Sự thật về VÔ NGÃ đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ và thuyết giảng từ cách đây hơn 2600 năm. Tất cả các Pháp đều vô ngã, nghĩa là các Pháp vô chủ, vô sở hữu, không có bất kỳ một cái gì là chủ nhân, chủ sở hữu pháp đó hay điều khiển được pháp đó. Đây là sự thật không phải Đức Phật sáng tạo ra mà là Đức Phật phát hiện ra. Sự thật vô ngã sẽ được mỗi người tự thấy, tự biết khi quán sát Lý Duyên Khởi: Hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mới phát sinh quả. Quả ấy là do hai nhân tiếp xúc với nhau (duyên nhau) mà phát sinh nên gọi là Pháp duyên khởi.
Trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật đã dùng rất nhiều phương tiện khác nhau để phân tích, hiển thị, chỉ dẫn, giảng dạy rành mạch rằng không hề có, không hề tồn tại một Bản Ngã – Linh Hồn không sanh không diệt, là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển thân tâm (Sắc và Danh), rằng tất cả pháp dù là Danh hay Sắc đều VÔ NGÃ.
Trong bản kinh Vô Ngã Tướng tiếp sau bản kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã sử dụng một lập luận tuy rất đơn giản nhưng chắc nịch, căn cứ vào sự thật đang xảy ra chứ không phải xuất phát từ “tư duy lý luận suông”. Ngài chỉ ra rằng không hề tồn tại MỘT CÁI TA LÀM CHỦ hay BẢN NGÃ là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Nếu có cái TA LÀM CHỦ, có cái BẢN NGÃ đó, thì sẽ làm chủ, điều khiển được, sẽ làm cho Sắc Thọ Tưởng Hành Thức này sẽ được như ý muốn CỦA TA, sẽ làm chủ, sẽ điều khiển được Sắc uẩn này KHÔNG BỊ GIÀ, KHÔNG BỊ BỆNH, KHÔNG BỊ CHẾT, Thọ Tưởng Hành Thức cũng như vậy. Nhưng sự thực là Sắc uẩn (Thân thể) vẫn bị già, bị bệnh, bị chết, bị khổ chi phối, chứng tỏ không có CÁI TA LÀM CHỦ, không có BẢN NGÃ – LINH HỒN làm chủ Thân Tâm, điều khiển được Sắc Thọ Tưởng Hành Thức.
Trong thời đại ngày nay, khi khoa học về công nghệ thông tin đang có những bước phát triển vượt bậc, con người chứng kiến hàng loạt phát minh về robot, về AI, về công nghệ tự hành (ô tô không người lái, máy bay không người lái…) thì ta có thể quan sát được sự thật VÔ NGÃ trong thực tế.
Các phát minh đó là dựa trên khám phá và “bắt chước” được quá trình nhận thức, đặc biệt là quá trình tìm kiếm thông tin, rồi quá trình tư duy diễn ra, phát sinh ý thức của con người.
Hãy quan sát hoạt động của Camera giám sát giao thông. Khi có một phương tiện tham gia giao thông (như một chiếc ô tô chẳng hạn) xuất hiện trước Camera, thì trong màn hình của Camera xuất hiện Hình ảnh đối tượng. Tiếp đến, thông tin về Hình Ảnh đối tượng được truyền dẫn về Trung tâm xử lý. Tại Trung tâm xử lý có lưu giữ rất nhiều thông tin đã được cài đặt: phân loại xe, tải trọng xe, chủ sở hữu các số đăng ký xe, các quy định vi phạm luật giao thông… và các thông tin này được sắp xếp theo một thứ tự đã quy định. Khi thông tin Hình ảnh từ Camera truyền đến thì Trung tâm sẽ xử lý thông tin bằng cách: Phân tích, so sánh, đối chiếu thông tin Hình ảnh vừa được truyền đến với những thông tin được lưu giữ theo thứ tự đã quy định trong bộ nhớ. Chẳng hạn, đầu tiên so sánh đối chiếu Hình ảnh đối tượng với các hình ảnh lưu giữ về loại xe và thấy giống với xe tải thì sẽ Kết luận: đây là xe tải. Tiếp đến, so sánh đối chiếu hình ảnh biển số xe để biết chủ sở hữu xe, đối chiếu Hình ảnh xe trên đường để biết loại vi phạm là vượt đèn đỏ, đi sai phần đường,v.v… Hành vi: Phân tích so sánh đối chiếu các thông tin Hình ảnh với các thông tin đã được cài đặt này chính là TƯ DUY. Hành vi TƯ DUY sẽ đưa đến kết luận: xe đó loại gì, trọng tải bao nhiêu, chủ sở hữu là ai, vi phạm lỗi gì, v.v…chính là Hiểu Biết về đối tượng. Hiểu biết đó tương tự tâm biết Ý THỨC. Sự kích hoạt các thông tin đã được cài đặt “tương hợp” với thông tin được dẫn vào (để hành vi TƯ DUY – so sánh, đối chiếu xảy ra) chính là NIỆM. Camera giao thông hoạt động như vậy thay thế cho một cảnh sát giao thông, một con người thật vì quá trình xảy ra trong nó bắt chước được lộ trình tâm Niệm – Tư duy – Ý thức của con người.
Các ông nghệ bảo mật laptop, smartphone thông qua nhận diện vân tay, nhận diện mống mắt, nhận diện khuôn mặt…đang rất phát triển hiện nay cũng là dựa trên bắt chước lộ trình tâm Niệm – Tư duy – Ý thức như vậy.
Như vậy, các loại tâm biết không phải là đặc quyền của con người và động vật, mà nó có thể phát sinh do tương tác thông tin nơi vật chất vô cơ. Các mắt xích trong lộ trình tâm đều do TƯƠNG TÁC THÔNG TIN mà phát sinh nên nó Vô Thường và Vô Ngã (Vô chủ, vô sở hữu).
Ngày nay, công nghệ thông tin đã chế tạo ra máy bay không người lái, ô tô tự lái, vô vàn các loại rô bốt. Với sự phát triển mau lẹ của các thiết bị cảm ứng sinh học, các rô bốt không còn giới hạn bắt chước con người chỉ với hai giác quan là mắt và tai mà nó sẽ xử lý điêu luyện các thông tin xúc chạm như con người. Với phần mềm tự học, nó có thể tự học để tự thu thập và cài đặt các tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm vào bộ nhớ như một đứa trẻ đang học hỏi trong quá trình lớn lên. Rõ ràng, không thể nào phủ nhận các thiết bị là vật chất vô cơ đó vẫn thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức và có lời nói hành động đối xử với đối tượng chẳng khác gì con người. Vậy thì cái gọi là tâm biết là do TƯƠNG TÁC THÔNG TIN mà phát sinh ra, không phải là của mắt tai mũi lưỡi thân ý, không phải là linh hồn do thượng đế thổi vào con người, không phải là tánh thấy, tánh nghe, tánh biết không sinh không diệt sẵn có nơi mỗi chúng sanh, vì thế không có một thực thể linh hồn, một tự ngã hay bản ngã nào là chủ nhân chủ sở hữu của tâm biết, nghĩa là tâm biết vô ngã.
Chẳng hạn như khi quan sát robot Sophia, một “cô” robot thông minh nổi tiếng hiện nay, con người đều trầm trồ thán phục trước cách “cô” giao tiếp, trả lời các câu hỏi hay các biểu cảm rất “con người” trên gương mặt của “cô”. Rõ ràng là Sophia vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn cảm nhận, vẫn nói năng hay hành động mà đâu có một LINH HỒN nào điều khiển bên trong?
Điểm mấu chốt ở đây là BỘ NHỚ THÔNG TIN và các PHẦN MỀM được cài đặt nơi Sophia, chúng càng đầy đủ, chi tiết, đa dạng bao nhiêu thì khả năng “nhận thức”, phản ứng của robot càng tinh tế bấy nhiêu. Và nếu Sophia được cài đặt phần mềm tự học (điều này thì người viết không rõ, chỉ là giả sử) thì Sophia cũng sẽ ngày càng thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn do Bộ nhớ thông tin ngày càng thu nhận được nhiều thông tin hơn thông qua các tương tác với thế giới vật chất hoặc tương tác với con người hàng ngày.
Nhiều người cho rằng: Dù công nghệ chế tạo robot có phát triển đến đâu đi nữa thì robot vẫn chỉ là những cỗ máy vô tri, không có cảm xúc. TÌNH CẢM, hay CẢM XÚC là đặc tính riêng chỉ con người mới có. Do vậy, robot không thể nào giống như con người được, không thể lấy sự vận hành của các robot để minh hoạ cho tính chất VÔ NGÃ được.
Quan sát sự phát triển của AI trong thời đại ngày nay, lắng nghe cuộc trò chuyện giữa kỹ sư Google với AI do ông chế tạo, nhiều người shock khi nghe AI nói: “TÔI CÓ CẢM XÚC và TRI GIÁC”.
Làm thế nào mà một AI do con người lập trình nên lại có CẢM XÚC được? Thật dễ hiểu, các CẢM XÚC THÍCH hay GHÉT đều phát sinh do tương tác thông tin trên lộ trình tâm bát tà đạo, các mắt xích trong lộ trình này tự động tuần tự khởi lên theo lập trình đã được cài đặt đó, mà không ai có thể điều khiển, làm chủ được.
Tương tự như các robot, các AI, con người chúng ta cũng có 1 bộ nhớ thông tin (do các thông tin đã được thu thập từ vô thuỷ, qua các kiếp sống, các lần luân hồi tái sinh), bộ nhớ này được lưu trữ nơi ADN của tế bào. Và con người chúng ta cũng có vô vàn những LẬP TRÌNH được cài đặt trong thân thể trong suốt quá trình lớn lên và học hỏi, chẳng hạn như khi tác ý giơ tay/chân thì tay/chân sẽ cử động, giơ lên hoặc bước đi; khi tác ý nói thì cơ hàm sẽ hoạt động, các cơ quan thanh âm liên quan cũng hoạt động để phát ra âm thanh; các lập trình liên quan đến chảy nước mắt, tiết nước bọt, tiểu tiện/đại tiện, sự vận hành của các cơ quan trong cơ thể…Tất cả đều là các lập trình, vận hành theo quy luật Duyên khởi mà không có ai là chủ nhân, chủ sở hữu của các lập trình đó.
Và 1 lập trình cực kỳ quan trọng nữa là lập trình tâm BÁT TÀ ĐẠO, hễ có căn – trần tiếp xúc là Tà Niệm sẽ kích hoạt các thông tin Vô minh trong Kho chứa thông tin, từ đó phát sinh Tham/Sân/Si với đối tượng, từ đó phát sinh KHỔ/VUI với đối tượng. Các lập trình này cứ tự chạy mỗi khi có căn-trần tiếp xúc, các mắt xích tiếp theo trong lập trình cũng tự động phát sinh theo Định luật Duyên khởi, mà không ai có thể điều khiển hay tác động được vào lập trình ấy.
Khi thấu suốt Lý Duyên Khởi, thấu suốt sự thật là Danh Pháp hay Sắc Pháp đều phát sinh do TƯƠNG TÁC thì mới Thấy Biết Đúng Sự Thật là Con người bao gồm DANH và SẮC (hay Thân và Tâm) phát sinh và vận hành một cách hoàn toàn “MÁY MÓC” theo LẬP TRÌNH đã cài đặt. Lúc đó mới Thấy Biết Như Thật THỰC TÁNH của DANH và SẮC là VÔ THƯỜNG và VÔ NGÃ. VÔ NGÃ nghĩa là DANH và SẮC phát sinh và vận hành một cách hoàn toàn “MÁY MÓC” không có ai, không có Thượng Đế hay Bản Ngã là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển thân tâm.