BỐ THÍ – Bát Chánh đạo

BỐ THÍ
Trong Năm bộ kinh Nikaya, kinh nói riêng về bố thí rất ít ỏi, hình như chỉ có một kinh duy nhất ở Tăng Chi Bộ Kinh. Trong bản kinh này Đức Phật có thuyết giảng về hai cách bố thí. Một cách bố thí không được quả lớn, lợi ích lớn; một cách bố thí được quả lớn, lợi ích lớn.
1 – Bố thí không được quả lớn, lợi ích lớn : ” Ở đây, này Sa riputta, có hạng người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc, bố thí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ: “ta sẽ thọ hưởng cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy cho các Sa môn, Bà la môn, bố thí đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương thơm, hương liệu, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư thiên ở bốn thiên vương. Và vị ấy, khi nghiệp ( ấy ) được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành “vị trở lui lại”, trở lui cuộc đời này”.
Đức Phật đã thuyết giảng, đây là cách bố thí thứ nhất, không phải không có kết quả của bố thí, mà quả của bố thí như vậy có thể, sau khi chết được tái sinh ở cõi trời bốn thiên vương, nhưng nó là bố thí không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Vì sao vậy ? Vì đó là quả hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y. Quả ấy có thể là tốt đẹp, giàu sang, mạnh khoẻ đối với kẻ Vô minh trong luân hồi sinh tử, nhưng vẫn thuộc về Khổ cảnh. Bố thí như vậy thuộc về Phàm phu, thuộc về lộ trình tâm Bát Tà Đạo, do Tham ái phước báo khởi lên. Đây là Thực tại Thế Gian có kiếp sau, có con đường đi đến kiếp sau. Hành vi bố thí với tâm mong cầu, với tâm trói buộc ( về phước báo ) như vậy là đang đi trên con đường tới kiếp sau. Cho dù đi đến kiếp sau là cảnh giới bốn thiên vương, nhưng khi quả báo của nghiệp bố thí ấy tận thì lại tái sinh trở lui, trở lui cuộc đời này. Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện thuyết giảng về thực tại Thế Gian có kiếp sau và Con đường đi đến kiếp sau là đáng kinh sợ, đầy khổ đau. Đức Phật không có phủ nhận hay chê bai cách bố thí này, nhưng cũng không khuyến khích vì bố thí như vậy là đang đi trên con đường tới kiếp sau. Cái mà Ngài khuyến khích đệ tử, là đi trên con đường tới không có kiếp sau, vì vậy Ngài không khuyến khích đệ tử bố thí theo cách đi đến kiếp sau này.
2 – Bố thí được quả lớn, lợi ích lớn : “Này Sa riputta, ở đây, ai bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí với tâm không mong cầu được chất chứa, bố thí không với ý nghĩ: “ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”,bố thí không với ý nghĩ: “lành thay, sự bố thí”, bố thí không với ý nghĩ: “cái này đã được cho trong đời quá khứ, đã được tổ tiên làm trong đời quá khứ, ta không nên để truyền thống này của gia đình bị bỏ quyên”, bố thí không với ý nghĩ: “ta nấu ăn, những người này không nấu ăn, ta không xứng đáng là người nấu ăn, nếu không bố thí cho người không nấu ăn”, bố thí không với ý nghĩ: “như các vị ẩn sĩ thời xưa có những tế đàn lớn như Atthaka, Vâmka, Vâmdeva …, cũng vậy ta sẽ là người san sẽ vật bố thí này”, bố thí không với ý nghĩ: “do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên”. Nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để thanh tịnh tâm. Và đối với Sa môn hay Bà la môn, vị ấy bố thí đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Do vị ấy bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư thiên ở Phạm Chúng thiên. Và khi vị ấy, nghiệp ấy được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành Bất Lai, không còn trở lui cuộc đời này nữa”.
Đây là cách bố thí được quả lớn, lợi ích lớn, bố thí với Tâm Không. Nghĩa Không này rất cụ thể, rõ ràng, không mơ hồ trừu tượng. Tâm Không mà Đức Phật giảng giải ở đây nằm trong nghĩa Có Không thường ngày theo hiểu biết của nhân loại. Bố thí với Tâm Không là bố thí với Tâm KHÔNG mong cầu, KHÔNG trói buộc, KHÔNG chất chứa …vv. Các Tâm Không này đã được liệt kê tỉ mỷ, đầy đủ trong đoạn kinh trên. Bố thí với Tâm Không như vậy cũng tức là bố thí với tâm không có Vô minh, không có Tham Sân Si, chỉ xẩy ra khi lộ trình tâm là Bát Chánh Đạo. Bố thí như vậy được quả lớn, lợi ích lớn là bởi quả bố thí này thuộc Vô Lậu, Siêu Thế, thuộc Đạo Chi. Thuộc Đạo Chi nghĩa là bố thí như vậy là Chi phần của Bát Chánh Đạo siêu thế, cụ thể là Chánh ngữ, Chánh nghiệp trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. Chánh ngữ, Chánh nghiệp do Chánh Tri Kiến, do Minh mà khởi lên, không phải do Vô minh, Tham ái khởi lên, nên hành vi bố thí như vậy không còn tạo nghiệp, không còn thuộc về Thế gian hữu lậu, mà chính là Vô Tác Giải Thoát. Bố thí như vậy là đang đi trên con đường không có kiếp sau. Bố thí như vậy có thể góp phần đạt được quả Bất Lai ( A Na Hàm ), nghĩa là sau khi thân hoại mạng chung, tái sinh vào Phạm Chúng thiên và tại đấy Nhập Diệt, tại đấy Niết Bàn không còn trở lui cuộc đời này nữa.
3 – Chủ trương về bố thí : Đức Phật không đề cao bố thí, không xem bố thí là công việc hàng đầu của sự tu hành, nên trong các bộ kinh Nikaya, bài kinh riêng biệt về đề tài bố thí chỉ có duy nhất bài kinh này. Trong Bát Chánh Đạo, con đường chấm dứt khổ có 8 chi phần, nhưng không có chi phần bố thí. Trong 37 chi phần Đạo Đế cũng không có chi phần bố thí. Tuy Đức Phật không đề cao bố thí, nhưng cũng không xem nhẹ chi phần này và bố thí để có quả lớn, lợi ích lớn như đã thuyết giảng ở trên, đã ẩn tàng trong Bát Chánh Đạo. Không phải mọi lời nói, mọi hành vi trong chi phần Chánh ngữ, Chánh nghiệp đều là bố thí, nhưng khi nói Pháp cho một người nào đó, chia sẽ vật dụng cho một người nào đó với lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, thì có nghĩa là đang nói, đang cho với Tâm Không, đang nói, đang cho với Tâm vắng lặng, không vì thương, không vì ghét mà nói, mà cho; không vì một mục đích nào đó mà nói, mà cho. Hành vi bố thí với Tâm Không như vậy không phải của ai cả, mà Ý thức Chánh Tri Kiến, là Minh, là Trí Tuệ, là nhân duyên cho nó khởi lên. Ai khi đang tu tập Niệm Tâm và Niệm Pháp, khi an trú Chánh Niệm thì có thể kinh nghiệm được “nói và cho” với Tâm Không như vậy. Và đây cũng là lý do Đức Phật không nói nhiều về bố thí với Tâm Không, và cũng vì “Pháp của Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng là ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY”, là để tự mình thấy, tự mình biết, tự mình trải nghiệm bố thí với Tâm Không là như thế nào.
Đa phần về sau ,không y theo kinh mà y theo chú giải, luận giải nên đề cao bố thí, xem bố thí là sự nghiệp hàng đầu của tu hành. Nhưng thay vì đề cao bố thí với Tâm Không để có quả lớn, lợi ích lớn, các chú giải đa phần đề cao bố thí với tâm mong cầu, với tâm trói buộc, với tâm chất chứa về Phước Báo. Họ dùng đủ mọi phương tiện phân tích về phước báo, về người thí, thái độ thí, vật thí, người thọ thí để đạt được tối ưu phước báo. Chú giải, luận giải về mục đích của bố thí là phước báo như vậy chính là Tham Dục, do Vô minh và Tham ái mà viết ra. Bố thí với mục đích phước báo như vậy không phải không có kết quả, nhưng kết quả đó không phải là quả lớn, lợi ích lớn. Quả đó xẩy ra trong tương lai, hoặc trong kiếp sau, trong luân hồi sinh tử, trong Khổ cảnh mà thôi. Một số lại biện giải rằng tu là lâu dài, trong rất nhiều a tăng kỳ kiếp, vậy bây giờ phải tích luỹ các phước báo để tương lai có hoàn cảnh tốt đẹp hơn để tiếp tục tu hành. Biện giải như vậy là biện giải cho Tham Dục, do Vô minh và Tham ái mà phát sinh, biện giải đó dẫn con người đi xa khỏi sự học hỏi và tu tập để đoạn trừ Tham Dục ngay bây giờ và tại đây, ngay trong kiếp sống này. Khi tái sinh vào một kiếp sống mới, cái biện giải ấy đã được huân tập vững chắc ở kiếp trước lại tiếp tục vận hành, và cứ như thế mãi trong các kiếp tương lai, và sự học hỏi, tu tập để đoạn trừ Tham Dục chỉ là tư duy, chỉ là lý luận suông, không bao giờ xẩy ra trong hiện tại. Vì thế mà phát sinh nhận thức, phải tu trong ba, bốn a tăng kỳ kiếp và nếu tu bằng lý luận suông như vậy thì tu vĩnh viễn cũng không có kết quả chứ nói gì đến ba, bốn a tăng kỳ.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *