Câu hỏi thường gặp về Lý Duyên khởi

Lý Duyên khởi hay Định Luật Nhân Quả là một giáo lý quan trọng bậc nhất trong Phật Giáo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ giải đáp một số câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề này:

 

#1. Hai nhân tương tác hay nhiều nhân?

 

HỎI: Kính thưa sư Nguyên Tuệ! Điều con băn khoăn là “2 nhân” HAY nhiều nhân?

Con quan sát rằng trong thực tế có thể có rất nhiều nhân tương tác với nhau sinh ra một quả hoặc nhiều quả. Ví dụ: chậu thuốc nhuộm đỏ và 02 cái áo cùng tiếp xúc phát sinh ra 02 cái áo mới và chậu thuốc nhuộm đỏ mới. Cây mít duyên với đất, nước, ánh sáng, phân bón, không khí rồi sinh quả mít. Các nhân đều bình đẳng và độc lập, các quả cũng bình đẳng và độc lập. Nhân diệt quả sinh.

Con cũng thấy rằng: Tuy nhiều nhân cùng tiếp xúc nhưng cũng có thể chia nhỏ tương tác theo từng cặp 2 nhân: chậu thuốc+áo 1; chậu thuốc+ áo 2; áo 1+ áo 2. Trong quá trình tiếp xúc ấy: chậu thuốc, áo 1, áo 2 đều sanh diệt liên tục và bình đẳng với nhau, không cái nào là chủ nhân, chủ sở hữu của cái nào, không cái nào điều khiển được cái nào.

Con thấy được tính chất VÔ THƯỜNG (sanh diệt nối tiếp) và VÔ NGÃ của các sự vật.

Đa phần sự vật và hiện tượng là một tổ hợp của nhiều nhân tương tác mà phát sinh ra một hay nhiều quả: Chậu thuốc nhuộm với 02 cái áo+ 03 cái quần; nồi canh với nhiều gia vị khác nhau. Nhân quả đan xen điệp trùng chứ không phải là 02 nhân hay một nhân.

Đó là băn khoăn của con về Lý Duyên khởi. Mong sư giải đáp để con hiểu biết thêm. Con xin cảm ơn Sư!

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP:

Quy luật duyên khởi là một quá trình nhân quả nối tiếp nhau mà mỗi một “đơn vị cơ bản” là: Hai nhân tương tác với nhau rồi cùng diệt mới sinh ra một hay nhiều quả. Ví như cây mít cùng các nhân khác như đất, độ ẩm, ánh sáng, thời tiết… tương tác với nhau nhưng không đồng thời, cây mít không tương tác đồng thời với các nhân kia mà nó xẩy ra tuần tự theo từng đôi một nối tiếp nhau. Ví dụ khi lái xe, tay tương tác vô lăng phát sinh trục quay. Trục quay tương tác với bánh răng làm bánh răng quay. Bánh răng quay lại tương tác với bánh răng khác làm bánh răng khác quay… Tương tác từng đôi một nối tiếp như vậy cho đến cuối là bánh xe đổi hướng. Bánh xe đổi hướng tương tác với đường làm phát sinh xe chạy đổi hướng…. Cái này có nói rõ trong bài giảng Lý duyên khởi, nghe kỹ lại để hiểu rõ.

Có thể quan sát duyên khởi thô hoặc tế nhưng đều là: Hai nhân tương tác rồi cùng diệt phát sinh một hoặc nhiều quả. Rồi các quả đó lại tương tác với nhân khác … nhưng không có sự tương tác ĐỒNG THỜI nhiều nhân với nhau. Ví dụ: nhà máy (công nhân) là một nhân và vật liệu là nhân thứ 2 tương tác với nhau và cả hai cùng diệt mới phát sinh sản phẩm. Đây là quan sát thô. Quan sát tế thì sự hoạt động của nhà máy như vậy bao gồm vô số quá trình nhân quả nối tiếp nhau mới ra được sản phẩm và các quá trình nhân quả đó KHÔNG ĐỒNG THỜI mà là tiến trình nối tiếp nhau.

Chỉ cần biết một cách tổng quát để kết luận các sự vật hiện tượng dù thô hay tế đều: Vô thường, Vô chủ sở hữu. Để kết luận không cái Ta tự có, Bản ngã là chủ nhân sở hữu hay Vô ngã.

Chỉ cần hiểu biết ở mức định tính chưa cần đến mức định lượng, đến mọi chi tiết là đã có hiểu thấu đáo Khổ Tập Diệt Đạo và chứng ngộ Khổ diệt được rồi.

 

#2. Không có cái “TA” thì cái gì đang quan sát?

 

HỎI:

Thưa sư, nếu vô ngã, không có gì là của ta, không có cái ta cái tôi nào cả, thì ta là ai ạ?

Khi ta chánh niệm tỉnh giác, tách ra quan sát ngũ uẩn, quan sát nổi trội trên thân thì cái gì quan sát ạ?

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP:

Câu hỏi này do Tà tư duy mà khởi lên, là tư duy trên hệ quy chiếu Vô minh chấp ngã. Duyên với Tà tư duy mà có Tà tri kiến là hiểu biết nhị nguyên tâm vật, có Chủ thể và Đối tượng trên lộ trình tâm Bát tà đạo. Chủ thể đó là Ta hay Bản ngã không sinh diệt là CHỦ NHÂN CHỦ SỞ HỮU của tâm biết và đối tượng được biết. Câu hỏi: nếu vô ngã, không có gì là của ta, không có cái ta, tôi nào cả thì Ta là ai? Câu trả lời có trong câu hỏi đó rồi. Vô ngã là Không có cái Ta, Tôi nào cả thì sao lại còn hỏi: Ta là ai? Lúc thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức các đối tượng thì chỉ có các tâm biết: nhãn thức, nhĩ thức …ý thức thấy biết các đối tượng đó, không có Tôi, Ta, ông A, bà B… nào là chủ nhân của các tâm biết đó. Các tâm biết này là do Duyên khởi, nó vô chủ vô sở hữu đồng nghĩa vô ngã. Phàm phu sống với vô minh chấp ngã lại cho rằng phải có một cái Ta chủ thể không sinh không diệt là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển tâm thấy biết đối tượng mà không biết sự thật cái Ta đó là tưởng tượng ra chứ không có thật, không hề tồn tại (vô ngã).

 

#3. Căn – Trần tiếp Xúc phải có tác ý thì mới sinh ra “THỨC”?

 

HỎI

Khi căn trần tiếp xúc phải có sự tác ý thì mới tiếp xúc sinh ra thức có đúng vậy không ạ?

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Căn Trần tiếp xúc nhau phát sinh đồng thời Thọ – Tưởng và tiếp theo là một lộ trình tâm là hoàn toàn tự động không có cái gì điều khiển sự tiếp xúc hay tương tác đó. Không hề có tác ý để xẩy ra tương tác giữa Căn và Trần. Về suy luận, nếu có Tâm tác ý thì Xúc giữa Căn và Trần mới xẩy ra thì phải đặt câu hỏi: Khi Căn Trần chưa tiếp xúc thì Tâm tác ý đó từ đâu mà ra. Rõ ràng không thể chỉ ra được Duyên khởi của nó theo công thức: “Do cái gì có mà Tâm tác ý có, do cái gì sinh mà Tâm tác ý sinh…”. Vì không chỉ ra duyên khởi nên rơi vào quan điểm Duy tâm, Tâm tác ý đó tự có, không sinh không diệt, là cái tưởng tượng ra chứ không có thật, là Tà kiến. Cho nên chủ trương: Phải có ba cái gặp nhau là Căn – Trần – Thức mới có Xúc, do Xúc mà có Thọ là Tà kiến, không đúng với sự thật.

Quan sát sự việc đang xẩy ra để khẳng định Căn Trần tiếp xúc là tự động không có tác ý để Căn Trần tiếp xúc. Khi có Tai tốt và một Thanh trần đủ gần thì Xúc tự động xẩy ra phát sinh đồng thời Cảm giác âm thanh và Nhĩ thức. Cho dù người đó muốn hay không muốn thì sự việc đó vẫn tự động xẩy ra. Có Mắt tốt và trước mắt có Sắc trần thì dù muốn hay không vẫn xẩy ra Mắt Xúc Sắc trần phát sinh đồng thời Cảm giác hình ảnh và Nhãn thức. Một đạo sĩ khổ hạnh đang ngồi giữa nắng để cảm nhận một Cảm giác nóng khốc liệt và ông ta không hề mong mỏi lạc thọ, chỉ mong mỏi khổ thọ vì tu khổ hạnh nhưng bỗng dưng một cơn gió mát thổi qua thì tự động Thân Xúc Gió thổi, phát sinh Cảm giác mát mẻ và Thân thức. Thân thức ghi nhận Lạc thọ cho dù trái với mong muốn của ông ta. Hay bỗng nhiên hình dung ra câu chuyện năm xửa năm xưa, trời ơi đất hỡi nào đó mà không hề tác ý đến. Đó chính là Ý căn (tế bào thần kinh não bộ) tiếp xúc hay tương tác với thông tin Pháp trần phát sinh đồng thời Cảm giác pháp trần và Tưởng thức. Tưởng thức ghi nhận Cảm giác pháp trần (những cái từ đầu óc sinh ra).

Kết luận là Căn Trần tự động tiếp xúc hay tương tác với nhau không có Tâm tác ý nào cả, không phải là phải có ba pháp Căn – Trần – Thức, (tức có tác ý) gặp nhau mới có Xúc.

Có những trường hợp tác ý mới xẩy ra Xúc nhưng là Tác ý của lộ trình tâm trước đưa đến hành động hoặc hướng tâm chứ không phải tác ý đó làm cho Xúc xẩy ra. Ví dụ khi Mắt đang tiếp xúc với Sắc trần trước mặt khởi lên lộ trình tâm và cuối lộ trình tâm xẩy ra Tác ý có nội dung: quay mặt bên phải và do Tác ý đó mà phát sinh hành động quay mặt bên phải. Khi hành vi: quay mặt bên phải xẩy ra thì ngay lập tức, Mắt XÚC với Sắc trần bên phải một cách TỰ ĐỘNG không có gì điều khiển cả. Vậy thì Tác ý quay đầu là tác ý của lộ trình tâm trước có tác dụng làm xẩy ra hành vi quay đầu bên phải chứ không phải là tác ý để Mắt và Sắc trần Xúc.

Tuệ tri sáu xúc xứ là một điều rất vi tế, rất khó nên phải học kỹ, nghe đi nghe lại rồi Tư rồi Tu mới thấu đạt được.

Sáu Xúc sinh Sáu Thọ.

Sáu Xúc sinh Sáu Tưởng.

Sáu Thọ là những Thọ nào, Sáu Tưởng là những Tưởng nào ? Đây là Căn Bản cốt lõi của Phật học. Đức Phật đã tuyên bố: Vô thượng tịch tĩnh, tối thắng đạo Như Lai đã giác ngộ sau khi như thật TUỆ TRI SÁU XÚC XỨ.

 

#4. Ứng dụng Lý duyên khởi khi tương tác trong cuộc sống

 

HỎI

Thưa Sư sáng nay con chuẩn bị đi đến 1 cơ quan nhà nước về thủ tục hành chính để hỏi xem giấy tờ của con đã được chưa. Con làm thủ tục giấy tờ gần 2 tháng rồi mà phía cơ quan bên đó vẫn chưa giải quyết xong cho con. Mà con biết 1 số cơ quan nhà nước thì làm việc chậm chạp và quan liêu lắm, có người mách cho con là nên đút ít tiền làm cho nhanh. Nhưng con không làm thế. Vì theo quy định nhà nước giấy tờ đó làm chỉ mất 15 nghìn đồng thôi, và mất 3 ngày để giải quyết. Nếu có quy định rồi thì tại sao phải đi “đường vòng”, thế chả phải là đút lót sao?

Sau khi đọc được bài này của Sư thì con khởi lên tư duy như sau:

Mình là một NHÂN, mình đi làm giấy tờ, mong muốn có được giấy tờ. Phía cơ quan nhà nước kia là một NHÂN phụ trách làm giấy tờ cho mình. Tất cả đều vô ngã, nên nếu hai nhân tương tác thì sẽ xảy ra quả: hoặc CÓ hoặc KHÔNG có giấy tờ cho mình. Nếu có thì mình không vui mừng, nếu không có mình cũng không buồn phiền.

Khi trong đầu con xuất hiện tư tưởng “chả có nhẽ mình phải đưa tiền, họ mới làm nhanh cho mình sao, ôi sao mà xấu xa thế”. Rõ ràng tư tưởng này dựa trên tà kiến vô minh về việc chưa hề xảy ra. Đây là suy nghĩ linh tinh dựa trên tâm hành SI. Vì vậy khi tư tưởng đó xuất hiện con thấy hơi khó chịu, bồn chồn, tức là KHỔ xuất hiện rồi.

Biết vậy nên con quán BUÔNG.

Xiết chặt răng lưỡi, cái gì đến thì sẽ đến, mình đâu làm chủ được đâu.

Con tư duy như vậy có đúng không ạ.

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Những tư duy như vậy đều là Chánh tư duy. Khi một tư tưởng khởi lên: “chả có nhẽ mình phải đưa tiền họ mới làm nhanh cho mình sao, ôi sao mà xấu xa thế” mới chỉ khởi lên thôi, chưa chi phối, chưa phát sinh thích ghét cái đó mà lập tức biết nó là vô minh tà kiến thì chính là chánh tư duy, chánh kiến có mặt ngay lập tức và không gây hại.

Tư duy: Mình là một nhân, Cơ quan nhà nước là một nhân tương tác phát sinh kết quả CÓ hay KHÔNG là hiểu rằng không có cái gì, không có nhân gì, không có một ai điều khiển cái kết quả đó để BÌNH THẢN, không thích ghét, không tán thán cũng không đỗ lỗi cho ai, nghĩa là thích nghi với cả CÓ hoặc KHÔNG. Tư duy về hai nhân tương tác ra quả nhiều lần, nhiều trường hợp thì bắt gắp cái gì thì tự động Pháp duyên khởi chứ không do ai điều khiển cả tự động xuất hiện thường xuyên. Vì vậy sẽ không còn buồn vui vì được mất hơn thua, vinh nhục, giàu nghèo theo hiểu biết thế gian như trước đây.

Nhưng có phải chỉ dừng lại như vậy không? Phải tư duy tiếp: Hai nhân đó tương tác thì như thế nào ra quả: CÓ, như thế nào thì ra quả KHÔNG.

Nếu hai nhân đó đúng theo quy định thì ra quả CÓ, nếu một trong hai nhân mà sai quy định thì ra quả KHÔNG. Đó là :

– Nhân 1: Mình đã hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ chưa. Nếu chưa thì đi làm cho đầy đủ mà không trách móc, oán hận, không tự trách, không hận mình. Đó là đang chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng trên BCĐ.

– Nhân 2: cơ quan đã làm đúng quy trình hay chưa, nếu chưa đúng thì chỗ nào. Và với Chánh kiến sẽ có lời nói, hành động tử tế, đúng đắn, đúng mực cư xử với cơ quan đó để nhân 2 hoàn thiện. Có thể điều này sẽ xẩy ra nhiều lần nhưng lời nói việc làm đó không có sân (đỗ lỗi, trách móc, chửi rủa, xung đột) mà đúng mực, tử tế của BCĐ thì kết quả CÓ sẽ xẩy ra.

Khi cả hai nhân hoàn thiện theo quy trình thì tương tác đưa đến kết quả là CÓ nhưng với tâm bình thản, không vui buồn, không có khổ. Ngược lại Bát tà đạo với tranh đấu, cãi vã, bức xúc, thích ghét … cũng có thể đưa đến kết quả là CÓ nhưng với tâm hận thù bức xúc, khổ đau.

 

#5. Có ai là chủ nhân làm ra “lười nhác”, “đau khổ” không?

 

HỎI

Thưa Sư con có câu hỏi như sau: giờ con không làm gì cả (do lười) nên không có thu nhập, không có thức ăn, nhà ở,…. vv. Câu hỏi của con là:

1/ Ví dụ này của con có hợp với nội dung bài pháp này không? nếu không thì nó sai chỗ nào? (Link bài Pháp: https://www.facebook.com/groups/thientuniemxu/permalink/1279188856264256/)

2/ Thực tại không nhà, không thức ăn có dẫn đến khổ không?

3/ Thực tại ấy nếu không phải do người, không phải do con thì do ai hay cái gì?

Xin Sư từ bi, hoan hỉ giải đáp cho con. Con thành kính tri ân Sư ạ.

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Câu trả lời đã có trong nội dung của đáp án trên rồi. Đáp án nhấn mạnh đến tính chất Vô chủ vô sở hữu của các pháp đặc biệt là tính chất vô chủ vô sở hữu của khổ.

1- Nếu thấu suốt Duyên Khởi sẽ thấu suốt tính chất Vô chủ vô sở hữu, đồng nghĩa với Vô ngã, nghĩa là không có ai là chủ nhân chủ sở hữu. Những trường hợp đã nêu trên khẳng định rằng: Có khổ, có lười nhác, có siêng năng, có lời nói, có hành động… nhưng tất cả cái đó đều do Duyên Khởi, đều vô chủ vô sở hữu, nghĩa là không có ai là chủ nhân làm ra khổ, không có ai chủ nhân làm ra lười nhác, không có Tôi khổ, không có Tôi lười nhác

2- Nghĩ rằng Tôi lười, Tôi khổ là thấy có Tôi chủ nhân khổ, Tôi chủ nhân của lười… là cái thấy CHẤP NGÃ trái với sự thật Duyên khởi, trái với sự thật Vô chủ vô sở hữu hay Vô ngã.

Cố gắng hay không cố gắng là do cả một quá trình Duyên khởi nối tiếp nhau diễn ra theo quy luật không có ai là chủ nhân điều khiển cả. Đây là điều sâu kín khó thấy, khó biết là định lý Duyên khởi, là sự thật vô ngã. Nhân loại thì cho rằng Ta (Bản ngã) cố gắng hay Ta lười nhác và MẶC ĐỊNH rằng hiểu biết đó là sự thật là chân lý nên khi nghe điều ngược lại: Có cố gắng, có lười nhác nhưng không có ai là Chủ Nhân cố gắng lười nhác thì không thể chấp nhận được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *