Trạng thái Chánh Định và 4 mức độ Thiền

Chánh định là một trạng thái tâm phát sinh khi có sự CHÚ TÂM LIÊN TỤC từ đối tượng này đến đối tượng khác cho dù là đối tượng dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Sự chú tâm liên tục này bao gồm hai loại chú tâm:

Một là chú tâm có tầm có tứ tức chú tâm có hướng đến đối tượng và duy trì sự chú tâm trên đối tượng (hoặc một loại đối tượng).

Hai là chú tâm không tầm không tứ, nghĩa là chú tâm không hướng đến, không duy trì sự chú tâm trên bất kỳ đối tượng nào (hoặc bất kỳ loại đối tượng nào) mà tự động xẩy ra từ đối tượng này đến đối tượng khác. Trạng thái Chánh định xuất hiện khi có nhất tâm, không còn bị phân tâm vì chuyện nọ chuyện kia.

Lúc đó chỉ có một loại Niệm duy nhất là Chánh Niệm, không còn Tà Niệm và Chánh Niệm đó là: NHỚ ĐẾN tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân, hay NHỚ ĐẾN tích cực chú tâm quán sát thọ nơi thọ, hay NHỚ ĐẾN tích cực chú tâm quán sát tâm nơi tâm, hay NHỚ ĐẾN tích cực chú tâm quán sát pháp nơi pháp.

Chánh định có 4 mức độ gồm: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.

1 – Sơ thiền:

Chứng và trú sơ thiền khi có 4 pháp sau:

  • Một là: Ly dục, ly bất thiện pháp. Vì nhất tâm, chỉ nhớ đến tích cực chú tâm (thân thọ tâm pháp) nên không nhớ đến bất kỳ một chuyện gì trên đời, vậy nên không có bất kỳ một tham muốn nào (ly dục), tâm vắng lặng, không có tư tưởng nào nên không có bất kỳ một tư tưởng ác, bất thiện nào (ly bất thiện pháp).
  • Hai là có cái vui nhè nhẹ thỉnh thoảng khởi lên nơi nội tâm gọi là Hỷ.
  • Ba là có cảm giác Thoải mái, không căng thẳng, gò bó, mệt mỏi trên thân gọi là Lạc.
  • Bốn là có chú tâm có tầm có tứ. Tuy nhiên sơ thiền có cả hai loại chú tâm có tầm có tứ lẫn không tầm không tứ nhưng nhấn mạnh sơ thiền với chú tâm có tầm có tứ để phân biệt với nhị thiền, tam thiền, tứ thiền chỉ có một loại chú tâm duy nhất là không tầm không tứ.

2 – Nhị thiền:

Thời điểm để chuyển từ Sơ thiền lên Nhị thiền là: diệt tầm diệt tứ tức là loại chú tâm có tầm có tứ diệt đi chỉ còn lại loại chú tâm không tầm không tứ. Lúc đó chứng và trú Nhị thiền sẽ có các pháp sau:

  • Một là có Vui nội tâm do Định sanh gọi là Hỷ. Hỷ này rất mạnh, có thể muốn cười lên, người ngoài có thể thấy nụ cười trên gương mặt người đó, có thể nổi da gà, có thể có những luồng rân rân chạy dọc đùi, sống lưng, hay xoáy trên đầu, cảm giác nhẹ bổng như bay lên…
  • Hai là có cảm giác Thoái mái, dễ chịu trên thân gọi là Lạc. Lạc này rất mạnh nên không còn bất kỳ một cảm giác khó chịu nào trên thân, không còn đau nhức, không còn cảm giác đau khi hai chân đè lên nhau như trước nữa. Có thể ngồi thoải mái như vậy rất lâu, tuỳ theo ý muốn.
  • Ba là chỉ có một loại chú tâm duy nhất là không tầm không tứ, tức là sự chú tâm tự đông xẩy ra liên tục từ đối tượng này đến đối tượng khác mà không hề hướng đến bất kỳ một đối tượng nào. Trạng thái này rất vững chắc, không có hôn trầm, phân tâm (phóng tâm) xẩy ra gọi là nội tĩnh nhất tâm.

3 – Tam thiền:

Từ Nhị thiền chuyển lên Tam thiền là lúc trạng thái Hỷ chấm dứt, tâm không có Vui cũng không có Buồn mà là trạng thái Bình thản. Chứng và trú Tam thiền gồm: 

  • Một là trạng thái tâm Bình thản, không vui, không buồn gọi là Ly hỷ trú xả.
  • Hai là cảm giác Thoải mái, dễ chịu vẩn có mặt như trạng thái Nhị thiền, không có cảm giác khó chịu, đau nhức, căng thẳng. Đó gọi là Xả niệm Lạc trú.

4 – Tứ thiền:

Từ Tam thiền chuyển sang Tứ thiền là lúc các cảm giác trên thân nhẹ dần và càng vi tế đến nỗi cả cảm giác thở vô, thở ra cũng nhẹ, cũng vi tế đến mức không còn cảm nhận được nữa. Đa phần cảm nhận “mất thân” từ cổ trở xuống vì các cảm giác ở đó nhẹ, vi tế đến mức đa phần không còn cảm nhận được nữa. Lúc đó chứng và trú Tứ thiền gồm:

  • Một là cảm giác nơi thân nhẹ và vi tế nên các cảm giác đó không phải là Dễ chịu cũng không phải là Khó chịu, nó là các cảm giác Trung tính. Đó gọi là Xả lạc, Xả khổ theo từ Hán Việt.
  • Hai là nội tâm vắng lặng cả vui cả buồn gọi theo từ Hán Việt là diệt trừ Hỷ Ưu (đã cảm thọ từ trước).
  • Ba là trạng thái vắng lặng cả Hỷ cả Lạc, vắng lặng mọi tư tưởng gọi là Tâm thanh tịnh nhờ xả.

Như vậy, khi có nhất tâm, không còn phân tâm được hiểu là chỉ có Chánh niệm, CHỈ NHỚ ĐẾN tích cực chú tâm quán sát thân thọ tâm pháp mà KHÔNG NHỚ ĐẾN bất kỳ chuyện gì trên đời (Tà niệm) thì lúc đó sẽ phát sinh trạng thái Chánh định. Phân biệt các mức độ của Chánh định bằng:

a – Nếu có cả hai loại chú tâm có tầm có tứ và không tầm không tứ thì định đó là Sơ thiền
b – Nếu chỉ có một loại chú tâm không tầm không tứ thì định đó có thể là Nhị thiền, Tam thiền hoặc Tứ thiền:

  • Nếu có cả Hỷ và Lạc thì đó là Nhị thiền.
  • Nếu không có Hỷ mà chỉ có Lạc thì đó là Tam thiền.
  • Nếu không có Hỷ, không có Lạc, tâm vắng lặng mọi tư tưởng thì đó là Tứ thiền.

Tỷ Kheo Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *