Trong Kinh điển Phật giáo có bài kinh Kalama nhấn mạnh đến khoan vội tin cũng khoan vội bác bỏ, kể cả điều đó do một người tuyên bố là chính tai tôi nghe Đức Phật nói, hay chính kinh điển ghi lại rằng Phật nói như vậy. Chấp nhận hay bác bỏ điều đó là Phật nói hay không phải Phật nói phải thận trọng, nghĩa là sau khi tư duy, phân tích so sánh đối chiếu để xem đó có phải là sự thật không đã. Bởi vì Phật là Bậc Giác ngộ chân lý, đã tự mình khám phá ra sự thật thực tại, đã thuyết giảng sự thật thực tại mà Ngài đã khám phá ra.
Phật được các đệ tử tôn xưng là bậc Thiện thệ, có nghĩa là Ngài chỉ nói những điều như chân như thật, những điều không như chân, không như thật Ngài không bao giờ nói. Những điều không như chân, không như thật được quần chúng yêu thích, ái mộ, tán thán, muốn nghe, Ngài cũng không bao giờ nói. Những điều như chân, như thật nhưng khó nghe, khó hiểu, khó chấp nhận, không được quần chúng ưa thích, ái mộ tán thán, Ngài biết cách để nói.
Tam tạng kinh điển gồm Kinh – Luật – Luận được người đời sau kết tập khi Phật đã nhập diệt nên không tránh khỏi tam sao thất bản. Trong đó có những lời Phật dạy nhưng cũng có rất nhiều kiến giải của người sau làm sai lạc chân nghĩa của Phật. Các bộ kinh Nikaya được cố hoà thượng Minh Châu dịch nhưng Ngài cũng nhận xét là nội dung GẦN VỚI NGUYÊN THUỶ nhất chứ đó không phải là LỜI DẠY NGUYÊN THUỶ của Phật.
Vì vậy phải nghiên cứu kỹ càng, thận trọng, phải đọc các bài kinh và nghiền ngẫm kỹ các bài kinh khác nhau nhưng cùng một chủ đề để thấy có gì thống nhất, có gì mâu thuẫn. Phải xâu chuỗi các chủ đề, phải tìm được cái nội dung nhất quán trong tất cả các bài kinh, nhưng cũng phải phát hiện ra có vô số mâu thuẫn trong các nội dung các bài kinh. Đặc biệt phải lấy tiêu chuẩn: ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY làm hệ quy chiếu để khẳng định nội dung bài kinh đó có phải là chân nghĩa Phật hay không. Nội dung nào không thể ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY tức không thể kiểm tra, kiểm chứng đó có phải là sự thật ngay bây giờ và tại đây hay không thì đó không phải lời của Phật. Nội dung đó chỉ ĐẾN ĐỂ MÀ TIN là của người sau chưa chứng ngộ chân lý, chưa chứng đạt sự thật.
Có một câu chuyện về A Chan Cha, một thiền sư người Thái khi ông đang tham quan một trại gà ở Vương quốc Anh, có một phụ nữ là giáo sư nghiên cứu Vi diệu pháp rất say mê rất thành thạo, lẽo đẽo đi theo và thuyết trình về cách thức truyền bá Vi diệu pháp cho mọi người. A Chan Cha dừng lại và nói với bà: Bà đang làm một việc giống như người nuôi gà đi vào chuồng gà nhưng thay vì nhặt trứng gà, bà lại đi nhặt phân gà.
Cũng vậy, trong tam tạng kinh điển hiện giờ vẫn có cả “trứng gà và phân gà”. Ai thông minh, cẩn trọng suy xét kỹ càng, thấu đáo người đó sẽ nhặt được trứng gà, ai khờ khạo dễ tin, dễ bị nhồi sọ thì chỉ nhặt được phân gà mà thôi.
Thiền Sư Nguyên Tuệ (6.9.2021)