HIỂU ĐÚNG VÀ HIỂU SAI VỀ CHÁNH ĐỊNH  

1 – Đối tượng của chú tâm trong Chánh Định:

Chánh Định là một trong BA CHI PHẦN CĂN BẢN của lộ trình tâm Bát Chánh đạo siêu thế gồm Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Kiến mà gọi tắt là NIỆM – ĐỊNH – TUỆ. Hiểu biết đúng như thật về Chánh Định, thuộc về Chánh Kiến mới có thể tu tập đúng để chứng ngộ và an trú Chánh Định, nếu hiểu biết sai về Chánh Định, thuộc về Tà Kiến sẽ không thể tu tập đúng để chứng ngộ và an trú Chánh Định được.

Trong hiểu biết hiện thời của các Luận giải, Chú giải và của đa số người tu thì cho rằng : Định là Nhất Tâm trên Một Cảnh nghĩa là Tâm chỉ biết một Cảnh duy nhất. Và do hiểu biết về Định như vậy mà tất cả các trường phải đều thực hành bằng cách chú tâm vào một đối tượng duy nhất. Khi thực hành chú tâm vào một đối tượng duy nhất như vậy thì sự chú tâm phải Hướng đến đối tượng cho nên chú tâm đó gọi là chú tâm có TẦM và phải duy trì, giữ gìn sự chú tâm trên đối tượng đó nên gọi đó là chú tâm có TỨ.

Thực hành thiền định để có được tâm nhất cảnh là chú tâm vào một đối tượng duy nhất thì đó là CHÚ TÂM CÓ TẦM CÓ TỨ, là đặc trưng của thiền định ngoại đạo có từ thời xa xưa trước khi Đức Phật ra đời. Hiểu biết như vậy là Vô minh, Tà kiến nên không bao giờ có thể đạt được trạng thái Định.

Vì sao vậy? Vì không bao giờ có một tâm cố định và một cảnh cố định để nhất tâm trên một cảnh, để buộc chặt tâm vào một cảnh duy nhất vì tâm cảnh đều sinh diệt, vô thường. Nhưng tại sao ngoại đạo với chú tâm Có Tầm Có Tứ như vậy mà họ vẫn đạt được Định ? Tại vì trạng thái Định phát sinh khi có SỰ CHÚ TÂM LIÊN TỤC từ đối tượng sinh diệt này tới đối tượng sinh diệt khác.

Trong sáu loại đối tượng của thực tại có thể chú tâm là cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh, cảm giác mùi, cảm giác vị, cảm giác xúc chạm và cảm giác pháp trần thì thiền định ngoại đạo chỉ chú tâm các cảm giác pháp trần do Ý tiếp xúc với thông tin Pháp trần mà phát sinh và nói nôm na cho dễ hiểu là được tưởng ra chứ không thực hành chú tâm đối với 5 đối tượng thực tại còn lại, vì vậy Định đó gọi là Định Tưởng hay Định trên đối tượng được tưởng ra.

Ví như thực hành với kasina Đất thì người đó, sau khi nhìn kỹ mô hình đất rồi nhắm mắt lại để tưởng ra hình ảnh, màu sắc của mô hình rồi duy trì sự chú tâm liên tục vào hình ảnh được tưởng ra đó. Chú tâm như vậy là chú tâm Có Tầm Có Tứ, nhưng đối tượng được chú tâm là hình ảnh được tưởng ra đó cũng hoàn toàn không cố định, không phải là một hình ảnh được tưởng ra duy nhất mà nó cũng đang sinh diệt rất nhanh chóng, thay đổi rất vi tế, nên sự chú tâm xẩy ra đó cũng là CHÚ TÂM LIÊN TỤC từ đối tượng sinh diệt này sang đối tượng sinh diệt khác rất nhanh chóng và vi tế chứ không phải trên một đối tượng cố định như cách hiểu sai của ngoại đạo.

Khi thực hành nhắm mắt lại như vậy sẽ không có đối tượng cảm giác hình ảnh, cảm giác mùi, cảm giác vị cũng ít ảnh hưởng, chỉ có cảm giác âm thanh và cảm giác trên thân còn ảnh hưởng nên phải tìm một chỗ thanh vắng để ngồi. Chú tâm có tầm có tứ trên hình ảnh tưởng ra của kasina đất phải có sự nỗ lực rất mạnh mới dần dà ỨC CHẾ được lộ trình tâm xẩy ra với các cảm giác trên thân, lúc đó mới có thể nhất tâm trên đối tượng được tưởng ra và tâm chỉ còn biết cảm giác hình ảnh pháp trần được tưởng ra đó mà thôi, không còn biết đến các đối tượng khác. Các loại Định với kasina nước, lữa, màu sắc, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sỡ hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng tương tự như vậy và chỉ duy nhất là Chú tâm Có Tầm Có Tứ.

Sự khác biệt giữa Định của ngoại đạo và Chánh Định của Đức Phật là Đức Phật phát kiến có hai sự chú tâm : Chú tâm CÓ TẦM CÓ TỨ và Chú tâm KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ. Trong đêm thành đạo, sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh, trải cỏ ngồi dưới cội cây Bồ đề, Ngài nhớ lại sự kiện hồi nhỏ Ngài đã nhập định Sơ thiền khi tham dự lễ hạ điền của vua cha và Ngài đã nhanh chóng nhập định Sơ thiền với chú tâm có tầm có tứ.

Không dừng lại đó mà phát kiến VĨ ĐẠI NHẤT đã góp phần làm cho Ngài đắc được Chánh Đẳng Giác là diệt tầm diệt tứ chứng và trú Nhị thiền rồi Tam thiền, rồi Tứ thiền. Đây là các tầng ĐỊNH KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ có công năng cao hơn hẳn ĐỊNH CÓ TẦM CÓ TỨ của Sơ thiền.

Trong mô tả mà Đức Phật đã đưa ra : Ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với ( chú tâm ) có tầm có tứ. Diệt ( chú tâm ) có tầm có tứ chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, với ( chú tâm ) không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Với sự mô tả này, có thể thấy đối với Sơ thiền có hai loại chú tâm Có Tầm Có Tứ và Không Tầm Không Tứ, và để đạt được Nhị thiền trên cơ sở của Sơ thiền, thì phải diệt đi sự chú tâm Có Tầm Có Tứ và còn lại duy nhất là chú tâm Không Tầm Không Tứ.

Nhưng sự Chú tâm KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ là chú tâm như thế nào ? Đó là chú tâm tự động xẩy ra từ đối tượng này sang đối tượng khác mà không hướng đến ( KHÔNG TẦM ) và không giữ ( KHÔNG TỨ ) sự chú tâm trên bất kỳ đối tượng nào. Ví như, quý vị mở mắt và hướng đến chú tâm và duy trì sự chú tâm đối với đối tượng hình ảnh bông hoa trước mặt nhưng đồng thời quý vị cũng nhớ đến chú tâm các cảm giác trên thân.

Lúc đó quý vị vừa thấy rõ hình ảnh bông hoa do có chú tâm và chú tâm đó là chú tâm Có Tầm Có Tứ nhưng quý vị cũng biết rõ cảm giác thở vô, cảm giác thở ra và các cảm giác khác trên thân. Sở dĩ quý vị biết rõ cảm giác thở vô, cảm giác thở ra và các cảm giác khác trên thân là nhờ có sự chú tâm vào các cảm giác đó nhưng sự chú tâm này tự động xẩy ra từ cảm giác này sang cảm giác khác mà không hề có sự hướng đến, không hề giữ sự chú tâm trên một đối tượng nào và đó là chú tâm Không Tầm Không Tứ. Hãy thực hành chỉ vài ba phút như vậy là biết rõ hai loại chú tâm có tầm có tứ và không tầm không tứ này.

Trong bốn tầng của Chánh Định là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền thì Sơ thiền có cả chú tầm Có Tầm Có Tứ lẫn chú tâm Không Tầm không Tứ còn Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền là các tầng định cao hơn thì chỉ có chú tâm Không Tầm Không Tứ. Như vậy Chánh Định không phải là thực hành chú tâm vào một đối tượng duy nhất, không phải là tâm nhất cảnh mà chú tâm vào NHIỀU ĐỐI TƯỢNG KHÁC NHAU theo tiến trình sinh diệt của chúng.

Chánh Định chú tâm vào mọi đối tượng của thực tại, là những gì được mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm và cả những gì được tưởng ra chứ không phải chỉ một đối tượng duy nhất được tưởng ra như Định Tưởng của ngoại đạo. Đây là một lối sống như trong kinh Niệm xứ đã khẳng định, vị Tỷ kheo SỐNG TRÚ quán thân nơi thân, SỐNG TRÚ quán thọ nơi thọ …

Đối tượng chú tâm của Chánh Định là mọi đối tượng của thực tại bao gồm các pháp thuộc về Thân Thọ Tâm Pháp. Điều này khác xa với ngoại đạo chủ trương chỉ có Định Có tầm Có Tứ, chú tâm trên một đối tượng duy nhất. Chính vì chấp cứng vào hiểu biết tà kiến về Định mà Nigantha thuộc phái ngoại đạo Ni kiền tử đã phỉ báng Đức Thế Tôn khi đối đáp với cư sĩ Cita được ghi lại trong Tăng Chi Bộ kinh: Sa môn Gotama là dối trá, là hư vọng. Sa môn Gotama chủ trương Định Không Tầm Không Tứ là chủ trương dùng cái lưới để buộc gió lại giữa hư không, là điều không tưởng.

Kể cả trong các tông phái Phật giáo hiện nay, các Luận sư cũng hiểu biết y chang ngoại đạo về Định như vậy, nên trong các bộ luận, trong các chú giải cũng chủ trương chú tâm vào một đối tượng duy nhất để đạt được tâm nhất cảnh. Vì thế trong các luận, các chú giải và các vị thiền sư hiện nay chỉ giảng dạy mô tả kỹ càng về chú tâm Có Tầm Có Tứ, không ai giảng dạy, đề cập, mô tả được chú tâm Không Tầm Không Tứ là cái gì.

Chính vì điều này mà có sự mâu thuẫn trong chủ trương Thiền Định và Thiền Quán của các bộ luận và chú giải. Theo đó thì Thiền định là buộc tâm vào một đối tượng duy nhất còn Thiền quán là phải quan sát các đối tượng để thấy các đối tượng đó vô thường, khổ, vô ngã và như vậy Thiền định thì không thể Quán và muốn Thiền quán thì phải ra khỏi định, vì không thể buộc tâm vào một đối tượng duy nhất mà quán được. Do mâu thuẫn giữa Thiền định và Thiền quán như vậy mà một số chủ trương Thiền định cản trở Thiền quán, Thiền định không giúp gì cho Thiền quán nên không cần tu tập Thiền định và họ phủ nhận Chánh Định với Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền mà Đức Phật đã dày công thuyết giảng.

2 – Chánh Niệm là nhân của Chánh Định :

Nhất tâm là định nhưng nhất tâm là gì ?

Nhất tâm hiểu theo tà kiến ngoại đạo là một tâm buộc vào một cảnh hay tâm chỉ biết một cảnh duy nhất. Điều này là vô minh, tà kiến vì tâm cảnh đều đang sinh diệt nên không có một cái tâm nào, một cảnh nào thường hằng, cố định để mà buộc lại với nhau. Vì vậy, NHẤT TÂM trong một khoảng thời gian nào đó được hiểu là KHÔNG PHÂN TÂM, nghĩa là chỉ có một loại Niệm duy nhất trong thời gian đó.

Có thể là Chánh Niệm nhớ đến chú tâm quan sát thân nơi thân, Chánh Niệm nhớ đến chú tâm quan sát thọ nơi thọ, Chánh Niệm nhớ đến chú tâm quán sát tâm nơi tâm hay Chánh Niệm nhớ đến chú tâm quán sát pháp nơi pháp. Ví như khi thực hành thiền đi, nếu trong 20 phút mà Chánh Niệm về thân tức NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM CÁC CẢM GIÁC NƠI THÂN khởi lên liên tục không gián đoạn, không Nhớ Đến bất cứ một cái gì trên đời tức Tà Niệm không khởi lên, không xen vào thì trong thời gian đó KHÔNG PHÂN TÂM và được gọi là NHẤT TÂM.

Trong thời gian 20 phút nhất tâm như vậy, do chỉ có một niệm duy nhất là nhớ đến chú tâm các cảm giác trên thân nên chú tâm các cảm giác trên thân sẽ tự động xẩy ra liên tiếp từ cảm giác này đến cảm giác khác từ cảm giác chân trái rồi chân phải chạm đất đến cảm giác chuyển động của vai phải vai trái, và các cảm giác khác trên toàn thân. Và nhờ sự chú tâm liên tục các cảm giác trên thân theo thứ tự đang sinh diệt của chúng như vậy mà tâm biết Thân thức sẽ GHI NHẬN các đối tượng đó một cách rõ ràng minh bạch và suy nghĩ ( ý thức ) không khởi lên.

Tâm biết Thân thức GHI NHẬN thuần tuý đối tượng như vậy, không có Ý thức khởi lên, nên không có Bản ngã xen vào thì đó gọi là TĨNH GIÁC. Giả sử đến phút thứ 21 một Tà Niêm khởi lên, nhớ đến chiều nay sẽ đi cửa hàng để mua một cái xe mới. Do Nhớ đến như vậy mà sẽ Nghĩ đến ( tư duy ) và do Nghĩ đến như vậy mà sẽ phát sinh tư tưởng và bị cuốn trôi vào các tư tưởng đó. Do Tà Niệm khởi lên như vậy mà Chánh Niệm nhớ đến chú tâm các cảm giác trên thân diệt và do Chánh Niệm diệt mà sự Chú tâm diệt và do Chú tâm diệt mà tâm biết Tĩnh giác diệt và lúc đó không còn tâm biết Tĩnh giác, không còn biết cảm giác chạm đất của chân trái, chân phải nữa mà hoàn toàn “quyên mình theo vật”.

Từ phút 21 đã bị PHÂN TÂM không còn NHẤT TÂM nữa. Trong khoảng thời gian 20 phút KHÔNG PHÂN TÂM hay NHẤT TÂM như vậy sẽ phát sinh trạng thái CHÁNH ĐỊNH, vì vậy nên nói Nhất Tâm Là Định. Và điều này cũng thuyết minh rõ ràng CHÁNH NIỆM LÀ NHÂN CHO CHÁNH ĐỊNH, là điều kiện tiên quyết cho Chánh Định sinh khởi trong lộ trình NIỆM – ĐỊNH – TUỆ.

a – Định Sơ thiền:

Được Đức Phật mô tả là : ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với chú tâm có tầm có tứ. Nếu một người thực hành mà trạng thái tâm có những đặc tính nêu trên thì đó là trạng thái Định Sơ Thiền.

Nếu thực hành thiền đi thì cứ bước đi một cách tự nhiên như nhiên nhưng theo nhịp bước niệm thầm thân thân thân. Hành vi niệm thầm thân thân thân không phải là Chánh Niệm mà nó nhắc nhở làm cho Chánh Niệm nhớ đến chú tâm các cảm giác trên thân sinh khởi liên tục không gián đoạn.

Nếu trong 20 phút nhờ niệm thầm thân thân mà Chánh Niệm liên tục khởi lên, không có Tà Niệm, không có nhớ đến bất kỳ một thứ gì trên đời khởi lên xen vào thì 20 phút đó là Nhất tâm và trạng thái Định sẽ phát sinh. Do trong 20 phút có Chánh Niệm nhất tâm nên không khởi lên, không hướng đến, không suy nghĩ tới bất kỳ một niềm vui, hạnh phúc, lạc thú, một Dục lạc nào, tâm cũng vắng lặng, không có bất kỳ một tư tưởng ác, bất thiện pháp nào.

Đó gọi là ly dục, ly bất thiện pháp. Do có sự chú tâm liên tục từ cảm giác này sang cảm giác khác nên chỉ có tâm biết Tĩnh giác biết các đối tượng mà tâm biết ý thức không khởi lên nên tâm vắng lặng mọi tư tưởng, rỗng không, ly dục, ly bất thiện pháp, vì vậy phát sinh một trạng thái vui nhè nhẹ gọi là hỷ và trên thân cảm nhận cảm giác thoải mái dễ chịu gọi là lạc.

Sự chú tâm liên tục xẩy ra từ cảm giác này sang cảm giác khác trên thân tự động xẩy ra, không hướng đến, không giữ lại sự chú tâm trên đối tượng nào thì đó là chú tâm không tầm không tứ nhưng hành giả vẫn phải chú tâm vào cảm giác hình ảnh đường đi. Sự chú tâm vào đối tượng cảm giác hình ảnh đường đi phải hướng đến và phải duy trì sự chú tâm trên đối tượng đó thì đó là chú tâm có tầm có tứ.

Như vậy, nếu một người thực hành thiền đi mà trong 20 phút nhất tâm như vậy thì sẽ tự thấy, tự biết, tự kinh nghiệm được là : có ly dục, ly bất thiện pháp, có hỷ, có lạc, có tầm có tứ thì đó là trạng thái Định Sơ thiền. Và nếu phút 21 Tà Niệm nhớ đến chiều nay đi mua xe thì bị phân tâm, Chánh Niệm diệt, không còn nhất tâm nữa và Sơ Thiền diệt. Sơ thiền cũng sinh diệt theo sự sinh diệt của Chánh Niệm, không phải là chứng Sơ thiền là tâm mãi mãi ở Sơ thiền, mãi mãi ly dục, ly bất thiện pháp mà khi Tà Niệm khởi lên Sơ thiền diệt thì Bát Tà Đạo lại khởi lên, tham sân si lại khởi lên.

b – Định Nhị Thiền :

Sơ thiền có thể đạt được trong mọi tư thế, đi đứng nằm ngồi nhưng Nhị thiền chỉ đạt được khi ngồi hoặc nằm. Trạng thái Định Nhị thiền được mô tả : Diệt tầm diệt tứ chứng và trú Nhị thiền một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Từ trạng thái Định Sơ thiền thì khi chú tâm tự động xẩy ra mà không hề hướng đến, không hề giữ sự chú tâm trên một đối tượng nào cả thì lúc đó chỉ có chú tâm Không Tầm Không Tứ không còn loại chú tâm Có Tầm Có Tứ nữa thì thời điểm đó gọi là diệt tầm diệt tứ và Sơ thiền sẽ chuyển thành Nhị thiền có hỷ, có lạc, có chú tâm Không Tầm Không Tứ và rất vững chắc như bánh xe lửa bám chặt đường ray, không có phóng tâm ra ngoài ( nội tĩnh nhất tâm ).

Để toạ thiền chứng và trú Nhị thiền thì hành giả ngồi kết già ( hay bán già ) lưng thẳng an trú Chánh Niệm trước mặt. Chánh Niệm ở đây là Niệm Thân, tức Nhớ Đến chú tâm các cảm giác trên thân theo thứ tự xẩy ra như sau.

Khởi đầu là chú tâm Có Tầm Có Tứ, là chú tâm có hướng đến và duy trì đối với cảm giác đầu lưỡi chạm vào hàm răng trên hoặc dưới hàm răng trên khi hai hàm răng xiết nhẹ vào nhau và đó là một cảm giác vi tế nhưng rất nỗi trội, tiếp đến cảm giác thở vô khởi lên thì sự chú tâm sẽ tự động xẩy ra với cảm giác thở vô, tiếp đến chú tâm sẽ tự động xẩy ra với cảm giác ngưng thở khi kết thúc hơi thở vô, tiếp đến chú tâm sẽ tự động xẩy ra khi cảm giác thở ra xuất hiện và khi hết cảm giác thở ra thì chú tâm lại hướng đến cảm giác nơi lưỡi và chu kỳ tiếp lại diễn ra tương tự như vậy.

Hành giả chỉ cần xiết nhẹ hai hàm răng và chạm đầu lưỡi vào hàm răng trên để tạo một cảm giác rồi duy trì sự chú tâm vào cảm giác đó và để tự nhiên như nhiên thì sự chú tâm sẽ tự động xẩy ra theo lộ trình trên.

Lúc đầu còn có chú tâm Có Tầm Có Tứ với cảm giác nơi lưỡi nhưng một lúc sau nó tự nhiên dần và đến lúc sự chú tâm tự động xẩy ra theo lộ trình trên mà không còn phải hướng đến cảm giác nơi lưỡi thì lúc đó hành giả sẽ kinh nghiệm được trạng thái Nhị thiền với các đặc tính đã nêu trên.

Chú tâm Không Tầm Không Tứ xẩy ra theo một vòng tròn như vậy, được lặp đi lặp lại với BA CẢM GIÁC NỔI TRỘI làm thành BA ĐIỂM CHÍNH cố định của vòng tròn là CẢM GIÁC THỞ VÔ, CẢM GIÁC THỞ RA và CẢM GIÁC NƠI LƯỠI. Lúc này các cảm giác khác trên thân như đau, ngứa hay các chuyển động vi tế của thân … đều được chú tâm và nó ĐAN XEN vào khoảng giữa ba cảm giác nổi trội cố định.

Tuy sự chú tâm chỉ xẩy ra với các cảm giác trên thân do Niệm Thân nhưng các đối tượng khác như cảm giác âm thanh hay cảm giác pháp trần ( những hình ảnh xuất hiện trước mặt khi mắt nhắm ) đều được Ghi nhận với tâm biết Tĩnh giác. Ba cảm giác nỗi trội làm thành ba điểm chính cố định của vòng tròn mà sự chú tâm sẽ vận hành theo, trong đó có cảm giác nơi đầu lưỡi rất quan trọng nên trong kinh có đề cập đến là lưỡi uống cong đè nên nóc họng để tạo nên cảm giác nơi đầu lưỡi.

Để tăng cường cảm giác phát sinh nơi đầu lưỡi quý vị có thể dùng một nút áo nhỏ đặt lên trên gần đầu lưỡi và ngậm răng lại thì sẽ phát sinh một cảm giác rất nỗi trội và quý vị chỉ cần duy trì sự chú tâm vào cảm giác nơi lưỡi và để tự nhiên như nhiên thì quý vị sẽ kinh nghiệm được chú tâm tự động xẩy ra và vào Định Sơ thiền rồi Nhị thiền rất dễ dàng.

c – Định Tam thiền :

Từ Định Nhị thiền tinh tấn tiếp tục thì mức độ chú tâm Không Tầm Không Tứ được tăng cường và do vậy mà cảm giác thở vô, cảm giác thở ra và các cảm giác khác trên thân nhẹ đi, vi tế dần và xuất hiện đan xen thêm nhiều cảm giác pháp trần trước mặt và trạng thái hỷ biến mất chỉ còn cảm giác thoải mái, lạc thọ trên thân. Đấy là Định Nhị thiền đã chuyển thành Tam thiền. Đức Phật mô tả trạng thái Định Tam thiền là : Ly hỷ trú xả ( tâm không còn vui mà bình thản, không vui không buồn ) thân cảm lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú chứng và trú Tam thiền.

d – Định Tứ thiền :

Từ Định Tam thiền tinh tấn tiếp tục thì sẽ xẩy ra trạng thái các cảm giác trên thân nó nhẹ, vi tế đến nỗi mà cảm giác hơi thở vô, cảm giác hơi thở ra cũng không còn cảm nhận được nữa và chỉ còn cảm giác rất vi tế nơi đầu lưỡi đan xen với các cảm giác pháp trần là những màn mỏng manh vi tế trước mặt. Nhiều người cảm nhận ” mất thân” dưới chỉ còn cảm nhận từ lưỡi trở lên ( vì còn cảm nhận cảm giác nơi lưỡi ). Đó là Định Tứ thiền được Đức Phật mô tả : Xả lạc xả khổ ( không còn cảm giác lạc thọ, khổ thọ nơi thân ) diệt trừ hỷ ưu đã cảm thọ trước đây ( tâm vắng lặng không có vui buồn ) chứng và trú Tứ thiền, tâm được thanh tịnh nhờ xả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *