fbpx

Ai hoan hỷ Sắc người ấy hoan hỷ Khổ

Đây là một mệnh đề được lặp đi lặp lại nhiều lần trong kinh điển, gây một xúc động mạnh trong sâu thẳm tâm thức những người trí. Và đây là câu nói tắt, còn câu đầy đủ là: Ai hoan hỷ Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp là người ấy hoan hỷ khổ.

Hoan hỷ sắc là vui mừng, vui thích, thương mến sắc và chắc chắn phải là sắc đẹp mới hoan hỷ sắc đó. Còn các sắc xấu thì sẽ ghét bỏ, sẽ không hoan hỷ, sắc trung tính thì ngó lơ, không hoan hỷ mà đi tìm một sắc đẹp để hoan hỷ. Đây là sự thật đang xẩy ra nơi mỗi người (ngoại trừ người đang tu tập Bát chánh đạo) không ai làm chủ được, không ai điều khiển thay đổi được điều đó. Vì vậy, có những người thuyết giảng chủ trương phải hoan hỷ với mọi sắc cho dù đẹp, xấu hay trung tính là điều không thể xẩy ra.

Chính vì vậy mà kết luận: Ai hoan hỷ sắc người ấy hoan hỷ khổ, nghĩa là lộ trình tâm đó là Bát tà đạo đã được cài đặt lập trình và lập trình đó vận hành sẽ khởi lên: Tham đối với Sắc đẹp, Sân đối với Sắc xấu và Si đối với Sắc không đẹp không xấu ( trung tính ). Đương nhiên là có tham sân si với các Sắc thì sẽ khổ vì các Sắc.

Vì vậy, chủ trương tu tập để thấy cuộc sống là mầu nhiệm, sự sống là mầu nhiệm, mỗi một ngọn cỏ, cành cây, trời xanh mây trắng, gió hát thông reo, con giun, con dế, con người, vạn sự vạn vật … đều là mầu nhiệm tràn đầy hạnh phúc. Đó chính là đang chủ trương hoan hỷ sắc, thích thú yêu thương sắc. Nghe rất hấp dẫn, rất hợp lý, rất đáng học hỏi, noi theo và làm bao người mê say. Vì sao? Vì nó phù hợp với hiểu biết tà kiến và tham ái của nhân loại.

Vậy người tu tập Tứ niệm xứ, an trú Bát chánh đạo có hoan hỷ không? Họ có hoan hỷ nhưng không hoan hỷ Sắc, không hoan hỷ Thanh, Hương, Vị Xúc Pháp, không hoan hỷ với bất kỳ đối tượng nào. Mà hoan hỷ đó từ nội tâm phát sinh ra, hoan hỷ đó do tâm hành Chánh tinh tấn (Tích cực chánh) do Chánh định (Chú tâm chánh) gồm sơ thiền nhị thiền, tam thiền, tứ thiền khởi lên. Hoan hỷ nội tâm này không còn phát sinh khổ như Hoan hỷ Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp mà Hoan hỷ này đồng hành với Khổ diệt nên nó là Hạnh phúc của bậc Thánh và gọi là Thánh lạc, Chánh giác lạc, An tịnh lạc.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (22.10.2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *