định với 2 vị thầy trước đó, vậy định của Đức Phật có khác không? Nếu định của 2 vị thầy đó là tà định thì tại sao vẫn tạm diệt được tham sân si? (Tà định do tham hỉ rất dễ thấy ngoài đời sống hàng ngày, nên định của 2 vị thầy đó sẽ không đơn giản.) nếu đó là chánh định thì tại sao họ lại không tiến được tới thiền tuệ vì Đức Phật cũng nhờ nhớ lại khoảnh khắc sơ thiền lúc nhỏ mà tiến đến giải thoát hoàn toàn? Nếu là do xuất phát từ chánh niệm -> chánh định thì trước hết phải nhìn nhận thực tại đúng (cảm thọ), như vậy phải có chánh kiến trước?

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Có 4 loại định mà tương truyền có trước thời Đức Phật gồm: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Tương truyền (có hay không thì không xác định) trước khi giác ngộ Đức Phật đã theo học hai vị thầy nổi tiếng và đạt được định Vô sở hữu xứ và định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau khi đạt được 2 thứ định đó và đương nhiên để đạt 2 loại định đó chắc chắn Ngài phải đắc định Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ cái đã. Sau khi đắc 4 tầng định vô sắc này nhưng vẫn không giải thoát khổ, Ngài từ bỏ nó và tiếp tục tìm kiếm con đường giác ngộ và theo truyền thống bấy giờ là khổ hạnh thì Ngài vào rừng và khổ hạnh 6 năm liền mà vẫn không tìm ra con đường giải thoát.

Bốn định vô sắc này là định ngoại đạo, không phải Chánh định do Đức Phật phát hiện, là định có tầm có tứ, chỉ chú tâm vào một đối tượng duy nhất được Tưởng ra. Tưởng ra: hư không vô biên, thức là vô biên, không có vật gì, Không có tưởng cũng không không có tưởng, rồi ức chế tâm chỉ chú tâm, buộc tâm vào đối tượng duy nhất được tưởng ra đó (thực chất là Cảm giác pháp trần). Sự ức chế mãnh liệt lâu ngày chày tháng thì có thể đạt được định. Trạng thái đó chỉ thấy (tưởng thức ghi nhận) một đối tượng duy nhất được tưởng ra và cũng vắng lặng mọi cái khác, không có suy nghĩ chỉ ghi nhận thuần tuý đối tượng và có thể nói trong thời gian an trú như vậy cũng có giải thoát nhưng mà chỉ giải thoát DUY NHẤT VỚI MỘT ĐỐI TƯỢNG được tưởng ra đó, trong thời gian đó. Khi ra khỏi định đó thì vẫn tham sân si, vẫn dính mắc với các đối tượng khác như thường.

Đức Phật trước khi giác ngộ đã kinh nghiệm điều này, tức là khi trú các định đó thì tạm thời giải thoát nhưng hết toạ thiền ra khỏi định thì vẫn ràng buộc, khổ đau như thường nên Ngài đã từ bỏ nó. Định đó vẫn là Tà định tuy có giải thoát lúc đó nhưng đó là Tà giải thoát, giải thoát khỏi cái này nhưng lại ràng buộc vào cái khác.

Chánh định mà Đức Phật khám phá phải có chú tâm không tầm không tứ nghĩa là chú tâm tự động xẩy ra từ đối tượng này sang đối tượng khác, không buộc tâm vào đối tượng nào nên vẫn thấy nghe, cảm nhận mọi đối tượng thực tại. Chánh định do Chánh niệm – Chánh tinh tấn mà khởi lên có TÁC DỤNG là làm cho lộ trình tâm chỉ thấy nghe cảm nhận đối tượng bằng tâm biết trực tiếp giác quan, không có tâm biết ý thức xen vào. Thấy nghe cảm nhận đối tượng bằng tâm biết trực tiếp giác quan là SỰ GHI NHẬN THUẦN TUÝ không có suy nghĩ, tìm hiểu nhận xét đánh giá đối tượng thì gọi là TỈNH GIÁC. Thấy nghe cảm nhận mọi đối tượng chứ không phải là MỘT ĐỐI TƯỢNG DUY NHẤT nhưng bằng Sự ghi nhận thuần tuý gọi là Tỉnh giác thì sẽ không tham sân si, không dính mắc, ràng buộc bất kỳ đối tượng nào thì đó là giải thoát. Chánh định – Tỉnh giác – Giải thoát này thực hành được mọi tư thế, mọi lúc, mọi nơi và đó là Chánh giải thoát.

Đây là nói về giải thoát do Chánh định, còn khi quán thọ, quán tâm, quán pháp lúc đó là giải thoát do Tuệ nhưng bất kỳ trường hợp nào cũng phải có Chánh kiến là Tuệ dẫn đầu nhưng Tuệ lại gồm 3 loại Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ.

HỎI TIẾP

Đọc các bài kinh trong Trường Bộ cũng có nói về 04 loại định trên mà con không thể nào hiểu được?

Trích Kinh Đại Bát Niết Bàn có đoạn như sau:

“Rồi Thế Tôn nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Không vô biên xứ. Xuất Không vô biên xứ, Ngài nhập định Thức vô biên xứ. Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập định Vô sở hữu xứ. Xuất Vô Sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Diệt thọ tưởng định.”

“Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Vô sở hữu xứ định. Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định. Xuất thức Vô biên xứ, Ngài nhập Hư không vô biên xứ định. Xuất Hư không vô biên xứ, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ.”

Đọc xong con nghĩ rằng “Mình là người mới học nên chăng thực hành thuần thục 04 thiền đầu tiên đã rồi tiếp đến mới tìm hiểu về 04 tầng thiền vô sắc trên”. Trong Kinh cũng không mô tả trạng thái của 04 tầng thiền sau nên càng không biết nó thế nào. Việc sắp xếp thứ tự Sơ thiền đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ làm người đọc hiểu rằng các tầng thiền vô sắc phải được phát triển từ Tứ thiền? tức là chú tâm không tầm không tứ.

Nhưng qua giải thích của Đại Đức Nguyên Tuệ thì 04 tầng thiền này vẫn là chú tâm có tầm có tứ, Tưởng tri ra một đối tượng và cột Tâm vào đó. Đó là Thiền ngoại đạo, là Tà định.

Như vậy, bây giờ con chỉ tập trung vào “Pháp hiện tại và Tuệ quán chính ở đây” an trú Tỉnh giác hoặc Chánh tri kiến với Tứ thánh định mà không phải băn khoăn nhiều về 04 loại định vô sắc kia.

SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

4 định vô sắc Đức Phật đã từ bỏ không thể là cái cao hơn, tối ưu hơn tứ thiền. Một số bài kinh tường thuật lại sự giác ngộ của Phật là do đạt Tứ thiền. Người đời sau đã đưa 4 thiền vô sắc vào thành tứ thiền bát định là hoàn toàn vô minh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *