Kinh điển có dạy yêu thương không? - Gosinga

Kinh điển có dạy yêu thương không?

Nhiều và rất nhiều người tu học Phật giáo, thậm chí là những vị thầy nổi tiếng trong Phật giáo nhận thức rằng, cho rằng tu học theo Phật là để đạt đến một tình yêu thương tuyệt đối, một tình yêu thương vô điều kiện. Lúc đạt được tình yêu thương tuyệt đối, tình yêu thương vô điều kiện như vậy thì sẽ có Hạnh phúc tuyệt đối, Hạnh phúc vô điều kiện, là thứ Hạnh phúc vĩnh cữu, không sanh không diệt. Và đó chính là Hạnh phúc Niết bàn. Và họ cho rằng Phật là như vậy, Phật có tình yêu thương tuyệt đối, tình yêu thương vô điều kiện nên Phật có hạnh phúc tuyệt đối, hạnh phúc Niết bàn.

Nhận thức như vậy có đúng với sự thật mà Phật đã chứng ngộ và truyền dạy không ? Nếu quả thật nhận thức đó là đúng, là sự thật, Phật đã tu hành đạt đến tình yêu thương tuyệt đối, tình yêu thương vô điều kiện và nhờ vậy mà Phật có được Hạnh phúc tuyệt đối, Hạnh phúc Niết bàn thì Phật phải dạy đệ tử phương pháp tu tập để đạt được tình yêu thương vô điều kiện đó.

Nhưng sự thật trong kinh điển không hề tồn tại lời dạy về phương pháp tu tập để đạt đến yêu thương vô điều kiện. Pháp hành mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng có 37 chi phần được chia làm 7 nhóm gồm : Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo ( Hiệp thế và Siêu thế ) không hề có phương pháp nào dạy về yêu thương vô điều kiện, kể cả Từ bi hỷ xả cũng không có trong Pháp hành này. Pháp hành được truyền dạy kỹ trong 3 bài kinh chính trong Trung Bộ Kinh gồm: Kinh Niệm Xứ, Kinh Thân Hành Niệm, Kinh Niệm Hơi Thơ Vô Hơi Thở Ra không hề dạy phương pháp yêu thương nào. Pháp hành mà Đức Phật dạy trong kinh điển chỉ với mục đích duy nhất là để đoạn trừ Vô minh chấp ngã, đoạn trừ tham sân si mà thôi, để Hết Khổ mà thôi, chứ không hề dạy về tình yêu thương vô điều kiện.

Các chú giải, luận giải cũng chia làm hai quan điểm nhưng không hề có chủ trương phải yêu thương vô điều kiện các pháp:

*Quan điểm thứ nhất cho rằng các pháp là khổ, tất cả sắc thọ tưởng hành thức đều là khổ, mục đích để Ly tham, để không còn tham ái, dính mắc, ràng buộc với các pháp, để giải thoát khỏi sự ràng buộc với các pháp. Như vậy, rõ ràng quan điểm này không chủ trương yêu thương các pháp. Chủ trương các pháp là khổ nên phải xa lánh nó, chứ đâu để gần gủi yêu thương các pháp.

*Quan điểm thứ hai cho rằng các pháp là không có thật, là giả để không còn tham ái đồ giả. Đương nhiên đã chủ trương các pháp là không thật, là giả để ly tham nó thì không thể có chủ trương là phải yêu thương vô điều kiện các pháp đó.

Vậy do đâu mà nhiều và rất nhiều người tu học Phật lại cho rằng tu học theo Phật là để đạt được tình yêu thương tuyệt đối, tình yêu thương vô điều kiện và do vậy mà có được Hạnh phúc tuyệt đối, Hạnh phúc Niết bàn ? Là do hiểu biết tà kiến, vô minh chấp ngã cho rằng : mục đích cuộc sống là tận hưởng niềm vui hạnh phúc và mặc định rằng chỉ có hạnh phúc mới chấm dứt khổ. Và do y cứ vào hiểu biết thiển cận cuộc sống hàng ngày : yêu thương đối tượng nào thì hạnh phúc có mặt còn chán ghét đối tượng nào thì khổ đau có mặt. Và họ nhận thức rằng đây là yêu thương có điều kiện, thương đối tượng này, ghét đối tượng kia nên bây giờ phải chuyển hoá CHÁN GHÉT THÀNH YÊU THƯƠNG thì lúc đó sẽ yêu thương tất cả, yêu thương tuyệt đối, yêu thương vô điều kiện. Và lúc đó sẽ hạnh phúc tuyệt đối, hạnh phúc vô điều kiện, hạnh phúc Niết bàn. Họ không biết rằng, nhận thức cho rằng : Niết bàn là hạnh phúc tuyệt đối như vậy là vô minh tà kiến, là Thường kiến, là Chấp Thường, là nguyên nhân phát sinh: Dục hỷ Niết bàn là Căn bản của Khổ mà Kinh Pháp Môn Căn Bản ( Kinh Trung Bộ ) đã khẳng định.

Sự thật mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy là Tứ thánh đế mà tóm tắt là: Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si; Chấm dứt Tham Sân Si là Chấm dứt Khổ. Hay nói theo quy luật nhân quả là:

*Tham Sân Si có mặt thì Khổ có mặt nhưng nói đủ là Tham Sân Si có mặt thì Khổ Vui (Khổ đau và Hạnh phúc) có mặt. Đó là sự việc xẩy ra trên lộ trình tâm Bát tà đạo của Phàm phu có cả Hạnh phúc lẫn Khổ đau.

*Tham Sân Si vắng mặt thì cả Khổ và Vui (Khổ đau và Hạnh phúc) đều vắng mặt. Đó là sự việc xẩy ra trên lộ trình tâm Bát chánh đạo của bậc Thánh. Thấy biết rõ ràng, đúng sự thật trạng thái tâm: Không có Tham Sân Si, không có Khổ Vui (không có Khổ đau và Hạnh phúc) với bất kỳ đối tượng thực tại nào thì đó gọi là TUỆ TRI NIẾT BÀN. Đó chính là tuệ tri trạng thái trống rỗng, trống không tham sân si và trống rỗng, trống không cả Hạnh phúc lẫn Khổ đau, chứ Niết bàn không phải là Hạnh phúc tuyệt đối, Hạnh phúc vô điều kiện, không phải là nơi Phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn hay là nơi đó là thường lạc ngã tịnh như hiểu biết vô minh tà kiến gắn cho khái niệm Niết bàn.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (26.10.2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *