Bờ này và Bờ kia

Trong kinh điển Phật giáo thường nói đến bờ này và bờ kia. Theo nghĩa đen thì bờ này và bờ kia chỉ cho hai bờ của một dòng sông, hai bờ bị chia cắt, bị tách biệt bởi dòng sông. Nghĩa bóng của bờ này bờ kia là để chỉ cho hai đời sống, hai thực tại của Phàm và Thánh. Bờ này là đời sống, là thực tại của Phàm phu, gọi là thực tại Thế gian mà Phàm phu đã kinh nghiệm và đang sống trong nó. Bờ kia là đời sống, là thực tại của những người giác ngộ, đã chấm dứt khổ, gọi là thực tại Xuất thế gian. Dòng sông rộng dài, dữ dội, nguy hiểm chia cắt bờ này, bờ kia chính là dòng sông tham sân si.

Đối với Phàm phu sống ở bờ này thì bờ kia là thế giới xa xôi vì chưa từng đặt chân đến, bởi dòng sông quá rộng lớn, quá dữ dội, quá nguy hiểm, không có phương tiện gì để vượt qua. Tuy nghe đồn rằng bên kia sông là một miền đất hứa kỳ diệu, nơi không còn phải lao tâm khổ trí, nơi không còn khổ đau như bên này, nhưng không có cách nào sang bờ kia để mắt thấy tai nghe miền đất hứa đó như thế nào, nên họ đành phải ngồi bờ bên này mà suy đoán vậy.

Sự suy đoán ấy tất nhiên phải dựa vào cuộc sống của bờ này và những ước mơ của bờ này. Và con người sống ở bờ này, sống với thực tại Thế gian là sống với Yêu và Ghét, vì vậy có Vui và Khổ mà thuật ngữ Phật học gọi là sống với Tham và Sân, nên có Hạnh phúc và Khổ đau. Họ mặc định rằng Yêu thương là Hạnh phúc, Chán ghét, thù hận là Khổ đau và vì vậy mà mơ ước của họ là chuyển hoá Chán ghét thành Yêu thương thì Khổ đau sẽ chuyển hoá thành Hạnh phúc. Và vì hiểu biết như vậy, mà bờ kia, thực tại Xuất thế gian sẽ hiện ra với họ, lung linh huyền diệu, tràn đầy Yêu thương và Hạnh phúc, không còn mảy may Thù hận và Khổ đau.

Chính vì chưa một lần bước qua bờ kia để tận mắt nhìn thấy nó, nên Phàm phu suy diễn, tưởng tượng ra bờ kia theo hiểu biết Vô minh, tà kiến của mình nhưng lại mặc định rằng, bờ kia là như vậy, tràn đầy Yêu thương và Hạnh phúc.

Phải đến để mà thấy, phải đi đến bờ kia để mà tận mắt chứng kiến đó là nơi”VÔ THƯỢNG AN ỔN THOÁT KHỎI MỌI KHỔ ÁCH”. Ở đó không có Khổ đau nhưng cũng không có Hạnh phúc, không có Tham và Sân nên cũng không có cả Yêu thương lẫn Thù hận. Vậy phải đến đó, đến bờ kia bằng cách nào?

Đến đó bằng Văn tuệ, là nghe giảng, hoặc tự mình nghiên cứu kinh điển để hiểu biết đúng như thật Khổ diệt hay Diệt đế (Niết bàn) và Con đường Khổ diệt hay Đạo đế (Bát Chánh Đạo). Đó là trạm bè qua sông thứ nhất, tiếp đến trạm bè thứ hai là Tư tuệ, là tư duy về điều đã nghe, đã học để hiểu biết đúng như thật về Diệt đế và Đạo đế một cách sâu sắc, lớn rộng, toàn diện hơn. Tiếp đến trạm bè thứ ba là Tu tuệ, là tu tập Tứ niệm xứ để thân chứng Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Đó chính là đến bờ kia.

Chỉ khi nào đến bờ kia bằng cái bè Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ thì mới thoát ra khỏi hiểu biết thế gian, hiểu biết vô minh tà kiến, hiểu biết sai sự thật về bờ kia, về Khổ diệt Niết bàn. Lúc đó sẽ không còn loay hoay, quanh quẩn với tư duy lý luận suông về Khổ diệt, Niết bàn, không còn lầm nhận Niết bàn là tràn ngập yêu thương và hạnh phúc. Tại đó sẽ tuệ tri toàn triệt Yêu thương chính là Tham ái, là luyến ái phát sinh từ vô minh chấp ngã, là nguyên nhân phát sinh Khổ chứ không bao giờ đưa đến Khổ diệt, Niết bàn.

Mấy ai đến được bờ kia mà đa phần quanh quẩn nơi bờ này là sự thật được in đậm nét trong kinh điển. Đa phần người học Phật cũng đóng một cái bè nhưng thay vì đem cái bè đó để vượt sông, để đến bờ bên kia thì họ lại để bè trên bờ rồi nằm lên bè, nhắm tịt mắt lại và ra sức chống chèo. Kết quả là bè vẫn ở nguyên tại chỗ, ở bờ bên này cho dù có ra sức chèo chống suốt cả nhiều a tăng kỳ kiếp đi nữa thì vẫn không đến được bờ kia, trái ngược với lời dạy của Phật tối thiểu là bảy ngày, tối đa là bảy năm sẽ đến bờ kia. Vì sao vậy? Vì ngay từ đầu họ đã được giáo dục tu là để thấy khổ, thấy các pháp là khổ, năm uẩn là khổ, để sống trọn vẹn với khổ, ung dung với khổ chứ không đề cập đến tu là để thấy Khổ diệt, Niết bàn. Vì vậy, ở lại bờ này mới có khổ, mới thấy khổ, mới sống trọn vẹn tỉnh thức với khổ được. Bờ kia đâu còn khổ để mà thấy khổ, để sống trọn vẹn tỉnh thức, ung dung với khổ được.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (29.9.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *