Chánh Niệm là gì? Hiểu đúng hiểu sai và Cách rèn luyện Trí nhớ chánh - Gosinga

Chánh Niệm là gì? Hiểu đúng hiểu sai và Cách rèn luyện Trí nhớ chánh

“Chánh Niệm” là một thuật ngữ cơ bản trong Phật học. “Chánh Niệm” là từ ngữ không những được giới Phật tử sử dụng thường xuyên mà cả những người hành thiền thuộc nhiều trường phái khác nhau cũng đang sử dụng đến.

Tuy nhiên, đại đa số đều hiểu sai về Chánh Niệm nên không thực hành được Chánh Niệm, vì vậy không kinh nghiệm được Chánh Định và Chánh Kiến khởi lên theo tiến trình Niệm – Định – Tuệ mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng.

Để hiểu đúng về Chánh Niệm thực hành được Chánh Niệm, mời quý vị đọc tiếp bài chia sẻ hôm nay. 

Mục lục

1. Chánh Niệm là gì?

1.1. Một số cách hiểu về Chánh Niệm hiện nay

“Chánh Niệm” là một thuật ngữ cơ bản trong Phật học. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều định nghĩa, nhiều cách giải thích khác nhau về “Chánh Niệm”:

  • Chánh Niệm hay chính niệm (tiếng Trung: 正念, tiếng Pali: sammā-sati, tiếng Phạn: samyak-smṛti) là một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo, là sự tỉnh giác, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sanh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Chánh Niệm là sự biết rõ (tuệ tri) được những gì đang có mặt, đang xảy ra. (theo wikipedia)
  • Chánh Niệm được dịch từ sammā sati. Sati là niệm. Niệm, chữ Hán viết, ở trên là bộ kim, ở dưới là chữ tâm. Kim là hiện tại; vậy, niệm là (tâm) ghi nhớ những gì đang xảy ra trong hiện tại. (theo phatgiao.org)
  • Một số nguồn khác định nghĩa Chánh Niệm là “tỉnh thức và nhận biết chúng ta đang sống trong giây phút hiện tại”.

Chánh niệm là gì

1.2. Hiểu đúng về thuật ngữ “Chánh Niệm” do Đức Phật chế định

Niệm là một từ Hán Việt xuất hiện khi phiên dịch kinh điển Phật giáo từ tiếng Ấn Độ qua tiếng Trung Hoa, là ngôn từ nhằm trỏ đến một hành vi rất vi tế thuộc phạm trù tâm. Vì nó là một thuật ngữ thuần tuý Phật giáo, không được dùng trong tâm lý học, khoa học và đời sống thường ngày nên đa phần người học Phật không hiểu “Niệm” là cái gì.

Tuy vậy, trong các bộ kinh Nikaya đã ít nhất một lần nhắc đến: “Niệm là nhớ lại được những gì đã học từ trước”. Định nghĩa đó đã khẳng định Niệm chính là Trí Nhớ, là nhớ đến những điều đã học, đã tích luỹ trong kho chứa thông tin của mỗi người.

Có 2 loại Niệm: Tà Niệm và Chánh Niệm.

Tà Niệm: là Trí nhớ, nhớ đến các thông tin hiểu biết sai sự thật về các sự vật, hiện tượng (thuật ngữ Phật học gọi là VÔ MINH).

Chánh Niệm: là Trí nhớ, nhớ đến các thông tin hiểu biết đúng sự thật về các sự vật, hiện tượng (thuật ngữ Phật học gọi là MINH).

chánh-niệm-tà-niệm

2. Hiểu đúng và hiểu sai về Chánh Niệm

2.1. Khái quát về “Niệm”

Đầu tiên, để hiểu rõ Niệm hay Trí Nhớ phát sinh và hoạt động như thế nào phải quan sát, phải tuệ tri Sáu Xúc Xứ, tức Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần khởi lên lộ trình tâm như thế nào.

Khi Căn – Trần tiếp xúc, phát sinh đồng thời 6 Cảm Giác (Cảm Thọ) và 6 Tâm Biết trực tiếp giác quan có phận sự Ghi Nhận hay Nhận Biết 6 Cảm Giác đó. Viết tắt lộ trình là:

XÚC – < Thọ – Tưởng >

– THỌ là 6 loại cảm giác: Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm và Cảm giác pháp trần.

– TƯỞNG là tâm biết trực tiếp giác quan, gồm 6 loại tâm biết: Nhãn thức (ghi nhận Cảm giác hình ảnh), Nhĩ thức (ghi nhận Cảm giác âm thanh), Tỷ thức (ghi nhận Cảm giác mùi), Thiệt thức (ghi nhận Cảm giác vị), Thân thức (ghi nhận Cảm giác xúc chạm) và Tưởng thức (ghi nhận Cảm giác pháp trần).

Tâm biết trực tiếp này còn được gọi là Nhận thức cảm tính đối tượng, và tâm biết này chỉ Ghi nhận đối tượng một cách thuần tuý, không có khái niệm, ngôn từ, không có phân biệt, không biết đối tượng là cái gì, tính chất ra sao.

Sau khi tâm biết trực tiếp TƯỞNG ghi nhận đối tượng thì tâm biết Ý THỨC khởi lên để biết đối tượng vừa thấy, nghe, cảm nhận đó là cái gì, tính chất ra sao. Tâm biết Ý thức sẽ khởi lên theo lộ trình:

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Niệm – Tư Duy – Ý Thức

Ví như một người mù, khi tay tiếp xúc với các tờ tiền giấy 1000đ, 2000đ, 5000đ … và được người sáng mắt dạy cho đó là 1000đ, 2000đ, 5000đ … thì người mù ghi nhớ lấy các Cảm giác xúc chạm ứng với mỗi tờ tiền giấy. Hành vi học hỏi, ghi nhớ này sẽ lưu các thông tin về Cảm giác cùng hiểu biết về các Cảm giác đó (cảm giác đó ứng với tờ tiền mấy ngàn đồng) vào trong các “ngăn kéo” của kho chứa thông tin. Và bây giờ, Tay người mù tiếp xúc Tờ tiền giấy thì xảy ra XÚC – <Thọ – Tưởng > tức phát sinh một Cảm giác xúc chạm và phát sinh tâm biết Thân thức cảm nhận Cảm giác xúc chạm đó. Thân thức chỉ ghi nhận Cảm giác mà không biết đó là cái gì.

Tiếp đến, Niệm hay Trí Nhớ sẽ tìm kiếm và kích hoạt các thông tin về Cảm giác xúc chạm trong các “ngăn kéo” đã được học hỏi trước đây. Tiếp đến, Tư Duy khởi lên sẽ phân tích, so sánh đối chiếu Cảm giác xúc chạm vừa mới phát sinh với Các Cảm giác xúc chạm trong quá khứ đã được học hỏi, được lưu trong các “ngăn kéo” và được Niệm kích hoạt lên. Do Tư Duy như vậy mà sẽ phát sinh Kết luận, đó là tờ tiền giấy mấy ngàn. Kết luận đó chính là tâm biết Ý thức, biết về đối tượng.

Các Căn – Trần khác cũng quán sát tương tự.

Tâm biết Ý thức có phận sự biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao nên các nội dung này phụ thuộc vào những tri thức kinh nghiệm, hiểu biết đã học hỏi, tích luỹ từ quá khứ, và hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin mà Niệm tìm kiếm kích hoạt.

Trong kho chứa “tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm” từ quá khứ có vô lượng thông tin được chứa trong các ngăn kéo theo từng loại cảm giác mà nếu không có Niệm thì Tư Duy không thể đối chiếu hết Cảm giác vừa phát sinh với tất cả mọi cảm giác được lưu giữ trong kho chứa, vì vậy Niệm có phận sự tìm kiếm, kích hoạt một loại thông tin tương ứng để Tư Duy so sánh đối chiếu.

Ngày nay Google là công cụ tìm kiếm có phận sự như Niệm, nghĩa là Google tìm kiếm thông tin cần tìm trong lượng thông tin khổng lồ chứa trong các máy chủ.

Tính chất của Niệm:

Trong kho chứa tri thức, kinh nghiệm của mỗi người có lưu trữ rất nhiều loại thông tin. Tính chất của Niệm là nó sẽ kích hoạt các thông tin “nổi trội” nhất trong bộ nhớ.

Ví như trong một bao đồ có nhiều loại hạt và quả to nhỏ khác nhau: gạo, lạc, hạt điều, quả chanh, táo…, nếu bây giờ đổ thêm vào bao hạt mè, khi thò tay vào bốc sẽ bốc ngay hạt mè, nhưng chỉ một khoảng thời gian sau, nếu thò tay vào bốc thì sẽ bốc được quả táo.

Cũng y như vậy, tại thời điểm Niệm khởi lên, nó sẽ bốc ngay thông tin nào “nổi trội” nhất trong “kho chứa”. Thí dụ như trước khi đi ngủ đặt đồng hồ báo thức và nhớ nghĩ bốn giờ sáng sẽ dậy, thông tin này được lưu vào “kho chứa” và nó sẽ nổi trội ở trên cùng. Lúc chuông báo thức bốn giờ sáng vang lên, tai tiếp xúc với tiếng và khởi lên lộ trình tâm, niệm sẽ “tóm lấy” thông tin “nổi trội” nhất đó và ý thức biết được đến giờ phải thức dậy. Nhưng cũng 10 giờ đêm nay thiết lập nội dung nhớ nghĩ như vậy cho một tuần sau, thì một tuần sau vào lúc bốn giờ sáng khi chuông báo thức vang lên: tai tiếp xúc với tiếng, lộ trình tâm khởi lên nhưng Niệm không “nắm được” thông tin này vì nó đã bị các thông tin nổi trội khác che lấp và chìm xuống dưới, nên ý thức khởi lên nhưng không hiểu có chuyện gì xảy ra.

Như vậy, Niệm hay Trí nhớ phụ thuộc vào lượng thông tin trong kho chứa (loại thông tin nào nổi trội Niệm sẽ tìm kiếm kích hoạt), đồng thời cũng phụ thuộc vào chất lượng của tế bào thần kinh não bộ (trí nhớ phụ thuộc vào độ tuổi, phụ thuộc vào sự lão hoá của tế bào não,v.v…). Chính vì vậy Niệm của các cá nhân sẽ khác nhau tuỳ thuộc cả Danh và Sắc của mỗi người.

 

2.2. Hiểu đúng và hiểu sai về Chánh Niệm

Hiểu sai về Chánh Niệm

Do chưa hiểu biết về duyên khởi lộ trình Niệm – Tư Duy – Ý Thức, không hiểu được điểm vi tế là: nội dung của tâm biết Ý thức có nội dung do Niệm tìm kiếm, kích hoạt nên đa phần HIỂU LẦM rằng Niệm là Tâm biết ý thức. Do đó, trong giới học Phật, đa phần hiểu Chánh Niệm là “biết như thật đối tượng”, là “tuệ tri đối tượng” (Tham khảo mục 1.1. Một số cách hiểu về Chánh Niệm hiện nay) và đó chính là sự NHẦM LẪN Chánh Niệm với Tâm biết Ý thức Chánh Kiến.

Do HIỂU LẦM về Chánh Niệm như vậy nên trong giới học Phật phổ biến cách thức thực hành Chánh Niệm như sau: “Khi đi biết ta đang đi, khi ăn biết ta đang ăn, khi nhặt rau biết ta đang nhặt rau….”. Thực hành như vậy là sự tu tập tâm biết ý thức. Và trong sự thực hành này xuất hiện một cái TA là chủ nhân của hành động đi, ăn, nhặt rau…nên đây là sự tu tập tâm biết ý thức tà tri kiến.

Hiểu đúng về Chánh Niệm

Để liễu tri, để có hiểu biết đúng sự thật về Chánh Niệm thì cần tuệ tri về 4 khía cạnh của Chánh Niệm: Sự thật về Chánh Niệm, sự tập khởi Chánh Niệm, sự đoạn diệt Chánh Niệm và con đường đoạn diệt Chánh Niệm.

Một vị thanh văn đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhờ nghe giảng hoặc nghiên cứu kinh điển mà có được Văn Tuệ, tức hiểu biết đúng như thật các pháp, liễu tri các pháp với nền tảng TÂM BIẾT TÂM, biết như thật các đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận là Cảm Giác (Cảm Thọ) do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu (vô ngã).

Vị ấy biết như thật Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về NỘI TÂM chứ không thuộc về THẾ GIỚI ngoại cảnh, biết rõ Duyên khởi lên lộ trình tâm Bát Tà Đạo có Vô minh, có Tham Sân Si, có Sầu Bi Khổ Ưu Não, biết rõ Duyên khởi lên Con đường chấm dứt Khổ là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo với NIỆM – ĐỊNH – TUỆ, với Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát. Những thông tin về Văn Tuệ do nghe mà có được như vậy sẽ được lưu vào trong kho chứa thông tin với tên gọi là Minh hay Trí Tuệ.

Khi Căn Trần tiếp xúc, có XÚC – < Thọ – Tưởng > khởi lên và tiếp đến là Niệm khởi lên, nếu Niệm đó NHỚ ĐẾN MINH, nhớ đến những điều đã học ở trên thì Niệm đó là CHÁNH NIỆM. Tóm lại, Chánh Niệm là Trí Nhớ Chánh, nhớ đến các thông tin hiểu biết đúng sự thật về các sự vật, hiện tượng (thông tin MINH).

Đó là Sự thật về Chánh Niệm.

Chánh niệm là gì

Sự tập khởi Chánh Niệm: Chánh Niệm sinh khởi theo định luật duyên khởi, khi có sự tương tác giữa 2 loại thông tin: Thông tin về cảm thọ do Tưởng ghi nhận với thông tin MINH trong bộ nhớ.

Sự đoạn diệt Chánh Niệm là Vô dư niết bàn, và con đường đoạn diệt Chánh Niệm là Bát chánh đạo, đưa đến Vô dư niết bàn.

Tham khảo bài viết “Hiểu đúng và hiểu sai về Chánh Niệm” – Đại đức Nguyên Tuệ

 

3. Thực hành Chánh Niệm

Mục đích của việc thực hành Chánh Niệm là để khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo – lộ trình tâm bậc Thánh – để chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây.

Trong Kinh Pháp Cú, bài kệ số 75 đã diễn tả về 2 con đường:

Đường này đến thế gian

Đường kia đến Niết Bàn

Tỷ Kheo, đệ tử Phật

Phải hiểu biết rõ ràng

Đó là 2 con đường: Bát Tà Đạo và Bát Chánh Đạo. Hai con đường này đều có khởi đầu chung là Xúc → Thọ – Tưởng, và tại đây sẽ phát sinh chỗ rẽ: nếu Tà niệm khởi lên sẽ phát sinh lộ trình tâm Bát Tà Đạo, nếu Chánh Niệm khởi lên sẽ phát sinh lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. Bởi ý nghĩa chỗ rẽ này mà trong Tương Ưng Bộ Kinh, trong bài Cỗ Xe Thù Thắng, cỗ xe đến Niết Bàn, Đức Phật đã nói rõ: Niệm là người đánh xe.

Việc thực hành Chánh Niệm cũng chính là thực hành Tứ Niệm Xứ, bao gồm 4 loại Chánh Niệm (4 loại Trí Nhớ Chánh):

  • Chánh Niệm về Thân: là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân.
  • Chánh Niệm về Thọ: là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thọ nơi thọ.
  • Chánh Niệm về Tâm: là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát tâm nơi tâm.
  • Chánh Niệm về Pháp: là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát pháp nơi pháp.

3.1. Chánh Niệm về Thân

Là NHỚ ĐẾN TÍCH CỰC CHÚ TÂM quán sát các cảm giác nơi thân đang sinh khởi. Sự thực hành Chánh Niệm không phải chỉ với cảm giác hơi thở vô, ra hoặc cảm giác phồng xẹp ở bụng, mà phải thực hành với cả 6 loại cảm giác đang liên tục xảy ra.

Chú tâm cảm giác toàn thân là chú tâm xảy ra với tất cả 6 loại cảm giác trên thân, do 6 căn tiếp xúc với 6 trần mà phát sinh. Không phải là một lúc chú tâm tất cả các cảm giác toàn thân từ chân lên đến đầu, mà chú tâm xảy ra lúc thì chỗ này lúc thì chỗ kia, theo thứ tự sinh diệt của chúng.

Sự thực hành Chánh Niệm về Thân là RÈN LUYỆN TRÍ NHỚ CHÁNH, nhớ đến TÍCH CỰC CHÚ TÂM GHI NHẬN CẢM GIÁC TOÀN THÂN – sự chú tâm liên tục này xảy ra từ đối tượng này sang đối tượng khác, KHÔNG TẬP TRUNG vào đối tượng nào cả.

Thực hành Chánh Niệm về Thân trong nhiều tư thế:

  • Thiền tọa
  • Thiền đứng
  • Thiền hành
  • Thiền nằm
  • Trong mọi sinh hoạt đời sống

Trong cuộc sống hàng ngày, tại một thời điểm có rất nhiều đối tượng xuất hiện sinh diệt nhanh chóng đan xen nhau, nhưng bao giờ tại thời điểm đó cũng có một ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI nhất sinh lên rồi diệt đi, và tiếp nối lại có một ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI khác sinh lên rồi diệt đi.

Đối với các đối tượng không nổi trội, lộ trình tâm sẽ DỪNG LẠI ở tâm biết trực tiếp giác quan, không có thái độ, lời nói hành động, không có khổ vui với các đối tượng này. Còn ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI thì tâm biết ý thức khởi lên xác định đối tượng đó là cái gì, đẹp hay xấu, thơm hay thúi, trắng hay đen, đúng hay sai, thiện hay ác …

Do tâm biết ý thức như vậy mà sẽ có thái độ thích hay ghét, sẽ có lời nói, hành động phản ứng, và sẽ có khổ vui với đối tượng. Nếu đối với các ĐỐI TƯỢNG NỔI TRỘI này mà Trí nhớ, Nhớ đến chú tâm GHI NHẬN các đối tượng NỔI TRỘI khởi lên thì lộ trình tâm sẽ DỪNG LẠI GHI NHẬN từ đối tượng nổi trội này sang đối tượng nổi trội khác.

Và như vậy TOÀN BỘ CÁC ĐỐI TƯỢNG kể cả các đối tượng nổi trội hay không nổi trội sẽ chỉ có tâm biết trực giác ghi nhận đối tượng mà tâm biết ý thức vô minh, tà kiến không khởi lên. Trạng thái tâm chỉ có tâm biết trực giác như vậy gọi là TỈNH GIÁC.

Với trạng thái Tỉnh Giác này sẽ không có tham sân si, không có ràng buộc, không có phiền não với bất kỳ đối tượng nào. Tuệ tri trạng thái tâm Tỉnh Giác như vậy còn gọi là Tuệ tri Khổ Diệt hay Tuệ tri Niết Bàn, giải thoát do Tỉnh Giác như vậy được gọi là Tâm Giải Thoát.

Tóm lại, thực hành Niệm Thân là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thân nơi Thân, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó. Cụ thể:

  • Tuệ tri Chú tâm liên tục phát sinh Định.
  • Tuệ tri 2 loại chú tâm: có tầm có tứ và không tầm không tứ.
  • Tuệ tri các tầng Định: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
  • Tuệ tri tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái (hỷ lạc) của Định.
  • Tuệ tri Tâm ghi nhận thuần túy (Tỉnh giác) vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt.
  • Tuệ tri Vô ngã khi niệm Thân.
  • Tuệ tri Khổ diệt (Niết Bàn), Tâm giải thoát, Không tánh giải thoát.

Tham khảo bài viết “Chánh Niệm: Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận các đối tượng nổi trội” – Đại đức Nguyên Tuệ

3.2. Chánh Niệm về Thọ

Là NHỚ ĐẾN TÍCH CỰC CHÚ TÂM quán sát cảm giác khi cảm giác đó đang sinh khởi, theo nhịp thở, nhịp đi, nhịp làm việc.

Nội dung Chánh Niệm về Thọ có 2 phần:

– Một là NHỚ ĐẾN TÍCH CỰC CHÚ TÂM quán sát đối tượng

– Hai là NHỚ ĐẾN ĐỐI TƯỢNG ĐÓ LÀ CẢM THỌ, CẢM GIÁC

Khi thực hành Chánh Niệm về Thọ thì có 2 lộ trình tâm đan xen nhau:

– Một là Ghi nhận đối tượng với Tỉnh giác.

– Hai là Chánh tri kiến khởi lên biết đối tượng đó là Cảm giác. Khi ý thức Chánh Tri Kiến biết như thật đối tượng đó là CẢM GIÁC thì người tu sẽ kinh nghiệm được lộ trình tâm chỉ dừng lại ở đó, không có diễn tiến gì thêm nữa. Với tâm biết ý thức Chánh Tri Kiến như vậy sẽ biết như thật ngay rằng: không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ luỵ với đối tượng. Giải thoát do Chánh Tri Kiến khởi lên như vậy gọi là Tuệ Giải Thoát.

Thực hành Chánh Niệm về Thọ trong nhiều tư thế:

  • Thiền tọa
  • Thiền đứng
  • Thiền hành
  • Thiền nằm
  • Trong mọi sinh hoạt đời sống

Tóm lại, thực hành Niệm Thọ là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thọ nơi Thọ, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó. Cụ thể:

  • Tuệ tri thực tại là Cảm Thọ (Cảm giác) gồm: Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Cảm giác pháp trần.
  • Tuệ tri duyên khởi các loại cảm giác đó do Căn Trần nào tiếp xúc phát sinh.
  • Tuệ tri Cảm giác vô thường.
  • Tuệ Tri Cảm giác vô chủ, vô sở hữu.
  • Tuệ tri Vô ngã khi niệm Thọ.
  • Tuệ tri Khổ diệt, Niết bàn, Tuệ giải thoát (Vô tướng giải thoát).

 

3.3. Chánh Niệm về Tâm

Là NHỚ ĐẾN TÍCH CỰC CHÚ TÂM quán sát tâm nơi tâm, theo nhịp thở, nhịp đi, nhịp làm việc.

Thực hành Niệm Tâm đưa đến an trú Tỉnh giác và Chánh kiến, kinh nghiệm Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.

Các đề mục Chánh tư duy khi quán Tâm:

  1. Tâm là một danh từ chung, để chỉ cho nhiều thứ tâm khác nhau. Tâm không phải là một danh từ riêng, để chỉ cho một THỰC THỂ TÂM nào đó.

Tâm có thể chia làm 4 nhóm: THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC

– Nhóm THỌ: gồm 6 loại cảm giác (Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Cảm giác pháp trần)

– Nhóm TƯỞNG: gồm 6 tâm ghi nhận (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức)

– Nhóm HÀNH:

 Trên Bát Tà Đạo: tà niệm, tà tư duy, tham, sân, si, tà định, dục, tà tinh tấn, phi như lý tác ý, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, khổ, vui.

 Trên Bát Chánh Đạo: chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định, chánh tư duy, như lý tác ý, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

– Nhóm THỨC:

 Trên Bát Tà Đạo: tà tri kiến (tâm biết ý thức và tư tưởng tà kiến)

 Trên Bát Chánh Đạo: chánh tri kiến (tâm biết ý thức và tư tưởng chánh kiến)

  1. Tất cả các thứ tâm này đều do căn trần tiếp xúc mà phát sinh, đều do duyên mà khởi lên, nên đều vô thường, vô chủ vô sở hữu, đồng nghĩa với vô ngã.
  2. Tại một thời điểm chỉ xuất hiện một thứ tâm. Riêng Thọ – Tưởng và Ý thức – Tư tưởng là những thứ tâm đồng sanh đồng diệt, đồng thời tồn tại.
  3. Tuệ tri TÂM BIẾT TÂM: Các Tâm ghi nhận ghi nhận các đối tượng thực tại là cảm giác (là tâm); Và Tâm biết ý thức biết về kiến thức, về tư tưởng, đó chính là Tâm biết Tâm, chứ không phải là TÂM BIẾT CẢNH.
  4. Tuệ tri vô ngã khi quán tâm: Khi quán sát các loại Tâm như vậy thì kinh nghiệm được là chỉ có các Tâm ghi nhận ghi nhận các đối tượng và Tâm biết ý thức biết hiện tượng đó. Chứ hoàn toàn không khởi lên tư tưởng: Ta thấy, Ta nghe, hay là Ta hiểu biết. Hoàn toàn vắng mặt tư tưởng chấp ngã → Đó gọi là Tuệ tri Vô ngã.

Thực hành Chánh Niệm về Tâm trong nhiều tư thế:

  • Thiền tọa
  • Thiền đứng
  • Thiền hành
  • Thiền nằm
  • Trong mọi sinh hoạt đời sống

Thực hành Chánh Niệm về Tâm để tuệ tri về TÂM – tức rèn luyện hiểu biết đúng sự thật về TÂM:

– Chấm dứt hiểu biết Tà kiến (không đúng sự thật) về TÂM:

  • Đa phần nhân loại xem Tâm là một thực thể, có cấu trúc nguyên khối, thường hằng, không sinh không diệt.
  • Trong tôn giáo quan niệm Tâm là linh hồn: nó cư ngụ trong thân thể này, dùng 6 căn làm 6 cửa để quan sát thế giới.
  • Khi thân xác tan rã, tâm đó thoát ra đi đầu thai.

– Khắc sâu hiểu biết Chánh kiến (đúng sự thật) về TÂM:

  • Tâm gồm có nhiều thứ tâm khác nhau, có thể chia làm 4 nhóm: THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC.
  • Các thứ tâm này là do căn trần tiếp xúc mà phát sinh, là pháp duyên khởi. Không có tâm kiểu cấu trúc nguyên khối, thường hằng, không sinh không diệt.
  • Các thứ tâm này có tính chất vô thường: sinh lên rồi diệt đi liền và vô chủ, vô sở hữu (vô ngã). Các thứ tâm là độc lập với nhau.
  • Tại một thời điểm chỉ có một thứ tâm duy nhất. Riêng Thọ – Tưởng và Ý thức – Tư tưởng là đồng sanh đồng diệt, đồng thời tồn tại.

Tóm lại, thực hành Niệm Tâm là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Tâm nơi Tâm, để nhiếp phục

tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó. Cụ thể:

  • Tuệ tri Tâm gồm 4 nhóm: Thọ – Tưởng – Hành – Thức.
  • Tuệ tri nhóm Tưởng; Tuệ tri mỗi Tâm ghi nhận chỉ ghi nhận 1 loại Cảm giác; Tuệ tri Duyên khởi các loại Tâm ghi nhận; Tuệ tri Tâm ghi nhận Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu.
  • Tuệ tri Tâm ý thức; Tuệ tri Duyên khởi Tâm ý thức do Niệm – Tư duy – [Ý thức – Tư tưởng] và 2 loại Ý thức: Tà Kiến và Chánh Kiến.
  • Tuệ Tri Tâm biết Tâm chứ không phải Tâm biết Cảnh; Tuệ tri Tâm biết và Đối tượng được biết đồng sanh đồng diệt.
  • Tuệ tri Vô ngã khi quán Tâm.

 

3.4. Chánh Niệm về Pháp

Là NHỚ ĐẾN TÍCH CỰC CHÚ TÂM quán sát pháp nơi pháp theo nhịp thở.

Chủ yếu thực hành trong tư thế Toạ thiền hoặc Thiền nằm.

Thực hành Niệm Pháp đưa đến an trú Tỉnh giác và Chánh kiến, kinh nghiệm Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.

Các đề mục Chánh tư duy khi quán Pháp:

  1. Tuệ tri sự giác ngộ của Đức Phật (Tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly)

– Tuệ tri vị ngọt: Niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời này là Vị ngọt. Nó có thật, là lạc thọ (cảm giác dễ chịu). Nó là Tâm chứ không phải thế giới vật chất. Nó Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu.

– Tuệ tri sự nguy hiểm: Nếu tham ái Vị ngọt thì sẽ muốn nắm giữ, ràng buộc với nó. Khi nó biến hoại, biến diệt thì sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên → THAM ÁI vị ngọt là NGUY HIỂM vì làm phát sinh khổ.

– Tuệ tri sự xuất ly: Vì biết tham ái Vị ngọt là Nguy hiểm nên xuất ly khỏi nó: Không còn Tham với lạc thọ, không còn Sân với khổ thọ, không còn Si với bất khổ bất lạc thọ.

  1. Tuệ tri Duyên khởi; Từ đó, tuệ tri vô thường, vô chủ, vô sở hữu (vô ngã)

– Tuệ tri hiểu biết Vô Minh và Minh về Lý Duyên Khởi:

  • Vô Minh: Hiểu biết một nhân sinh quả, nhân biến đổi thành quả, hay có bổ sung nhân chính biến đổi thành quả có nhân phụ trợ giúp, hay có duyên trợ giúp. Hệ quả: Các pháp chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, không có pháp nào được sinh ra, cũng không có pháp nào bị diệt đi. Quan hệ giữa các pháp là sở hữu, phụ thuộc, ràng buộc nhau, nương nhau mà tồn tại.
  • Minh: Tất cả các sự vật, hiện tượng đều là pháp Duyên Khởi, tuân theo định luật: Hai nhân bình đẳng tương tác với nhau rồi cùng diệt mới phát sinh một hay nhiều quả. Nhân diệt quả mới sinh. Quá trình nhân quả là nối tiếp nhau, sinh diệt liên tục. Hệ quả: Tất cả các pháp đều vô thường (sinh lên rồi diệt đi, không sẵn có, không luôn luôn có ở đâu cả.); Tất cả các pháp đều vô ngã (Quan hệ giữa các pháp là bình đẳng, độc lập; không có pháp nào là chủ nhân, chủ sở hữu pháp nào, không pháp nào làm chủ, điều khiển được pháp nào.)
  1. Tuệ tri Tứ Thánh Đế

– Tuệ tri Khổ đế và Tập đế: Tuệ tri hiểu biết Vô Minh và Minh về Khổ đế và Tập đế:

  • Vô Minh: Khổ và nguyên nhân Khổ thuộc về thế giới vật chất bên ngoài, từ thế giới bên ngoài mà đến với con người.
  • Minh: Khổ thuộc về tâm, chứ không thuộc về thế giới vật chất. Khổ và nguyên nhân khổ phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo.

Khổ và nguyên nhân Khổ là do duyên khởi, do căn trần tiếp xúc mà phát sinh, vì vậy, Khổ và nguyên nhân Khổ đều vô thường, vô chủ, vô sở hữu.

Khổ do Tham Sân Si mà khởi lên, gồm 3 loại: THAM làm phát sinh HOẠI KHỔ, SÂN làm phát sinh KHỔ KHỔ, SI làm phát sinh HÀNH KHỔ.

(Ngoài 3 loại Khổ phát sinh do Tham Sân Si, con người còn 1 cái Khổ nữa, do Thân căn tiếp xúc Xúc trần mà phát sinh cảm giác khó chịu trên thân (gọi là Khổ thân). Nó cũng là cảm giác, là tâm. Chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng nỗi khổ của con người.)

– Tuệ tri Diệt đế và Đạo đế: Tuệ tri hiểu biết Vô Minh và Minh về Diệt đế và Đạo đế:

  • Vô Minh: Sự chấm dứt Khổ và con đường chấm dứt Khổ thuộc về thế giới vật chất bên ngoài nên phải thay đổi ngoại cảnh.
  • Minh: Sự chấm dứt Khổ và con đường chấm dứt Khổ thuộc về tâm, nên phải thay đổi tâm.

Trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, cho dù là Quán Thân, Quán Thọ, Quán Tâm hay Quán Pháp thì đều tuệ tri không có Tham Sân Si, không có Khổ, Vui với bất kỳ đối tượng nào. Đó là tuệ tri Khổ diệt, Tuệ tri Niết Bàn hay còn gọi là Tuệ tri Diệt đế.

Khi Quán Thân, Quán Thọ, Quán Tâm hay Quán Pháp thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên. Lộ trình tâm đó không có Vô minh, không có Tham Sân Si, không có Khổ, Vui với bất kỳ đối tượng nào. Đó là tuệ tri con đường không có Khổ, con đường Khổ diệt, hay con đường Khổ chấm dứt là Bát Chánh Đạo. Đây chính là tuệ tri Đạo đế.

  1. Tuệ tri 37 phẩm đạo đế : Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo.

– Tứ niệm xứ: Niệm thân, Niệm thọ, Niệm tâm, Niệm pháp.

– Tứ chánh cần: Tích cực diệt trừ các điều ác đã sinh khởi, Tích cực ngăn các điều ác chưa sinh khởi, Tích cực khởi lên các thiện pháp, Tích cực làm cho thiện pháp viên mãn.

– Tứ như ý túc: Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc, Định như ý túc, Tuệ như ý túc.

– Ngũ căn: Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn.

– Ngũ lực: Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực, Tuệ lực.

– Thất giác chi: Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi, Xả giác chi.

– Bát chánh đạo: Bát chánh đạo hiệp thế, Bát chánh đạo siêu thế.

  1. Tuệ tri hai loại thực tại của Phàm và Thánh.

– Thực tại của Phàm phu: Vô thường, Vô ngã, có Khổ, Bất tịnh (Niềm vui, dục lạc thế gian là vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn, do dó, là bất tịnh)

– Thực tại của bậc Thánh: Vô thường, Vô ngã, Khổ diệt, Thanh tịnh (Niềm vui của bậc Thánh là hỷ – lạc phát sinh từ Chánh Định, không phải tìm cầu, không nguy hiểm, do đó, là thanh tịnh).

Tóm lại, thực hành Niệm Pháp là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Pháp nơi Pháp, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó. Cụ thể:

  • Tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly
  • Tuệ tri Duyên khởi, Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu
  • Tuệ tri Khổ đế và Tập đế
  • Tuệ tri Diệt đế và Đạo đế.
  • Tuệ tri 37 phẩm đạo đế : Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo.
  • Tuệ tri Hai loại thực tại

 

4. Một số câu hỏi thường gặp về Chánh Niệm

4.1. Chánh Niệm về tham, sân, si

HỎI

Có phải Chánh Niệm là “Nhớ đến chú tâm quán sát Tham Sân Si” và lúc đó Tham Sân Si sẽ diệt đi không?

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Có vấn đề mà nhiều người tu tập băn khoăn: Có phải Chánh Niệm là “Nhớ đến chú tâm quan sát Tham Sân Si” và lúc đó Tham Sân Si sẽ diệt đi không? Có phải khi Tham Sân Si khởi lên thì chỉ cần biết có Tham Sân Si là đủ, và sống trọn vẹn với “cái thực tại đang là” ấy không? Đây là những hiểu lầm, hiểu sai rất tai hại khi tu tập Giáo Pháp, nó xuất phát từ tư duy, lý luận suông mà tưởng tượng ra các kiến giải như vậy.

4.2. Chánh Niệm về cảm giác pháp trần

HỎI

Thưa Sư, khi toạ thiền được một lúc thì xuất hiện rất nhiều cảm giác pháp trần khởi lên. Con vẫn quán thọ, thọ… đó là tâm chứ không phải cảnh… Nhưng đôi khi cảm giác đó quá mạnh khiến con bị cuốn vào và đánh mất Chánh Niệm. Khi phát hiện ra con lại tiếp tục quán, đôi khi còn mở mắt ra một lúc hoặc chuyển sang thiền hành rồi mới quay lại thiền toạ tiếp. Nhưng vẫn bị gặp những cảm giác đó cuốn mình đi nhiều lần. Con muốn hỏi là như thế có phải là con chưa vào định vững chắc đúng không ạ? Và làm thế nào để giữ được định vững chắc trước những cảm giác pháp trần xuất hiện nhiều như thế ạ? Mong Sư khai thị giúp con!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *