Đọc Kinh với Chánh tư duy, Tà tư duy - Gosinga

Đọc Kinh với Chánh tư duy, Tà tư duy

Nghiên cứu kinh điển cũng như rộng hơn là nghiên cứu tam tạng kinh điển gồm Kinh Luật Luận có thể xẩy ra theo hai cách: Tà tư duy và Chánh tư duy.

Khi đọc sách, để hiểu được nội dung cuốn sách thì Tư duy khởi lên theo lộ trình: Niệm – Tư duy – Ý thức phát sinh tâm biết Ý thức, hiểu biết nội dung sách nói chuyện gì. Tư duy là so sánh đối chiếu thông tin đọc được với những thông tin tri thức kinh nghiệm đã có từ trước, lưu giữ trong bộ nhớ tâm thức được Niệm kích hoạt. Vậy thì khi đọc Kinh Luật Luận quá trình cũng xẩy ra theo tiến trình Niệm – Tư duy – Ý thức nhưng được phân chia thành hai loại. Loại thứ nhất là Tà niệm – Tà tư duy – Tà tri kiến gọi tắt là Tà tư duy. Loại thứ hai là Chánh niệm – Chánh tư duy – Chánh tri kiến gọi tắt là Chánh tư duy.

1- Tà tư duy khi đọc Kinh Luật Luận:

Người chưa được nghe giảng hoặc chưa đọc các bản kinh từ bậc giác ngộ sẽ không có Văn tuệ, không có Minh được lưu vào bộ nhớ. Trong bộ nhớ của họ có các tri thức kinh nghiệm đã học hỏi từ trước và đặc biệt chỉ có các thông tin Vô minh, Chấp ngã, không có thông tin Minh. Đó là hiểu biết sai sự thật về thực tại theo kiểu Tâm biết Cảnh vật, hiểu biết sai sự thật về duyên khởi theo kiểu một nhân sinh một quả, nhân biến đổi thành quả, hiểu biết sai về vô thường vô ngã, hiểu biết sai sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo theo kiểu thường kiến, đoạn kiến, theo kiểu Khổ Tập Diệt Đạo thuộc về thế giới vật chất ngoại cảnh…. Cũng có người được nghe giảng Kinh điển rất nhiều, thậm chí cũng có người là những người tu hành nổi tiếng thuyết giảng, nhưng họ chưa hề biết đến sự thật nên bộ nhớ của họ chỉ có Vô minh chấp ngã mà thôi, không có Minh trong đó. Vì vậy, khi đọc Kinh Luật Luận với lộ trình tâm Bát tà đạo, Tà tư duy khởi lên, đối chiếu thông tin đọc được với những thông tin Vô minh chấp ngã được Niệm kích hoạt. Do vậy:

* Một là những gì đọc được phù hợp với Vô minh chấp ngã do người sau kết tập vào kinh điển thì mặc định đây là sự thật, đây là chân ý của Phật.

* Hai là những gì không phù hợp với Vô minh chấp ngã thì không hiểu được nên băn khoăn, do dự, nghi ngờ. Điều này xẩy ra ba trường hợp:

    1. Do băn khoăn, do dự nghi ngờ nên bỏ qua một bên một số vấn đề, do nghĩ rằng những gì Phật nói là “bất khả tư nghì”.

 

    • Còn một số vấn đề thì đào sâu, tìm cách giải quyết nhưng vẫn trên Tà tư duy, dựa vào Hệ quy chiếu Vô minh chấp ngã nên không biết được mình đang xuyên tạc Phật, đang bẻ cong sự thật cho phù hợp với Vô minh chấp ngã của mình. Các ngôn từ mà Phật đã dày công chế định nhằm ám chỉ các sự vật hiện tượng, các trạng thái chứng ngộ thì Tà nệm – Tà tư duy – Tà tri kiến sẽ hiểu nó, giải thích nó theo cách suy diễn, tưởng tượng của vô minh chấp ngã, không thể hiểu nó giải thích nó trên sự thật, trên sự thân chứng do tu tập. Chính vì vậy mà cùng một ngôn từ, cùng một khái niệm Phật nói ra trong kinh điển thì có vô số cách giải thích khác nhau, có vô số Luận giải của các Luận sư, có khi nó na ná từa tựa nhau nhưng cũng có khi nó trái ngược chống đối nhau. Vì sao vậy? Vì các Luận giải đó không phải là sự thật. Sự thật chỉ có một thôi và đó là điều Phật nói nhưng Luận giải là do các Luận sư suy diễn tưởng tượng ra theo cách mỗi người một kiểu khác nhau nên có vô số luận giải, chú giải.

 

    • Cũng có một số vấn đề Phật nói trong kinh điển được chấp nhận nhưng là chấp nhận theo kiểu nhồi sọ, chấp nhận theo kiểu áp đặt mà không dựa vào suy luận hợp lý, tư duy logic, không khảo sát sự thật.

 

2- Chánh tư duy khi đọc Kinh Luật Luận:

Để có Chánh tư duy khi đọc Kinh Luật Luận thì điều kiện tiên quyết là phải có Trí tuệ, có Minh lưu giữ vào bộ nhớ tâm thức. Minh hay Trí tuệ có ba cấp độ Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. Văn tuệ do nghe giảng hoặc nghiên cứu kinh điển của bậc giác ngộ; Tư tuệ do tư duy về Văn tuệ; Tu tuệ do tu tập Bát chánh đạo.

Trí tuệ hay Minh là HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT các sự vật hiện tượng ( các pháp ) bao gồm hiểu biết đúng như thật về duyên khởi, về vô thường, vô ngã, về sự thật thực tại, về Khổ đế, Tập đế, Đạo đế, Diệt đế. Hiểu biết đúng như thật hay còn gọi là Tuệ tri sáu xúc xứ; Tuệ tri từng chi phần của Bát tà đạo, từng chi phần Bát chánh đạo; Tuệ tri Đạo đế gồm 37 chi phần gồm Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo; Tuệ tri sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền; Tuệ tri Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát; Tuệ tri 5 tính chất của Giáo pháp là thiết thực hiện tại; đến để mà thấy; không bị chi phối bởi thời gian; có tính hướng thượng; cho người trí tự mình giác ngộ…..

Khi đọc Kinh Luật Luận với lộ trình tâm Bát chánh đạo thì Chánh niệm sẽ kích hoạt Minh và Chánh tư duy sẽ so sánh đối chiếu thông tin đang đọc với thông tin Minh do Chánh niệm kích hoạt làm phát sinh Chánh tri kiến, hiểu biết đúng sự thật về điều đang đọc. Kết quả là:

* Nếu điều đang đọc phù hợp với Vô minh chấp ngã, là thường kiến hay đoạn kiến, là vô minh về lý duyên khởi, là đến để mà tin không phải đến để mà thấy, cỗ vũ cho tham ái, cho yêu thương…. không phù hợp với Minh, Trí tuệ thì đây là những điều của người sau kết tập, chú giải, không phải là Giáo pháp của Phật nói ra.

* Nếu điều đang đọc là đến để mà thấy, có tính phổ quát, đúng cho mọi không gian, thời gian ( không bị chi phối bởi không thời gian ), đúng với sự thật duyên khởi, đúng với sự thật vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ), đúng với Tứ thánh đế, đưa đến chấm dứt tham ái, đưa đến chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây, đưa đến chấm dứt luân hồi tái sanh …. thì đây là những điều Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng.

Ví dụ như trong Kinh tạng có nhiều bài kinh nói đến Từ tâm giải thoát, nói rằng tịnh tướng ( đối tượng dễ chịu ) là nguyên nhân làm phát sinh tham ái, chướng ngại tướng ( đối tượng khó chịu ) là nguyên nhân phát sinh sân. Tu tập Từ tâm giải thoát là để diệt trừ sân hận. Điều này sai sự thật, sai lời Phật dạy hay đúng sự thật, đúng lời Phật dạy?

Quan điểm trên là đã tự mình mâu thuẩn, do tư duy không logic gọi là tư duy theo kiểu trườn uốn như lươn. Vì sao? Vì tư duy logic, tư duy hợp lý là dựa vào hiểu biết về Nhân Quả theo định thức: Cày này có do Cái kia có; Cái này sinh do Cái kia sinh. Cái này không có do Cái kia không có; Cái này diệt do Cái kia diệt. Vậy theo quan điểm này, thì Cái này có (Sân) do Cái kia có (Chướng ngại tướng); Cái này sinh (Sân) do Cái kia sinh (Chướng ngại tướng). Cái này không có (Sân) do Cái kia không có (Chướng ngại tướng); Cái này diệt (Sân diệt) do Cái kia diệt (Chướng ngại tướng diệt). Theo quy luật nhân quả, theo logic này thì Sân diệt khi Chướng ngại tướng diệt. Vì vậy, để Sân diệt thì không thể tu tập từ tâm để diệt trừ sân hận mà phải diệt Chướng ngại tướng, nên lý luận như trên gọi là trườn uốn như lươn.

Quan điểm trên là sai sự thật, là vô minh, nghĩa là không phải đối tượng tịnh tướng là nguyên nhân phát sinh tham, đối tượng chướng ngại tướng là nguyên nhân phát sinh sân, mà HIỂU BIẾT KHÔNG ĐÚNG SỰ THẬT về đối tượng tịnh tướng cũng như chướng ngại tướng, gọi là vô minh, là ý thức tà tri kiến trên lộ trình tâm bát tà đạo mới là nguyên nhân phát sinh tham sân. Và logic của nó là, khi chấm dứt được vô minh, chấm dứt Tà tri kiến, lúc đó sẽ chấm dứt Tham Sân, không liên quan gì đến Từ bi hỷ xả. Điều này có thể kiểm chứng được khi thực hành Tứ niệm xứ, khởi lên Bát chánh đạo, an trú Tỉnh giác hoặc Chánh tri kiến thì kinh nghiệm, thân chứng lúc đó Tà tri kiến diệt, Tham sân si diệt liền. Người đó Tuệ tri TÀ TRI KIẾN DIỆT THÌ THAM SÂN SI diệt, không liên quan gì đến Từ bi hỷ xả.

Nếu đọc Trung bộ kinh thì có nhiều bản kinh đã chỉ rõ tu tập Từ bi hỷ xả để sau khi thân hoại mạng chung được sinh cộng trú với Phạm thiên, nghĩa là pháp tu của Ba la môn hướng đến tái sinh làm Phạm thiên, là pháp tu để luân hồi tái sanh, không phải là của Phật. Pháp tu của Phật là để chấm dứt luân hồi tái sanh. Pháp hành của Phật chính là Đạo đế là con đường tám chánh gồm: Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Chánh ngữ – Chánh nghiệp – Chánh mạng. Trong tám chánh này không có chỗ nào nói đến tu tập Từ bi hỷ xả. Rộng hơn về Đạo đế có 37 chi phần gồm : Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo cũng không có chỗ nào nói đến tu tập Từ bi hỷ xả. Vậy Từ bi hỷ xả là của Bà la môn, tu để luân hồi, để cộng trú với Phạm thiên trong thế giới quan của Bà la môn giáo nhưng người đời sau kết tập vào kinh điển và mặc định do Phật nói ra.

Khi đọc Kinh Luật Luận với Chánh tư duy sẽ có Chánh tri kiến phân biệt đâu là lời Phật dạy (Minh), đâu không phải Phật dạy (Vô minh). Trí tuệ này là Tu tuệ, là Trí tuệ trạch pháp phân biệt Đúng Sai nội dung kinh điển, nó cũng có tác dụng xoá bỏ Vô minh trong bộ nhớ tâm thức như câu chuyện Cô Nụ và Ông già.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (10.9.2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *