fbpx

KHOAN VỘI TIN CŨNG KHOAN VỘI BÁC BỎ

KHOAN VỘI TIN CŨNG KHOAN VỘI BÁC BỎ
Đây là tinh thần mà Đức Phật khuyên nhủ hàng đệ tử, phải cẩn trọng khi nghe giảng, đọc và nghiên cứu kinh điển. Trong rừng kinh điển của các tông phái hiện nay, tìm cho ra Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng, Giáo Pháp thật, là một gian nan đối với người tu học. Nếu không thông minh, không khéo léo, không cẩn trọng thì có thể bỏ qua Giáo Pháp thật của Đức Phật và chấp nhận những điều có vẻ tương tự hoặc trái ngược với Giáo Pháp thật, do người đời sau kết tập hoặc sáng tác ra. Tuy các bộ kinh Nikaya được xem là gần với Nguyên Thuỷ nhất những trong đó cũng có rất nhiều tư tưởng, nhiều bài kinh của người đời sau kết tập, sáng tác theo hiểu biết của họ. Trong số đó có những bài kinh được hiểu theo nghĩa đen, có bài phải hiểu theo nghĩa bóng, có bài phù hợp với lời dạy của Phật, có bài lại sai lạc, mâu thuẩn với lời dạy của Phật. Hãy lấy bài kinh “Tiểu Kinh Đoạn Tận Ái” trong Trung Bộ Kinh để làm ví dụ.
Bài kinh này gồm hai phần. Phần đầu mô tả thiên chủ Đế Thích, vị vua cai quản cõi trời tam thập tam thiên (33 ) đến xin Thế Tôn giảng nói cho mình một cách tóm tắt về “Ái tận giải thoát”. Thế Tôn nói như sau : “Thật không xứng đáng nếu thiên vị tất cả pháp. Sau khi nghe thật không xứng đáng nếu thiên vị tất cả pháp, vị ấy học hỏi để biết rõ tất cả pháp.Sau khi biết rõ tất cả pháp, vị ấy học hỏi để biết rốt ráo tất cả pháp. Do biết rốt ráo tất cả pháp nên bất kỳ một Cảm thọ nào khởi lên, Lạc thọ, Khổ thọ, Bất khổ bất lạc thọ, vị ấy sống quán tánh vô thường, quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt, quán tánh xả ly nơi Cảm thọ đó. Do sống quán tánh vô thường, quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt, quán tánh xả ly nơi các cảm thọ, nên không chấp trước bất kỳ cái gì trên đời; do không chấp trước nên không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết bàn, vị ấy biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại thế gian này nữa.” Phần hai bản kinh mô tả, lúc đó tôn giả Mục Kiền Liên chứng kiến câu chuyện, liền khởi lên tư tưởng, phải kiểm tra xem thiên chủ Đế Thích thọ trì lời dạy của Thế Tôn như thế nào, nên trong nháy mắt, tôn giả dùng thần thông liền có mặt tại cõi trời 33 và bắt gặp thiên chủ đang nghe nhạc với dàn nhạc có 500 nhạc công và 500 nhạc khí. Thiên chủ Đế Thích ngưng cuộc vui, đón tiếp tôn giả và tôn giả Mục Kiền Liên liền hỏi : “Thật tốt lành thay cho chúng tôi, nếu thiên chủ tường thuật lại một phần lời dạy tóm tắt về Ái tận giải thoát của Đức Thế Tôn”. Thiên chủ Đế thích từ chối bằng một câu trả lời khéo léo : “ Lời dạy của Đức Thế Tôn được khéo thọ trì không thể dễ quyên được nhưng nay chúng tôi đang bận rất nhiều công việc, đó là việc riêng của chúng tôi, và việc của cõi trời tam thập tam thiên”. Và nhân đó Thiên chủ Đế thích dẫn Mục kiền liên đi thăm toà lâu đài vừa xây xong với 700 căn phòng, mỗi căn phòng có một tiên nữ và mỗi tiên nữ có 7 tiên đồng hầu cận; tất cả đều là vợ của thiên chủ Đế thích. Mục Kiền Liên thấy vậy liền khởi lên tư tưởng, thiên chủ này phóng dật quá đáng và tôn giả liền dí ngón cái chân phải xuống đất, vận thần thông lực, làm cho cõi trời 33 rung lắc mạnh, chao động mạnh, làm cho chư thiên cõi trời 33 và thiên chủ Đế thích sợ hãi lông tóc dựng ngược. Lúc đó Mục Kiền Liên lại hỏi : thật tốt lành thay cho chúng tôi nếu thiên chủ nhắc lại một phần lời dạy tóm tắt về Ái tận giải thoát của Đức Thế Tôn. Chỉ đến lúc đó thiên chủ Đế thích mới chịu tường thuật lại một cách trôi chảy và đầy đủ lời dạy tóm tắt về Ái tận giải thoát mà Đức Thế Tôn đã thuyết giảng.
Phần một là lời dạy tóm tắt những gì mà Ngài đã thuyết giảng trong 45 năm với chỉ 5 câu, bao gồm Pháp học là 3 câu đầu, Pháp hành là câu thứ 4 và Pháp thành là câu thứ 5. Đương nhiên để hiểu được điều này, đòi hỏi người đọc phải là một người am hiểu tường tận về Giáo Pháp, phải có sự thực hành tinh tấn, phải là người có được thân chứng Giáo Pháp ở mức độ tương đối, mới có thể tư duy, suy luận về 5 câu này và hiểu ra ý nghĩa sâu kín mà bài kinh nhắm đến. Vì vậy, người sơ cơ, mới tìm hiểu Giáo Pháp thì không thể hiểu được ý nghĩa của phần này nên bài kinh không thể dùng cho người bước đầu tìm hiểu Giáo Pháp.Bài viết này không phân tích sâu về phần một mà sẽ bàn về phần hai để làm rõ tựa đề của bài viết. Khi đọc và suy ngẩm phần hai hãy lưu ý :
– KHOAN VỘI TIN : Nếu đọc kỹ và sau khi so sánh câu với câu, chữ với chữ sẽ thấy, nếu theo nghĩa đen thì có mâu thuẩn với sự thật và do vậy không thể chấp nhận đoạn kinh này theo nghĩa đen. Đó là tôn giả Mục Kiền Liên được biết đến là một vị A La Hán đã giải thoát, không còn ràng buộc với bất cứ điều gì kể cả việc hoằng pháp độ sinh, nên việc tôn giả khởi lên tư tưởng kiểm tra xem thiên chủ Đế thích thọ trì lời dạy của Đức Thế Tôn như thế nào và việc tôn giả vận thần thông lực làm cho chư thiên và thiên chủ Đế thích sợ hãi, lông tóc dựng ngược là điều không có thực, không thể xẩy ra. Tại vì, một vị A La Hán không thể còn ràng buộc, không thể còn đe dọa, không thể còn làm cho chúng sinh sợ hãi. Vậy thì đoạn kinh đó không thể chấp nhận theo nghĩa đen và phải bác bỏ nghĩa đen của đoạn kinh đó.
– KHOAN VỘI BÁC BỎ : Nghĩa là hãy tư duy để nghĩ xem, đoạn kinh không được hiểu theo nghĩa đen, thì nghĩa bóng của đoạn kinh này là gì, và nhờ vậy lúc đó sẽ thấy ra cái nút thắt của đoạn kinh. Đó là, tại sao khi thiên chủ Đế Thích đang nghe nhạc và xem toà lâu đài với 700 bà vợ thì không chịu trả lời câu hỏi nhưng khi đã sợ hãi lông tóc dựng ngược thì trả lời mạch lạc đầy đủ ? Nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ mà bài kinh hướng người đọc tìm hiểu nằm ở nút thắt này và nó gồm 2 ý chính nhằm ám chỉ các sự thật thực tại đang xẩy ra :
a – Một là : khi một người đang say mê hưởng thụ Dục lạc, ví như thiên chủ Đế Thích đang say mê thưởng thức âm nhạc và đàn bà ( hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc vật chất ) thì người đó không thể nào tìm cầu để nghe Giáo Pháp, mà dù có nghe cũng không nhớ và hành trì được. Chỉ khi nào thất bại, khốn khổ họ mới có thể tìm đến Giáo Pháp. Sự thật thực tại đang xẩy ra là những người đang say mê vào sự giàu có, thành đạt, danh tiếng của mình và bị cuốn hút vào đó để đạt được đỉnh cao hơn nữa thì họ sẽ tự cao vào khả năng của họ và họ sẽ chẳng đến chùa để tìm hiểu, để thực hành Giáo Pháp. Chỉ khi họ thất bại, phá sản, bệnh tật, gia đình lục đục … họ mới quáng quàng tìm đến chùa chiền, đền miếu để van vái cầu xin. Và điều này cũng ngụ ý rằng Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo giảng chỉ thích hợp với những người từng trải, đã trải nghiệm sâu sắc những nỗi khổ của cuộc đời không phụ thuộc giàu nghèo, còn những người còn quá trẻ, chưa trải nghiệm sâu sắc, còn nhiều ảo tưởng về hạnh phúc, về Dục lạc của cuộc đời thì khó mà lĩnh hội Giáo Pháp.
b – Hai là : Trong bốn sự thật mà bậc Thánh đã giác ngộ gồm Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế thì mục đích của việc tu học là Chánh Trí, là Diệt Đế, là Niết bàn nhưng Khổ Đế lại là nền tảng đầu tiên phải giác ngộ. Nếu không giác ngộ được Khổ Đế là căn bản đầu tiên thì mãi mãi không thể giác ngộ được Diệt Đế. Sự giác ngộ Khổ Đế không phải là thấy khổ, cảm nhận được khổ, vì thấy khổ, cảm nhận khổ thì Thánh Phàm đều như nhau còn giác ngộ Khổ Đế của bậc Thánh là HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT KHỔ, còn Phàm phu thì HIỂU BIẾT SAI SỰ THẬT KHỔ. Người trí sẽ là người khi có được hiểu biết đúng sự thật Khổ thì đối với thế gian, đối với luân hồi sinh tử sẽ “lông tóc dựng ngược”.
Chắc hẳn bài kinh này không phải của Đức Phật thuyết giảng nhưng cái nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ của bài kinh thì phù hợp với Giáo Pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng và người trí sẽ chấp nhận. Đương nhiên bài kinh không nhắm đến đối tượng là người sơ cơ, người mới tìm hiểu Giáo Pháp mà dành cho người trí, sau khi họ đã thẩm thấu Giáo Pháp bởi Văn Tư Tu thì bài kinh giúp họ suy tư tìm ra nghĩa ẩn dụ để củng cố, làm sâu sắc hơn sự thẩm thấu Giáo Pháp của mình. Nếu không phải người trí thì với Đức tin tôn giáo, người đọc tin vào tất cả những gì có trong kinh điển đều là do Phật thuyết và họ sẽ “bẻ cong sự thật thực tại” cho phù hợp với “kinh điển”, cho phù hợp với Đức tin tôn giáo đã được nhồi sọ và họ sẽ không lĩnh hội được Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng.

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *