Định lý Duyên Khởi hay Định luật nhân quả đang vận hành và chi phối toàn thể đời sống nhân loại, bất kể người đó có tin hay không. Tất cả nhân loại đang tư duy dựa trên định luật nhân quả để nhận thức, để giải thích, để sống với quy luật nhân quả theo nguyên tắc rất đơn giản : “không có Lửa làm gì có Khói”. Trong đó Lửa là Nguyên nhân, Khói là Kết quả và quy luật là Nhân sinh ra Quả chứ không có ngược lại Quả sinh ra Nhân.
Tuy nhân loại đang mỗi một giây phút sống với quy luật nhân quả nhưng HIỂU BIẾT QUY LUẬT NHÂN QUẢ lại có hai loại : Một là hiểu biết sai lạc, không đúng sự thật về quy luật nhân quả, thuộc Phàm phu; Hai là hiểu biết đúng sự thật quy luật nhân quả, thuộc bậc Thánh.
1 – Hiểu biết sai quy luật nhân quả:
Đó là hiểu biết chung của nhân loại và nội dung của hiểu biết đó là : MỘT NHÂN BIẾN ĐỔI THÀNH QUẢ. Ví như tiếng trống là do cái trống phát sinh ra, hạt thóc biến đổi thành cây mạ, nước biến đổi thành hơi nước, hơi nước biến đổi thành mây, mây biến đổi thành mưa, rác biến đổi thành hoa, hoa biến đổi thành rác vv …
Hiểu biết này đồng nghĩa với tiên đề của triết học duy vật : “Vật chất không được sinh ra, không bị mất đi mà chỉ biến đổi từ vật này sang vật khác, từ dạng này sang dạng khác”.
Với hiểu biết “Một nhân biến đổi thành quả” thì sẽ suy ra hệ quả : nhân trong quả, quả trong nhân, nhân và quả đồng thời tồn tại, tương tức tương nhập lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau, nương nhau mà tồn tại. Và đương nhiên cái thế giới gồm “toàn thể các sự vật và hiện tượng” mà nhân loại đang thấy biết, sẽ không sinh không diệt, thường hằng thường trú.
Quan hệ giữa Nhân và Quả là quan hệ phụ thuộc, quan hệ sở hữu : Quả là của Nhân. Vì vậy, quan hệ giữa các pháp luôn luôn tồn tại chữ CỦA, biểu hiện của quan hệ sở hữu, quan hệ phụ thuộc, như ngọt của đường, mặn của muối, ngon dở của thức ăn, nóng của lửa, lạnh của nước đá, cứng mền thô mịn nặng nhẹ của hòn đá, lực hút của quả đất, nhà của ta, con của ta vv…
Hiểu biết của cả hai trường phái Phật Giáo Nam tông và Bắc tông đều đặt nền tảng trên hiểu biết “Một Nhân Biến Đổi Thành Quả” của nhân loại nhưng có bổ sung cho gần với sự thật hơn. Phật giáo Bắc tông thì “Nhân Chính biển đổi thành Quả có Nhân Phụ trợ giúp” còn Phật giáo Nam tông thì “Nhân Chính biến đổi thành Quả có Duyên trợ giúp”. Tuy Phật giáo Nam tông và Bắc tông có bổ sung như vậy nhưng hiểu biết đó vẩn không phải hiểu biết đúng sự thật về quy luật nhân quả, vẫn vô minh về nhân quả.
Hiểu biết quy luật nhân quả như vậy sẽ đưa đến hiểu biết các sự vật hiện tượng thường còn ( không diệt mất mà chỉ biến đổi ) mà thuật ngữ Phật học gọi là Thường Kiến hay Chấp Có. Và cũng sẽ đưa đến hiểu biết có một Cái Ta, Bản Ngã là chủ nhân, chủ sở hữu của các pháp mà thuật ngữ Phật học gọi là Ngã Kiến hay Chấp Ngã.
2 – Hiểu biết đúng sự thật về quy luật nhân quả :
Nếu quan sát sự phát sinh các sự vật hiện tượng sẽ thấy biết quy luật nhân quả xẩy ra là : HAI NHÂN TIẾP XÚC NHAU RỒI CÙNG DIỆT MỚI PHÁT SINH QUẢ. Hãy quan sát nơi sự thật thực tại để khẳng định quy luật “hai nhân bình đẳng tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh các quả”, chứ không hề có nhân chính nhân phụ, không hề có một nhân biến đổi thành quả.
a – Sự phát sinh các Sắc pháp ( các sự vật hiện tượng vật chất ) :
Đương nhiên không thể quan sát trực tiếp các sắc pháp nhưng qua các hình ảnh mà nhãn thức thấy và do suy luận hợp lý thì sẽ biết đúng sự thật về sự phát sinh các sắc pháp theo quy luật hai nhân bình đẳng tương tác rồi cùng diệt mới phát sinh các quả. Ví như trống và dùi là hai nhân nhưng chưa tiếp xúc thì chưa phát sinh tiếng trống, nhưng khi trống và dìu tiếp xúc ( Nhân ) thì lập tức phát sinh tiếng trống ( Quả ). Khi dùi và trống tiếp xúc thì cả hai đều mòn đi ( tuy rất nhỏ, rất vi tế ) nghĩa là trống cũ, dùi cũ diệt, lúc đó mới phát sinh tiếng trống, phát sinh dùi mới và trống mới ( nhiều quả ).
Chậu nước trong và gói thuốc nhuộn đỏ tiếp xúc nhau rồi cùng diệt mà phát sinh chậu thuốc nhuộm đỏ, chậu thuốc nhuộm đỏ tiếp xúc với cái áo trắng rồi cả hai cùng diệt mà phát sanh cái áo đỏ và chậu thuốc nhuộm đỏ mới. Bao thóc giống tiếp xúc với thửa ruộng rồi cùng diệt mà phát sinh ruộng mạ; ruộng mạ tiếp xúc môi trường ( nước, ánh sáng, nước, phân tro … ) rồi cùng diệt mà phát sinh ruộng lúa chín; ruộng lúa chín tiếp xúc máy gặt rồi cả hai cùng diệt mà phát sinh bao thóc; bao thóc tiếp xúc máy xay rồi cả hai cùng diệt mà phát sinh bao gạo ….
Tương tự như vậy, viên đá lửa và bánh xe tiếp xúc nhau rồi cùng diệt mới phát sinh tia lửa, bóng đèn điện và dòng điện, gió và cành lá tiếp xúc nhau mới phát sinh sự lay động của cành lá, trọng lượng của một vật là kết quả sự tương tác giữa quả đất và vật đó vv… Nếu quan sát thô thì thấy có rất nhiều nhân tương tác với nhau cùng diệt mới phát sinh quả, nhưng quan sát tỷ mỷ, vi tế thì thấy đó là cả một lộ trình các quá trình nhân quả nối tiếp nhau theo trình tự : hai nhân tương tác phát sinh quả, rồi quả đó tương tác với nhân thứ ba phát sinh quả, rồi quả mới phát sinh lại tương tác với nhân thứ tư vv…
Điều này thể hiện rõ rệt nhất trong tương tác hoá học, nghĩa là trong các phản ứng hoá học, chỉ hai chất phản ứng với nhau, ví như phản ứng có chất phụ gia thì chất 1 phản ứng với phụ gia rồi cùng diệt và phát sinh ra chất 3, rồi chất 3 mới phản ứng với chất 2. Mọi hiện tượng vật chất như năng lượng, khối lượng, sự sống, gió bão, chim trời, cá nước, người vật vv … đều không tự nhiên có, đều không sẵn có ở đâu cả mà đều do Hai Nhân tương tác nhau rồi cùng diệt mà phát sinh ra.
b – Sự phát sinh các Danh pháp ( các hiện tượng tinh thần ) :
Các hiện tượng tinh thần cũng do Hai Nhân tương tác nhau rồi cùng diệt mà phát sinh các Danh Pháp, bao gồm bốn nhóm Thọ Tưởng Hành Thức mà thuật ngữ Phật học gọi là Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Cụ thể hai nhân đó là : Sáu Căn ( Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý ) và Sáu Trần ( Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp ). Cụ thể là :
– Mắt tiếp xúc Sắc trần phát sinh đồng thời : < Cảm giác hình ảnh – Nhãn thức >
– Tai tiếp xúc Thanh trần phát sinh đồng thời :< Cảm giác âm thanh – Nhĩ thức>
– Mũi tiếp xúc Hương trần phát sinh đồng thời: <Cảm giác mùi – Tỷ thức >
– Lưỡi tiếp xúc Vị trần phát sinh đồng thời : < Cảm giác vị – Thiệt thức >
– Thân tiếp xúc Xúc trần phát sinh đồng thời : < Cảm giác xúc chạm – Thân thức>
– Ý tiếp xúc Pháp trần phát sinh đồng thời : < Cảm giác pháp trần – Tưởng thức>.
Viết gộp là XÚC :< Thọ – Tưởng >. Ở đây Căn tiếp xúc Trần thì cả hai cùng diệt ( nghĩa là Căn Trần cũ diệt, Căn Trần mới sinh ) và phát sinh đồng thời Thọ và Tưởng tức hai nhóm Thọ uẩn và Tưởng uẩn. Còn các Hành ( Hành uẩn ) gồm Niệm, Tư duy, Tham sân si, Dục, Định, Tinh tấn, Tác ý, Lời nói, Hành động và Ý thức ( Thức uẩn ) đều do Ý tiếp xúc với Pháp trần mà phát sinh. Nhưng sự tiếp xúc làm phát sinh Hành uẩn và Thức uẩn vi tế hơn vì đây là tương tác giữa hai nhân là HAI LƯỢNG THÔNG TIN, xẩy ra trong bộ nhớ tâm thức.
Vì vậy, các Danh pháp thuộc bốn nhóm Thọ Tưởng Hành Thức không tự nhiên sinh, cũng không sẵn có ở đâu, không thường hằng thường trú đâu cả, mà chỉ phát sinh khi có hai nhân là Căn và Trần tương tác với nhau. Khi ngủ say không mộng mỵ, khi ngất đi trong một tai nạn, gây mê sâu khi mổ thì do Sáu Căn không hoạt động, tuy vẩn có Sáu Trần nhưng không có Xúc nên không có Thọ Tưởng Hành Thức nào cả, không có Tâm nào cả.
c – Hệ quả từ quy luật nhân quả :
Quy luật nhân quả xẩy ra là từ NHÂN mà phát sinh QUẢ, nhưng Nhân phải được hiểu đúng sự thật là gồm : Hai Nhân và Hai Nhân Tiếp Xúc với nhau hay Tương Tác với nhau. Sự tiếp xúc hay tương tác giữa hai nhân được gọi là DUYÊN, và sự phát sinh các pháp là do Duyên nên gọi các pháp là Pháp Duyên Khởi. Vì vậy, nói quy luật nhân quả cũng đồng nghĩa với quy luật duyên khởi, và chữ Duyên đã thể hiện là phải có hai nhân mới có duyên nhau, nghĩa là có tương tác với nhau chứ một nhân thì không thể có duyên được. Hệ quả từ quy luật này là : Tất cả các Danh pháp và Sắc pháp đều có tự tánh Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu ( Vô ngã ).
– Một là : Tất cả các pháp đều Vô thường : vì các pháp do duyên Xúc mà sinh, cũng do duyên Xúc mà diệt nên tất cả các pháp, cho dù là Danh hay Sắc đều sinh lên rồi diệt đi, không thường hằng, không thường trú đâu cả, nên tính chất đó gọi là Vô Thường. Thực tại đang xẩy ra là từng cặp đôi các pháp đang tương tác rồi cùng diệt đi và phát sinh quả ( pháp khác ) và quả đó lại tiếp tục đóng vai trò là nhân tương tác với một nhân khác và lại diệt đi mà phát sinh một pháp khác vv … Quá trình cứ diễn tiến nối tiếp nhau như vậy không bao giờ kết thúc theo quy luật “nhân diệt quả sanh”.
– Hai là : Tất cả các pháp đều Vô chủ, vô sở hữu ( hay Vô ngã ) : Theo quy luật duyên khởi diễn tiến theo Thời Gian là “nhân diệt quả sanh” thì giữa Nhân và Quả không hề có quan hệ phụ thuộc, không hề có quan hệ chủ nhân chủ sở hữu. Nghĩa là các pháp đều Vô chủ, vô sở hữu, không hề có pháp nào là chủ nhân, chủ sở hữu của pháp nào. Nếu quan sát theo chiều không gian thì quan hệ giữa các pháp là quan hệ giữa hai nhân bình đẳng, tương tác với nhau rồi cùng diệt nên các pháp đó cũng đều Với chủ vô sở hữu, không có pháp nào là chủ nhân chủ sở hữu của pháp nào. Vì vậy, nếu xét quan hệ giữa các pháp theo chiều không gian và thời gian thì không hề có quan hệ phụ thuộc, không hề có quan hệ chủ nhân chủ sở hữu, không hề tồn tại chử CỦA, nghĩa là các pháp vô chủ vô sở hữu. Điều này cũng đồng nghĩa với, không có một pháp nào, một cái Ta, một Bản Ngã nào, là chủ nhân chủ sở hữu các pháp hay các pháp đều Vô ngã.
Hãy sử dụng bài giảng này làm phương tiện, làm công cụ để quán sát sự thật thực tại, để tự mình rút ra kết luận, tự mình thấy, tự mình biết đúng sự thật quy luật nhân quả là “hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt và phát sinh quả”, và tự mình thấy, tự mình biết tất cả các pháp đều vô thường, đều vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ) nhằm mục đích xoá bỏ hiểu biết sai về quy luật nhân quả đã lưu giữ trong bộ nhớ tâm thức.
Đặc biệt là quan sát tương tác giữa Sáu Căn và Sáu Trần để “Tuệ Tri Sáu Xúc Xứ”. Ví như, quan sát Viên đường và Lưỡi là hai nhân tố nhưng chưa tiếp xúc thì chưa ai cảm nhận được ngọt cả. Khi Lưỡi tiếp xúc Viên đường thì cả hai cùng diệt ( viên đường diệt, lưỡi cũ diệt và lưỡi mới sinh )thì lập tức phát sinh Cảm giác vị ( ngọt ). Đây mới là “NGỌT” thực, là thực tại đời sống đang diễn ra hàng ngày và nó là Cảm giác ( Cảm thọ ) là Tâm chứ không phải Cảnh.
Xúc sinh Cảm giác ngọt sinh và Xúc diệt thì Cảm giác ngọt diệt ngay tức thì nên Cảm giác ngọt Vô thường. Cảm giác ngọt không phải của lưỡi, không phải của viên đường nên nó Vô chủ vô sở hữu, không ai có thể làm chủ, sở hữu, nắm giữ hoặc xua đuổi được nó. Mọi đối tượng thực tại như to nhỏ vuông tròn dài ngắn, mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn, đàn ông đàn bà, người vật, trăng sao, không gian thời gian, khối lượng, năng lượng, sự sống, cái chết vv… đều do Sáu Căn và Sáu Trần tương tác mà phát sinh, và đều là Cảm giác ( Cảm thọ ), nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ).
Đặc biệt phải quán sát để thấy biết đúng sự thật : Khổ cũng do hai nhân tương tác mà phát sinh. Vì vậy, khi đã biết rõ hai nhân ấy, thì để khổ không phát sinh, phải thực hành để hai nhân ấy không tiếp xúc được với nhau.Đó là giai đoạn “nhiếp phục” khổ, tiếp đến xoá bỏ một trong hai nhân ấy là giai đoạn “đoạn tận khổ”.Nhân cần xoá bỏ đó là “vô minh chấp ngã” được lưu giữ trong bộ nhớ tâm thức.
Đại Đức Nguyên Tuệ