Thế giới quan và Hệ tọa độ

Thế giới quan theo nguyên nghĩa của các từ này là: Quan niệm về thế giới hay quan điểm về thế giới tức là nhận thức về thế giới. Chính vì thế mà có rất nhiều quan điểm về thế giới, quan điểm duy vật, duy tâm, quan điểm thế giới gồm trời tròn đất vuông, Cửu sơn bát hải, núi tu di, quan điểm có 31 cõi trời, quan điểm tam thiên đại thiên thế giới, quan điểm các thiên hà, thế giới quan cơ giới của Newton, thế giới quan theo cơ học lượng tử, vụ nổ lớn bigbang… Đó là các tư tưởng, các quan niệm về thế giới vật chất do tư duy suy luận của con người phát sinh ra. Các quan niệm đó, các tư tưởng về thế giới đó có đúng với thế giới vật chất thực đang hiện hữu hay không thì lại là chuyện khác, cần phải xác minh.

Thế giới quan của nhân loại là tư tưởng nhận thức cho rằng các sự vật hiện tượng (các pháp) hiện hữu trong không gian và thời gian với một đồ hình 4 chiều. Ba chiều không gian gồm chiều dọc, chiều ngang, chiều đứng và Chiều thứ tư là thời gian. Đồ hình này là hệ toạ độ bốn chiều và đương nhiên hệ toạ độ đó phải có GỐC là điểm KHÔNG. Và khi khảo sát các sự vật hiện tượng thì phải so sánh với điểm KHÔNG là cái GỐC toạ độ. Do sự so sánh (tư duy) này sẽ làm xuất hiện các khái niệm xa gần, dài ngắn, trước sau, cao thấp, trên dưới, hiện tại, quá khứ, tương lai…. Đây là các khái niệm Không Gian, Thời Gian xuất hiện khi tư duy, nghĩa là khi phân tích so sánh đối chiếu đối tượng với điểm KHÔNG, với GỐC toạ độ. Đối với GỐC toạ độ, tại điểm KHÔNG không có khái niệm không gian, thời gian vì tư duy so sánh nó với chính nó nên tại đó không có khoảng cách, không có chuyển động.

Điều này khẳng định rằng khái niệm Không gian và Thời gian phát sinh trong quá trình tư duy và sau đó, nó là công cụ của dư duy (tư duy khái niệm) thuộc về Tâm chứ không thuộc về thế giới vật chất như nhân loại vẫn mặc định sai lầm, Không gian và Thời gian là hai thuộc tính vốn có của thế giới vật chất.

Tuỳ theo GỐC toạ độ, tuỳ thuộc vào điểm KHÔNG chọn ở chỗ nào thì thế giới sẽ “HIỆN RA” theo kiểu đó. Ví dụ: nếu chọn Gốc toạ độ, chọn điểm Không là quả đất (quả đất đứng yên) thì thế giới sẽ “HIỆN RA” khác hẳn với thế giới khi chọn Gốc, chọn điểm Không là mặt trời (mặt trời đứng yên).

* Chọn GỐC toạ độ, chọn điểm KHÔNG ở đâu, là GIẢ THIẾT được công nhận, được mặc định, tương tự các tiên đề toán học, nên không phải là SỰ THẬT thực tại. Vì vậy, mọi thế giới quan, mọi quan điểm về thế giới chỉ là các GIẢ THIẾT chứ không phải là sự thật về thế giới. Chính vì nó là các GIẢ THIẾT nên lịch sử nhân loại đã chứng kiến biết bao nhiêu thế giới quan ra đời, được chấp nhận rồi lại bị loại bỏ.

* Những khái niệm, ngôn từ được dùng để tư duy, dùng để diễn tả, ám chỉ các sự vật hiện tượng đang diễn tiến trong không gian và thời gian như xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay, cứng mềm thô mịn, nặng nhẹ, đàn ông đàn bà xe cộ, rừng núi, sông ngòi… phải dựa vào các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận hàng ngày để đặt tên. Các đối tượng đó vốn là 6 loại Cảm giác (Cảm thọ) do sáu căn và sáu trần tiếp xúc mà phát sinh, nó thuộc phạm trù tâm (tinh thần) chứ không phải Vật chất nhưng vì hiểu biết sai nên nhân loại áp đặt cho nó là thế giới vật chất.

* Vì vậy, các đối tượng thực tại được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức mà con người quan niệm là thế giới, là vật chất thực chất là TÂM chứ không phải Vật Chất. Thực tại ấy do Con người (Sáu Căn) và Thế giới (Sáu Trần) tương tác với nhau mà phát sinh. Các ngôn từ, khái niệm kể cả không gian thời gian mà nhân loại cho rằng để diễn tả, để ám chỉ thế giới vật chất những thực chất đó là ngôn từ khái niệm diễn tả, mô tả thực tại cảm giác, thực tại tâm.

Nhưng cái GỐC, cái điểm KHÔNG trong hệ toạ độ bốn chiều mà qua đó con người hàng ngày thấy biết “Thế Giới” là cái gì, ở đâu? Cái GỐC đó, điểm KHÔNG đó là TỰ NGÃ, là cái TA tự có, không sinh không diệt còn gọi là BẢN NGÃ. Cái Tự ngã, Bản ngã đó không phải là một thực thể không sinh không diệt mà nó là TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ, cho rằng Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là Ta, là của Ta. Và vì Tự ngã hay Bản ngã là cái GỐC toạ độ, là điểm KHÔNG nên nó là TRUNG TÂM VŨ TRỤ.

Với GỐC toạ độ, với điểm KHÔNG là TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ, là TRUNG TÂM VŨ TRỤ nên khi thấy, nghe hay cảm nhận đối tượng thì tư tưởng khởi lên, khái niệm xa hay gần Ta, trước hay sau Ta, trên hay dưới Ta… xuất hiện do tư duy so sánh đối chiếu đối tượng với GỐC toạ độ, với điểm KHÔNG. Do chấp thủ thân này là Ta nên lúc đó GỐC toạ độ, điểm KHÔNG là thân này, sẽ là đứng yên không chuyển động, và là TRUNG TÂM VŨ TRỤ. Khi thấy nghe, cảm nhận đối tượng là người thì tư duy sẽ so sánh đối chiếu đối tượng đó với GỐC toạ độ là TA làm phát sinh Ta hơn, Ta kém hay Ta bằng người đó. GỐC toạ độ là cái Ta lúc đó có thể là sắc, có thể là thọ, hoặc tưởng, hoặc hành, hoặc thức.

Vậy thì thế giới quan của loài người được mô tả theo một hệ toạ độ bốn chiều gồm ba chiều không gian và một chiều thời gian và các sự vật hiện tượng tồn tại, hiện hữu trong đồ hình bốn chiều với GỐC toạ độ là TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ nên sự thật thế giới quan đó là thế giới Tâm chứ không phải là thế giới Vật chất như mặc định, hiểu lầm của nhân loại.

Thế giới thực tại mà con người thấy nghe, cảm nhận là Tâm do Con người và Thế giới vật chất tương tác mà phát sinh. Thực tại đó là Tâm chứ không phải là Vật, tuy nó vô thường, vô chủ vô sở hữu nhưng nó thực có, không phải là giả, không phải không thật như một số tông phái Phật giáo chủ trương. Tuy con người không thấy nghe, cảm nhận được bằng cái biết trực tiếp giác quan nhưng Thế giới vật chất cũng thực có tuy nó vô thường, vô chủ vô sở hữu. Biết thế giới vật chất là thực có, thực hiện hữu là cái biết ý thức do suy luận hợp lý mà khẳng định.

* Khi thực hành Tứ Niệm Xứ nếu là Tu Chỉ, Chánh niệm nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân, lúc đó an trú Tỉnh giác sẽ kinh nghiệm, sẽ tuệ tri được không có thế giới quan, không có tư tưởng về thế giới, không tồn tại một hệ toạ độ 4 chiều nào cả, không có GỐC toạ độ, không có điểm KHÔNG nào cả. Nghĩa là không có TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ là Gốc, là điểm Không. Tuệ tri như vậy, biết đúng sự thật như vậy là chứng đạt Vô ngã.

* Khi thực hành Tứ Niệm Xứ với Chánh Niệm nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thọ nơi thọ, tâm nơi tâm, pháp nơi pháp gọi là Tu Quán thì vẫn khởi lên tư tưởng về hệ toạ độ 4 chiều nhưng tư tưởng đó là Chánh kiến biết rõ, biết đúng sự thật thế giới đó là thế giới cảm thọ, thế giới tâm. Biết rõ, biết đúng sự thật cái GỐC toạ độ, cái điểm KHÔNG đó không còn TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ mà chỉ là Cảm thọ. Đó cũng chính là tuệ tri Vô ngã, chứng đạt Vô ngã.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (2.9.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *