CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT - BỐN NIỆM XỨ - Gosinga

CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT – BỐN NIỆM XỨ

Mở đầu và Kết thúc bài Kinh Niệm Xứ, một bản kinh quan trọng bậc nhất cho Pháp Hành thuộc Trung Bộ Kinh, Đức Phật đã lặp đi, lặp lại hai lần : “Này các Tỷ kheo, đây là CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ“. Tại sao trong Tứ Thánh Đế, Đức Phật dạy Đạo Đế, Con đường Chấm dứt Khổ là Bát Chánh Đạo và trong Kinh điển, Đức Phật còn dạy đến 37 phẩm thuộc về Đạo Đế, nhưng tại đây Ngài lại khẳng định, Bốn Niệm Xứ là “con đường độc nhất”. Vậy có gì mâu thuẫn trong lời dạy của Ngài ?

Bản Kinh Niệm Xứ dạy thực hành bốn loại Chánh Niệm : Chánh Niệm về Thân, Chánh Niệm về Thọ, Chánh Niệm về Tâm, Chánh Niệm về Pháp. Nội dung thực hành Chánh niệm là LUYỆN TẬP TRÍ NHỚ, để nhớ được những điều đã học từ trước ( Phật dạy ) cụ thể như sau :

  1. Chánh Niệm về Thân là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM QUÁN SÁT THÂN nơi thân với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.
  2. Chánh Niệm về Thọ là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM QUÁN SÁT THỌ nơi thọ với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.
  3. Chánh Niệm về Tâm là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM QUÁN SÁT TÂM nơi tâm với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.
  4. Chánh Niệm về Pháp là NHỚ ĐẾN CHÚ TÂM QUÁN SÁT PHÁP nơi pháp với chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.

Nội dung cơ bản của bài Kinh là như vậy, phần còn lại là những hướng dẫn trải nghiệm khi thực hành bốn loại Chánh Niệm trên. Không những bản kinh Niệm Xứ nói đến thực hành Chánh Niệm, mà ba bản kinh nói về Pháp Hành, đều nói đến thực hành Chánh Niệm : Kinh Niệm Xứ, Kinh Niệm hơi thở vô, hơi thở ra, Kinh Thân hành Niệm. Câu kinh ngắn gọn nhất, mô tả về Pháp Hành chính xác và đầy đủ nhất là : “Ngồi kiết già lưng thẳng an trú CHÁNH NIỆM trước mặt”
Tại sao Đức Phật lại nói thực hành bốn loại Chánh Niệm mà không nói thực hành Bát Chánh Đạo ? Bởi vì nếu đã có VĂN và TƯ, làm công việc chuẩn bị sẵn sàng thì khi TU, chỉ thực hành Chánh Niệm. Vì sao vậy ? Vì khi CHÁNH NIỆM khởi lên thì toàn bộ BÁT CHÁNH ĐẠO siêu thế sẽ tự động, tuần tự khởi lên theo Định Luật Duyên Khởi. Vì vậy, chỉ cần thực hành Chánh Niệm là đã thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế rồi. Lộ trình đó như sau :

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – [ Tĩnh Giác ] – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

Đây là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế của một vị hữu học và vô học với ba yếu tố căn bản là Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Tri Kiến, gọi tắt là NIỆM – ĐỊNH – TUỆ. Người tu chỉ thực hành Chánh Niệm rồi an trú mà không có làm gì thêm nữa. An trú Chánh Niệm tức cũng an trú Bát Chánh Đạo siêu thế và như vậy, sẽ kinh nghiệm và an trú Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát hay nói theo cách khác là an trú Khổ Diệt ( Niết Bàn ), hay an trú Không Giải Thoát, Vô Tướng Giải Thoát, Vô Tác Giải Thoát.

Đức Phật dạy tu học theo lộ trình VĂN – TƯ – TU và TU, tức thực hành Chánh Niệm thì phải có bước chuẩn bị, đó là VĂN và TƯ, là nghe giảng và tư duy để có được HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT về Duyên khởi, về Vô thường, Vô ngã, về Khổ Tập Diệt Đạo, về Vị ngọt, Sự nguy hiểm, Sự xuất ly. Những thông tin về hiểu biết đúng như thật này gọi là Minh, sẽ được lưu vào kho chứa thông tin, sẽ là Nhân cho Chánh Niệm sinh khởi. VĂN và TƯ là bước chuẩn bị Nhân, và Quả là Chánh Niệm khởi lên trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế. Nếu không có Văn Tuệ và Tư Tuệ, Chánh Niệm không có đủ Nhân sinh khởi, vì thế Bát Chánh Đạo không thể khởi lên. Văn Tuệ và Tư Tuệ thuộc về BÁT CHÁNH ĐẠO hiệp thế và Tu Tuệ thuộc BÁT CHÁNH ĐẠO siêu thế.

Đức Phật nói đến 37 phẩm thuộc về Đạo Đế nhưng chung quy, cả 37 phẩm đều thuyết minh cho lộ trình VĂN – TƯ -TU, là lộ trình đi từ BÁT CHÁNH ĐẠO hiệp thế, làm công việc chuẩn bị, sang BÁT CHÁNH ĐẠO siêu thế, để chứng ngộ và an trú Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát.

Trong Ngũ Căn và Ngũ Lực bao gồm năm yếu tố căn bản của sự tu học : Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ, thì Tín Căn và Tấn Căn được khởi lên và phát triển do Văn Tuệ và Tư Tuệ, là bước chuẩn bị , thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế, là Nhân cho Niệm Căn – Định Căn – Tuệ Căn sinh khởi và ba yếu tố căn bản này thuộc về Bát Chánh Đạo siêu thế.

Thất Giác Chi là bảy yếu tố giác ngộ nhưng bốn yếu tố Niệm Giác chi, Tinh Tấn Giác chi, Định Giác chi, Trạch Pháp Giác chi ( Tuệ Giác chi ) là bốn yếu tố thuộc về Bát Chánh Đạo siêu thế còn Hỷ Giác chi, Khinh An Giác chi, Xả Giác chi là sản phẩm phát sinh từ Bát Chánh Đạo siêu thế. Nói Thất Giác là cách nói khác về Bát Chánh Đạo siêu thế.

Tứ Như Ý Túc và Tứ Chánh Cần thuyết minh sự tu học phải từ Bát Chánh Đạo hiệp thế sang Bát Chánh Đạo siêu thế. Cụ thể Dục Như Ý Túc và Tinh Tấn như ý túc thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế, làm công việc chuẩn bị do Văn và Tư khởi lên ; Định Như Ý Túc, Tuệ Như Ý Túc thuộc Bát Chánh Đạo siêu thế do Tu khởi lên. Tứ Chánh Cần thì có mặt cả trong Bát Chánh Đạo hiệp thế lẫn Bát Chánh Đạo siêu thế.

Thiền Sư Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *