HÀNH THIỀN CÓ PHẢI ĐỂ THẤY CÁC PHÁP LÀ KHỔ? - Gosinga

HÀNH THIỀN CÓ PHẢI ĐỂ THẤY CÁC PHÁP LÀ KHỔ?

Hành thiền để thấy các pháp Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là VÔ THƯỜNG KHỔ VÔ NGÃ và Giác Ngộ là thấy được các pháp vô thường khổ vô ngã, đã được đa phần người tu theo các trường phái Phật giáo mặc định. Đặc biệt trong đó, thấy tất cả các pháp là khổ, Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là khổ, cuộc đời là khổ, là mục đích của hành thiền, là mục đích của giác ngộ đã được các chú giải, luận giải thuộc tạng Luận khẳng định và đề cao.

Những quan điểm đó, phát sinh từ suy nghĩ, nếu khi hành thiền thấy được các pháp là khổ, cuộc đời là khổ thì sẽ chán ghét, sẽ không còn tham ái cuộc đời và sẽ được giải thoát. Đây là những hiểu biết hết sức sai lầm, được giáo dục nhồi sọ, được cha truyền con nối, làm cho người tu chỉ chuyển từ cực đoan Tham Ái cuộc đời khi thấy nó tràn đầy niềm vui hạnh phúc, sang cực đoan Chán Ghét khi thấy cuộc đời chỉ toàn đau khổ, ô uế, bất tịnh. Và người tu, giống như những con cá chỉ vùng vẫy, bơi lặn, nhảy lên nhảy xuống trong vùng nước có cái lưới ( tà kiến, tham sân ) bao chặt mà không thể nào nhảy thoát ra khỏi tấm lưới ( tà kiến, tham sân ) đó.

Nhân loại này, từ kẻ ngu đến người trí, hễ có khổ thì ai ai cũng cảm nhận được khổ, ai ai cũng thấy khổ, không cần tu mới thấy khổ. Và ai ai cũng đang nỗ lực cố gắng làm các công việc, kể cả việc tu hành của các tôn giáo, để Chấm dứt Khổ, để Hết Khổ. Khi chưa tu hành, họ thấy cuộc đời có cả khổ lẫn vui, họ chỉ muốn chấm dứt khổ, chỉ muốn giữ lại niềm vui hạnh phúc.

Nếu họ tu theo Phật giáo theo cách thức trên và giả sử họ đạt được, thấy được tất cả các pháp là khổ, cuộc đời chỉ duy nhất khổ, họ cảm nhận được tất cả đều là khổ, ô uế, bất tịnh thì họ sẽ cảm nhận khổ còn khốc liệt hơn khi chưa tu. Vậy liệu có ai có thể tiếp tục sự tu học như vậy nữa không ?

Giả sử có người tu mà đạt được, thấy tất cả các pháp là khổ như vậy, không có bất kỳ một niềm vui hạnh phúc nào ( giống như người trầm cảm hoang tưởng ), liệu họ còn tiếp tục tu nữa hay họ sẽ tự sát ?

Phải hiểu biết đúng sự thật, mục đích khi tu học theo lời dạy của Đức Phật là để thấy : HẾT KHỔ, để thấy : KHỔ CHẤM DỨT, để thấy GIẢI THOÁT KHỔ, chứ không phải tu để thấy các pháp là khổ, cuộc đời chỉ có một vị duy nhất là khổ, như các chú giải, luận giải của Phật giáo hiện nay.

Đức Phật giác ngộ và thuyết giảng về TỨ THÁNH ĐẾ, là giác ngộ Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế (giác ngộ bốn Chân lý hay bốn Sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo ). SỰ GIÁC NGỘ KHÔNG PHẢI LÀ THẤY Khổ Tập Diệt Đạo mà là : HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT về Khổ Tập Diệt Đạo.

Vì sao vậy ? Vì thấy Khổ, cảm nhận Khổ thì Thánh Phàm đều tự mình cảm nhận được Khổ, không cần ai chỉ bày mà cái phân biệt giữa Phàm và Thánh là HIỂU BIẾT hay NHẬN THỨC về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ và Con đường Chấm dứt Khổ ( Khổ Tập Diệt Đạo ).

Phàm phu Hiểu Biết về Khổ Tập Diệt Đạo một cách sai lạc, không đúng sự thật và đó là tâm biết Ý thức Tà kiến, còn gọi là Vô minh, Không liễu tri Khổ. Và Hiểu biết Vô minh, Tà kiến về Khổ Tập Diệt Đạo đó, sẽ chi phối toàn bộ đời sống của Phàm phu.

Bậc Thánh Hiểu Biết đúng sự thật Khổ Tập Diệt Đạo và đó là tâm biết Ý thức Chánh kiến, còn gọi là Minh, là Trí tuệ, là Liễu tri Khổ. Và Hiểu biết Minh, Chánh kiến về Khổ Tập Diệt Đạo đó, sẽ chi phối đời sống bậc Thánh. Tuy Phàm phu có hiểu biết Vô minh, Tà kiến về Khổ Tập Diệt Đạo và bị hiểu biết đó chi phối nhưng Phàm phu không thể phân tích, chỉ dẫn, hiển thị, giảng giải về hiểu biết đó mà chỉ có bậc Thánh đã giác ngộ mới có thể phân tích, chỉ dẫn, hiển thị, giảng giải về hiểu biết Vô minh, Tà kiến đó của Phàm phu.

1 – Phân biệt hiểu biết sai sự thật ( Tà kiến ) và hiểu biết đúng sự thật ( Chánh kiến ) về Khổ :

– Phàm phu hiểu biết theo nguyên lý “Tâm biết Cảnh” nên mọi đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhân thức đều thuộc về Thế giới ngoại cảnh. Vì vậy, Khổ là cái sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú trong thế giới ngoại cảnh và đó là những hoàn cảnh khó khăn, tồi tệ. Khi con người sống trong những hoàn cảnh khó khăn tồi tệ như nghèo đói, lạc hậu, thất học, bị thiên tai, bị áp bức, bệnh tật vv… thì người đó phải thọ lãnh khổ từ những hoàn cảnh đó. Hiểu biết này là Tà kiến mang hai nội dung Thường kiến ( chấp thường ) và Ngã kiến ( chấp ngã ). Tương tự như vậy, một số trường phái Phật giáo cho rằng, tất cả các pháp sắc thọ tưởng hành thức là khổ, nghĩa là khổ thường hằng, thường trú trong các pháp ( chấp thường ), khổ là của các pháp đó ( chấp ngã ).

– Đức Phật thuyết minh Khổ là pháp duyên khởi, phát sinh theo những quá trình nhân quả nối tiếp nhau theo định thức mười hai nhân duyên : Do Căn Trần tiếp xúc mà có Thọ; do có Thọ mà có Ái; do có Ái mà có Thủ; do có Thủ mà có Hữu; do có Hữu mà có Sinh; do có Sinh mà có Già Chết sầu bi khổ ưu não không thể kể xiết. Nếu quan sát tỷ mỷ hơn, thì lộ trình nhân quả đó là lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Tà niệm – Tà tư duy – < Ý thức – Tà kiến > – Tham Sân Si – Tà định – Dục – Tà tinh tấn – Phi như lý tác ý – Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng – Khổ hoặc Vui.

Như vậy, Khổ là Cảm Giác mà thuật ngữ Phật học gọi là Cảm Thọ ( gọi tắt là Thọ ) thuộc nhóm Thọ trong năm nhóm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức và Khổ thuộc phạm trù Tâm chứ không phải thuộc Thế giới ngoại cảnh. Khổ do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh nên có tánh chất Vô thường sinh diệt, không thường hằng, không thường trú trong Thân ( Sáu Căn ), cũng không thường hằng, không thường trú nơi Thế giới ( Sáu Trần ), không thường hằng, không thường trú trong Sắc Thọ Tưởng Hành Thức.

Khổ có tánh chất Vô chủ vô sở hữu, nghĩa là Sáu Căn và Sáu Trần đều không phải là chủ nhân, chủ sở hữu khổ, không có Ta, Bản ngã, ông A, bà B nào là chủ nhân, chủ sở hữu, lãnh thọ khổ cả ( Vô ngã ). Trong bài kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật có nói : “Tóm lại Năm thủ uẩn là khổ” chứ không phải “Năm uẩn là khổ” như các chú giải, luận giải sau này.

2 – Phân biệt hiểu biết sai sự thật ( vô minh ) và hiểu biết đúng sự thật ( minh ) về Nguyên nhân Khổ ( Khổ tập khởi ):

– Phàm phu cảm nhận khổ bằng tâm biết trực tiếp giác quan và tiếp theo tâm biết ý thức khởi lên, biết nguyên nhân của khổ là từ thế giới ngoại cảnh mà đến với mình. Khổ là từ những hoàn cảnh xấu xa tồi tệ như nghèo đói, lạc hậu, thất học, bệnh tật, áp bức bất công, thiên tai lũ lụt vv… mà đến với ta.

Chính vì vậy, khi cảm nhận khổ liền oán trời trách đất, giận dữ, oán trách, đổ lỗi cho người này người kia. Ví như, đi trong mưa bão ướt lạnh thì nghĩ ngay đến khổ này do mưa bão gây nên; bị một con chó cắn đau thì nghĩ ngay khổ này do con chó cắn; bị ông chồng chửi mắng, khổ khởi lên thì nghĩ ngay khổ này do ông chồng gây ra …

Đa phần người người học Phật cho rằng nguyên nhân khổ là do tội lỗi ở kiếp trước, do thiếu phước, do tổ tiên ông bà không phù hộ, do oan gia trái chủ… Một số trường phái Phật giáo lại quan niệm, nguyên nhân khổ là do các pháp vô thường theo lý luận : vì sắc thọ tưởng hành thức vô thường cho nên sắc thọ tưởng hành thức là khổ.

– Bậc Thánh hiểu biết đúng sự thật nguyên nhân khổ là do hiểu biết vô minh mà phát sinh tham sân si trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu. Và có thể diễn tả tóm tắt lộ trình tâm Bát Tà Đạo từ < Ý thức – Tà kiến > đến Sầu bi khổ sự não, bằng các sơ đồ sau và là sự thật phổ quát đối với toàn thể nhân loại ( ngoại trừ các bậc Thánh Phật giáo ) :

  • Đối tượng Dễ chịu ( Lạc thọ ) – Tham – Ràng buộc – Hoại khổ.
  • Đối tượng khó chịu ( Khổ thọ ) – Sân – Ràng buộc – Khổ khổ.
  • Đối tượng Trung tính ( Bất khổ bất lạc thọ ) – Si – Ràng buộc – Hành khổ.

( Để hiểu rõ lộ trình này tìm hiểu kỹ ở bài Liễu Tri Tham Sân Si và một số bài khác )
Như vậy, Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si thuộc nội tâm chứ không phải thuộc về thế giới ngoại cảnh, không phải là hoàn cảnh sống tồi tệ. Tham sân si cũng là pháp duyên khởi nên nó vô thường sinh diệt, không thường hằng, không thường trú đâu cả. Tham sân si là vô ngã nên không có Ta, Bản ngã, ông A, bà B nào là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển tham sân si cả.

Theo định luật duyên khởi, phải thuyết minh rõ ràng minh bạch : “Do cái gì có mặt mà Khổ có mặt”. Câu trả lời rõ ràng, minh bạch là : “Do Tham Sân Si có mặt mà Khổ có mặt”. Vậy, Tham Sân Si là nguyên nhân phát sinh Khổ.

3 – Phân biệt hiểu biết sai sự thật ( vô minh ) và hiểu biết đúng sự thật ( minh ) về Khổ diệt hay Niết bàn:

– Phàm phu cho rằng, khi nào đạt được đầy đủ Hạnh phúc thì lúc đó Chấm dứt Khổ, lúc đó Khổ diệt. Mà Hạnh phúc thì sẵn có, luôn luôn có, thường hằng thường trú trong thế giới ngoại cảnh, trong sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái, trong những hoàn cảnh tốt đẹp như giàu có, khỏe mạnh, thành đạt, danh tiếng vv…

Chỉ khi nào ta làm chủ, ta sở hữu được những hoàn cảnh tốt đẹp như ý muốn, ta có đầy đủ, tràn trề hạnh phúc, lúc đó ta sẽ hết khổ. Một số trường phái Phật giáo cho rằng Niết bàn là đích đến của sự tu hành, nơi đó có hạnh phúc chân thật tuyệt đối vĩnh cửu, nơi đó là thường lạc ngã tịnh hoặc nơi đó là thường lạc vô ngã tịnh và đa phần dùng từ “nhập Niết bàn” để chỉ cho hành vi nhập vào, đi vào, đến nơi cảnh giới có hạnh phúc chân thật tuyệt đối vĩnh cửu của Niết bàn.

– Bậc Thánh tuệ tri Lý duyên khởi : “Do cái gì không có mặt, Khổ sẽ không có mặt”. Câu trả lời rõ ràng, minh bạch của bậc Thánh sẽ là : “Khi Tham Sân Si không có mặt thì Khổ không có mặt”. Lúc đó chính là Khổ diệt, Khổ chấm dứt hay thuật ngữ Phật học gọi là Niết bàn. Trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu có Tham Sân Si nên có cả Khổ đau lẫn Hạnh phúc và trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh không có Tham Sân Si, nên không có cả Khổ đau lẫn Hạnh phúc. Vì vậy, khi Bát Chánh Đạo khởi lên, Chánh kiến sẽ Tuệ tri trạng thái vắng lặng cả Khổ đau và Hạnh phúc và gọi đó là Niết bàn, chứ không phải Niết bàn là trạng thái phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn hay hạnh phúc chân thật tuyệt đối.

Kinh điển thường mô tả : “Niết bạn là đoạn tận, đoạn trừ, đoạn ly, đoạn xả tham sân si”, nghĩa là, Niết bàn là sự vắng bóng Tham sân si, vắng bóng Phiền não. Như vậy, Khổ diệt hay Niết bàn không thuộc về Thế giới ngoại cảnh, không xẩy ra nơi Thế giới ngoại cảnh mà Khổ diệt, Niết bàn chỉ có mặt nơi lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. Và Khổ diệt, Niết bàn còn được gọi với các tên khác như Tâm giải thoát – Tuệ giải thoát hay Không giải thoát – Vô tướng giải thoát – Vô tác giải thoát.

4 – Phân biệt hiểu biết sai sự thật ( vô minh) và hiểu biết đúng sự thật ( minh ) về Con đường Chấm dứt khổ :

– Phàm phu hiểu biết Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ ( Hạnh phúc ) đều thuộc về Thế giới ngoại cảnh nên Con đường Chấm dứt Khổ là thay đổi Thế giới ngoại cảnh, thay đổi hoàn cảnh sống, thay đổi môi trường sống. Chính vì vậy mà mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi đất nước và toàn thể nhân loại đang ngày đêm nỗ lực, lao tâm khổ trí để cải tạo, biến đổi hoàn cảnh sống từ khó khăn tồi tệ sang tốt đẹp, hiện đại, sang giàu. Khoa học thì ra sức khám phá để cải tạo, thay đổi thế giới.

Người tu thì tổ chức tụng kinh, lễ bái, cầu nguyện thế giới tâm linh, để tai qua nạn khỏi, để khỏe mạnh, giàu có, hạnh phúc, để biến thế gian chiến tranh đau khổ thành thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc. Xa hơn nữa các tôn giáo chủ trương tu hành để sau khi chết thì thay đổi được sự hiện hữu từ thế giới ta bà đau khổ tồi tệ sang một thế giới cực lạc, một thiên đường, một nước Chúa, một Niết bàn vi diệu không thể nghĩ bàn vv…

– Bậc Thánh hiểu biết đúng sự thật Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ thuộc về Tâm chứ không thuộc về Thế giới ngoại cảnh, nên Con đường Chấm dứt Khổ thuộc về Tâm chứ không thuộc về Cảnh. Và để Chấm dứt Khổ là phải thay đổi Tâm chứ không phải thay đổi Thế giới ngoại cảnh.

Cụ thể là thay đổi tâm, từ lộ trình tâm Bát Tà Đạo có Vô minh, có Tham Sân Si, có Phiền não sang lộ trình tâm Bát Chánh Đạo không có Vô minh, không có Tham Sân Si, không có Phiền não. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo gồm :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh niệm – Chánh tích cực – Chánh định – [ Tĩnh Giác ] – Chánh tư duy – Ý thức Chánh kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

* Nếu có Chánh niệm về thân, tức “Nhớ Đến chú tâm quán sát thân nơi thân” thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên gồm:
XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh niệm – Chánh tích cực – Chánh định – [ Tĩnh Giác ] . Đây gọi là tu CHỈ, dừng lại tâm biết trực tiếp giác quan (Tưởng ), vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt ( bây giờ gọi với tên khác là Tĩnh Giác ) nên không có Vô minh, không có Tham sân si, không có Phiền não ( Tâm giải thoát).

* Nếu có Chánh niệm về thọ, về tâm, về pháp, tức “Nhớ Đến chú tâm quán sát thọ tâm pháp” thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên gồm :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh niệm – Chánh tích cực – Chánh định – [ Tĩnh Giác ] – Chánh tư duy – Ý thức Chánh kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Đây là tu QUÁN, lúc này có tâm biết Ý thức Chánh kiến, không còn tâm biết Ý thức Tà kiến nên không có Vô minh, không có Tham sân si, không có Phiền não ( Tuệ giải thoát ).

KẾT LUẬN :

Người tu học Phật trước tiên phải được nghe giảng hoặc nghiên cứu kinh điển để có hiểu biết đúng sự thật và phân biệt được hai loại hiểu biết Vô minh và Minh về Khổ Tập Diệt Đạo. Trí tuệ đạt được do nghe như vậy gọi là Văn Tuệ và Trí tuệ phân biệt giữa Vô minh và Minh như vậy gọi là Trạch Pháp và chính là Trạch pháp giác chi, một trong bảy yếu tố giác ngộ ( Thất giác chi ).

Sau khi có Văn Tuệ phải tư duy, nghiền ngầm để Văn Tuệ sâu sắc và toàn diện hơn. Và Trí tuệ đạt được do tư duy như vậy gọi là Tư Tuệ. Sau khi có Văn Tuệ và Tư Tuệ sẽ tu tập Bát Chánh Đạo với bốn loại Chánh niệm để TỰ MÌNH KIỂM CHỨNG, TỰ MÌNH THÂN CHỨNG Văn Tuệ và Tư Tuệ đã học, đã tư duy.

Cụ thể là thân chứng Khổ diệt và Con đường Khổ diệt tức thân chứng Diệt đế và Đạo đế. Vì vậy, khi tu tập Bát Chánh Đạo ( chứ không phải Hành thiền vì thiền chỉ là một chi phần Chánh định trong tám chi phần Bát Chánh Đạo ) thì thân chứng Khổ diệt, Niết bàn, lúc đó còn đâu khổ để mà thấy các pháp là khổ nữa.

Các chú giải, luận giải sau này, đang quanh quẩn nơi Bát Tà Đạo có Tham sân si, có Khổ, chưa có hiểu biết về Bát Chánh Đạo, con đường vắng mặt Tham sân si, vắng mặt Khổ, cho nên không thể thuyết minh, tu để thấy Hết khổ.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *