Thiền là gì? Hiểu đúng về Thiền do Đức Phật truyền dạy - Gosinga

Thiền là gì? Hiểu đúng về Thiền do Đức Phật truyền dạy

Trong thời đại hiện nay, Thiền đã trở thành thời thượng, được rất nhiều người ở Đông phương và Tây phương nghiên cứu, học hỏi, tu tập và ngợi ca.

Vậy thì, Thiền là gì? Thực hành Thiền mang lại những lợi ích gì? Trong vô số các trường phái thiền hiện nay thì đâu là Thiền theo đúng lời Phật dạy? Phương pháp thiền nào phù hợp với tôi?,.v.v.

Để trả lời các câu hỏi này, mời quý vị đọc tiếp bài chia sẻ dưới đây.

 

1. THIỀN LÀ GÌ?

1.1. Một số cách hiểu về Thiền hiện nay

Thiền gọi đầy đủ là Thiền-na, là thuật ngữ Hán-Việt được phiên âm từ dhyāna trong tiếng Phạn.

Thiền là 1 từ ngữ thời thượng, rất hot hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều định nghĩa, nhiều cách giải thích khác nhau về Thiền:

  • Thiền trong kinh điển Phật giáo tiếng Pali được gọi là bhavana. Danh từ này có nghĩa là phương pháp thực hành để rèn luyện tâm, được chia ra hai hình thức là “thiền định – samatha bhavana” và “thiền quán – vipassana bhavana”.
  • Thiền trong môn Yoga được gọi là dhyana. Đây là trạng thái tập trung cao độ của tâm trí, không để bất cứ điều gì chi phối. Ở trạng thái này, người thực hành hoàn toàn ý thức được suy nghĩ cá nhân và ý thức về vũ trụ.
  • Cũng có định nghĩa khác về thiền đơn giản là một phương pháp rèn luyện tâm trí, tập trung vào sự vật, sự việc, vấn đề hiện tại, giúp người thực hành sống trọn vẹn hơn, hướng tới sự bình an thuần khiết trong bản thân mình. Thiền để thấy các pháp đang là…

Có nhiều phương pháp Thiền khác nhau: thiền năng lượng, thiền yoga, thiền tâm từ, thiền chỉ, thiền quán, v.v..

1.2. Hiểu đúng về THIỀN do Đức Phật khám phá và truyền dạy

Ngôn từ là pháp chế định, dùng để truyền thông, nhằm trỏ đến một sự vật, hiện tượng nào đó.

Để hiểu được chính xác Thiền là gì, ta cần hiểu được bối cảnh sinh ra từ ngữ đó. Từ “Thiền” được đặt ra từ lúc nào, để ám chỉ cái gì?

Có một điểm chung trong các khái niệm về Thiền hiện nay, đó là: Nói đến Thiền là nói đến tu tập sự chú tâm (tu tập Định). Sự chú tâm liên tục khít khao từ đối tượng này đến đối tượng khác làm phát sinh trạng thái Định.

Có 2 loại Định:

(1) Tà Định (trạng thái phát sinh do chú tâm liên tục tập trung vào 1 đối tượng, do thích/ghét đối tượng đó mà chú tâm. Hầu hết các trường phái tu tập hiện nay là tu tập loại chú tâm này) và

(2) Chánh Định (trạng thái phát sinh do chú tâm liên tục không tập trung vào đối tượng nào, đưa đến đoạn trừ tham/sân/si, chỉ duy nhất do Đức Phật phát hiện ra và truyền dạy).

Có 4 mức độ của Chánh Định là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.

Thiền là nói đến 4 cấp độ của chánh Định

Như vậy, nguồn gốc của từ “Thiền” là xuất phát từ “Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền”, là những ngôn từ do Đức Phật dày công chế định nên, để chỉ một trong 4 mức độ của trạng thái Chánh Định.

Sau này, khi Phật giáo phát triển, lan rộng sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác, từ Thiền được lạm dụng, hễ nói đến tu tập Định, tu tập Chú tâm là nói đến Thiền. Tuy nhiên, cần hiểu rằng: Tu tập Chánh Định theo Đức Phật khám phá và truyền dạy mới đạt được Thiền. Còn các hình thức tu tập Định khác, tu tập cách chú tâm khác thì không đạt được Thiền (không gọi là Thiền).

 

2. CÁC PHƯƠNG PHÁP TU TẬP CHÚ TÂM HIỆN NAY

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tu tập chú tâm (tu tập Định), tuy nhiên có thể chia thành 2 nhóm chính: tu tập chú tâm liên tục tập trung vào một đối tượng và tu tập chú tâm liên tục không tập trung vào đối tượng nào.

2.1. Phương pháp tu tập chú tâm liên tục tập trung vào một đối tượng

Có rất nhiều cách thức, hình thái tu tập theo phương pháp này. Có thể kể đến một số phương pháp tu tập phổ biến hiện nay (trong đó, từ “thiền” bị lạm dụng) như dưới đây:

  • Phương pháp Thiền hơi thở

Thiền hơi thở là phương pháp mà người thực hành sẽ tập trung để điều hòa hơi thở. Người tập sẽ thở thật sâu và chậm rãi, vừa tập trung thở vừa đếm từng lần để tâm tĩnh lại. Mỗi lần chỉ cần 20 phút, ngày hai lần nhưng ít nhất là 10 phút mỗi lần.

Bắt đầu hít sâu vào bằng mũi, thở ra bằng miệng ba lần. Sau đó, hít vào bằng mũi, thở ra cũng bằng mũi đếm 1. Tiếp tục thở và đếm 2,3 đến 10. Rồi đếm lại. Luôn luôn để tâm dõi theo hơi thở để không nghĩ đến những chuyện khác. Nếu tâm chạy tán loạn thì nhẹ nhàng hướng tâm trở lại về hơi thở.

  • Phương pháp Thiền chánh niệm

Đây là phương pháp thiền khá được ưa chuộng hiện nay. Người tập sẽ sử dụng cả 5 giác quan để cảm nhận thế giới xung quanh: tập trung vào sự nhận thức hiện tại, đi đứng, nằm ngồi, ăn uống… luôn luôn tỉnh thức. Lúc đi biết mình đang đi, đứng biết mình đang đứng. Có thể thực hành mọi lúc mọi nơi (khi làm, khi nằm ngồi, nấu ăn, quét nhà…) mà không cần chuẩn bị.

  • Phương pháp Thiền tâm từ

Đây là phương pháp tập trung kết nối đến những cảm xúc yêu thương, quan tâm mà người tập dành cho một người nào đó. Khi thực hành thiền tâm từ, người tập sẽ vừa thở sâu, vừa quán tưởng mở rộng tâm trí để đón nhận tình yêu thương và lòng nhân từ; Tiếp theo, họ sẽ gửi những thông điệp này đến vũ trụ, đến những người mà họ yêu quý.

  • Phương pháp Thiền quán tưởng

Thực hành phương pháp thiền này, người tập sẽ hình dung một hình ảnh xuất hiện trong tâm trí, có thể tưởng tượng ra một hồ nước trong xanh, một khu rừng với những âm thanh trong trẻo, một bờ biển rộng trải dài … Điều này giúp cho người tập tách biệt với những hoạt động không mong muốn về mặt tinh thần và mang lại cảm giác bình yên.

Ở cấp độ trang nghiêm hơn, có thể tham khảo phương pháp thiền quán tưởng truyền thống Tây Tạng đó là hình dung ra một vị thần mandala để cho thiền giả giác ngộ được các phẩm chất như sự từ bi và trí tuệ.

  • Phương pháp Thiền siêu việt

Phương pháp này đề cập đến một hình thức chú tâm sử dụng thần chú và sự im lặng. Với phương pháp này, người tập ngồi trên gối hoặc thảm, khoanh chân và đặt 2 tay lên đầu gối. Tiếp theo, người tập ngồi yên và thở thật sâu, chậm, rồi đọc thần chú. Thực hành như vậy 2 lần/ngày và mỗi lần là 20 phút.

  • Phương pháp Thiền chú

Với phương pháp này, người tập tụng kinh hoặc niệm thần chú. Trong khi tụng kinh/ niệm chú, người tập sẽ tập trung vào âm thanh của từ, cụm từ và giai điệu. Âm “Om” là một âm phổ biến được sử dụng trong phương pháp này.

  • Phương pháp Thiền dưỡng sinh năng lượng

Đây là phương pháp chú tâm chọn đối tượng là năng lượng để tập trung tâm trí. Trong quá trình thực hành, người tập hướng sự tập trung vào cơ thể của mình để quán tưởng nguồn năng lượng từ vũ trụ đang tác động vào bên trong cơ thể giúp cân bằng và đả thông những bế tắc. Thiền dưỡng sinh năng lượng là một trong các phương pháp chú trọng tới việc cải thiện sức khỏe của người thực hành, hướng tới sự tự nhiên và cơ chế tự chữa lành của cơ thể.

  • Phương pháp Thiền Vipassana

Sự thực tập gồm có ba bước cơ bản.

Bước thứ nhất, trong suốt khóa thiền, người thực hành sẽ giữ 5 giới: tránh không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hay dùng chất gây say, gây nghiện. Điều lệ giản dị về đạo đức này giúp tâm được an bình. Ngược lại, tâm sẽ dao động và không thể thực hiện nhiệm vụ tự quan sát.

Giai đoạn kế tiếp là phát triển việc làm chủ được tâm bằng cách tập trung sự chú ý vào hơi thở vào và ra, tại điểm tiếp xúc giữa hơi thở với môi trên.

Vào ngày thứ tư của khoá thiền, tâm được an tĩnh và chăm chú hơn, để có thể thực tập Vipassana một cách dễ dàng hơn. Lúc này, người thực hành sẽ thực tập quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu được bản chất của cảm giác, và phát triển được sự quân bình bằng cách học để không phản ứng lại cảm giác. Sau hết, trong suốt ngày cuối cùng, thiền sinh học phương pháp thiền tâm từ và thiện ý với mọi người, nhờ đó sự thanh tịnh phát triển trong suốt khóa thiền được san sẻ tới mọi chúng sinh.

Kết luận: Các phương pháp tu tập chú tâm liên tục tập trung vào một đối tượng có đặc điểm là phải HƯỚNG ĐẾN ĐỐI TƯỢNG và phải DUY TRÌ CHÚ TÂM trên đối tượng đó. Chẳng hạn, trong Thiền hơi thở thì đối tượng được hướng đến và duy trì chú tâm là hơi thở; trong Thiền tâm từ, Thiền quán tưởng thì đối tượng được hướng đến và duy trì chú tâm là hình ảnh/ âm thanh/ cảm giác… được tưởng tượng ra (thuật ngữ Phật học gọi là “cảm giác pháp trần”);v.v… Thuật ngữ Phật học gọi loại chú tâm như thế này là CHÚ TÂM CÓ TẦM CÓ TỨ (“tầm”: hướng đến đối tượng; “tứ”: duy trì trên đối tượng).

Loại chú tâm này con người ai cũng thường xuyên kinh nghiệm được trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như khi quét nhà, rót nước, may quần áo, học tập, làm việc … lúc đó phải tập trung vào đối tượng bằng sự chú tâm có HƯỚNG ĐẾN ĐỐI TƯỢNG và DUY TRÌ SỰ CHÚ TÂM trên đối tượng đó. Lúc này chỉ có sự chú tâm CÓ TẦM CÓ TỨ duy nhất, không có sự chú tâm nào khác nên TẬP TRUNG là vậy.

Sự TẬP TRUNG này đưa đến kết quả là việc làm tốt hơn, hiệu quả hơn về năng suất và chất lượng. Nhưng quan sát sâu xa, tỉ mỉ, thấu đáo, đúng sự thật thì sự chú tâm liên tục tập trung vào một đối tượng này là do Thích thú hoặc Chán ghét đối tượng mà phát sinh. Và kết quả của sự chú tâm liên tục vào một đối tượng này là làm phát sinh trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Chẳng hạn, các game thủ sau nhiều giờ tập trung chơi game online thì cảm thấy mệt mỏi rã rời, có người mệt quá nên ngất xỉu; người phụ nữ sau khi say sưa xem bộ phim yêu thích trong nhiều giờ thì cảm thấy cơ thể đau nhức, mệt mỏi; người đàn ông sau cuộc họp quan trọng kéo dài nhiều giờ ở công ty thì cảm thấy căng thẳng, mỏi mệt…Ta có thể quan sát và trải nghiệm sự thật này thường xuyên trong cuộc sống.

Sự chú tâm liên tục sẽ làm phát sinh trạng thái Định nhưng có hai loại Định: Tà định và Chánh định.

Sự chú tâm liên tục với một loại chú tâm duy nhất là Chú Tâm Có Tầm Có Tứ, mục đích là TẬP TRUNG vào MỘT ĐỐI TƯỢNG chính là Tà định. Đáng tiếc là đa phần trong Phật giáo hiện nay đang hiểu và thực hành thiền định theo kiểu chỉ có một loại chú tâm có tầm có tứ duy nhất theo kiểu Tà định này. Đó là tập trung vào hơi thở, tập trung vào phồng xẹp, tập trung vào điểm xúc chạm của hơi thở với môi trên, tập trung vào việc đếm hơi thở, tập trung vào không vô biên xứ, thức vô biên xứ….

Để đạt được chú tâm liên tục với mục đích là TẬP TRUNG VÀO MỘT ĐỐI TƯỢNG phải ỨC CHẾ TÂM nên sẽ phát sinh Căng thẳng, mệt mỏi, phiền não chứ không thể phát sinh Tích cực – Vui – Thoải mái.

Còn có sự chú tâm liên tục khác, phát sinh Tích cực – Vui – Thoải mái ít ai biết đến do Đức Phật khám phá ra nhưng đã gần như bị quên lãng. Đó là sự chú tâm liên tục nhưng không tập trung vào đối tượng nào.

2.2. Phương pháp tu tập chú tâm liên tục KHÔNG Tập trung vào đối tượng nào

CHÚ TÂM LIÊN TỤC nhưng KHÔNG TẬP TRUNG sẽ làm phát sinh trạng thái tâm Tích cực – Vui – Thoải mái. Đây là sự chú tâm liên tục do Đức Phật Thích ca khám phá và truyền dạy, gồm có 2 loại chú tâm: CHÚ TÂM CÓ TẦM CÓ TỨ và CHÚ TÂM KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ (Chú tâm không tầm không tứ là chú tâm tự động xẩy ra TỪ ĐỐI TƯỢNG NÀY SANG ĐỐI TƯỢNG KHÁC, không hướng đến cũng không duy trì chú tâm trên đối tượng).

Sự chú tâm liên tục này KHÔNG TẬP TRUNG vào một đối tượng và làm phát sinh trạng thái Chánh định với 4 cấp độ là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Với cấp độ định đầu tiên là Sơ thiền thì có cả 2 cả loại chú tâm Có Tầm Có Tứ và Không Tầm Không Tứ, còn Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thì chỉ có duy nhất một loại chú tâm Không Tầm Không Tứ. Sự phát minh ra Chú tâm không tầm không tứ và Định không tầm không tứ là phát minh rất đặc biệt, có một không hai trong lịch sử nhân loại của Đức Phật.

ĐỐI TƯỢNG của chú tâm liên tục này là CẢM GIÁC TOÀN THÂN và “đồng thời” với một số đối tượng hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, pháp trần nổi trội khác. Chẳng hạn như khi đi thì có chú tâm liên tục Cảm giác toàn thân LIÊN TIẾP từ cảm giác chuyển động của tay trái phải, vai trái phải đến cảm giác nơi ngực bụng, chân trái phải chạm đất… Đây là chú tâm Không Tầm Không Tứ, tự động xẩy ra từ đối tượng này sang đối tượng khác. Đồng thời khi đi vẫn có chú tâm liên tục vào hình ảnh đường đi. Đây là chú tâm Có Tầm Có Tứ, chú tâm có hướng đến và duy trì chú tâm hình ảnh đường đi.

Sự chú tâm liên tục nhưng không tập trung này làm phát sinh trạng thái Chánh định ở các cấp độ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền; với Tích cực – Vui – Thoải mái (thuật ngữ Phật học gọi là Tinh tấn – Hỷ – Lạc) của Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và hiện tại lạc trú của Tứ thiền.

3. CÁC LỢI ÍCH CỦA THIỀN DO ĐỨC PHẬT KHÁM PHÁ VÀ TRUYỀN DẠY

Khi thực hành Thiền (tu tập chú tâm liên tục do Đức Phật khám phá và truyền dạy), hành giả sẽ kinh nghiệm được trạng thái tâm Tích cực – Vui – Thoải mải do Chú tâm liên tục không tập trung vào đối tượng nào mà có. Đồng thời kinh nghiệm được khi chú tâm liên tục sẽ chấm dứt được 80% suy nghĩ, gồm những suy nghĩ linh tinh, vô bổ vô ích, những suy nghĩ đưa đến căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, oán hận ghen tuông, phiền não.

Kết quả là sẽ làm cuộc sống người học thay đổi một cách kỳ diệu, vô cùng tốt đẹp như con người hằng mơ ước. Đó chính là:

  • Sống với Hạnh phúc nội tâm kỳ diệu do chú tâm liên tục mà phát sinh, thứ Hạnh phúc nội tâm này không phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, kỳ diệu hơn Hạnh phúc do giàu có, thành đạt, nổi tiếng, ăn ngon, mặc đẹp… của thế gian mà nhiều người đã kinh nghiệm. (thuật ngữ Phật học gọi Hạnh phúc nội tâm này là Hỷ-Lạc của Chánh Định)
  • Não bộ được nghỉ ngơi, tiêu thụ năng lượng giảm đi rất nhiều. Cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc, ít mộng mị.
  • Cải thiện sức khoẻ thể chất, cơ thể khoẻ mạnh hơn do các cơ quan trong cơ thể hoạt động ổn định, nhịp nhàng.
  • Học tập, làm việc với tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái thì kết quả sẽ tốt hơn gấp nhiều lần, không còn bị áp lực, căng thẳng, không còn khổ sở vì học tập, công việc; THÍCH NGHI với mọi loại hình học tập và mọi loại công việc.
  • Chấm dứt được lối sống uể oải, lười biếng, ngủ nướng, trầm cảm …; sẽ làm các việc như lau nhà, rửa bát, nấu ăn, dọn dẹp với tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái, không còn lười nhác, khổ sở vì các việc đó.
  • Khi có tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái do chú tâm liên tục mà có thì sẽ không phải đi tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc từ thế giới bên ngoài. Sẽ giảm thiểu ràng buộc vào điện thoại để tìm kiếm niềm vui trên mạng xã hội, không còn tìm kiếm niềm vui trong các tệ nạn ma tuý, mại dâm, rượu chè, cờ bạc …
  • Với tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái thì sẽ THÍCH NGHI VỚI MỌI ĐỐI TƯỢNG, có lời nói, hành động cư xử với cha mẹ, anh em, bạn bè, với tất cả mọi người tử tế, nhu hoà, điềm đạm, đúng mực không còn gắt gỏng, thô lỗ, cộc cằn như xưa.
  • Kỹ năng chú tâm liên tục sẽ đưa đến LỐI SỐNG THÍCH NGHI với mọi hoàn cảnh, mọi hạng người, mọi thức ăn, mọi công việc … Cho dù mọi thăng trầm cuộc sống vẫn có tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái thì sẽ là con người mạnh mẽ, giống như ngọn cỏ cho dù bị bão giông vùi dập vẫn vươn mình thẳng dậy.

Khi học và thực hành đúng theo hướng dẫn, hành giả sẽ sống với một lối sống mới, LỐI SỐNG THÍCH NGHI, lối sống bình an từ trong nội tâm.

4. HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH THIỀN CHO NGƯỜI MỚI

Thực hành Thiền là thực hành CHÚ TÂM LIÊN TỤC KHÔNG TẬP TRUNG vào một đối tượng nào, mà cụ thể là chú tâm liên tục Cảm giác toàn thân đan xen với chú tâm các đối tượng khác (bên ngoài), phát sinh Chánh Định.

Sự thực hành tuần tự từ tư thế mở mắt rồi mới đến tư thế nhắm mắt.

Đầu tiên, nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và duy trì chú tâm cảm giác răng lưỡi một cách TỰ NHIÊN. Duy trì chú tâm cảm giác răng lưỡi một cách TỰ NHIÊN nghĩa là vừa chú tâm cảm giác răng lưỡi vừa chú tâm hình ảnh trước mặt. Đây chính là CHÚ TÂM KHÔNG TẬP TRUNG, nghĩa là không tập trung vào cảm giác răng lưỡi cũng không tập trung vào hình ảnh trước mặt mà sự chú tâm liên tục đan xen nhau.

Duy trì chú tâm liên tục cảm giác răng lưỡi một cách tự nhiên (không tập trung vào răng lưỡi) như vậy CHO ĐẾN KHI cảm giác thở vô khởi lên (có thể cảm giác phồng lên nơi bụng hay ngực, có thể cảm giác chuyển động từ ngực bụng đi lên…) thì kinh nghiệm có sự chú tâm tự động xẩy ra với cảm giác thở vô. Hết Cảm giác thở vô thì Cảm giác thở ra khởi lên và cũng kinh nghiệm được tự động có sự chú tâm vào Cảm giác thở ra.

Khi thở ra, có hướng sự thở ra đến răng lưỡi thì hết Cảm giác thở ra, sự chú tâm sẽ xảy ra nơi Cảm giác răng lưỡi và lại nhớ đến Duy trì chú tâm liên tục cảm giác răng lưỡi một cách tự nhiên cho đến khi Cảm giác thở vô khởi lên… Và quá trình lặp lại như trước.

Khi thực hành chú tâm như vậy sẽ kinh nghiệm được sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân theo “vòng” lặp đi lặp lại gồm 3 đối tượng chính: Cảm giác thở vô – Cảm giác thở ra – Cảm giác răng lưỡi (gọi tắt là: Vô – Ra – Răng). Chú tâm liên tục theo tuần tự Vô – Ra – Răng theo nhịp thở nếu không bị phân tâm (không nhớ nghĩ đến chuyện gì khác) thì lúc đó đạt được Sơ thiền.

Nếu người nào trí nhớ kém, hết cảm giác thở ra không nhớ được hướng sự chú tâm đến cảm giác răng lưỡi và duy trì chú tâm cảm giác răng lưỡi một cách tự nhiên thì theo nhịp thở (hết thở ra) nhắc thầm “răng” để nhớ được điều đó. Tuỳ mỗi người có thể nhắc vài ba lượt rồi thôi hoặc phải nhắc nhiều lần hoặc phải nhắc liên tục sao cho chú tâm diễn ra liên tục, tự nhiên, thoải mái không phân tâm.

Lưu ý rằng khi cảm giác thở ra kết thúc thì chú tâm hướng đến và duy trì chú tâm Cảm giác răng lưỡi nhưng phải hoàn toàn tự nhiên, không tập trung vào Cảm giác răng lưỡi. Nghĩa là vừa chú tâm Cảm giác răng lưỡi nhưng tự động có chú tâm vào đối tượng khác hoặc chú tâm “di chuyển” từ đối tượng này sang đối tượng khác. Khi chú tâm liên tục theo nhịp thở và theo tuần tự Vô – Ra – Răng đã tự nhiên, thoải mái lúc đó mới từ từ nhắm mắt.

Tiếp đến, không hướng đến răng lưỡi khi kết thúc Cảm giác thở ra mà để tự nhiên. Lúc đó kết thúc cảm giác thở ra chú tâm tự động bắt vào một cảm giác nổi trội nào đó trên thân thì để chú tâm xẩy ra tự nhiên. Nghĩa là có thể vừa chú tâm cảm giác đó vừa có chú tâm với cảm giác khác đan xen với nhau hoặc di chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác.

Chú tâm liên tục cảm giác toàn thân vẫn theo nhịp thở và thứ tự Vô – Ra – Thân sẽ phát triển từ thô đến tế và sẽ đạt được nhị thiền, tam thiền, tứ thiền (ở trạng thái tứ thiền thì nhịp thở cũng như thứ tự vô – ra – thân rất vi tế và gần như biến mất).

Khi đạt được Chánh Định, an trú sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, hành giả kinh nghiệm được tích cực – vui – thoải mái của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền; hiện tại lạc trú của tứ thiền.

Sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân sẽ làm cho lộ trình tâm dừng lại ở tâm biết trực tiếp giác quan, tâm biết ý thức không khởi lên. Người thực hành sẽ kinh nghiệm được tâm ghi nhận thuần tuý (thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, cảm nhận chỉ là cảm nhận), gọi là Tỉnh Giác, không có khái niệm, không có ngôn từ, không có phân biệt, không làm phát sinh tham sân si.

Nhờ có Chánh định sẽ an trú Tỉnh giác mà hành giả sẽ kinh nghiệm được trạng thái vắng mặt khổ (thuật ngữ Phật học gọi là Khổ diệt, hay Niết bàn). Đây chính là mục đích thực hành thiền trong Giáo Pháp mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy.

Tóm lại, thực chất của sự thực hành thiền là rèn luyện trí nhớ (nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận liên tục cảm giác toàn thân theo nhịp thở, nhịp đi, nhịp làm việc) để sự việc xảy ra đến đâu thì trí nhớ khởi lên tại đấy. Và do vậy, sự chú tâm liên tục cảm giác toàn thân theo nhịp thở sẽ tự động khởi lên.

Khi trí nhớ đã được rèn luyện thuần thục thì chỉ cần bắt đầu nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi thì trí nhớ như một lập trình cài đặt trong bộ nhớ sẽ tuần tự khởi lên và Chánh định sẽ tự động khởi lên. Vì vậy, thực hành thiền là RÈN LUYỆN TRÍ NHỚ CHÁNH (thuật ngữ Phật học gọi là Chánh niệm), cụ thể là: Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận liên tục cảm giác toàn thân theo nhịp thở, nhịp đi, nhịp làm việc.

(*) Giải thích thêm về Niệm:

Niệm là một từ Hán Việt xuất hiện khi phiên dịch kinh điển Phật giáo từ tiếng Ấn Độ qua tiếng Trung Hoa, là ngôn từ nhằm trỏ đến một hành vi rất vi tế thuộc phạm trù tâm. Vì nó là một thuật ngữ thuần tuý Phật giáo, không được dùng trong tâm lý học, khoa học và đời sống thường ngày nên đa phần người học Phật không hiểu “Niệm” là cái gì. Tuy vậy, trong các bộ kinh Nikaya đã ít nhất một lần nhắc đến: “Niệm là nhớ lại được những gì đã học từ trước”. Định nghĩa đó đã khẳng định Niệm chính là Trí Nhớ, là nhớ đến những điều đã học, đã tích luỹ trong kho chứa thông tin của mỗi người.

Có 2 loại Niệm: Tà Niệm và Chánh Niệm.

Tà Niệm: là Trí nhớ, nhớ đến các thông tin hiểu biết sai sự thật về các sự vật, hiện tượng (thuật ngữ Phật học gọi là VÔ MINH).

Chánh Niệm: là Trí nhớ, nhớ đến các thông tin hiểu biết đúng sự thật về các sự vật, hiện tượng (thuật ngữ Phật học gọi là MINH).

5. CÁC TƯ THẾ THIỀN

Thực hành Thiền là thực hành CHÚ TÂM LIÊN TỤC KHÔNG TẬP TRUNG vào một đối tượng nào, do đó, Thiền có thể được thực hành trong mọi tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi…), trong mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày (ăn uống, vệ sinh, dọn dẹp…) và trong khi làm việc.

Trong đó, tư thế thiền ngồi (toạ thiền) là tư thế thực hành rất quan trọng, việc tọa thiền sẽ giúp hình thành thói quen chú tâm được nhanh và hoàn chỉnh, từ đó có thể phát triển thói quen chú tâm này khi đi, đứng, khi làm việc nghĩa là phát triển thói quen chú tâm liên tục không tập trung trong toàn bộ đời sống.

Hướng dẫn toạ Thiền đúng cách

a. Chuẩn bị

– Trang phục: Nên mặc những trang phục thoải mái, mát mẻ, thoáng mát vào mùa hè và đủ ấm vào mùa đông; cũng như có sự co giãn hợp lý để có thể tiến hành các tư thế ngồi thật thoải mái.

– Dụng cụ tọa thiền: một tấm lót hay nệm phẳng có độ rộng và dày phù hợp sao cho cảm thấy êm và thoải mái khi ngồi lên. Cố gắng ngay từ đầu không ngồi trên tọa cụ (ngồi kê đệm hay bồ đoàn ở phần mông), việc ngồi kê đệm hay tọa cụ trên phần mông có thể dễ thẳng lưng nhưng rất dễ đưa đến buồn ngủ và đặc biệt nhanh bị tê chân, vì các mạch máu chỗ phân cách của đệm bị chèn ép.

b. Tư thế

– Tư thế của chân: Có thể ngồi theo các tư thế khác nhau mà bạn cảm thấy thoải mái, như ngồi khoanh chân, ngồi chân trước chân sau, ngồi bó gối v.v.. nhưng tốt nhất vẫn là ngồi kiết già hay bán già. Khi tu tập đã tương đối tốt, an trú định vững chắc thì nên chuyển sang luyện tập ngồi kiết già.

+ Tư thế bán già là đặt chân nọ lên chân kia, có thể đặt chân trái lên đùi phải hoặc ngược lại. Lưu ý: Không để mắt cá chân trên chạm vào đùi dưới vì sẽ gây đau nhanh.

+ Tư thế kiết già là hai chân được gài chặt vào nhau, trước hết đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn chân trái đặt lên đùi phải hoặc ngược lại, sau đó dùng hai tay kéo nhẹ hai đầu gối ra xa nhau nhất có thể, sao cho hai đầu gối chạm được xuống đệm ngồi. Nếu hai đầu gối chưa chạm được xuống đệm ngồi thì có thể đổi chân.

– Tư thế của tay: Ngón trỏ và ngón giữa của hai bàn tay gài chặt, ngón áp út và ngón út của hai bàn tay đặt lên nhau, hai ngón cái chạm nhau.

– Tư thế của thân: Lưng và cổ thẳng; đầu để tự nhiên, không cúi xuống cũng không ngẩng lên; miệng ngậm tự nhiên, hai hàm răng chạm nhau (có thể hơi siết nhẹ), lưỡi chạm lên vòm họng trên; mắt có thể nhắm hoặc mở tùy ý.

c. Thực hành chú tâm

Thực hành thiền ở đây không với mục đích buộc tâm vào một đối tượng, mà là thực hành chú tâm liên tục với tất cả đối tượng, tức mọi cảm giác nổi trội xuất hiện.

Xem chi tiết ở mục 4. HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH THIỀN CHO NGƯỜI MỚI

 

Với các tư thế khác ngoài tư thế toạ thiền (đi, đứng, nằm, ăn uống, làm việc…), hành giả không cần chuẩn bị gì trước, cũng không có gì cần lưu ý về tư thế, chỉ cần thực hành chú tâm, cụ thể là RÈN LUYỆN TRÍ NHỚ CHÁNH (thuật ngữ Phật học gọi là Chánh niệm): Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận liên tục cảm giác toàn thân một cách tự nhiên theo nhịp thở, nhịp đi, nhịp làm việc.

 

6. MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI BẮT ĐẦU THIỀN

6.1. Làm sao khi ngồi thiền bị đau, ngứa?

HỎI

Khi ngồi thiền được một lúc thì chân con bị đau và hơi tê, khiến con không định được. Mỗi lúc như vậy khiến con cảm thấy căng thẳng và đau đầu. Con cố gắng không để ý đến chân đau mà chỉ tập trung vào hơi thở nhưng mà không được. Cái chân đau nó cứ ám ảnh khiến tâm con không cảm thấy thoải mái, nên ngồi thiền xong con cảm thấy cái đầu nó nặng nề. Vậy con phải làm sao?

ĐÁP

Khi cái đau chi phối thì không thể vào Định được. Khi ngồi thiền, nếu bị cái đau chi phối thì đổi tư thế, có thể chuyển sang tư thế ngồi bó gối, trong tư thế đó tiếp tục duy trì thực hành chú tâm liên tục không tập trung vào đối tượng nào như đã hướng dẫn thì vẫn vào Định được. Đến khi hết cảm giác đau thì có thể chuyển sang ngồi bán già, kiết già như ban đầu.

HỎI

Con ngồi thiền được 1 lúc thì khắp người lâu lâu như có con gì cắn, gây ra ngứa khắp nơi. Con phải làm sao?

ĐÁP

Nếu cảm giác ngứa đó không quá ghê gớm thì vẫn để bình thường như vậy, an trú Ghi nhận cảm giác ngứa ngáy đó, đan xen với cảm giác răng lưỡi, cảm giác thở vô, cảm giác thở ra. Khi đó sẽ kinh nghiệm được tâm ghi nhận thuần tuý mà tâm biết ý thức không khởi lên, vẫn ghi nhận rõ ràng minh bạch cảm giác ngứa ngáy đó nhưng không có thích ghét cảm giác đó, không bị cảm giác đó chi phối.

Nếu cảm giác ngứa ngáy đó mạnh, bị nó chi phối thì có thể lấy tay gãi để tạo duyên xúc mới, chấm dứt cảm giác ngứa ngáy đó. Trong lúc dùng tay gãi đó vẫn tiếp tục duy trì chú tâm liên tục cảm giác toàn thân theo nhịp thở.

6.2. Có cần chọn chỗ yên tĩnh khi ngồi thiền?

HỎI

Con đang vào định khá vững chắc thì đột nhiên có người vỗ vai và nói to, khiến con giật mình, lúc này con cảm nhận ngay mình hơi sân lên. Vậy khi ngồi thiền có nhất thiết phải chọn chỗ thật yên tĩnh không ai làm phiền để thiền toạ không ạ?

ĐÁP

Không cần chọn nơi yên tĩnh. Mục đích tu tập Định và Tuệ là để không bị chi phối bởi “ngoại cảnh”, thích nghi với mọi đối tượng. Mỗi một lần bị như vậy thì sẽ tuệ tri được sự thật và lần sau khi có sự việc tương tự thì kinh nghiệm lần này sẽ được nhớ lại và không xảy ra như trước nữa. Vài ba lần như vậy thì Định sẽ vững chắc hơn, Tuệ sẽ phát triển và thành tựu để đối diện với mọi tình huống cuộc sống.

6.3. Phân biệt Chánh Định và Tà Định

HỎI

Não con người chỉ tập trung vào 1 đối tượng vào 1 thời điểm, vậy cũng là chánh định chăng?

ĐÁP

Nếu tập trung vào một đối tượng thì chú tâm như vậy mọi người đều đã kinh nghiệm được, cũng đưa đến Định nhưng Định đó là Tà định vì chỉ có một loại Chú tâm có tầm có tứ, không có Chú tâm không tầm không tứ.

Khi có sự chú tâm liên tục nhưng không tập trung vào 1 đối tượng thì chú tâm đó mới phát sinh Chánh định. Sự Chú tâm Không Tập trung này bao gồm 2 loại chú tâm: Chú tâm có tầm có tứ và Chú tâm không tầm không tứ.

Khi chú tâm vào công việc (có tầm có tứ) mà không quên thân, nghĩa là có chú tâm không tầm không tứ các cảm giác trên thân (đặc biệt là cảm giác răng lưỡi) thì lúc đó sẽ có Chánh định (Sơ thiền).

6.4. Chú tâm cảm giác toàn thân là chú tâm những cảm giác nào?

HỎI

Khi toạ thiền quán thân phải tập trung vào cảm giác toàn thân gồm cảm giác thở vào, thở ra, răng lưỡi. Vậy ngoài 3 cảm giác trên, việc tập trung vào cảm giác TOÀN THÂN có còn phải chú ý những cảm giác nào nữa không ạ?

ĐÁP

Chú tâm liên tục Cảm giác toàn thân là chú tâm không tầm không tứ, tự động xẩy ra từ cảm giác này sang cảm giác khác KHẮP CẢ TOÀN THÂN nên không tập trung vào đối tượng nào cả. Cảm giác toàn thân xảy ra trên toàn bộ cơ thể lúc thì ở đầu, ngực bụng, chân tay, chuyển động của thân, khi thở vô thở ra, răng lưỡi… Lúc đầu còn hướng đến chú tâm Cảm giác nơi răng đồng thời nhắc thầm chữ “Răng”. Lúc đó sẽ kinh nghiệm được chú tâm nơi răng lưỡi (nếu mở mắt cũng đồng thời chú tâm hình ảnh) được kéo dài cho đến cảm giác thở vô khởi lên rồi cảm giác thở ra khởi lên thì CHÚ TÂM TỰ ĐỘNG xẩy ra với Cảm giác thở vô, Cảm giác thở ra. Hết cảm giác thở ra thì Nhớ đến hướng chú tâm vào cảm giác răng và nhắc chữ “Răng” để kéo dài chú tâm nơi răng (và một số cảm giác nơi thân, hình ảnh) thì sẽ kinh nghiệm chú tâm liên tục theo “vòng” và theo nhịp thở Vô – Ra – Răng.

Khi chú tâm theo nhịp thở, theo vòng Vô – Ra – Răng đã tự nhiên, thoải mái thì không hướng đến răng nữa mà để tự nhiên, cứ hết nhịp thở (hết thở ra) nhắc chữ “Răng” và để tự nhiên, CHÚ TÂM LIÊN TỤC sẽ TỰ ĐỘNG xảy ra theo nhịp thở. Lưu ý là chỉ RÈN LUYỆN TRÍ NHỚ ngậm chặt răng lưỡi, chú tâm cảm giác toàn thân theo nhịp thở. Chỉ thế thôi không làm gì nữa, chú tâm liên tục sẽ tự động xảy ra, xẩy ra ở đâu thì kệ nó, không điều khiển sự chú tâm ở đâu cả, không tập trung vào đối tượng nào cả. Chỉ nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và chú tâm cảm giác toàn thân theo nhịp thở RỒI SẼ KINH NGHIỆM KẾT QUẢ XẨY RA THẾ NÀO THÔI.

6.5. Tu thiền dễ dẫn đến tẩu hoả nhập ma?

HỎI

Nhiều người nói tu thiền dễ dẫn đến tẩu hoả nhập ma. Điều đó có đúng không?

ĐÁP

Từ “Tẩu hoả nhập ma” có xuất xứ từ Thiền tông Trung Hoa, để chỉ những người tham công án, tham thoại đầu quá hăng say, quá tích cực nên căng thẳng quá mức dẫn đến điên loạn. Đó chính là một căn bệnh tâm thần, căn bệnh hoang tưởng.

Hiện nay, “Tẩu hoả nhập ma” là cụm từ được dùng để chỉ cho hiện tượng những người tu trở nên kỳ dị, khác thường, điên điên, khùng khùng. Tẩu hoả nhập ma có thể xảy ra với những người tu tập chú tâm tập trung vào một đối tượng duy nhất (tu tập Tà Định).

Tẩu hoả nhập ma do hoang tưởng tức những cái tưởng tượng ra, mắt không thể thấy, tai không thể nghe, mũi không thể ngửi, lưỡi không thể nếm, tay không thể sờ nhưng người bị hoang tưởng thì lại chắc chắn rằng mình đang thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ được những cái đó.

Tóm lại: Tẩu hoả nhập ma là hiện tượng phổ biến, xảy ra với người tu mọi tông phái chứ không phải riêng đối với tu thiền. Cội gốc của các hiện tượng ấy là hiểu biết sai, hiểu biết không đúng sự thật các sự vật và hiện tượng của thực tại (thuật ngữ Phật học gọi là VÔ MINH). Khi thực hành Thiền, thực hành Bát Chánh Đạo do Đức Phật thuyết giảng để có hiểu biết đúng sự thật (MINH) thì cũng chấm dứt VÔ MINH, chấm dứt tẩu hoả nhập ma.

Trên đây là bước khởi đầu cho việc thực hành Thiền do Đức Phật khám phá và truyền dạy. Muốn đạt được kết quả tốt, quý vị nên tham gia ít nhất một khoá học Thiền do Gosinga tổ chức (miễn phí đào tạo), thông tin chi tiết tại đây: https://batchanhdao.vn/c/thien/khoa-thien-ngan-ngay/

Phan Thủy Quyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *