fbpx

HIỂU ĐÚNG VÀ HIỂU SAI VỀ CHÁNH NIỆM

Chánh Niệm là một từ không những được giới Phật tử sử dụng thường xuyên mà những người hành thiền trong nhiều trường phái khác nhau cũng đang sử dụng đến.

Tuy nhiên đại đa số người tu đều hiểu sai về Chánh Niệm, không thực hành được Chánh Niệm, vì vậy không kinh nghiệm được Chánh Định và Chánh Kiến khởi lên theo tiến trình Niệm – Định – Tuệ mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng.

Để phân biệt được thế nào là HIỂU ĐÚNG ( gọi là Trí Tuệ ), thế nào là HIỂU SAI ( gọi là Vô Minh ) về Chánh Niệm thì phải có sự hiểu biết đúng về Niệm và trong đó Niệm có hai loại : Chánh Niệm và Tà Niệm.

1 – NIỆM:

Niệm là một từ Hán Việt xuất hiện khi phiên dịch kinh điển Phật giáo từ tiếng Ấn độ qua tiếng Trung hoa, là ngôn từ nhằm trỏ đến một tâm hành hay một hành vi rất vi tế thuộc phạm trù tâm. Vì nó là một thuật ngữ thuần tuý Phật giáo, không được dùng trong tâm lý học, khoa học và đời sống thường ngày nên đa phần người học Phật không biết nó là cái gì đang xẩy ra trong cuộc sống thường ngày.

Tuy thế trong các bộ kinh Nikaya đã ít nhất một lần nhắc đến : “Niệm là nhớ lại được những gì đã học từ trước”. Định nghĩa đó đã khẳng định Niệm chính là Trí Nhớ, là Nhớ Đến điều đã học, đã tích luỹ, và như vậy Niệm là Trí nhớ là từ được dùng trong cuộc sống hàng ngày, trong khoa học, trong tâm lý học của người Việt.

Để hiểu rõ Niệm hay Trí Nhớ phát sinh và hoạt động như thế nào phải quan sát, phải tuệ tri Sáu Xúc Xứ, tức Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần khởi lên lộ trình tâm như thế nào. Khi Căn Trần tiếp xúc phát sinh đồng thời sáu Cảm Giác ( Cảm Thọ ) và sáu Cái Biết trực tiếp giác quan có phận sự Ghi Nhận hay Nhận Biết sáu Cảm Giác đó. Viết tắt lộ trình là:

XÚC – < Thọ – Tưởng >.

Ví như Mắt tiếp xúc Sắc trần sẽ phát sinh : Thọ là Cảm giác hình ảnh và Tưởng là Nhãn thức Thấy Cảm giác hình ảnh. Lưỡi tiếp xúc Vị trần ( thức ăn ) phát sinh : Thọ là Cảm giác vị và Tưởng là Thiệt thức cảm nhận Cảm giác vị …

– Tưởng là tâm biết trực tiếp giác quan gồm Nhãn thức thấy Cảm giác hình ảnh, Nhĩ thức nghe Cảm giác âm thanh, Tỹ thức cảm nhận Cảm giác mùi, Thiệt thức cảm nhận Cảm giác vị, Thân thức cảm nhận Cảm giác xúc chạm và Tưởng thức cảm nhận Cảm giác pháp trần.

Đây là Tâm Biết vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt mà Thánh Phàm, người và động vật đều có như nhau, phát sinh khi Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần, không phụ thuộc vào tri thức kinh nghiệm đã tích luỹ từ quá khứ của mỗi cá thể. Khoa Tâm lý học gọi Tâm biết trực tiếp này là Nhận thức cảm tính đối tượng và tâm biết này chỉ Ghi nhận hay Nhận biết đối tượng mà không phân biệt, không biết đối tượng là cái gì, tính chất ra sao.

Hình dung tâm biết này qua một đứa trẻ vừa đẻ ra khi sáu Căn của nó tiếp xúc Sáu Trần, nó vẫn thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng ( chính là tâm biết trực tiếp giác quan đó ) nhưng nó không biết các đối tượng đó là cái gì, to hay nhỏ, đẹp hay xấu, mặn hay ngọt, người hay vật …

– Tâm biết Ý thức : Sau khi tâm biết trực tiếp Tưởng ghi nhận đối tượng thì tâm biết Ý thức khởi lên để biết đối tượng vừa thấy, nghe, cảm nhận đó là cái gì, tính chất ra sao. Tâm biết Ý thức sẽ khởi lên theo lộ trình :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Niệm – Tư Duy – Ý Thức.

Ví như một người mù, khi Tay tiếp xúc với các tờ tiền giấy 1000đ, 2000đ, 5000đ … và được người sáng mắt dạy cho đó là 1000d, 2000đ, 5000đ … thì người mù ghi nhớ lấy các Cảm giác xúc chạm ứng với mỗi tờ tiền giấy.

Hành vi học hỏi, ghi nhớ này sẽ lưu các thông tin về Cảm giác cùng hiểu biết về các Cảm giác đó ( cảm giác đó ứng với tờ tiền mấy ngàn đồng ) vào trong các “ngăn kéo” của kho chứa thông tin. Và bây giờ, Tay người mù tiếp xúc Tờ tiền giấy thì xẩy ra XÚC – <Thọ – Tưởng > tức phát sinh một Cảm giác xúc chạm và phát sinh tâm biết Thân thức cảm nhận Cảm giác xúc chạm đó.

Thân thức chỉ ghi nhận Cảm giác mà không biết đó là cái gì. Tiếp đến, Niệm hay Trí Nhớ sẽ tìm kiếm và kích hoạt các thông tin về Cảm giác xúc chạm trong các “ngăn kéo” đã được học hỏi trước đây. Tiếp đến Tư Duy khởi lên sẽ phân tích, so sánh đối chiếu Cảm giác xúc chạm vừa mới phát sinh với Các Cảm giác xúc chạm trong quá khứ đã được học hỏi được lưu trong các “ngăn kéo” và được Niệm kích hoạt lên. Do Tư Duy như vậy mà sẽ phát sinh Kết luận, đó là tờ tiền giấy mấy ngàn. Kết luận đó chính là tâm biết Ý thức, biết về đối tượng. Các Căn Trần khác cũng phải quan sát tượng tự như vậy.

Tâm biết Ý thức có phận sự biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao nên các nội dung này phụ thuộc vào những tri thức kinh nghiệm, hiểu biết đã học hỏi tích luỹ từ quá khứ và hoàn toàn phụ thuộc Niệm tìm kiếm kích hoạt . Trong kho chứa “tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm” từ quá khứ có vô lượng thông tin được chứa trong các ngăn kéo theo từng loại cảm giác mà nếu không có Niệm thì Tư Duy không thể đối chiếu hết Cảm giác vừa phát sinh với tất cả mọi cảm giác được lưu giữ trong kho chứa, vì vậy Niệm có phận sự tìm kiếm, kích hoạt một loại thông tin tương ứng để Tư Duy so sánh đối chiếu.

Ngày nay Google là công cụ tìm kiếm có phận sự như Niệm, nghĩa là Google tìm kiếm thông tin cần tìm trong lượng thông tin khổng lồ chứa trong các máy chủ. Trong cuộc sống thường ngày nói Tưởng Niệm tức cũng là Tưởng Nhớ đến, dùng cách niệm thầm một từ gì đấy là cách nhắc nhở làm cho Niệm khởi lên, Nhớ đến vấn đề đó.

Vì chưa hiểu biết tường tận lộ trình Niệm – Tư Duy – Ý Thức, không hiểu rõ được nội dung của tâm biết Ý thức có nội dung do Niệm tìm kiếm, kích hoạt nên đa phần HIỂU LẦM cho rằng Niệm hay Trí Nhớ là Tâm biết ý thức. Đặc biệt trong Phật giáo đa phần hiểu Chánh Niệm là Biết như thật đối tượng và đó chính là HIỂU LẦM Chánh Niệm với Tâm biết Ý thức Chánh Kiến. Phải hiểu rằng Niệm hay Trí nhớ là một Danh pháp thuộc phạm trù tâm nhưng không phải là Tâm Biết, tuy Tâm Biết cũng là một Danh pháp thuộc phạm trù tâm nhưng Tâm Biết chính là Thức bao gồm nhãn thức, nhĩ thức,tỹ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức và ý thức.

XÚC – Thọ – Tưởng xẩy ra nơi các giác quan còn Niệm – Tư Duy – Ý Thức xẩy ra dó Ý tiếp xúc Pháp trần nơi tế bào thần kinh não bộ, vì vậy Niệm hay Trí nhớ phụ thuộc vào cả lượng thông tin Pháp trần ( loại thông tin nào nổi trội Niệm sẽ dễ tìm kiếm kích hoạt ) và chất lượng của tế bào thần kinh não bộ ( trí nhớ phụ thuộc vào độ tuổi, phụ thuộc vào sự lão hoá của tế bào não ). Chính vì vậy Niệm của các cá nhân sẽ khác nhau tuỳ thuộc cả Danh và Sắc của mỗi người.

2 – TÀ NIỆM :

Trong kho chứa thông tin các tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm của Phàm phu có lượng thông tin Vô Minh, Chấp Ngã đã được tích tập, lưu giữ từ vô thuỷ và sau một lần chết đi và tái sanh lại thì lượng thông tin Vô minh, Chấp ngã này lại truyền từ kho chứa người chết vào kho chứa của người tái sanh.

Trong đó Vô minh là hiểu biết sai sự thật về tất cả các sự vật, hiện tượng ( không liễu tri các pháp ), đặc biệt là hiểu sai về Khổ Tập Diệt Đạo. Vô minh mà nền tảng là TÂM BIẾT CẢNH cho rằng những đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận là Thế giới ngoại cảnh Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần nên Khổ Tập Diệt Đạo tồn tại nơi Thế giới ngoại cảnh.

Khổ và Nguyên nhân Khổ có mặt nơi các đối tượng khó chịu và trung tính, Hạnh phúc tức Chấm dứt Khổ có mặt nơi các đối tượng dễ chịu và Con đường chấm dứt Khổ là thay đổi hoàn cảnh sống, thay đổi Thế giới ngoại cảnh.

Chấp ngã là tư tưởng cho rằng có một Cái Ta còn gọi là Bãn Ngã không sinh không diệt là Chủ nhân, Chủ sở hữu của Danh và Sắc ( Tâm và Thân ) hay Bản Ngã là Chủ nhân, Chủ sở hữu của Năm nhóm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức hay như các tôn giáo khác hiểu Bản Ngã là Linh Hồn cư ngụ trong thân và là chủ nhân, chủ sỡ hữu, điều khiển mọi hoạt động của thân tâm này.

Hễ XÚC – < Thọ – Tưởng > khởi lên thì Niệm sẽ kích hoạt thông tin VÔ MINH CHẤP NGÃ đó và Tư Duy sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu với thông tin Vô minh chấp ngã được Niệm kích hoạt và kết quả sẽ phát sinh tâm biết Ý THỨC CÓ NỘI DUNG VÔ MINH CHẤP NGÃ. Lộ trình này được gọi là Tà :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Ý thức Tà Tri Kiến.

Ý thức Tà Tri Kiến này có hai phần : Chủ thể biết và Đối tượng được biết chính là BÃN NGÃ và THẾ GIỚI như kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ kinh đã đề cập. Khi Ý thức Tà Tri Kiến xác định đối tượng đó là Dễ chịu thì cũng cho rằng nó sẽ mang Hạnh phúc, sẽ chấm dứt Khổ cho Ta nên sẽ phát sinh hành vi Thích thú đối tượng dễ chịu và gọi là Tham.

Ý Thức Tà Tri Kiến xác định đối tượng đó là Khó chịu thì cũng cho rằng nó sẽ mang đến Khổ cho Ta nên sẽ phát sinh hanh vi Chán ghét đối tượng khó chịu gọi là Sân. Khi Ý thức Tà Tri Kiến xác định đối tượng đó là Trung tính thì cũng cho rằng đối tượng này không mang lại Hạnh phúc, không chấm dứt Khổ cho Ta, mà chỉ đối tượng Dễ chịu mới mang lại Hạnh phúc, mới chấm dứt Khổ cho Ta nên sẽ phát sinh HÀNH VI TÌM KIẾM đối tượng Dễ chịu để THAY THẾ đối tượng Trung tính. Hành vi đó gọi là Si :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Ý thức Tà Tri Kiến – < Tham Sân Si > – …

Và với Tham Sân Si sẽ phát sinh sự Dính mắc, Ràng buộc vào đối tượng. Do Dính mắc, Ràng buộc mà phát sinh Sầu Bi Khổ Ưu Não Sinh Già Bệnh Chết không thể kể xiết. Đó chính là lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu có Vô minh, có Tham Sân Si, có Sầu Bi Khổ Ưu Não với khởi đầu là TÀ NIỆM.

3 – CHÁNH NIỆM :

Một vị thanh văn đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhờ nghe giảng hoặc nghiên cứu kinh điển mà có được Văn Tuệ, tức hiểu biết đúng như thật các pháp, liễu tri các pháp với nền tảng TÂM BIẾT TÂM, biết như thật các đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận là Cảm Giác hay Cảm Thọ do Căn Trần tiếp xúc mà phát sanh, nó vô thường, vô chủ ( vô ngã ), có vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly như Đức Phật đã tuyên bố về sự giác ngộ của Ngài:

Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sinh diệt của thọ, vị ngọt , sự nguy hiểm và sự xuất ly của thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ.

Vị ấy biết như thật Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về NỘI TÂM chứ không thuộc về THẾ GIỚI ngoại cảnh, biết rõ Duyên khởi lên lộ trình tâm Bát Tà Đạo có Vô minh, có Tham Sân Si, có Sầu Bi Khổ Ưu Não, biết rõ Duyên khởi lên Con đường chấm dứt Khổ là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo với NIỆM – ĐỊNH – TUỆ, với Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát.

Những thông tin về Văn Tuệ do nghe mà có được như vậy sẽ được lưu vào trong kho chứa thông tin với tên gọi là Minh hay Trí Tuệ. Khi Căn Trần tiếp xúc, có XÚC – < Thọ – Tưởng > khởi lên và tiếp đến là Niệm khởi lên và nếu Niệm đó NHỚ ĐẾN MINH, Nhớ đến điều đã học không còn Nhớ Đến Vô minh chấp ngã thì Niệm đó là CHÁNH NIỆM. Và lộ trình tâm có Tà Niệm được thay thế bằng Chánh Niệm :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh Niệm – …

Chánh Niệm được chia thành Bốn Loại để tu tập rèn luyện :

a – NIỆM THÂN hay CHÁNH NIỆM VỀ THÂN:

Là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quán sát thân nơi thân với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu và nói gọn là Nhớ Đến Chú Tâm quán sát các cảm giác nơi thân. Lúc đó lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ khởi lên bao gồm :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ).

Nghĩa là khi XÚC – < Thọ – Tưởng > khởi lên rồi Niệm khởi lên, Nhớ Đến Chú Tâm các cảm giác nơi thân thì sẽ phát sinh Chánh Tinh Tấn ( Nhiệt tâm ) và do Chánh Tinh Tấn mà phát sinh sự CHÚ TÂM vào đối tượng. Sự CHÚ TÂM đó là Chánh Định. Lộ trình tâm xẩy ra với đối tượng chỉ có như vậy và trong lộ trình tâm như vậy chỉ có Tâm biết trực tiếp Tưởng, chính là Thân thức Ghi nhận hay Nhận biết đối tượng, Tâm biết Ý thức không khởi lên.

Vì sao vậy ? Vì lúc này không có Tà Niệm nên lộ trình Tà Niệm – Tà Tư Duy – Ý thức Tà Tri Kiến không khởi lên. Sự Ghi nhận hay Nhận biết đối tượng thuần tuý như vậy không có Tâm biết Ý thức khởi lên gọi là TĨNH GIÁC. Đối tượng là Cảm giác trên thân đó diệt đi thì lộ trình tâm đó cũng diệt nhưng tiếp đến một đối tượng khác là một Cảm giác khác trên thân lại sinh lên và diệt đi và lộ trình tâm tương tự lại phát sinh rồi lại diệt đi.

Quá trình cứ diễn tiến liên tục như vậy. Khi Chánh Niệm, Nhớ Đến Chú Tâm các cảm giác trên thân liên tục khởi lên thì sự Chú Tâm ( Chánh Định ) cũng tự động liên tục xẩy ra và Tâm biết Thân thức liên tục khởi lên Ghi nhận các đối tượng. Không phải chỉ xẩy ra với các cảm giác nơi thân mà khi hành vi Chú Tâm liên tục xẩy ra với các đối tượng trên thân thì các đối tượng khác ( cảm giác hình ảnh, âm thanh, mùi … ) xẩy ra đan xen vẫn được thấy, nghe, cảm nhận bằng Tâm biết trực tiếp ( Tưởng ) mà Tâm biết Ý thức không khởi lên.

Lúc đó sẽ kinh nghiệm, sẽ chứng ngộ thuần tuý Tâm biết trực tiếp Tưởng gọi là Tĩnh giác có tánh chất VÔ NIỆM, VÔ NGÔN, VÔ PHÂN BIỆT. Với tâm biết Tĩnh Giác như vậy sẽ không có Vô minh, không có Tham Sân Si, không có Phiền não và giải thoát do tâm biết Tĩnh Giác khởi lên như vậy gọi là Tâm Giải Thoát.

Để có thể chứng ngộ và an trú Tĩnh Giác, an trú Tâm Giải Thoát trong toạ thiền và mọi tư thế của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày phải luyện tập Niệm Thân tức luyên tập Trí Nhớ để liên tục Nhớ Đến Chú Tâm các cảm giác nơi thân. Và để cho Trí Nhớ, Nhớ đến chú tâm các cảm giác nơi thân liên tục khởi lên, liên tục có mặt thì có một cách đơn giản và hiệu quả là liên tục niệm thầm thân thân thân trong mọi lúc, mọi nơi.

Hành vi niệm thầm thân thân thân KHÔNG PHẢI LÀ CHÁNH NIỆM VỀ THÂN nhưng nó nhắc nhở, tạo nhân duyên cho Chánh Niệm Về Thân khởi lên. Hãy thử nghiệm khi thiền hành, bước đi một cách tự nhiên như nhiên và niệm thầm thân thân theo nhịp bước chân và trải nghiệm xem nó xẩy ra thế nào.

Lúc đó Chánh Niệm, nhớ đến chú tâm các cảm giác trên thân sẽ liên tục khởi lên và nhờ vậy mà CHÚ TÂM sẽ TỰ ĐỘNG xẩy ra. Chú tâm tự động xẩy ra khi chân trái, phải chạm đất, chuyển động của vai trái, vai phải, của tay … và chú tâm cả cảm giác hình ảnh đường đi. Nhờ chú tâm như vậy mà Ghi nhận rõ ràng, minh bạch mọi cảm giác trên thân với tâm biết thuần tuý Thân thức và gọi là Tĩnh Giác. Lúc nó tâm trống không, rỗng lặng, vắng bặt mọi tư duy, mọi phiền não và kinh nghiệm được lời dạy của Đức Phật trong bài kinh Thân Hành Niệm:

Nhờ thực hành Thân Hành Niệm ( Nhớ đến chú tâm lên thân ) mà các Niệm Và Tư Duy Thế Tục được đoạn trừ. Do các Niệm và Tư duy thế tục được đoạn trừ nên tâm được AN TRÚ, AN TOẠ, CHUYÊN NHẤT, ĐỊNH TĨNH. Sau khi thử nghiệm với thiền hành hãy mở rộng Niệm Thân bằng cách niệm thầm thân thân trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi, khi đánh răng rửa mặt, lau nhà, nấu ăn, rửa bát, ăn uống … để kinh nghiệm và an trú Tĩnh giác, an trú Tâm giải thoát.

b – NIỆM THỌ hay CHÁNH NIỆM VỀ THỌ:

Là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quan sát mọi Cảm giác với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu. Sự thực hành Niệm Thọ cũng giống như Niệm Thân nhưng đối tượng được chú tâm quan sát rộng hơn và mục đích là chứng ngộ và an trú tâm biết Tĩnh Giác, chứng ngộ và an trú Tâm Giải Thoát.

c – NIỆM TÂM hay CHÁNH NIỆM VỀ TÂM:

Là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quan sát tâm nơi tâm với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu. Niệm Tâm có hai đề mục cần phải luyện tập :

– Một là:

NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quan sát các đối tượng ( được thấy, nghe, cảm nhận ) là CẢM GIÁC hay CẢM THỌ thuộc phàm trù tâm, các đối tượng đó Là Tâm chứ không phải Là Cảnh. Nghĩa là khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng, Chánh Niệm nhớ đến điều đã học ( các đối tượng là cảm giác ) khởi lên, thì sẽ có sự chú tâm vào đối tượng và tiếp đó Chánh Tư Duy khởi lên sẽ phân tích, so sánh, đối chiếu đối tượng đó với thông tin mà Chánh Niệm đã kích hoạt. Do có Chánh Tư Duy như vậy mà sẽ phát sinh Ý thức Chánh Tri Kiến biết như thật, đối tượng đó là Cảm Giác, là tâm chứ không phải cảnh. Lộ trình xẩy ra như sau :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Ý thức Chánh Tri Kiến.

Khi ý thức Chánh Tri Kiến biết như thật đối tượng đó là CẢM GIÁC ( hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, pháp trần ) thì đó là Minh, là Trí Tuệ, lúc đó ý thức Tà Tri Kiến với Vô minh, Chấp ngã bị nhiếp phục nên người tu sẽ kinh nghiệm được lộ trình tâm chỉ dừng lại Biết Như Thật đối tượng đó là Cảm giác, không có diễn tiến gì thêm nữa.

Với tâm biết ý thức Chánh Tri Kiến như vậy sẽ biết như thật ngay liền, không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ luỵ với đối tượng. Giải thoát do Chánh Tri Kiến khởi lên như vậy gọi là Tuệ Giải Thoát.

Lúc khởi đầu thực hành người tu phải niệm thầm cảm giác, cảm giác để nhắc nhở, tạo duyên cho Chánh Niệm khởi lên nhưng khi Ý thức Chánh Tri Kiến đã khởi lên thì chính Chánh Tri Kiến của lộ trình tâm trước lại là nhân duyên cho Chánh Niệm ở lộ trình tâm sau sinh khởi. Đề mục này tôi xếp vào Niệm Tâm nhưng cũng có thể xếp nó vào Niệm Thọ tuỳ theo sự phân chia của mỗi người.

– Hai là : NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quan sát nội tâm.

Người tu có thể niệm thầm nội tâm, nội tâm hay chỉ niệm tâm tâm thì niệm thầm như vậy nhắc nhở Chánh Niệm khởi lên, Nhớ Đến chú tâm quan sát nội tâm. Vì vậy, khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng rồi Chánh Niệm Nhớ đến chú tâm quan sát nội tâm khởi lên, tiếp đến Chánh Tư Duy, Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ khởi lên.

Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ biết rõ nội tâm có khởi lên tư tưởng hay thái độ gì với các đối tượng đó hay không. Nếu Chánh Niệm xẩy ra liên tục thì Chánh Tri Kiến biết rõ nội tâm vắng lặng, không tham sân si, không phiền não. Nếu mất Chánh Niệm, Tà Niệm khởi lên có tham sân si, dính mắc, ràng buộc, phiền não thì khi Chánh Niệm xuất hiện trở lại, Ý thức Chánh Tri Kiến lại khởi lên, biết rõ đã có tham sân si, phiền não xẩy ra. Với sự thực hành Niệm Tâm như vậy người tu sẽ chứng ngộ và an trú Tuệ Giải Thoát.

d – NIỆM PHÁP hay CHÁNH NIỆM VỀ PHÁP:

Là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quán sát pháp nơi pháp với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu. Niệm Pháp có rất nhiều đề mục với mục đích tu tập Chánh Tri Kiến để chứng ngộ và an trú Tuệ Giải Thoát.

– NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quán sát đối tượng sinh diệt, vô thường : người tu khởi đầu có thể niệm thầm sinh diệt, sinh diệt để nhắc nhở, kích hoạt Chánh Niệm Nhớ đến đối tượng sinh diệt, vô thường đã học. Khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng Chánh Niệm nhớ đến đối tượng sinh diệt đã học khởi lên và Chánh Tư Duy, Ý thức Chánh Tri Kiến khởi lên, Biết như thật đối tượng đang sinh diệt, vô thường. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ khởi lên giống Niệm Tâm :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Ý thức Chánh Tri Kiến.

Khi Ý Thức Chánh Tri Kiến khởi lên, Biết như thật đối tượng đó sinh diệt, vô thường thì lộ trình tâm dừng lại, không có diễn tiến nào tiếp theo và người tu kinh nghiệm được, không yêu thích, không chán ghét, độc lập, không ràng buộc, giải thoát không hệ luỵ với đối tượng. Giải thoát do Chánh Tri Kiến vô thường khởi lên như vậy gọi là Tuệ Giải Thoát.

– NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quán sát đối tượng Vô chủ, Vô sở hữu hay Vô ngã. Sự thực hành và trải nghiệm giải thoát cũng tượng tự như trên.

– NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM quán sát sự nguy hiểm ( hay nguyên nhân khổ ). Người tu có thể khởi đầu niệm thầm nguy hiểm, nguy hiểm để nhắc nhở, tạo duyên cho Chánh Niệm nhớ đến sự nguy hiểm khởi lên. Do Chánh Niệm như vậy mà Chánh Tư Duy, Ý thức Chánh Tri Kiến khởi lên, Biết rõ sự nguy hiểm ( nguyên nhân khổ ) là nếu có Tham hoặc Sân hoặc Si với đối tượng thì Khổ sẽ khởi lên.

– NHỚ ĐẾN BUÔNG ( xã ) các đối tượng. Người tu niệm thầm buông buông thì khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng rồi Chánh Niệm, Chánh Tư Duy, Chánh Tri Kiến sẽ khởi lên, Biết rõ buông đối tượng, biết rõ không tham sân si, biết rõ Sự Xuất Ly khỏi đối tượng.

– NHỚ ĐẾN CHÁNH TƯ DUY về lộ trình tâm Bát Tà Đạo để giác ngộ Khổ Đế và Tập Đế. Người tu thực hành Niệm Thân để an trú sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền rồi hướng đến Chánh Tư Duy về lộ trình tâm Bát Tà Đạo và do vậy Ý thức Chánh Tri Kiến khởi lên Biết Như Thật Khổ và Nguyên Nhân Khổ.

– NHỚ ĐẾN CHÁNH TƯ DUY về lộ trình tâm Bát Chánh Đạo để giác ngộ Diệt Đế và Đạo Đế cũng thực hành cũng tương tự như trên.
Người tu chia ra các đề mục như vậy và có thể luyện tập Chánh Niệm trong toạ thiền và trong mọi sinh hoạt hàng ngày từng đề mục trong một ngày, vài ngày hay vài tuần, vài tháng mới chuyển qua đề mục khác.

4 – KẾT LUẬN :

Hiện nay đa số người tu không hiểu biết đúng sự thật Chánh Niệm là Trí Nhớ, là Nhớ Đến điều đã học ( Văn Tuệ ) mà họ nhầm lẫn Chánh Niệm với tâm biết ý thức Chánh Tri Kiến. Lý do của sự nhầm lẫn là không thấy biết như thật lộ trình duyên khởi từ Chánh Niệm đến Chánh Tư Duy đến Ý thức Chánh Tri Kiến nên không phân biệt được Tâm hành Chánh Niệm thuộc về Hành uẩn và Tâm biết Ý thức Chánh Tri Kiến thuộc về Thức uẩn.

Tu tập Bát Chánh Đạo là luyên tập Chánh Niệm, luyện tập Trí Nhớ về điều đã học trong đó Niệm Thân và Niệm Thọ với mục đích chứng ngộ và an trú tâm biết trực tiếp Tỉnh Giác, chứng ngộ và an trú Tâm Giải Thoát. Nhưng Niệm Thân và Niệm Thọ chỉ NHIẾP PHỤC Tham Sân Si chứ không ĐOẠN TẬN được Tham Sân Si.

Tu tập Niệm Tâm và Niệm Pháp là tu tập để chứng ngộ và an trú Chánh Tri Kiến, chứng ngộ và an trú Tuệ Giải Thoát. Khi Chánh Tri Kiến là Trí Tuệ được tu tập viên mãn mới xoá bỏ được thông tin Vô minh chấp ngã trong kho chứa, lúc đó mới ĐOẠN TẬN VÔ MINH, ĐOẠN TẬN THAM SÂN SI, ĐOẠN TẬN PHIỀN NÃO.

Khi đã có Văn Tuệ và Tư Tuệ chính xác, đầy đủ thì việc tu hành chỉ là LUYỆN TẬP TRÍ NHỚ, tuy có chia ra nhiều đề mục riêng rẽ để luyện tập cho dễ dàng và hiệu quả nhưng thành quả cuối cùng viên mãn là Khi Thấy, Nghe, Cảm nhận đối tượng thì không cần niệm thầm nhắc nhở mà TRÍ NHỚ sẽ TỰ ĐỘNG khởi lên, đưa đến BIẾT NHƯ THẬT đối tượng đó là Cảm Thọ do Căn Trần tiếp xúc mà phát sanh, nó vô thường, vô chủ ( vô ngã ), nó có vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly.

Đó chính là chứng ngộ và an trú TRÍ TUỆ MÀ ĐỨC PHẬT ĐÃ GIÁC NGỘ. Chính vì vậy mà Đức Phật đã tuyên bố : Đây là con đường độc nhất cho chúng sanh diệt trừ phiền não, chấm dứt khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.

Thiền sư Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *