Lá thư số 73: Ứng dụng Bát Chánh Đạo vào cuộc sống hàng ngày

Hồi học xong khoá thiền miên mật 9 ngày tịnh khẩu tu tập bát chánh đạo, mình có thắc mắc là, không biết quay trở về đời sống thì sẽ thế nào? Vì 9 ngày ở đây yên bình vô sự quá, nghe và thực hành thì dễ. Ra ngoài đời sống gặp bao chuyện không biết mình sẽ phản ứng thế nào, có bình thản hay lại giống trước kia.

Sau này tham gia nhiều khoá của Gosinga, mới thấy thì ra cũng có nhiều người có chung hỏi câu này. Cá nhân mình đã có sự thay đổi dần nhận thức và hiểu biết, từ đó giải quyết được kha khá nỗi khổ tâm kể cả trong tính cách. Hôm nay xin chia sẻ một số trải nghiệm thú vị trong cuộc sống mà ứng dụng được kiến thức sau khi rời khóa tu. Mong các quý đạo hữu lắng nghe và cũng cùng chia sẻ.

1. Câu chuyện cảm giác khó chịu với những câu hỏi.

Ai làm ngành dịch vụ tư vấn chắc không lạ cảm giác này. Khi công việc hằng ngày của bạn là thuyết trình, hay phải nói nhiều, giải thích nhiều, sẽ có những lúc rất mệt mỏi, đó là 1 cảm giác khó chịu.

Tệ hơn là những cảm giác khó chịu cùng đến, nếu có quá nhiều câu hỏi, những câu hỏi mà bạn biết là người ta phải học 2 ngày thậm chí mấy khoá học thì mới hiểu được.

Hoặc cũng có những câu hỏi mà bạn thấy cảm giác khó chịu. Tự hỏi: tại sao có thẻ hỏi 1 câu mà nếu nhìn kỹ chút sẽ thấy câu trả lời đã lù lù ngay trước mắt rồi.

Rồi những câu hỏi nhạy cảm mà bạn thực sự không muốn trả lời nữa chứ.

Đó đều là các cảm giác khó chịu. Nếu chỉ đơn thuần là cảm giác khó chịu thôi thì chưa có khổ tâm.

Lúc đối mặt với cảm giác khó chịu đó chỉ cần chánh niệm (trí nhớ đúng về quán pháp) là thích cảm giác dễ chịu, ghét cảm giác khó chịu, chán cảm giác trung tính là nguyên nhân của khổ tâm.

Thích cảm giác dễ chịu, ràng buộc với nó ví dụ, thích học viên, khách hàng nói lời dễ nghe, thiện cảm, đến khi họ nói lời khó nghe sẽ sốc và khổ, gọi là hoại khổ.

Ghét cảm giác khó chịu, ràng buộc với nó, ghét khách hàng, học viên nói lời khó nghe, sẽ có 2 cái khổ chồng lên khổ, khổ vì cảm giác khó chịu là 1, nhưng có khi ghét không chấp nhận việc họ nói lời khó nghe với mình có thể là 10, gọi là khổ khổ.

Chán cảm giác trung tính (không thiện cảm cũng không ác cảm) dẫn đến tâm hành đi tìm cảm giác dễ chịu nhẹ nhàng dễ nghe, không tìm thấy cũng khổ mà tìm thấy lại quay về hoại khổ.

Hôm qua, thật lòng mà nói, mình có chia sẻ khoá học 2 ngày, mỗi ngày nói ra rả 4 tiếng. Vậy là 2 ngày liên tiếp 8 tiếng nói, mệt thật, thé cả giọng lun, đó là 1 khổ thọ.

Mà mình cũng thấy khó chịu với những câu hỏi như trên, nên trong bối cảnh như vậy cảm giác khó chịu nó nhiều hơn.

May thay, lúc đó trí nhớ khởi lên kịp, nguyên nhân của khổ là thích, chán, ghét với các cảm giác dễ chịu, khó chịu và trung tính, nhờ vậy mà ngắt được khổ tâm sau đó. Rồi thì mình cũng nghỉ ngơi.

Và hôm đó kết thúc khóa học vẫn bình an không có bực mình hay khổ tâm như trước kia.

2. Câu chuyện cảm giác khó chịu về cách hành xử.

Mình đi và đặt đồ Grap cũng nhiều. Tài xế nào vui vẻ nhiệt tình thường mình rất công tâm, sẵn sàng cho 5 sao hoặc gửi thêm. Nhưng chú nào mà ăn nói trống không, hoặc khó nghe, hoặc hành xử vô lý là sẵn sàng cho 1 sao luôn, với lý do để người sau có đi cũng chọn được người tử tế đi, mà thực ra cũng là cảm giác đáp trả vi tế mà ít ai dám thừa nhận.

Hôm nay, người đang mệt, muốn ăn Cuốn, món ăn mình thấy ngon và hợp. Gọi cho quán và chốt đơn hàng với giá bao gồm cả Ship.

Độ 20 phút sau bạn Grap gọi nói:

– Anh ơi, Chỗ anh Ngõ Trại Cá không vào được đầu Trương Định, thế thì anh phải trả em thêm tiền Ship. (Giọng khá khó chịu) Vì nhẽ ra đi lối đó thì giá mới là Ship như vậy.

– Ủa em, Quán đã chốt giá bao gồm cả ship cho anh, anh chuyển khoản trước rồi, vậy thì anh đâu có biết việc em đi thế nào? Miễn em đến và giao hàng được đến đúng cho anh là được, còn vụ thoả thuận là do em với nhà hàng, còn lối đi là do em chọn, em tính toán sao cho hợp lý, chứ anh có bắt em phải đi lối bị chặn đâu em?

– Im lặng… Ngắt máy… Không phản hồi.

Khoảnh khắc đó với mình là 1 cảm giác khó chịu. Thật là thiếu chuyên nghiệp. Nhưng lúc đó mình kịp nhớ được cái mình đang biết là thọ, là cảm giác, là tâm chứ không phải đang biết bạn Grap.

Thứ 2 ghét và bực mình với cái thọ này sẽ làm mình khổ. Trong khi mình cần ăn và nghỉ ngơi để chiều chiến khoá học tiếp.

Nên mình ngắt được khổ tâm ngay lập tức.

Và thực tế là anh bạn Grap gặp mình mặt vẫn hoan hỷ, giao hàng đúng, không đòi hỏi gì thêm.

Nếu giả dụ, lúc đó mà bực mình lên, quay ra trách móc nhà hàng, rồi cho anh bạn Grap này 1 sao, hoặc thậm trí có thể diễn biến xấu hơn là huỷ đơn hàng, bực bội, thì có khi vừa không được ăn lại vừa dước thêm cái bực vào mình, thế có phải khổ tâm không.

Rõ ràng ở đây nếu bạn không muốn bạn không cần thiết phải cho anh ta 5 sao, nhưng cũng ko cần thiết phải cho 1 sao vì sân với cảm giác của chính mình phải không nào.

Câu chuyện 3. Đợi bạn

Tối mình có qua nhà mấy chiến hữu chơi thân, cùng nhau trò chuyện nấu ăn. Mình đi nhưng khó tìm thấy nhà, do đánh số nhà không theo thứ tự, ngõ thì bị chặn. Mình gọi điện 3 đứa, cả 3 bà đều không ai nhấc máy, xong chát vào nhóm thấy có bà đọc tin nhắn nhưng không trả lời. Mình loay hoay đủ cách tìm hỏi người xung quanh vẫn không thấy.

Mình đợi mất 20 phút, mà lúc đó mình cảm thấy 20 phút lâu thật là lâu. Thật sự rất khó chịu.

Nhưng lúc này lại có chánh niệm, khởi lên được là Sân (ghét, bực mình ) với cảm giác khó chịu sẽ có khổ khổ (2 nỗi khổ chồng lên nhau, cái khổ sau có thể gấp nhiều lần cái khổ trước).

Cái mình đang biết không phải là các bạn vô tâm vô ý.

Cái mình đang biết là cảm giác, cảm thọ của mình là tâm, chứ không phải cảnh.

Có thể các bạn đang mải làm bếp, không biết mình gọi.

Lúc sau có cuộc gọi từ bạn, rồi bạn xuống đón mình vào đến nhà.

Tất nhiên lúc nghe điện mình cũng tinh nghịch bảo đang dỗi, đang trên đường về, nhưng đó lại là câu chuyện khác

Hóa ra, sự thật là 3 bạn đang mải nấu ăn, và đều đặt chế độ im lặng không để ý, còn 1 bạn đã đọc tin nhắn trong nhóm của mình nhưng vì đang trên đường đến nên không phản hồi.

Lúc đó mà tà niệm khởi lên là bắt đầu suy diễn đủ thứ, khổ khổ sẽ khởi lên ngay lập tức…

Và thế là. Tối lại có 1 party vui vẻ với những người bạn thú vị.

Thế đấy, qua 3 câu chuyện, nếu vô minh, vẫn còn với lối sống bát tà đạo, thì chắc chắn mình đã có một ngày đầy nỗi bực mình, khổ tâm, mà có khi chẳng việc nào ra hồn.

Thay vì đó mình áp dụng được lối sống bát chánh đạo và giải quyết hết các việc trong ngày 1 cách nhẹ nhàng, dù không ít thử thách là các cảm giác khó chịu.

Còn bạn thì sao? Bạn có đang thực sự khổ tâm vì những vấn đề xảy ra giống mình. Và có áp dụng kiến thức Bát chánh đạo để chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây như mình không?

Thiền sinh Nguyễn Văn Định

Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *