Lá thư số 42: Chỉ đổi hoàn cảnh mà không đổi Tâm thì không thể nào thoát Khổ

Tất cả chúng ta, trừ các bậc Thánh đã giác ngộ, đều có những ĐAU KHỔ riêng, rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Với những người đã lập gia đình, tôi nhận thấy có 1 điểm chung là sự ĐAU KHỔ trong đời sống gia đình do bất mãn với chồng hoặc vợ của mình chiếm phần lớn trong tổng nỗi đau khổ của người ấy.

Tôi cũng vậy, cũng đã vô cùng đau khổ trong cuộc hôn nhân do chính mình lựa chọn, mà không thể thoát ra do sự ràng buộc với con cái còn quá lớn. Nhưng giờ đây, tôi đã từng bước thoát ra khỏi vũng lầy đau khổ ấy, bằng cách bước đi trên con đường BÁT CHÁNH ĐẠO – con đường vắng mặt khổ đau.

Nếu quý đạo hữu đã từng đọc Lá thư số 28 thì quý vị cũng hiểu được phần nào những ấm ức của tôi trong cuộc sống gia đình. Tóm tắt lại, tôi là trụ cột kinh tế trong gia đình, công việc ở công ty khá bận và đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhưng về nhà thì mọi việc vẫn dồn lên một mình tôi, từ dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, đến chăm sóc con, dạy dỗ các con. Chồng tôi chỉ làm 1 việc duy nhất là rửa bát sau bữa cơm tối mà thôi. Nhưng không chỉ có vậy, mặc dù không động tay vào việc dọn dẹp nhà cửa, nhưng chồng tôi không biết tôn trọng công sức lao động của người khác mà sẵn sàng đi dép bẩn ngoài đường vào nhà tôi mới lau, hay nấu mỳ tôm/ rán trứng bẩn tung toé ở bếp mà không hề dọn dẹp, hoặc dùng nhà vệ sinh xong nhưng không có thói quen dùng vòi xịt để xịt đi những vết bẩn do mình gây ra….

Với ngoại cảnh này và lộ trình tâm Bát Tà Đạo của tôi trước đây thì sự bất mãn và thất vọng về chồng trong tôi cực kỳ lớn. Tôi đã đau khổ, dằn vặt trong nhiều ngày liền, trong đầu luôn hiện lên những giằng xé giữa LY HÔN và KHÔNG LY HÔN, nhưng cuối cùng, hai con còn quá nhỏ nên tôi đã chọn tiếp tục nhẫn nhịn, chịu đựng và bế tắc trong chính sự chịu đựng ấy.

Giờ đây, với lộ trình tâm Bát Chánh Đạo mà Sư Nguyên Tuệ đã chỉ dẫn vô cùng rõ ràng và rành mạch thì trước những cảm thọ khốc liệt ấy, tôi thường quán Lý Duyên Khởi để thoát khỏi tâm sân. Tôi hiểu rõ nguyên lý của Nghiệp nhân và Nghiệp quả, biết rằng để phát sinh quả KHỔ (như trước đây tôi từng chịu đựng) thì cần có sự tương tác của Nhân trong quá khứ và Nhân trong hiện tại. Nhân trong quá khứ thì đã qua, không thể kiểm soát, không thể thay đổi – nó là thông tin vô minh đã được lưu trong bộ nhớ. Nhân trong hiện tại là lượng thông tin về cảm thọ do Tưởng ghi nhận (trong lộ trình Căn – Trần tiếp xúc phát sinh Thọ, Tưởng), Nhân này cũng vô chủ, vô sở hữu, nhưng chỉ cần để hai nhân này không tiếp xúc với nhau (bằng Chánh Niệm về Thân – Thọ – Tâm – Pháp để lượng thông tin ấy không tương tác với Vô minh mà tương tác với Minh) thì quả KHỔ (hay quả VUI) đều không phát sinh.

Ngoài ra, tôi cũng hiểu rằng mọi hoàn cảnh bên ngoài đang xảy ra với mình đều do NHÂN DUYÊN mà phát sinh. Trước hoàn cảnh bất như ý, nếu tâm sân khởi lên sẽ dẫn đến một loạt nội xúc khó chịu trong cơ thể, làm chính mình khổ (đây là lập trình sẵn có của tâm sân, không ai điều khiển được). Bởi vậy, dù cảm thọ có khốc liệt thế nào đi nữa nhưng tôi chỉ nhắc thầm BUÔNG và chấp nhận, biết nếu sân khởi lên là khổ, là nguy hiểm. Tôi cũng hay nhớ đến một bài viết của Sư Nguyên Tuệ: “Sống với Tứ Niệm Xứ là làm tốt việc của mình, không xen vào việc của người, không lo chuyện thiên hạ” để thực hành BUÔNG nhanh chóng hơn. Tôi là người ưa thích sạch sẽ, vậy thì tôi cứ tập trung dọn dẹp, làm tốt việc của mình, còn chồng không có nhu cầu sạch sẽ đến mức ấy thì mình không cần xen vào việc của chồng làm gì.

Một chút chia sẻ như trên, hy vọng sẽ là thông tin để các Quý đạo hữu đang đau khổ, bất mãn với chồng/vợ có thể tham khảo thêm để quán trong những trường hợp gặp cảm thọ khốc liệt, mà nếu chỉ quán GHI NHẬN, GHI NHẬN hay quán THỌ, THỌ thì chưa xuất ly được khỏi cảm thọ ấy.

Tôi cũng chia sẻ thêm rằng, những lúc rảnh, chồng tôi chỉ ngủ hoặc xem điện thoại, trước đây tôi từng nói chồng nhiều lần theo kiểu “phải biết quý trọng thời gian, đời người ngắn ngủi, nên làm điều gì có ý nghĩa và có ích cho mình…”, nhưng đều không có hiệu quả. Giờ đây thì tôi hiểu rằng, những thói quen ấy, hay nói cách khác là những lập trình tâm ấy không dễ dàng mà thay đổi được. Có thể chồng tôi cũng từng muốn thay đổi, nhưng nếu không có phương pháp đúng đắn thì chắc chắn không thể nào thay đổi được lập trình tâm ấy.

Với mong muốn lan toả Chánh pháp để chồng có thể thay đổi lộ trình tâm, trong nhiều buổi học Zoom, phần Pháp học tôi cố tình bật to để chồng tôi nghe cùng. Nhưng tiếc là chưa đủ duyên, nghe được vài câu rồi chồng tôi lại nhẹ nhàng đeo tai nghe vào và xem điện thoại tiếp. Tôi đành chấp nhận và ôm laptop ra chỗ khác.

Đến thời điểm hiện tại, khi đang viết những dòng này, tôi cũng chưa biết cuộc hôn nhân của mình sẽ đi về đâu, nhưng điều này không còn làm tôi bận tâm nữa. Tôi đã nhiều lần trải nghiệm chân lý: “Chỉ đổi cảnh mà không đổi tâm thì không thể nào thoát khổ”. Bởi vậy, tôi không còn nghĩ rằng: “Ly hôn thì mình sẽ hết khổ”, ngược lại, cũng không cho rằng: “Các con còn nhỏ, không ly hôn sẽ tốt hơn cho cả mình và con”.

Ly hôn hay không ly hôn cũng là một pháp, nó vô chủ, vô sở hữu và tôi không thể kiểm soát hay quyết định. Do đó, tôi không còn bận tâm về nó nữa. Giờ đây tôi chỉ biết rõ một điều: với lộ trình tâm Bát Chánh Đạo và Chánh Kiến trên đó thì dù ngoại cảnh có là gì đi nữa, tôi sẽ thoát ly cả khổ và vui.

Ngày 1 tháng 8 năm 2021

Thiền sinh Phan Thủy Quyên

Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *