Lá thư số 63. Chuyện cây Thị - Gosinga

Lá thư số 63. Chuyện cây Thị

Hôm qua mình có đi bộ xuống ngõ đi mua thức ăn, đi qua con đường nhỏ có hai cây thị rất lớn, mưa bão to làm rất nhiều quả thị rụng xuống đường vàng nhầy nát bét, thu lại được mấy đống vàng nhầy nhụa dưới chân, dưới lòng đường và sát chân tường. Cũng có 1-2 người đang đi trên đường cùng mình. Đang mải đứng ngước nhìn lên cây thị thì có một bà già chạy ra miệng nói không ngừng than trách bà hàng xóm có cây thị to rụng quả vào sân nhà bà nát bét. Chắc phải ấm ức bao năm qua không kể được với ai nên bà mới giận thế.

Bà thấy người đi đường dừng lại nhìn cây thị như tôi thì “với” lấy để than khổ, kể khổ rằng bà đã quét trong sân nhà bà nhiều lắm rồi còn ngoài đường thì bà kia vô ý thức, thị rụng mà không dọn, không hót cho sạch.

Tôi không chú tâm nghe bà nói như thể mình là đối tượng của bà, tôi hiểu rồi im lặng tôi đi. Vì tôi hiểu nếu bà ấy còn cho 2 cây thị to kia là đại diện cho bà hàng xóm, là của bà hàng xóm, thể hiện mọi điều về bà hàng xóm thì bà còn khổ, còn chửi, còn ghét, còn căm hận mãi. Thậm chí bà hàng xóm chưa cần gây ác gì thì khi gặp bà già kia sẽ bị bà hằn học, cục cằn, cãi cọ.

Tôi chẳng giúp bà bớt khổ tâm cho được, tôi chỉ biết bà khổ và vì sao bà khổ.

Nếu cây thị đó là của chung, là không thuộc trên đất “nhà ai” thì bà lấy ai để ghét, để chửi, để căm hận. Giả dụ là của Chùa thì có khéo bà còn phát tâm quét dọn mỗi ngày với tấm lòng bi mẫn nhất, nguyện tích phước đức, công quả để cho mình và gia đình khoẻ mạnh, con cháu phước lành.

Nếu cây thị đó là cây tự nhiên không thuộc trên đất nhà ai, thì có lẽ bà đã chửi chính cây thị, vì cây thị mà bà khổ.

Nếu cây thị thuộc đất nhà bà, ai chửi, ai nói bà sẽ bảo vệ đất nhà bà, bảo vệ chính danh dự cái tôi của bà, bảo vệ cây thị của bà.

Vậy nếu đại dịch khiến không còn ai sống được trên đất đó nữa, thì liệu có còn ai chửi mắng, nhiếc móc chuyện cây thị rụng gây bẩn sân bẩn đường nữa không…

Hoặc cả hai bà đều già không còn nữa thì cây thị sẽ thuộc về ai? Chết đi rồi có mang cây thị đi theo được không? Còn ai ra vào phiền não về cây thị nữa….

Cây thị vẫn đứng đó, qua thời gian, ra hoa, trổ quả, rụng lá, lớn lên già đi….

Chính cái suy nghĩ sở hữu, đất này là của ta, cây thị này là của ta mới khiến ta phân biệt rồi tranh cãi, hơn thua, đúng sai, phải trái cho vừa lòng ta mới gây cho ta nhiều phiền não, đau khổ, ấm ức, căm hận ngầm suốt bao ngày tháng năm.

Tôi đã từng đóng vai nhà có “cây thị” như vậy. Và cũng từng đóng vai bà già kia.

Chính thời điểm nghe tiếng chửi của bà già dành cho người bà cho rằng sở hữu cây thị là lúc tôi nhận ra bản thân mình trong quá khứ. Với suy nghĩ, cái này là của ta, cái kia là của người khác, người khác quá đáng nên tôi mới có những bực bội trong lòng, cảm thấy uất ức, bất công, khó chịu.

Chính nó…cái tư duy sở hữu đó…khiến ta khổ.

Ví như:

Miếng đất này là của ta

Cái nhà này là của ta

Ai khen chê miếng đất căn nhà ta lớn bé xấu đẹp là khen chê chính ta, động vào ta nên ta phản pháo, ghét bỏ…khéo đến khi cả một đời…

Ai khen chê yêu ghét con cháu bố mẹ anh chị em ta đều là khen chê yêu ghét ta, ta ra sức bảo vệ vì đó là máu mủ ruột thịt của ta, là bảo vệ chính ta…

Ta khổ tâm, phiền não, khổ sở và đau đớn vì điều đó

May mắn là mình chưa có điều gì khó chịu đến mức “sống để bụng, chết mang theo”

Và may mắn hơn, phản ứng của bà già hôm qua đã làm tôi thức tỉnh và giật mình…

9 tháng 9 ngày qua kể từ Tết dương lịch 2021, khoá Tu thiền tại chùa Diệu Nghiêm, khoá Bát Chánh Đạo, và trong đại dịch Covid-19 được học lại các khoá online, các bài pháp đàm, lời giảng của Sư Nguyên Tuệ, những ví dụ minh hoạ, câu chuyện trong bài giảng, bản thân đã bắt đầu hiểu dần dần về hai từ sở hữu, hiểu dần về nỗi khổ mà chữ “của” mang lại, những tưởng mình đã hiểu rất rõ ràng minh bạch, nhưng cho đến khi câu chuyện cây thị hôm qua mới khiến mình bừng tỉnh, thấy mình đã từng khổ thế nào, chỉ vì phân biệt chữ “của” đó. Cảm thấy xúc động vì mình đã nhận ra một điều quan trọng với cuộc đời mình.

Biết ơn nhân duyên được học những bài giảng từ Sư Nguyên Tuệ, biết ơn các sư, các anh chị trong Gosinga đã tạo môi trường trực tiếp và trực tuyến để mọi người được tiếp cận cơ hội bớt khổ ở hiện tại và về sau! ?

Biết ơn duyên khởi ở câu chuyện bà già và cây thị hôm qua đã làm biến mất “tôi”, khó trở lại như cũ được nữa…

Ngày 9/9/2021

Thiền sinh Mai Duyên

Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *