CHÁNH TRÍ – Bát Chánh đạo

CHÁNH TRÍ
Sự phân biệt Phàm và Thánh là ở lộ trình tâm.Nếu lộ trình tâm là Bát Tà Đạo, thì đó là Phàm phu.Nếu lộ trình tâm là Bát Chánh Đạo thì đó là bậc Thánh. Khi một vị đệ tử học tập, nghe giảng hoặc tự mình nghiên cứu kinh điển và tư duy về điều đã học, đã nghe thì lộ trình tâm đó vẫn là Bát Tà Đạo, vẫn là Phàm phu. Học tập và tư duy như vậy về Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, thì đó gọi là Bát Chánh Đạo hiệp thế.Khi thực hành Bát Chánh Đạo, lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên nơi vị ấy, thì đó là Bát Chánh Đạo siêu thế. Một vị đệ tử khi thực hành có lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên như vậy ,thì được gọi là Thánh đệ tử. Có hai loại Thánh đệ tử: Thánh đệ tử hữu học và Thánh đệ tử vô học. Thánh đệ tử hữu học có ba bậc: Nhập lưu( Tu đà hoàn ), Nhất lai ( Tư đà hàm ), Bất lai ( A na hàm ). Thánh đệ tử vô học là các vị A La Hán. Lộ trình tâm của Thánh đệ tử hữu học và Thánh đệ tử vô học đều là Bát Chánh đạo siêu thế, đều gồm tám chi phần: Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Vậy thì, có gì khác nhau giữa bậc thánh hữu học và bậc Thánh vô học, một vị A La Hán ?
Sự khác nhau đó là, bậc Thánh hữu học có tám chi phần của Bát Chánh Đạo, bậc Thánh vô học ngoài tám chi phần Bát Chánh Đạo còn có thêm hai chi phần là : Chánh Trí và Chánh Giải Thoát, tức có mười chi phần.
Thế nào là Chánh Trí ? Khi lộ trình tâm Bát Chánh đạo của một vị hữu học khởi lên, có Chánh Tri Kiến là Trí Tuệ , là Minh thì lộ trình tâm Bát Tà Đạo có Tà Tri Kiến là Vô Minh được nhiếp phục, và như vậy Khổ được nhiếp phục chứ chưa được đoạn tận. Khi Chánh Tri Kiến là Minh được tu tập, được làm cho viên mãn thì tại thời điểm đó, một đột chuyển xẩy ra nơi “thẳm sâu tâm thức”, tức thông tin Minh xoá bỏ hoàn toàn thông tin Vô Minh trong ” kho chứa tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm”. Với đột chuyển này Bát Tà Đạo với Tà Tri Kiến, Vô Minh đoạn diệt không có dư tàn và đó là quả vị A La Hán. Kinh điển Nikaya mô tả thời điểm này là, vị đó cảm nhận được giải thoát và sau khi được giải thoát ( như vậy ) Trí khởi lên: Ta đã được giải thoát. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở loại thế gian này nữa”. Đây chính là Chánh Trí.
Nói là bậc Thánh hữu học có tám chi phần, còn bậc Thánh vô học có mười chi phần cho dễ hình dung, cho dễ hiểu nhưng thực chất là sự khác nhau về Chánh Tri Kiến của một vị hữu học và vô học. Chánh Tri Kiến của vị hữu học chỉ tuệ tri được Lý Duyên Khởi, tuệ tri được Khổ Tập Diệt Đạo, còn Chánh Tri Kiến của vị vô học không những tuệ tri được Lý Duyên Khởi, tuệ tri được Khổ Tập Diệt Đạo mà còn tuệ tri được Chánh Trí và Chánh Giải Thoát. Đương nhiên một vị hữu học cũng đã được nghe giảng, đã được học về Chánh Trí và Chánh Giải Thoát nhưng đó là Văn Tuệ mà chưa phải là Tu Tuệ, nên chưa Thân Chứng hai chi phần này. Ví như một người sống ở thành phố Hồ Chí Minh quanh năm không có mưa dầm, gió bấc, người này đã nghe nói về mưa dầm gió bấc, đã đọc những mô tả về mưa dầm gió bấc, đã tưởng tượng ra mưa dầm gió bấc … Nhưng những hiểu biết do tư duy, tìm hiểu về mưa phùn gió bấc đó chỉ là tri thức chứ không phải là thân chứng mưa phùn gió bấc. Chỉ khi người đó ra Hà nội vào một ngày mưa phùn gió bấc, lúc đó mưa phùn gió bấc thổi vào thân thể ( tiếp xúc ) phát sinh Cảm giác và đồng thời Thân thức khởi lên cảm nhận Cảm giác đó. Đây mới là Thân Chứng mưa phùn gió bấc.
Chánh Trí là tự mình thấy, tự mình biết, không phải là Phật hay một vị A la Hán khác ấn chứng hay xác nhận cho vị đó: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại thế gian này nữa”. Chỉ và chỉ khi Chánh Trí khởi lên, vị đó mới tự mình thấy, tự mình biết như thật : Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp do Đức Phật khéo giảng và Chư Tăng khéo hành trì , chứ không còn là Đức tin nữa. Đối với những đệ tử hữu học, đương nhiên phải có Đức tin: Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp do Đức Phật khéo giảng và Chư Tăng khéo hành trì, nhưng đức tin này được chia làm hai loại. Loại thứ nhất là mê tín, tức đức tin phát sinh trên sự hiểu biết không đúng như thật về Phật, về Pháp, về Tăng, thuộc về đa phần đệ tử là Phàm phu chưa phải là Thánh đệ tử. Loại thứ hai là Chánh tín, là đức tin do hiểu biết đúng như thật về Phật, về Pháp, về Tăng thuộc về Thánh đệ tử hữu học. Tuy Chánh tín là đức tin phát sinh do hiểu biết đúng như thật về Phật, về Pháp, về Tăng, nhưng nó đang thuộc phần tri thức chứ chưa phải là Thân Chứng như hiểu biết của vị vô học. Chính vì vậy, cho đến khi “Thân Chứng” Chánh Trí, vị Thánh đệ tử hữu học mới chỉ là “Tin” có Phật thật, có Pháp thật, có Tăng thật mà thôi.
Bản kinh Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi thuộc Trung Bộ Kinh đã thuyết minh rất rõ vấn đề này, giúp cho vị Thánh đệ tử hữu học có được hiểu biết thấu đáo. Đức Thế Tôn đã giảng : Này Bà La Môn, một người săn voi đi vào khu rừng có voi ở. Người đó thấy một dấu chân voi lớn trong rừng voi, dài bề dài và rộng bề ngang. Nếu người đó là một thợ săn voi thiện xảo, người đó không đi đến kết luận: “Con voi đực này chắc chắn to lớn”. Vì sao vậy?Này Bà-la-môn, trong rừng voi, có những loại voi cái lùn thấp, có dấu chân lớn, có thể dấu chân này thuộc loại voi này. Người đó đi theo dấu chân ấy. Trong khi đi theo, người đó thấy trong rừng voi một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, và những vật cao đều bị cọ xát. Nếu người đó là một thợ săn voi thiện xảo, người đó không đi đến kết luận: “Con voi đực này chắc chắn to lớn, vì sao vậy? Này Bà-la-môn, trong rừng voi, có những loại voi cái có ngà, có dấu chân lớn, có thể dấu chân này thuộc loại voi này. Người đó đi theo dấu chân ấy. Trong khi đi theo, người đó thấy trong rừng voi, một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, những vật cao bị cọ xát, và những vật cao bị ngà voi cắt chém. Nếu người đó là một thợ săn voi thiện xảo, người đó không đi đến kết luận: “Con voi đực này chắc chắn to lớn”. Vì sao vậy?Này Bà-la-môn, trong rừng voi, có những loại voi cái có ngà lớn, có dấu chân lớn, có thể dấu chân này thuộc loại voi này. Người đó đi theo dấu chân ấy. Trong khi đi theo, người đó thấy trong rừng voi một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, những vật cao bị cọ xát, những vật cao bị ngà voi cắt chém, và những vật cao bị gãy các cành. Và người đó thấy một con voi đực dưới gốc cây hay ở ngoài trời, đang đi, đang đứng, đang ngồi hay đang nằm như vậy như vậy, người đó đi đến kết luận: “Con voi này thật là con voi đực lớn”. ( mắt thấy, tai nghe chứ không phải suy luận )
Một vị Thánh đệ tử hữu học cũng giống như người thợ săn thiện xảo, thực hành pháp Thế tôn là ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY, bỏ qua một bên những hiểu biết, những suy luận một chiểu.Và phải ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY rốt ráo nhất, tối hậu, đó là Chánh Trí và Chánh Giải Thoát. Bài Kinh Tiểu Kinh Dụ Đấu Chân Voi đã dạy rõ :
Cho dù vị Thánh đệ tử hữu học có được Thánh giới uẩn cao quý, có được Thánh hộ trì các căn, có được Thánh Chánh niệm Tĩnh giác đến mức độ: Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, y bát đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, ngồi nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Nghĩa là vị đó an trú được cái biết Tĩnh Giác, an trú được Không Giải Thoát hay Tâm Giải Thoát trong mọi động tác như vậy thì Chánh Trí vẫn chưa khởi lên và vẫn chưa Thân Chứng được ” Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng và Chư Tăng khéo hành trì”
Cho dù vị Thánh đệ tử hữu học ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm với tứ. Diệt tầm diệt tứ chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, thân cảm lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Tam thiền. Xả lạc, xả khổ, diệt trừ hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Tứ thiền, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, thì Chánh Trí vẫn chưa khởi lên và vị đó vẫn chưa có thể Thân Chứng” Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng và Chư Tăng khéo hành trì”.

Cho dù vị Thánh đệ tử hữu học với tâm không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Ðây là Khổ”, biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”, thì Chánh Trí vẫn chưa khởi lên và vị ấy vẫn chưa Thân Chứng được ” Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp do Đức Thế Tôn khéo giảng và Chư Tăng khéo hành trì”
Cho đến khi, vị Thánh đệ tử hữu học ấy nhờ THẤY NHƯ VẬY, BIẾT NHƯ VẬY mà MỌI LẬU HOẶC ĐƯỢC ĐOẠN TẬN thì lúc ấy là đột chuyển và cảm nhận giải thoát. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, Vị ấy biết, ta đã được giải thoát, Chánh Trí khởi lên: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại thế gian này nữa”. Cho đến như vậy vị ấy mới Thân Chứng được ” Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp do Đức Phật khéo giảng và Chư Tăng khéo hành trì”. Chỉ lúc này vị ấy mới Thân Chứng được Sự chấm dứt Khổ ( Niết bàn ) là có thực, Con đường chấm dứt Khổ là có thực, Tứ Thánh Đế là có thực, nghĩa là Thân chứng được Pháp do Đức Tôn khéo thuyết giảng. Có Giáo Pháp và nhờ Giáo Pháp đó mà tự thân vị ấy đã giải thoát thì vị ấy sẽ xác chứng được có Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, là bậc tự mình giác ngộ, không thầy chỉ dạy mới có thể giảng dạy được Giáo Pháp này và xác chứng được đã có những vị Tăng giác ngộ như mình.
Một vị Thánh đệ tử hữu học, cho đến giây phút chót thì vẫn là Chánh Tín chứ không phải Chánh Trí nên không phải mọi hiểu biết của vị đó đều là Chánh Kiến. Kho chứa tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm của vị đó chưa thanh lọc, chưa đoạn tận Vô Minh, nên khi có Chánh Niệm, Vô Minh được nhiếp phục, nhưng khi không có Chánh Niệm, Tà Niệm khởi lên thì Tà Tri Kiến Vô Minh hiện khởi. Chính vì điều này, một vị Thánh đệ tử, giống như người thợ săn thiện xảo, không nên đi đến tuyên bố theo đức tin: Phật là như thế này, không phải như thế kia, Pháp là như thế này, không phải như thế kia, như thế này mới đúng, như thế kia là sai. Vị ấy chỉ nên nói lên hiểu biết của mình: Theo tôi Phật là như thế này, Pháp là như thế này và như vậy vị ấy không đi đến tranh cải, hơn thua với một ai. Vị ấy nên biết rõ: Ai cũng đúng theo đức tin, theo hiểu biết của họ. Chỉ có các vị đã giác ngộ, các bậc A La Hán có Chánh Trí và Chánh Giải Thoát mới có “thẩm quyền” nói về Phật, về Pháp, về Tăng. Có rất nhiều hiểu biết mà bậc Thánh hữu học tin tưởng tuyệt đối cho đến giây phút chót, nhưng khi Chánh Trí khởi lên mới tuệ tri đó là Vô Minh. Chánh Trí khởi lên mới xác chứng cái hiểu biết đúng sự thật mà bậc Chánh Đẳng Giác thuyết giảng hoàn toàn trái ngược hiểu biết thế gian. Một vị có Chánh Trí mới có thể biết rõ Đức Phật thuyết giảng những gì, những gì Ngài không nói đến, mới phân biệt rõ trong rừng kinh điển đang lưu truyền đâu là điều Phật nói, đâu là những điều vì tính chất tôn giáo mà thêm vào, đâu là lời dạy thật của Phật nhưng được diễn tả theo phong cách ẩn dụ, đâu là là những hiểu biết sai lạc của người sau, những giải nói của người sau ,nhưng lại gán cho Phật nói. Chỉ khi có Chánh Trí mới có thể Thân Chứng được lời này của Phật: “Pháp mà Ta chứng được sâu kín, khó thấy, khó biết, tịch tịnh, mỹ diệu vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị, chỉ người trí mới có khả năng giác hiểu. Còn quần chúng này thì đam mê ái dục, bị ái dục ràng buộc nên Lý Duyên Khởi là một điều rất khó lãnh hội và Niết Bàn, sự từ bỏ mọi khát ái, sự chấm dứt khát ái, sự đoạn tận mọi khát ái cũng là điều rất khó lãnh hội”.
Để có được sự đột chuyển nơi “thẳm sâu tâm thức”, là nhân duyên cho Chánh Trí khởi lên, một vị Thánh đệ tử phải thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế liên tục không dừng nghỉ. Từ khi thức dậy đến khi đi vào giấc ngủ, trong khoảng hai mươi giờ của một ngày, Chánh Niệm về Thân Thọ Tâm Pháp ( nhớ đến chú tâm quán sát Thân Thọ Tâm Pháp )khởi lên không ngừng nghỉ, không có một Tà Niệm nào chen vào và như vậy Bát Chánh Đạo siêu thế sẽ khởi lên liên tục không gián đoạn. Nối liền sự thực hành như vậy tối thiểu bảy ngày đêm liên tục, chắc chắn đột chuyển sẽ xẩy ra. Thông tin Minh được tu tập viên mãn sẽ xoá bỏ thông tin Vô Minh và lập trình lộ trình tâm Bát Tà Đạo ( tương tự như một phần mền được cài đặt trong máy tính ) bị phá bỏ hoàn toàn, lập trình lộ trình tâm Bát Chánh Đạo đã hình thành được cài đặt thay thế. Sự đột chuyển này xẩy ra nơi các ADN của các tế bào thần kinh não bộ, bởi lượng thông tin”tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm, Minh, Vô Minh” được lưu giữ trong ADN của các tế bào. Sự xoá bỏ thông tin Vô Minh bởi thông tin Minh xẩy ra trong ADN nên sẽ phát sinh Nội Xúc và Nội Xúc này sẽ gây nên một cảm giác trên thân vô cùng lạ lẫm, chưa từng bao giờ xẩy ra. Cảm giác lạ lẫm này có thể tồn tại khoảng vài ba phút. Lúc đó có thể thoáng lên câu hỏi: cái gì vậy? Nhưng tiếp liền sau đó một xác chứng khởi lên: đây là chứng đạt Niết bàn. Tiếp đó khởi lên, không những vậy mà còn chứng đạt VÔ THƯỜNG, chứng đạt VÔ NGÃ, chứng đạt KHỔ, chứng đạt NIẾT BÀN. Biết rất rõ rằng VÔ MINH và THAM ÁI, TÌM CẦU những Cảm giác đễ chịu ( Lạc thọ ) để thay thế những Cảm giác Khó chịu và Trung tính ( Khổ thọ và Bất khổ bất lạc thọ ) đã chấm dứt hoàn toàn. Biết rất rõ rằng, mọi việc đã làm xong, mọi dự định, mọi toan tính, mọi công việc ở đời đều không còn, gánh nặng đã được đặt xuống, không còn ràng buộc với bất kỳ một cái gi, bất kỳ một ai ở đời. Không có vui mừng, hoan hỷ, sung sướng, mà hoàn toàn bình thản, tỉnh lặng, không vui, không buồn, không có ý muốn chia sẽ với bất kỳ một ai. Sau sự kiện như vậy, tâm thức thay đổi toàn diện, tận gốc rễ. Cảm nhận về sự đột chuyển của mỗi vị giác ngộ có thể khác nhau chút ít, nội dung có thể khác nhau chút ít nhưng tất cả đều bao hàm trong Chánh Trí đã được mô tả : “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại thế gian này nữa”.

 

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *