Người ngu và người Trí - Gosinga

Người ngu và người Trí

Nhân loại này được chia làm hai loại người là ngu và trí nhưng khái niệm ngu và trí cũng có hai loại khác nhau, khái niệm ngu trí của thế gian và khái niệm ngu trí trong Phật học. Khái niệm ngu trí của thế gian cho rằng người trí là người thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát trong cách nghĩ cách làm, là người hiểu nhiều biết rộng, là người uyêm thâm, uyêm bác, người ngu là người chậm lụt, người không có kiến thức, người ít học thậm chí là vô học. Còn ngu trí theo quan điểm Phật Giáo là như thế nào ? Trong Pháp cú 63 có bốn câu kệ :

Người ngu nghĩ mình ngu

Nhờ vậy thành có trí

Người ngu tưởng có trí

Thật xứng gọi chí ngu

Đọc bài kệ này nhiều người nghĩ rằng để chuyển ngu thành trí thì quá dễ dàng, cứ nghĩ rằng mình ngu là lập tức thành trí hay có người còn thành tâm hơn, tích cực hơn là suốt ngày nghĩ mình ngu, luôn quỳ gối trước người khác nói rằng thưa quý vị, tôi không dám coi thường quý vị bởi tôi là người ngu thì lâu ngày chầy tháng sẽ trở thành người trí. Nhưng sự việc không dễ dàng như vậy đâu, không thể làm như vậy mà thành người trí được. Vậy để trở thành người trí phải làm như thế nào ?

Trước tiên phải phân biệt thế nào là ngu và trí. Con người có HAI LOẠI TÂM BIẾT. Một là tâm biết trực tiếp giác quan ( trực giác ) gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức có phận sự nhận biết hay ghi nhận đối tượng, chỉ thấy, nghe, cảm nhận đối tượng ( gọi chung là THẤY ) không biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao nên triết học gọi là NHẬN THỨC CẢM TÍNH đối tượng. Hai là tâm biết ý thức do suy nghĩ ( tư duy ) khởi lên có phận sự BIẾT đối tượng đó là gì, tính chất ra sao mà triết học gọi là NHẬN THỨC LÝ TÍNH đối tượng. Tâm biết trực giác, nhận thức cảm tính đối tượng thì ngu trí giống nhau, đều là vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt còn khác nhau giữa người ngu và người trí là tâm biết ý thức, nhận thức lý tính đối tượng, có khái niệm, có ngôn từ, có phân biệt. Đó chính là sự khác nhau về nhận thức, về hiểu biết.

Người ngu hiểu biết không đúng sự thật đối tượng, còn người trí hiểu biết đúng sự thật đối tượng. Ví dụ như người ngu biết hai nhân hai bằng sáu còn người trí biết hai nhân hai bằng bốn; thấy đối tượng vốn là con trâu người ngu biết đó là con chó, người trí biết đó là con trâu vv… Mức độ cao hơn, ví như trong một cuộc triển lãm tranh có một bức tranh vẽ một quả táo rất đẹp, gợi cảm đến mức mà người xem còn cảm nhận được không những màu sắc, hình dáng mà cả mùi vị nhưng lại có dòng chữ phía dưới : Đây không phải là quả táo. Đa phần thắc mắc và chê trách hoạ sĩ, họ cật vấn hoạ sĩ, đây không phải là quả táo thì đây là cái gì. Đa phần những người đó là người ngu vì họ đã hiểu biết sai sự thật đối tượng mà họ thấy. Vì sự thật đối tượng mà họ thấy là bức tranh vẽ quả táo chứ không phải là quả táo.

Người ngu nghĩ ( biết ) mình ngu nghĩa là họ biết được hiểu biết của mình từ trước đến nay là sai sự thật (là quả táo ) nhờ họ được nghe giảng và biết đúng sự thật đối tượng ( là bức tranh quả táo ). Khi họ phân biệt được hai loại hiểu biết, hiểu biết sai sự thật và hiểu biết đúng sự thật đối tượng thì lúc đó họ trở thành người trí là như vậy.

Người ngu tưởng có trí; thật xứng gọi chí ngu, nghĩa là họ đã mặc định hiểu biết của mình là chân lý, là đúng sự thật, họ không hề do dự, nghi ngờ, phân vân lưỡng lự, về hiểu biết đó nên họ sẽ không tìm kiếm, không nghe giảng, không khám phá nơi sự thật thực tại và sẽ chẳng bao giờ có hiểu biết đúng sự thật đối tượng nên mãi mãi là người ngu. Cũng y như vậy, nhân loại đã mặc định hiểu biết của mình là chân lý, là đúng sự thật rằng thực tại là thế giới vật chất, rằng ngọt nằm trong đường, mặn nằm trọng muối, ngon dở trong thức ăn, nóng nằm trong lửa, lạnh nằm trong nước đá vv… nên không bao giờ đi tìm kiếm, khám phá những hiểu biết khác về thực tại và vì vậy không bao giờ họ biết được sự thật các đối tượng thực tại là Cảm thọ ( Cảm giác ), là tâm chứ không phải vật chất, họ không thể biết được mình ngu, không thể biết được rằng những hiểu biết đó là sai sự thật, là tà kiến.

Để biết là mình ngu, tức phải biết những hiểu biết của mình từ trước đến giờ là sai sự thật, là tiền hậu bất nhất, là tự mâu thuẫn, tự đối lập cho nên lời nói hành động cũng tiền hậu bất nhất, mâu thuẫn, đối lập đưa đến sầu bi khổ não thì phải quan sát nơi sự thật thực tại, ngay nơi suy nghĩ, lời nói hành động hàng ngày. Lúc đó sẽ biết rằng: Trong nhận thức hay hiểu biết của nhân loại luôn luôn tồn tại song hành hai luồng tư tưởng trái ngược, mâu thuẩn chống đối nhau.

Ví như, tư tưởng TỰ DO và RÀNG BUỘC tồn tại song hành. Tư tưởng yêu thích tự do, yêu thích giải thoát suốt đời phấn đấu nỗ lực để được tự do giải thoát khỏi nô lệ, nộ lệ giai cấp, nô lệ vật chất, nô lệ tinh thần, nô lệ thiên nhiên, giải thoát khỏi ràng buộc vợ chồng, con cái, khỏi ràng buộc lợi danh vv… .Nhưng trong thẳm sâu tâm thức tư tưởng nương tựa, tư tưởng ràng buộc cũng vận động song hành. Muốn nương tựa, muốn nắm giữ, muốn sở hữu của cải, tiện nghi, danh tiếng, giai cấp, quyền lực … tức muốn ràng buộc với nó. Nghĩa là muốn giải thoát khỏi cái này nhưng lại muốn ràng buộc với cái kia. Ví như bà vợ muốn ly dị với ông chồng này, tự do giải thoát khỏi ông chồng này nhưng lại muốn cưới ông chồng kia, muốn ràng buộc với ông chồng kia vv…

Ví như, con người muốn hết khổ được vui và mặc định rằng chỉ có hạnh phúc mới hết khổ được vui cho nên suốt đời khao khát tìm cầu nắm giữ hạnh phúc có trong thế giới vật chất, trong sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm vị ngon xúc chạm êm ái. Và để có được hạnh phúc đó, để hết khổ được vui thì phải lao tâm khổ trí nên khổ lại khởi lên, có hạnh phúc lại nắm giữ, ràng buộc với nó nên khi nó vô thường, biến hoại biến diệt, mất đi sầu bi khổ não lại khởi lên. Kết quả của mâu thuẩn này là chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác không bao giờ hết khổ còn vui. Nhân loại vừa cỗ vũ, ca ngợi cho tham sân ( tham giàu, ghét nghèo … ) vừa chống lại, chế tài tham sân bằng luật pháp toà án, cảnh sát. Chính tham và sân là hai tâm hành trái ngược, chống đối nhau đang tồn tại trong cùng thế giới tâm thức, tư tưởng chịu đựng khổ trong hiện tại ( để hết khỏi trong tương lai ) và tư tưởng muốn chấm dứt khổ ngay hiện tại mâu thuẩn nhau nhưng song hành tồn tại …

Ví như con người muốn giúp đỡ, muốn làm từ thiện giúp cho người khác hết khổ do nghèo đói, bệnh tật, thiên tai. Họ có thể làm từ thiện cả mấy ngàn tỷ đồng, thậm chí hy sinh cả toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện, giúp cho người khác hết khổ. Nhưng mặt khác họ cũng muốn đẩy người khác vào hoàn cảnh khốn cùng, đày đoạ người khác, làm cho người khác đau khổ. Họ cạnh tranh một cách khốc liệt để đối phương phải phá sản, phải kiệt quệ, để cho hạng ngàn vạn người phải mất tài sản, mất việc, không công ăn việc làm và họ ăn mừng, hỷ hả vì điều đó. Họ có thể không từ thủ đoạn nào kể cả ăn cắp thông tin, bịa đặt để có thể thoá mạ, bôi nhọ, đặt điều nhằm hạ gục, tiêu diệt người khác với vũ khí ngôn từ, với binh khí miệng lưỡi. Chừng nào mà người khác thân bại danh liệt, đau khổ, gục ngã, căng thẳng, áp lực, stres, tự tử thì họ mới thoả mãn. Họ lôi kéo cả một đám đông khổng lồ bằng phương tiện thông tin hiện đại là mạng internet để tiêu diệt, làm nhục, làm khổ mọi đối phương một cách nhanh nhất và mạnh nhất. Tuy làm cái việc làm khổ người khác, làm cho người khác đau khổ nhưng chính cái việc làm cho người khác khổ cũng làm họ đau khổ không kém, thậm chí còn dữ dội hơn. Vậy đó, tư tưởng giúp người khác hết khổ và tư tưởng làm cho người khác khổ đang song hành trong hiểu biết của MỌI NGƯỜI ngoại trừ những người giác ngộ hoặc đang trên đường đến giác ngộ. Khi phóng sinh 10 tấn cá xuống sông họ nghĩ rằng họ bảo về sự sống của hàng ngàn vạn con cá, từ bi cứu khổ hàng vạn chúng sinh nhưng hành động phóng sinh đó của họ cũng đang tiêu diệt, làm đau khổ hàng chục tấn côn trùng, ếch nhái … để nuôi sống 10 tấn cá kia. Với niềm tin có linh hồn hay thần thức không sinh không diệt sau khi thân hoại mạng chung thì đầu thai vào một thân khác để thọ lãnh nghiệp báo của kiếp này. Ví như người con biết linh hồn mẹ mình đầu thai vào thân một con gà chịu đau khổ của kiếp súc sinh thì viêc giết con gà là để giúp mẹ giải thoát khỏi nỗi khổ của kiếp súc sinh, đầu thai vào một thân khác tốt đẹp hơn (đâu có thể giết được linh hồn mẹ bởi linh hồn vốn bất sinh bất diệt) là việc nên làm nhưng việc giết nhầm con gà mà mẹ anh ta đầu thai vào lại làm anh ta khổ sở. Có phải anh ta đang sống với hai hiểu biết mâu thuẩn đối kháng nhau không? vv…

Ví như, hiểu biết các sự vật hiện tượng là vô thường, là biến đổi không ngừng trên nền tảng hiểu biết một nhân sinh một quả hay là nhân biến đổi thành quả hay có bổ sung là nhân chính biến đổi thành quả có nhân phụ hay duyên trợ giúp. Và theo hiểu biết đó thì nhân trong quả, quả trong nhân, tương tức, tương nhập, một trong tất cả, tất cả trong một cho nên các pháp chỉ biến đổi từ vật này sang vật khác, từ dạng này sang dạng khác, không có pháp nào được sinh ra, không có pháp nào bị diệt đi mà nó biến mất ở chỗ này lại trình hiện chỗ kia nên nó không sinh không diệt thường hằng thường trú. VÔ THƯỜNG như vậy đã là THƯỜNG rồi, nó mâu thuẩn ngay trong nhận thức và vì vậy nhân loại vừa muốn thay đổi ( vô thường ) vừa muốn ổn định ( thường ). Hiểu biết về Vô ngã thì cho rằng phải quán : Cái này không phải là của TA, không phải là TA, không phải là tự ngã của TA. Hiểu biết như vậy là đặt nền tảng trên một cái TA đang tồn tại là đã mâu thuẩn với Vô ngã, KHÔNG CÓ CÁI TA. Hiểu biết các pháp Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là khổ, nghĩa là khổ sẵn có, thường hằng thường trú trong Năm Uẩn, trong Sắc pháp, Danh pháp, là mâu thuẩn với khổ phải có tính chất vô thường. Nếu tu là để hết khổ, vậy tu để cho Sắc Thọ Tưởng Hành Thức hết khổ, để cho Sắc pháp Danh pháp hết khổ, cụ thể tu để cho các Sắc pháp như mặt trời mặt trăng vv … hết khổ chăng ?

Vân vân và vân vân đủ các mâu thuẩn và đối kháng trong hiểu biết, lời nói và hành động của nhân loại. Nhưng nhân loại không hiểu biết đúng sự thật đó là mâu thuẩn đối kháng xung đột giữa hai loại tư tưởng trong nội tâm mình ( điều này được ví như là con người đang sống với cái đầu bị chẻ đôi ), mà con người lại gán cho mâu thuẩn, đối kháng xung đột đó xẩy ra nơi thế giới vật chất ngoại cảnh, nơi vạn vật, là quy luật đấu tranh, quy luật thống nhất và mâu thuẩn giữa hai mặt đối lập của thực tại, của thế giới.

Nhưng biết được hiểu biết hay nhận thức của nhân loại là tự mâu thuẩn, tự xung đột như vậy tuy đã biết là mình ngu, nhưng đã trở thành người trí chưa ? Rằng như vậy cũng phần nào biết mình ngu nhưng chưa trở thành người trí. Vì sao ? Vì cũng có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, nhà tư tưởng đã thấy được các mâu thuẩn đối kháng này nhưng họ không tìm ra sự thật, họ chỉ vùng vẩy trong cái mớ bòng bong đó nhưng không tìm ra lối thoát và vì thế nhiều người trong số họ đã tự sát, đã kết thúc cuộc đời.

Một người duy nhất trong lịch sử nhân loại đã tự mình khám phá sự thật thực tại, tự mình đạt được hiểu biết đúng sự thật thực tại, tự mình chứng đạt sự thật, chứng đạt chân lý và truyền dạy lại các kiến thức đó. Đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và hiểu biết do Đức Phật khám phá KHÔNG CÓ TIỀN HẬU BẤT NHẤT, KHÔNG TỰ MÂU THUẨN, KHÔNG XUNG ĐỘT ĐỐI KHÁNG NÊN TÂM THỨC BÌNH YÊN. Những ai muốn trở thành người trí, người bình an, hết khổ thì chỉ có cách duy nhất là Văn – Tư – Tu theo lời dạy của Đức Phật tuy nó không phải dễ dàng. Nếu học và hành đúng sẽ hiểu biết đúng như thật các đối tượng thực tại là Cảm thọ, nó là tâm chứ không phải vật chất, hiểu biết đúng sự thật về duyên khởi, về vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã), về hạnh phúc khổ đau, về Khổ Tập Diệt Đạo vv… Đến lúc đó thật sự mới biết rằng trước đây mình là kẻ ngu vì hàng ngày mình yêu ghét chính cái cảm giác của mình mà lại cho rằng mình yêu ghét thế giới vật chất sắc thanh hương vị xúc pháp, cứ nghĩ mình cưới một người vợ bằng xương bằng thịt ai dè đang cưới cái cảm giác của mình, ngu đến nỗi đang từng giây từng phút tìm kiếm đuổi bắt các Cảm giác thuộc về tâm, để làm chủ, để sở hữu, để điều khiển cái không thể làm chủ, không thể sở hữu, không thể điều khiển được vv… Biết được mình là kẻ ngu ở mức độ đó mới trở thành người trí. Điều này cũng lý giải tại sao Pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng chỉ dành cho người trí chứ không phải cho mọi hạng người trong nhân loại.

Thiền sư Nguyên Tuệ (5.6.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *