CON GÀ TRỐNG CÓ MÀO ĐỎ CHÓI

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn rất nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Truyện kể rằng, có một chú gà trống có cái mào đỏ chói, thắc mắc về hành vi của con chồn. Đó là chồn rất thích ăn thịt gà và hễ thấy con gà mái nào là chồn chén thịt ngay nhưng hễ chồn bắt gặp gà trống thì chồn sợ hãi, hoảng hốt bỏ chạy. Không thể lý giải được hành vi của chồn, một hôm gà trống đánh bạo đến gặp chồn để hỏi cho ra lẽ.
– Này bác chồn, tại sao cứ thấy gà mái thì bác chẳng sợ hãi, ăn thịt ngay còn cứ hễ thấy tôi là bác lại hoảng sợ bỏ chạy. Chồn lý nhí trả lời :
-Tôi không sợ gà trống, tôi rất thích ăn thịt gà trống nhưng tôi sợ lửa, mà trên đầu bác lại có một cục lửa nên khi gặp bác tôi bỏ chạy để tránh xa cục lửa đó. Gà trống cười ngặt nghẽo và la lên
– Bác nhầm rồi, trên đầu tôi làm gì có lửa. Đó chỉ là cái mào, một cục thịt có màu đỏ chói. Nghe gà trống nói vậy, chồn tỏ ra không tin. Thấy vậy, gà trống vội lấy chân gãi gãi lên cái mào đỏ chói của mình và nói:
– Nếu bác không tin thì hãy sờ lên cái mào của tôi thử coi. Chồn nghe vậy liền rụt rè sờ lên và nó biết ngay liền, đó là một cục thịt có màu đỏ chói chứ không phải là cục lửa như từ xưa đến nay nó đã hiểu lầm và sợ hãi. Và chồn chén thịt ngay chú gà trống.
Câu chuyện được kể với ngôn từ như vậy nhắm trỏ đến một vấn đề khác của đời sống nhân loại nên gọi là NGỤ NGÔN. Câu chuyện này ám chỉ thực trạng của đời sống thế gian, một bãi chiến trường với sự cạnh tranh khốc liệt. Những ai với tâm thức ngây thơ, thật thà phơi bày cho người khác thấy mọi phẩm chất tốt cũng như xấu của mình thì sẽ nhận được một kết cục cay đắng như chú gà trống có mào đỏ chói kia. Những ai muốn tồn tại, muốn thành đạt trong thế gian này thì phải “thông minh” mưu mẹo, phải biết giấu kín những khiếm khuyết của mình, phải biết làm cho người khác “ảo tưởng” về những phẩm chất vốn không có của mình, tôn sùng, hoặc sợ hãi những phẩm chất vốn không có của mình. Đây là một thực trạng đáng sợ hãi của thế gian nơi mà phẩm tánh thật thà, ngây thơ không có cơ hội tồn tại.
Nhưng câu chuyện ngụ ngôn này còn có ẩn ý cao hơn đối với người học và tu theo Đạo Phật của Đức Thích Ca Mâu Ni. Đó là thực trạng THẤY và BIẾT của Thế Gian, của Phàm phu và thực trạng THẤY và BIẾT Xuất Thế Gian của bậc Thánh.
1 – Con chồn THẤY đối tượng ( cái mào gà ) rồi BIẾT đối tượng đó là CỤC LỬA và do BIẾT như vậy mà hoảng sợ đối với đối tượng được thấy. Vì sao vậy ? Vì HIỂU BIẾT đó sai với sự thật, vốn đối tượng là cục thịt có màu đỏ chói, con chồn lại BIẾT đối tượng đó là cục lửa. Con chồn sợ hãi cục lửa trên đầu con gà trống là sợ hãi cái ĐỐI TƯỢNG ẢO TƯỞNG, do HIỂU BIẾT SAI LẠC của chính con chồn tạo ra. Cũng y như vậy, con người THẤY đối tượng nhưng lại BIẾT đối tượng đó sai lạc ( Vô minh ), ví như thấy sợi dây lại biết lầm đó là con rắn. Và chính HIỂU BIẾT SAI LẠC đó tạo ra những ĐỐI TƯỢNG ẢO TƯỞNG. Vì vậy, nhân loại đang yêu thích, chán ghét, tham muốn sở hữu, dính mắc, ràng buộc, khổ vui với các ĐỐI TƯỢNG ẢO TƯỞNG DO HIỂU BIẾT SAI LẠC CỦA CHÍNH MÌNH TẠO RA. Và tại sao cái BIẾT của Phàm phu là BIẾT SAI LẠC còn gọi là Vô Minh, là Tà Tri Kiến, là Không Liễu Tri đối tượng? Đây là những điều khó thấy, khó chứng, sâu kín, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị, chỉ người trí mới có khả năng giác hiểu.
Sau khi THẤY đối tượng ( hình ảnh, âm thanh, mùi vị, xúc chạm, pháp trần ) HIỂU BIẾT của Phàm phu khởi lên, BIẾT các đối tượng đó là THẾ GIỚI NGOẠI CẢNH SẮC THANH HƯƠNG VỊ XÚC PHÁP TRẦN. Vì các đối tượng đó là Thế giới vật chất ngoại cảnh nên có thể nắm giữ, điều khiển, sở hữu hoặc có thể xua đuổi, tiêu diệt được nó. Do BIẾT đối tượng đó là Thế Giới Ngoại Cảnh nên cũng Mặc Định : Khổ, Nguyên nhân Khổ, Sự Chấm dứt Khổ ( Hạnh phúc ) và Con đường chấm dứt Khổ thuộc về Thế Giới Ngoại Cảnh. Cụ thể Khổ và Nguyên nhân Khổ ở nơi những đối tượng Khó chịu và Trung tính, Sự Chấm dứt khổ ( Hạnh phúc ) có nơi đối tượng Dễ chịu và Con đường Chấm dứt khổ là thay đổi Thế Giới Ngoại Cảnh. Do HIỂU BIẾT đối tượng như vậy mà phát sinh Tham với đối tượng Dễ chịu, phát sinh Sân với đối tượng Khó chịu, phát sinh Si với đối tượng Trung tính. Do có Tham Sân Si với đối tượng mà Ràng Buộc, Chấp Thủ đối tượng và do Ràng Buộc, Chấp Thủ đối tượng mà Phiền Não khởi lên không thể kể xiết. Vì sao vậy? Vì cái HIỂU BIẾT đó là sai sự thật về đối tượng được THẤY, VỐN LÀ CẢM GIÁC nhưng lại BIẾT nó là THẾ GIỚI NGOẠI CẢNH. Và chính HIỂU BIẾT SAI LẠC đó, đã tạo ra ĐỐI TƯỢNG ẢO TƯỞNG ( là Thế Giới Ngoại Cảnh ) nên kẻ Phàm phu đang Yêu ghét, Ràng buộc, Chấp thủ chính cái ĐỐI TƯỢNG ẢO TƯỞNG do hiểu biết sai lạc của chính mình tạo ra như con chồn sợ cục lửa do hiểu biết sai của nó tạo ra vậy.
2 – Con chồn sau khi nghe gà trống nói về cái mào là cục thịt có màu đỏ chói và sờ thử, kiểm chứng thì BIẾT NHƯ THẬT đối tượng là cục thịt có màu đỏ chói, do vậy chấm dứt cái BIẾT SAI và chấm dứt sợ hãi do cái BIẾT SAI phát sinh từ trước đến này. Cũng y như vậy, bậc Thánh sau khi THẤY đối tượng thì BIẾT NHƯ THẬT đối tượng đó là CẢM GIÁC ( THỌ ) do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó Vô thường, Vô chủ ( Vô ngã ), có Vị ngọt, sự Nguy hiểm và sự Xuất ly. Cụ thể BIẾT NHƯ THẬT các đối tượng là CẢM THỌ thuộc phạm trù tâm chứ không phải là thế giới vật chất ngoại cảnh, nó sinh lên rồi diệt ngay, nó vô chủ ( vô ngã ), nghĩa là không thể làm chủ, điều khiển, sở hữu, nắm giữ, cũng không thể xua đuổi, diệt trừ nó. Các Cảm thọ bao gồm Lạc thọ, Khổ thọ, Bất khổ bất lạc thọ thì Lạc thọ là Vị ngọt. Sự Nguy hiểm là nếu có Tham ái Lạc thọ thì sẽ muốn nắm giữ, sở hữu nên khi nó biến hoại, biến diệt Phiền não sẽ khởi lên. Do BIẾT NHƯ THẬT về đối tượng như vậy mà sẽ BIẾT NHƯ THẬT không có Tham Sân Si với đối tượng. Đây gọi là Tuệ Tri sự Xuất ly của Thọ hay chính là Tuệ Tri Khổ Diệt, Tuệ Tri Niết Bàn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người độc nhất vô nhị, không thầy chỉ dạy, tự mình Giác Ngộ và Tuyên Thuyết về sự thật này. Bản kinh Phạm Võng với cấu trúc đặc biệt, đề cập tới rất nhiều vấn đề nhưng cũng chỉ với mục đích duy nhất là chỉ rõ và nhấn mạnh về tuyên bố giác ngộ của Ngài được nhắc đi nhắc lại hàng chục lần trong bản kinh : Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sinh diệt của thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ. Muốn giác ngộ, giải thoát hãy Văn – Tư – Tu theo nội dung của tuyên bố đó.
Phải hiểu rằng, vì nguyên lý giác ngộ như trên nên Đức Phật đã giảng bản kinh Pháp Môn Căn Bản nói về THẤY và BIẾT. Vì rằng, mọi thái độ, hành vi, lời nói và kết quả khổ vui phát sinh từ THẤY và BIẾT đối tượng. THẤY đối tượng thì Phàm Thánh đều như nhau, có tánh chất là vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt nhưng BIẾT của Phàm là BIẾT SAI SỰ THẬT về đối tượng gọi là TÀ TRI KIẾN, còn gọi là KHÔNG LIỄU TRI, là VÔ MINH, là ĐIÊN ĐẢO. Còn BIẾT của bậc Thánh là BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT đối tượng gọi là CHÁNH TRI KIẾN, còn gọi là LIỄU TRI, là MINH, là TRÍ TUỆ. Mục đích của sự tu tập là thay đổi BIẾT từ Tà Tri Kiến của Phàm thành Chánh Tri Kiến của bậc Thánh như nội dung tuyên bố của Đức Phật trong kinh Phạm Võng theo lộ trình Văn – Tư – Tu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *