Sự thật về Yêu thương - Gosinga

Sự thật về Yêu thương

SỰ THẬT VỀ YÊU THƯƠNG

Yêu thương là từ khoá hot nhất mọi thời đại vì trong nhận thức của con người yêu thương là Hạnh phúc. Nghĩa là khi yêu thương và cả khi được yêu thương đều có Hạnh phúc. Và điều này cũng giải thích tại sao từ yêu thương lại là từ hot nhất mọi thời đại, là tại vì nó gắn liền với Hạnh phúc, là tại vì con người suốt trong cuộc đời từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, trong từng giây phút đều khao khát mong mỏi tìm cầu Hạnh phúc, và tại vì nhân loại đã mặc định rằng chỉ có Hạnh phúc, là thứ duy nhất chấm dứt được Khổ đau, và cũng tại vì cuộc đời tuy đa dạng, phức tạp nhưng cũng chỉ xoay quanh Hạnh phúc và Khổ đau mà thôi.

Yêu thương một ai đó, một cái gì đó thì cảm nhận được Hạnh phúc, được một ai đó yêu thương cũng cảm nhận được Hạnh phúc. Vì vậy, yêu thương là hạnh phúc, yêu thương là vị ngọt cuộc đời. Yêu thương giữa nam nữ, vợ chồng con cái, gia đình, quê hương đất nước, yêu thương cỏ cây, muông thú, yêu thương đồng loại, yêu thương môi trường sống vv… Đây là vị ngọt, là hạnh phúc, là sự thật không ai phủ nhận được. Nếu cuộc đời không yêu thương, không được yêu thương thì cuộc đời sẽ héo mòn, sẽ tàn tạ sẽ đi đến huỷ diệt. Nhiều người bằng văn học nghệ thuật, bằng ca nhạc, điện ảnh đã cảnh tỉnh rằng cuộc sống ngày càng tân tiến, càng hiện đại thì con người càng lãnh đạm, càng lãnh cảm với nhau và chính cái đó sẽ giết chết con người nhanh hơn, mạnh hơn cả ô nhiểm môi trường.

Trong sự thật cuộc sống, sự thật thực tại của nhân loại yêu thương đang có mặt không chỉ ở trong gia đình, trong bạn bè, đôi lứa mà có trong mọi lĩnh vực. Hãy quan sát trong mùa dịch Covid hàng trăm ATM gạo đã xuất hiện, những quán ăn o đồng cho người thiếu thốn, bao người đã bỏ công sức, tiền của giải cứu nông sản của nông dân vùng dịch, người giàu, người nghèo đều gắng sức đóng góp quỹ mua vacxin để giúp mọi người được tiêm vacxin miễn phí … Trong mùa bão lũ bao người đã đóng góp tiền của, thức ăn, vật dụng, lội bùn, chịu đựng gian khổ để giúp người vùng lũ … Đó chính là yêu thương, yêu thương đó là vị ngọt, là hạnh phúc cho người yêu thương và cả cho người được yêu thương.

Sự thật này đang xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày không ai phủ nhận được nhưng đó chỉ là MỘT PHẦN SỰ THẬT mà chưa phải TOÀN BỘ SỰ THẬT thực tại. Sự thật thực tại đang xẩy ra là đồng thời tồn tại Yêu thương với Thù hận, ghét bỏ. Đây là một định luật, một quy luật mà triết học duy vật biện chứng đã khám phá ra, đó là sự tồn tại đồng thời hai mặt đối lập, mâu thuẩn đối kháng của thực tại. Vì vậy, hãy quan sát sự thật, nơi nào có Yêu thương thì nơi đó cũng có Thù hận, ghét bỏ. Trong không gian tràn đầy yêu thương như đã nói ở trên cũng đang xẩy ra sự thù hận, ghét bỏ không những là trong gia đình, bạn bè, đôi lứa mà trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Nhờ các phương tiện truyền thông mà có thể thấy được sự thật là xã hội đang chia thành hai nhóm người với thù hận, đang lao vào nhau trong cuộc chiến một mất một còn với vũ khí là ngôn từ, với binh khí miệng lưỡi (và cả các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại ) đang đánh nhau, đang đuổi nhau , đang truy sát đối phương đến tận cùng, không trừ một con đường thoát, sao cho đối phương thân bại danh liệt, sao cho đối phương phải đau khổ như rơi vào địa ngục nhưng vẫn không tha. Không những trong toàn cảnh mà ngay nơi mỗi người Yêu thương, vị ngọt và Thù hận, đau khổ cũng đang song hành. Ví như những người đi làm từ thiện họ yêu thương những người khó khăn, tuyệt vọng trong bão lũ nhưng đồng thời họ căm hận, tức tối giận giữ một lượng người không nhỏ đang tìm đủ cách để bới móc những lỗi nhỏ, những sơ suất mà gần như ai cũng mắc phải, thậm chí còn suy diễn, tưởng tượng, bịa đặt để tấn công, nhằm hạ gục họ.

Không những trong một con người mà trong mỗi một công việc, mỗi một hành động đều tồn tại hai mặt đối lập, mău thuẩn chống đối nhau là Yêu thương (hạnh phúc) và Thù hận, ghét bỏ (khổ đau). Nhiều người với tâm yêu thương lớn vừa bỏ tài sản hàng ngàn tỷ đồng cứu giúp những người bệnh tật nghèo khổ, những đứa trẻ bị bệnh bẩm sinh nhưng cũng đồng thời thù hận, ghét bỏ dùng đủ mọi phương tiện, kể cả bỏ ra rất nhiều tiền, kể cả bịa đặt vu khống để tấn công, hạ gục, giết chết những người hơn họ hay bằng họ không bằng dao búa.

Ví như trong các kinh điển mô tả một vị “thánh” thương một con chó đói đang bị những con giòi đục khoét, rúc rỉa một nửa thân sau trông rất ghê tởm, rất đau đớn đến nỗi con chó chỉ bò lết bằng hai chân trước còn lành lặn. Vì thương con chó đói khát, vị đó cắt thịt từ cánh tay mình cho con chó ăn. Con chó đã ăn no nê không còn khổ vì đói nhưng nó lại rất khổ vì những con giòi rúc rỉa nơi thân sau. Thương quá, nhưng vị này nghĩ rằng nếu lấy cái que hay cành cây gạt những con giòi đó ra thì sẽ làm đau con chó nên vị đó quyết định dùng lưỡi của mình liếm vào đám bầy nhầy ghê tởm đó, để đẩy những con giòi đó ra khỏi thân con chó để nó rơi xuống đất, để con giòi không thể làm khổ con chó nữa. Với cách nhìn một chiều, phiến diện, vị “thánh” này rất “từ bi” nhưng sự thật là vị này yêu thương con chó nhưng đang thù ghét con giòi, xua đuổi, giết chết con giòi. Đây là sự thật yêu thương và thù ghét tồn tại cùng một nơi, cùng một người, cùng một sự việc. Yêu thương càng nhiều bao nhiêu thì thù hận chán ghét cũng tương ứng bấy nhiêu.

Ví như đối xử với người ngoài rất lịch sự, rất tôn trọng, nhu hoà ít khi nổi nóng nhưng đối với gia đình con cái thương yêu hết mực nhưng lại thường xuyên nổi nóng, bực tức cau có. Phim ảnh, tiểu thuyết càng hay bao nhiêu thì thích thú yêu thương nhân vật này bao nhiêu thì tức tối giận giữ nhân vật kia cũng cân bằng như vậy.

Nhiều video trên mạng làm ra cốt để đề cao yêu thương giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng đồng nghiệp, yêu thương những người tàn tật, khó khăn cơ nhở nhưng để gây nên cảm ứng yêu thương nhân vật đó, tác giả phải xây dựng một tuyến nhân vật đối lập chà đạp lên những nhân vật đáng thương kia. Và như vậy tác giả đã kích hoạt làm phát sinh yêu thương đối với người này và cũng kích hoạt làm phát sinh thù ghét người kia chính trong một nơi chỗ. Và tác phẩm có đạt chuẩn, có thu hút được khán giả hay không là tuỳ vào mức độ yêu thương và thù hận đồng thời phát sinh nơi khán giả cao hay thấp.

Đây là thực tại cuộc sống thế gian luôn luôn tồn tại hai mặt đối lập, mâu thuẩn đối kháng nhau và hiểu biết nhị nguyên Tâm Vật của nhân loại mặc định, cho rằng thực tại này là Thế giới sắc thanh hương vị xúc pháp bên ngoài. Nhưng thực tại được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức này là Tâm (của con người) chứ không phải là Thế giới vật chất bên ngoài. Đối tượng của thực tại là Cảm giác (Cảm thọ) do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó là tâm chứ không phải vật chất. Khi xuất hiện đối tượng thì cũng xuất hiện tâm Thấy nhận biết đối tượng, rồi xuất hiện tâm Biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Tâm Biết xác định tính chất đối tượng là dễ chịu hay khó chịu thì phát sinh tâm thích hoặc tâm ghét (Tham hoặc Sân).

 Do tâm thích tâm ghét mà phát sinh tâm phản ứng với đối tượng (lời nói hành động) và do tâm phản ứng với đối tượng mà phát sinh tâm khổ vui với đối tượng. Vậy thực tại mà mỗi người đang thấy, đang nghe, đang cảm nhận, đang nhận thức là Tâm (của chính mình) chứ không phải thế giới ngoại cảnh. Tâm ấy do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh Phật học gọi là Bát tà đạo với hai mặt đối lập, mâu thuẩn, đối kháng nhau trong đó có Tham và Sân, có Hạnh phúc và Khổ đau vv…. Tham và Sân biểu hiện bởi rất nhiều hình thái và tên gọi khác nhau trong đó có Yêu thương chính là Tham và Thù hận, chán ghét chính là Sân.

Vì vậy, nếu không tu tập thay đổi tâm thành tâm Bát Chánh đạo thì dù có tự nguyện hay bắt ép mình yêu thương muôn vật muôn loài, yêu thương toàn bộ thế gian này thì bản chất lộ trình tâm Bát tà đạo đó vẫn tồn tại song hành, nghĩa là yêu thương đối tượng này thì sẽ thù hận đối tượng kia và thù hận đối tượng này thì sẽ yêu thương đối tượng kia không thể nào chỉ có yêu thương mà không thù hận. Những người chủ trương tu để yêu thương tất cả không bỏ sót một ai, để chuyển hoá thù hận thành yêu thương là do không hiểu đúng sự thật về bản chất hai mặt của thực tại thế gian, thực tại Bát tà đạo nên tu như vậy là tu cái ảo tưởng do vô minh chấp ngã tưởng tượng ra.

Một sự hiểu lầm nghiêm trọng là cho rằng Đức Phật yêu thương cứu khổ muôn vật muôn loài, không còn ghét bỏ bất kỳ một ai. Sự thật không phải như vậy, Đức Phật đã thay đổi Thực tại thế gian là tâm Bát tà đạo thành Thực tại Xuất thế gian là tâm Bát chánh đạo tức thay đổi Tâm chứ không thay đổi Thế giới bên ngoài. Và tâm Bát chánh đạo ấy không tồn tại hai mặt đối lập mâu thuẩn chống đối nhau như Bát tà đạo. Trong tâm ấy không còn Tham Sân, nghĩa là không có Yêu thương lẫn Thù hận, không có Hạnh phúc lẫn Khổ đau … nên tâm ấy vắng lặng, tịch tịnh. Nhưng tâm Bát chánh đạo ấy của bậc Thánh cũng có Hạnh phúc, nhưng Hạnh phúc ấy của Chánh định, của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền phát sinh, một loại Hạnh phúc kỳ diệu khác hẳn Hạnh phúc phát sinh từ yêu thương, từ thế giới ngoại cảnh. Hạnh phúc đó không song hành với Khổ đau mà song hành với Khổ diệt, Niết bàn. Và tâm Bát chánh đạo ấy còn có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng để cư xử với mọi đối tượng do Trí tuệ khởi lên, là lời nói, hành động không có tham sân si, cư xử đúng mực, tử tế, bi mẫn với mọi người.

Có người chưa tu tập, chưa thân chứng Bát chánh đạo, chưa thân chứng Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng họ thắc mắc : Như vậy, khi sống với tâm Bát chánh đạo không còn yêu thương vợ chồng con cái bố mẹ, anh em thì cuộc sống sẽ vô bổ, sẽ héo hon tàn tạ. Không phải vậy, mà khi tâm là Bát chánh đạo người đó sẽ cư xử với mọi người bởi chánh ngữ, chánh nghiệp chánh mạng phát sinh từ trí tuệ không có tham sân, thích ghét. Đó là lời nói hành động đúng sự thật, tử tế, bi mẫn và nhờ vậy cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Những ai đã thân chứng điều đó thì khẳng định quan hệ đó khác hẳn, không còn là quan hệ yêu thương, ràng buộc, không còn tư tưởng làm chủ tư tưởng điều khiển, như trước đây nữa.

Có người thắc mắc, vậy thì pháp tu Từ bi hỷ xả trong Phật Giáo không phải là tình yêu thương cứu khổ muôn vật muôn loài chăng. Phải hiểu rằng: Từ bi hỷ xả là pháp môn tu của Ba la môn không phải là của Đức Phật thuyết giảng. Trong kinh thứ 99 của Trung bộ kinh tên là Kinh Subha và kinh 83 tên là Kinh Makhadeva, Đức Phật đã giảng về nội dung và mục đích của pháp tu Bốn Phạm trú Từ bi hỷ xả là con đường đi đến cộng trú với Phạm thiên, mục đích là sau khi thân hoại mạng chung được sinh cộng trú với Phạm thiên, là những chúng sanh ưu tú nhất, tốt đẹp nhất theo thế giới quan và nhân sinh quan của Bà la môn giáo thời bấy giờ. Điều này khẳng định tu Bốn Phạm trú Từ bi hỷ xả là pháp môn tu của Bà la môn, không phải của Đức Phật, vì mục đích pháp môn tu của Đức Phật là Niết bàn vô dư, là chấm dứt tái sinh, chấm dứt luân hồi, không phải là luân hồi tái sanh như Bà la môn giáo.

Trong kinh Tâm hoang vu, có nói đến tâm hoang vu, tâm triền phược là nghĩ rằng tu để khi thân hoại mạng chung được sinh cộng trú với Phạm thiên và Kinh nhấn mạnh nếu không đoạn trừ tâm ấy thì không thể chói sáng trong Pháp và Luật này, không xứng đáng là đệ tử của Đức Thế tôn. Vì vậy, pháp hành của Phật dạy có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo, không hề có pháp môn tu Từ bi hỷ xả. Những người sau đã đưa pháp môn Từ bi hỷ xả của Bà la môn giáo vào và dần dà đồng hoá nó thành pháp môn tu của Đạo Phật.

Thiền sư Nguyên Tuệ (15.6.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *