ĐỨC PHẬT VÀ KHOA HỌC - Gosinga

ĐỨC PHẬT VÀ KHOA HỌC

Khoa học là sản phẩm của trí óc nhân loại và lịch sử phát triển của khoa học cũng là một phần lịch sử nhân loại. Những thành quả mà khoa học đạt được đã làm thay đổi thế giới, đã biến thế giới tối tăm, nghèo nàn, lạc hậu thành một thế giới tân tiến, sang trọng, đầy đủ mọi tiện nghi, làm cho con người trở nên thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn.

Khoa học đã biến những ước mơ mà một thời được xem là viễn tưởng, đã biến những ý tưởng, những ước mơ của những nhà văn với trí tưởng tượng vô tiền khoáng hậu có thể nói là “điên rồ” thành hiện thực. Bảy mươi hai phép thần thông của Tôn Ngộ Không được mô tả trong Tây Du Ký thì con người ngày nay đều có đủ: bay lượn trên trời cao, lặn xuống đáy chinh phục biển sâu, thấy rất xa ( thiên nhãn ) nghe rất xa ( thiên nhĩ ), thay tim từ người này sang người khác, nhân bản vô tính, làm ra rô bốt có khả năng tự học như con người …

Khoa học có khả năng sáng chế ra tất cả những gì mà họ muốn, khoa học thực là ghê ghớm. Tuy vậy có MỘT VIỆC DUY NHẤT mà Khoa Học không thể làm được, mà việc đó lại chính là MỤC ĐÍCH CỦA KHOA HỌC. Đó là Khoa học KHÔNG LÀM CHO CON NGƯỜI HẾT KHỔ ĐƯỢC mà chỉ ĐỔI CÁI KHỔ NÀY LẤY CÁI KHỔ KHÁC MÀ THÔI.

Vì sao vậy? Vì khoa học đặt nền tảng trên hiểu biết mê lầm, Vô minh TÂM BIẾT CẢNH, trên tư tưởng Thường kiến, Ngã kiến ( Chấp thường, Chấp ngã ) của nhân loại, nên CHO RẰNG Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Sự Chấm Dứt Khổ nằm nơi Thế Giới ngoại cảnh, vì vậy Con Đường Chấm Dứt Khổ là Thay Đổi Thế Giới ngoại cảnh.

Chính vì hiểu biết KHỔ TẬP DIỆT ĐẠO thuộc về Thế Giới ngoại cảnh nên Khoa Học định hướng Nghiên Cứu, Khám Phá Thế Giới Vật chất để thay đổi Thế Giới ngoại cảnh. Tuy KHOA HỌC THỰC NGHIỆM đạt được rất nhiều thành tựu nhưng hiểu biết của khoa học về thế giới vật chất đặt nền tảng trên Thường kiến và Ngã kiến, nên hiểu biết đó chỉ là chỉ là các mảnh ghép rời rạc, phiến diện, không phải là sự thật. Có một nhà khoa học uy tín đã phát biểu một cách chính xác : Cho đến thời điểm hiện nay, có một điều CHẮC CHẮN rằng, KHOA HỌC KHÔNG BIẾT VẬT CHẤT LÀ CÁI GÌ CẢ.

Đức Phật trong lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, là một con người độc nhất vô nhị, không thầy chỉ dạy đã tự mình khám phá, chứng ngộ và tuyên thuyết điều đã chứng ngộ. Rằng là KHỔ, NGUYÊN NHÂN KHỔ, SỰ CHẤM DỨT KHỔ thuộc về NỘI TÂM, và vì vậy CON ĐƯỜNG CHẤM DỨT KHỔ là thay THAY ĐỔI NỘI TÂM chứ không phải thay đổi Thế Giới ngoại cảnh như hiểu biết của khoa học và nhân loại. Vì vậy, Sự Giác Ngộ của Ngài là Giác Ngộ Tâm chứ không phải Giác Ngộ Thế Giới Vũ Trụ. Đó là Giác Ngộ về lộ trình tâm của Phàm phu, tức Giác Ngộ về KHỔ ĐẾ VÀ TẬP ĐẾ được diễn tả tóm tắt trong Thập Nhị Nhân Duyên:

XÚC – THỌ – ÁI – THỦ – HỮU – KHỔ

Nếu diễn tả tỉ mỉ thì đó là lộ trình tâm Bát Tà Đạo. Và Ngài Giác Ngộ lộ trình tâm của bậc Thánh, chính là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, tức Giác Ngộ DIỆT ĐẾ VÀ ĐẠO ĐẾ được mô tả tóm tắt:

XÚC – THỌ – KHÔNG – VÔ TƯỚNG – VÔ TÁC

Đức Phật và Khoa Học đi theo hai hướng ngược nhau, là hướng vào khám phá NỘI TÂM và hướng ra khám phá THẾ GIỚI, và vì vậy những ai đi theo chỉ dẫn của Đức Phật sẽ có được phương thuốc chữa lành, Đoạn Tận Khổ, còn những ai đi theo Khoa Học thì chỉ nhận được liều thuốc giảm đau, chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác mà thôi

Tác giả: Thiền sư Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *