Nhà Hiền Triết – Bát Chánh đạo

Thời văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại có một nhà hiền triết rất nổi tiếng (xin lỗi độc giả, tôi không nhớ tên, ai nhớ xin cung cấp) đã có một việc làm kỳ quặc. Đó là ông ta đi giữa phố vào ban ngày không mặc quần áo với một cây đèn cháy sáng trên tay. Nhiều người đã chất vấn cái hành vi kỳ quặc của ông ta và được ông ta giải thích: Ông ta đốt đèn lên để đi tìm con người thực của chính mình chứ không phải cái con người hàng ngày đang sống với vô số mặt nạ khác nhau, thậm chí có lúc mâu thuẫn, trái ngược nhau.

Con người ấy, lúc là cha, lúc là con, lúc là chồng, lúc là cháu, lúc hiền, lúc dữ, lúc thiện lúc ác, sáng khác, chiều khác, đêm khác, hôm qua khác, hôm nay khác, thay đổi trong từng giây lát … nghĩa là con người với vô số mặt nạ khác nhau. Vậy thì con người thật, chính ta là ai, là cái gì ẩn sau các mặt nạ đổi thay kia.

Đây là câu hỏi đã vặn vẹo, đã làm điên đầu vở óc, đã làm cho các nhà hiền triết, những đầu óc xuất sắc của nhân loại phải ngày đêm lao tâm khổ trí. Các trường phái triết học, tôn giáo đều tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi ta là ai, ta từ đâu đến, khi chết ta sẽ đi về đâu… Câu trả lời tuy có khác nhau về ngôn từ nhưng đều giống nhau ở điểm xuất phát là dựa trên một cái ta đồng nhất, một con người đồng nhất từ quá khứ đến hiện tại, vị lai, một con người không sinh không diệt ẩn sau con người thay đổi, con người mang vô số các mặt nạ kia. Và các trường phái triết học, tôn giáo đưa ra các câu trả lời nhưng chỉ gây tranh cãi, không ai thuyết phục được ai. Câu trả lời có thể đó là bản lai diện mục, là con người trước khi được cha mẹ sinh ra, là phần linh hồn chúa trong mỗi người, là tiểu ngã trong đại ngã, là linh hồn, là tánh biết, là cái bản thể trong khái niệm thế giới bản thể và thế giới hiện tượng vv…

Sở dĩ nhà hiền triết kia cũng như các trường phái triết học, tôn giáo đốt đuốc đi tìm con người thật, con người đồng nhất, không đổi thay, ẩn sau con người mang vô số mặt nạ vì đã mặc định về một cái ta, một bản ngã đồng nhất không đổi thay, không sinh diệt nên không thể chấp nhận một con người sinh diệt, đổi thay trong từng giây lát.

Vì tư tưởng Thường kiến, tư tưởng chấp thường là phải có con người đồng nhất, không sinh diệt, không đổi thay, không mang mặt nạ của đổi thay nên họ KHÔNG CHẤP NHẬN CON NGƯỜI THẬT ĐANG SINH DIỆT, ĐỔI THAY, VÔ THƯỜNG mang các mặt nạ khác nhau đó. Họ gán cho con người thật vô thường, sinh diệt, đổi thay đó là giả, là không thật, là ảo ảnh như hoa đốm giữa hư không, nên họ đi tìm con người thật, đồng nhất từ quá khứ đến vị lai, không đổi thay, không sinh diệt, không mặt nạ.

Vì vậy, thấy đúng sự thật các pháp là vô thường, con người là vô thường không phải là chuyện dễ bởi tư tưởng thường kiến, chấp thường là tà kiến đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức nhân loại. Bởi vậy, nỗi khổ của nhân loại không phải là do vô thường, không phải vì các pháp vô thường nên các pháp là khổ mà nguyên nhân khổ là do chấp thường, do thường kiến, DO KHÔNG THẤY BIẾT NHƯ THẬT VÔ THƯỜNG, KHÔNG CHẤP NHẬN VÔ THƯỜNG.

Thiền sư Nguyên Tuệ (27.7.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *