“TU LÀ ĐỂ… CHẾT THẬT!” – Thiệt tình là trong quãng đời sống hơn 30 năm qua, tôi chưa từng nghe một câu nói nào “đắng” đến thế, mà cũng “thật” đến thế. Đó là câu nói tôi được nghe trong một buổi học Pháp với sư Nguyên Tuệ, và cũng chính nhờ câu nói đó mà tôi bị ấn tượng mạnh, và càng tăng trưởng lòng tin đối với người Thầy mà tôi đang theo học, cũng như đối với Pháp mà Đức Phật chứng ngộ và thuyết giảng. Lúc đó tôi tự nhủ: Yeah, đây rồi, đây rồi, tôi tìm đúng được Thầy “xịn” rồi, vì đã… “dám” nói và giảng một sự thật “mất lòng” đến vậy, đã thẳng thắn mà trao cho người học liều thuốc “đắng” đến vậy!
Từ khi biết đến sư Nguyên Tuệ và học và tu theo hướng dẫn của Sư, đến nay chỉ mới khoảng 6 tháng. Song với tôi, đây là quãng thời gian quan trọng bậc nhất trong đời mình, được học những gì thực tế nhất, ý nghĩa nhất và quý giá nhất để biết cách sống cũng như biết cách… chết – điều mà tôi luôn đau đáu, trăn trở kiếm tìm trước đây. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số điều tôi tâm đắc về sư Nguyên Tuệ cũng như về Pháp học và Pháp hành Sư giảng mà tôi ngộ ra được thông qua các khóa học online do Học viện Gosinga tổ chức cũng như từ các cuốn sách và bài viết của Sư.
Về pháp học
- Hệ thống, bài bản, rõ ràng, logic, chặt chẽ, khoa học, dễ tiếp thu, hợp lý, thực tế, thiết thực, toàn diện, nhất quán liền mạch từ đầu đến cuối… là một loạt các từ ngữ xuất hiện trong đầu tôi khi nhận xét chung về các bài giảng của thiền sư Nguyên Tuệ trong các khóa tu thiền tứ niệm xứ 13 ngày và 23 ngày mà tôi từng theo học. Trước đây, tôi chỉ biết đến đạo Phật và “tu” theo kiểu hình thức như tụng kinh, niệm lạy danh hiệu Phật, bố thí, cúng dường, phóng sinh, nghe pháp, ngồi thiền… mà không hiểu ra được bản chất cốt lõi của việc “tu” là như thế nào. Nay khi được học với sư Nguyên Tuệ, tôi mới có được hiểu biết rõ ràng: “tu” theo đạo Phật thật phải là học và tu kiểu “combo trọn gói” gồm 3 yếu tố VĂN – TƯ – TU một cách cân bằng và hài hòa thì mới thực sự đi đúng hướng và đạt được giác ngộ giải thoát rốt ráo; cũng như phải hiểu rõ ba pháp: Pháp học – Pháp hành – Pháp thành (nghe giảng và/ hoặc nghiên cứu kinh điển để có được thông tin và hiểu biết đúng với sự thật, từ đó hiểu được vì sao phải thực hành thiền tứ niệm xứ, và khi thực hành như vậy thì đưa đến kết quả gì).
- Tôi được học về cách phân biệt đạo Phật thật và đạo Phật giả, dựa trên năm tiêu chuẩn là năm tính chất của giáo pháp mà Đức Phật thuyết giảng. Tôi cũng nhận thức ra được rằng: như câu “văn dĩ tải đạo”, đạo Phật tôn giáo cũng như chiếc thuyền chuyên chở giáo pháp của Đức Thế Tôn. Nó chất trong mình kho báu quá quý giá nên phải được đắp thêm vào đó biết bao điều huyền bí, diệu kỳ, đầy sắc màu tâm linh siêu việt… đóng vai trò như lớp bảo vệ để chiếc thuyền vượt được bao thăng trầm sóng gió, nhờ đó mà chánh pháp được gìn giữ và sống sót suốt hơn 26 thế kỷ qua. Thực hư, vàng thau quả là lẫn lộn, nhưng người học Phật, với tinh thần nhất hướng đi tìm cho được chân lý đưa đến giải thoát tối hậu thì cần biết cách đi qua lớp sương mù dày đặc của đạo Phật tôn giáo để tiếp cận được kho báu là đạo Phật thật đấy. Những hiểu biết này giúp tôi tăng khả năng trạch pháp một cách đáng kể, tỉnh táo sáng suốt phân biệt được đâu là chánh Pháp để nương theo và không bị hoang mang trước một mê hồn trận các bản Kinh, các lời giảng nói của nhiều vị thầy tâm linh, các pháp tu và các tông phái Phật giáo khác nhau. Bây giờ, tôi hầu như miễn nhiễm được với đủ thứ các loại thông tin, hiểu biết không đúng sự thật ngập tràn trong thời đại Internet hiện nay, chỉ nhất nhất nương vào giáo lý thật của Đức Phật mà tu.
- Những lời giảng của Sư cũng đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn nhận thức về cách nhìn nhận cuộc sống, về mục đích ý nghĩa của cuộc đời, giúp tôi có được hiểu biết đúng sự thật về quy luật nhân quả, về các tính chất vô thường và vô ngã của các sự vật hiện tượng, về cách thức hoạt động và vận hành của tâm thức, về lộ trình tâm, về bốn chân lý mà Đức Phật chứng ngộ và thuyết giảng: Khổ, Tập, Diệt, Đạo… Tôi đã rũ bỏ được rất nhiều những phiền não, hoang mang, nghi hoặc và ảo tưởng, mê lầm đã từng gặm nhấm bào mòn tâm trí tôi bấy lâu. Kết quả là càng ngày tôi càng thấy tinh tấn, tự tin và an tâm để học và tu theo đúng chánh pháp.
Về pháp hành
Trên cơ sở nghe giảng và tư duy về những điều được học, và thực hành theo đúng những gì mà sư Nguyên Tuệ hướng dẫn, tôi đã bước đầu kinh nghiệm được những kết quả như sư mô tả: an trú tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Đến để mà thấy chính là đây: tôi học lý thuyết, tôi thực hành theo, và tôi tự mình thân chứng được kết quả. Tuy mới là những kết quả ban đầu nhưng đó chính là minh chứng hùng hồn nhất và là động lực để tôi vững bước tự tin mà tiếp tục quá trình Văn – Tư – Tu. Dưới đây là một số các kỹ năng mà tôi học được:
- Kỹ năng tọa thiền kiết già: phải nói thiệt là sư Nguyên Tuệ có tư thế ngồi thiền rất đẹp ^^. Tôi còn nhớ buổi đầu tiên được sư hướng dẫn cách ngồi kiết già, tôi thực hành đúng theo những gì sư chỉ dẫn, đặt biệt là đoạn không nên đặt bàn chân vào sát hông mà chỉ chạm vào đùi một chút thôi và kéo hai đầu gối ra xa nhất có thể, đồng thời để hai đầu gối chạm được xuống nệm ngồi. Vậy là hôm đó tôi ngồi một phát được liền thế kiết già và ngồi suốt được hơn 30’ mà không thấy đau (trong khi trước đó tôi cũng có tập ngồi kiết già mà cứ loay hoay chỉnh mãi mới ngồi được mà cũng không được lâu vì chân tê và đau liền). Bây giờ, mỗi lần thấy khó hay nản khi thực hành thiền, tôi thường nhắm mắt lại, nhớ đến hình ảnh sư Nguyên Tuệ ngồi tọa thiền trong tư thế chỉn chu đẹp đẽ như vậy là tôi liền lấy lại được tinh tấn và tự tin để tiếp tục ?.
- Kỹ năng thích nghi và kỹ năng chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây: tôi được học và có hiểu biết rõ về thiền tứ niệm xứ (quán thân, thọ, tâm, pháp) – tôi biết cách chứng và an trú chánh định (tuy chưa được thành thạo và liên tục), biết cách tác ý một cách linh hoạt để quán hoặc thân hoặc thọ hoặc tâm hoặc pháp với các đối tượng thực tại, biết cách thay đổi được nội tâm để thích nghi với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Được trang bị thứ vũ khí lợi hại này, tôi nhận thấy đúng là mình có thể giảm thiểu được rõ rệt các nỗi khổ tâm, những suy nghĩ linh tinh không cần thiết tiêu hao năng lượng và đưa đến phiền não. Từ đó, tôi cảm thấy mình sống an nhiên tự tại hơn, bình thản hơn khi đón nhận những điều trái ý nghịch lòng xảy đến với mình. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, tôi chắc chắn rằng kỹ năng này sẽ giúp ích được cho rất nhiều người. Vì rõ ràng là không bao giờ có chuyện mọi thứ trên đời xảy ra theo cách mà ta mong muốn, nên cách bền vững, hiệu quả nhất là rèn được những kỹ năng này để “chịu chơi” được với sự lên voi xuống chó của cuộc đời ^^.
- Kỹ năng… CHẾT: cái này có thể nghe hơi là lạ với nhiều người, đặc biệt là với người trẻ. Song vì với tôi ‘sinh tử sự đại‘ nên tôi rất quan tâm đến sự chết, cách chết. Và kỹ năng này thì liên quan đến hiểu biết về CẢM GIÁC PHÁP TRẦN – đây là một trong những hiểu biết đặc biệt và quan trọng nhất mà tôi chưa từng được biết đến trước đây, cũng chưa thấy ai giảng nói về nó một cách tường tận, rõ ràng và thuyết phục như sư Nguyên Tuệ. Tôi còn nhớ như in cái hôm Sư hướng dẫn quán thọ với đề mục là cảm giác pháp trần: Sư bảo phải dành nhiều thời gian để thực hành quán cảm giác pháp trần vì nó liên quan đến tiến trình chết. Rồi Sư giảng đến diễn biến của cái chết: trước, trong và sau khi chết, đồng thời giải thích rõ vì sao nên thực hành quán cảm giác pháp trần – ấy là biết cách tự mình chuẩn bị cho sự chết vậy! Tôi nghe xong mà ứa nước mắt, dù Sư chẳng bao giờ dạy về cái gọi là “lòng từ bi”, nhưng lúc đó tôi cảm nhận được đây chính là “lòng từ mẫn” lớn nhất mà Sư đã trao cho những người học như tôi: chỉ dẫn cho họ có được hiểu biết đúng sự thật, về cách chuẩn bị cho sự kiện trọng đại nhất của đời người, về con đường đi đến được cái chết thật, để có thể vĩnh viễn đi vào giấc ngủ sâu không mộng mị, an ổn thoát mọi khổ ách! Bởi thế nên ngay sau buổi học đó, tôi phải thốt lên với các bạn đồng tu là “chưa bao giờ trong đời tôi được học một thứ gì quý giá hơn thế!”.
Một điều đặc biệt nữa, là tôi không chỉ bị thuyết phục bởi “khẩu giáo” của sư Nguyên Tuệ, mà còn bị ấn tượng bởi “thân giáo” của vị thầy này – vì theo tôi đây chính là yếu tố tác động đặc biệt quan trọng đến người học. Tuy chưa có dịp được học trực tiếp với Sư, song khi theo dõi quá trình Sư giảng nói, giải đáp và tương tác với người học, tôi cảm nhận được rõ rệt là có một sự nhất quán xuyên suốt trong lời nói, cử chỉ và hành động của Sư. Với phong thái lúc nào cũng tự tin điềm nhiên tự tại, những gì Sư giảng nói và giải đáp các thắc mắc đều chỉ với mục đích giúp người học nhất hướng đến giác ngộ giải thoát, không nói những điều sáo rỗng, khoa trương, màu mè, bóng bẩy không cần thiết. Tuy chỉ là một thiền sinh sơ cơ mới chập chững bước trên con đường tu, nhưng nhờ cảm nhận như vậy mà tôi có được sự an tâm, tin tưởng lớn để tinh tấn nương theo.
Một lần, tôi có nghe chia sẻ của cô Đỗ Thị Nga trong câu lạc bộ Lối sống Bát Chánh Đạo (nhóm gồm các đạo hữu học và tu theo Pháp mà Sư hướng dẫn) đại khái như thế này: cô rất hoan hỉ khi biết đến và tu tập theo những gì mà sư Nguyên Tuệ chỉ dẫn, dù có rất ít người theo pháp này. So với các vị thầy khác khi đăng đàn thuyết giảng thì có hàng ngàn người ngồi nghe, với sư Nguyên Tuệ thì đâu được như vậy…; nhưng điều đó không quan trọng vì chúng ta không theo vì số đông mà vì để tiếp cận được chân lý, sự thật… Tôi nghe đến đó mà bật khóc ngon lành.
Từ thẳm sâu, tôi hiểu rõ vì sao. Câu nói của Sư lại cứ vang vẳng bên tai: “Giáo pháp của Đức Phật sâu kín, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt qua mọi tư duy lý luận suông, chỉ có người trí mới có khả năng giác hiểu. Còn quần chúng này thì ham thích ái dục, ưa thích ái dục cho nên khó mà lĩnh hội được pháp này.” Có lẽ vì hiểu rõ như vậy mà tôi nhận thấy, cách mình kính trọng và tri ân người Thầy này cũng có phần khác biệt. Trong tôi không hề khởi lên bất kỳ tư tưởng thần tượng, tôn sùng, hay kính sợ hay “thương” Thầy chi cả! Tôi chỉ cố gắng nỗ lực nhất hướng Văn – Tư – Tu theo những gì mà Thầy đã khai thị, vì biết đó là điều chân chánh nhất đúng đắn nhất mà tôi có thể làm để bày tỏ lòng trân trọng, biết ơn đến vị Minh sư này – một khi bản thân đã có được hiểu biết đúng như thật về Lý Duyên Khởi, Tứ Thánh Đế, Vô thường và Vô ngã.
Trên hết, tôi luôn tâm niệm Đức Phật, hay sư Nguyên Tuệ chỉ là người dẫn đường, còn việc có bước đi không và đến đích hay không phải là việc của tôi, không ai có thể đi thay cả, không ai có thể “độ” tôi được cả. Đã nhận thức rõ như vậy nên dù đã tìm ra được Minh sư, tôi biết mình không thể nương tựa vào Thầy mà chỉ có thể nương tựa nơi chính mình để đi trọn vẹn hành trình đoạn tận vô minh và tham ái!
Ngày 23.8.2021
Thiền sinh Đinh Thanh Hương
Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm