Năng lực hay Nghị lực thích nghi

Mấy tháng trước, một chị phụ huynh gọi điện đến hỏi về khóa tu 9 ngày tại chùa Long Hoa thiền tự. Chị kêu chị xưa nay có nghe Phật pháp và muốn tham gia. Nhưng lần này muốn dẫn con trai chị đi. Năm nay em lên cấp 3, chị muốn nó học hỏi được nhiều thứ hơn từ khóa thiền để áp dụng vào cuộc sống. Một phẩm chất mà chị muốn ưu tiên trau dồi ở hiện tại là: NGHỊ LỰC.

Tôi nói chuyện với chị đâu đó chừng gần 2 tiếng đồng hồ, đủ lâu để hiểu ra rằng chị là một người mẹ hiện đại, thông minh, hiểu biết, tâm lý và quyết định hơn cả là thương con, muốn con có những điều kiện và có những phẩm chất, kỹ năng mềm tốt nhất cho cuộc sống. Nhà chị có hai con trai. Anh đầu cũng lớn rồi. Ngày xưa chị chỉ chú tâm cho anh vào chuyện học hành, chỉ học và học. Và kết quả là anh đó học giỏi thật, cũng giải thưởng huân huy chương vì sự nghiệp học tập nhiều. Tự hào lắm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cả anh và chị, đều nhận ra học giỏi không là điều tiên quyết hay duy nhất. Để thành công với cuộc sống này, còn nhiều điều hơn nữa. Và ở hiện tại, chị đề cao chuyện NGHỊ LỰC. Cũng có thể là nhà chị có điều kiện quá, chị sợ con mình và đang thấy con mình phụ thuộc vào điều kiện vật chất mà ra đời với chỉ số vượt khó bằng 0.

NGHỊ LỰC được định nghĩa theo Wiktionary là: ý chí kiên quyết và bền vững.

Theo các trang khác, cũng như cách đa số mọi người hiểu, Nghị lực là sức mạnh tinh thần tạo cho con người sự kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước khó khăn, thử thách. Nhưng cũng đa phần chúng ta đều nghĩ ngay đến sự thiếu thốn, khắc nghiệt, nghèo khó… khi thấy từ khó khăn, thử thách trong định nghĩa đó. Và thường thì ví dụ của nghị lực là những con người đến từ hoàn cảnh này. Những người thành công tài giỏi mà có vị trí gia cảnh đầy đủ giàu sang thì không được miêu tả với tính từ này, có thể bị đánh giá thấp hơn so với sự nỗ lực của họ muốn được công nhận. Nhiều người còn nhẹ nhàng buông lời: Thì sung sướng điều kiện thế kia mà.

Chị hỏi tôi: Khóa tu có khắc nghiệt quá không em? Chị sợ nó chịu không được nhưng cũng quyết tâm cho nó đi để trải nghiệm. Mà chồng chị còn muốn cho tham gia khóa huấn luyện quân đội dành cho thanh thiếu niên cơ. Em thấy cái nào hiệu quả hơn?

Phụ huynh mong con cái mình tham gia các khóa huấn luyện quân đội, khóa tu để mong con trải nghiệm cái khổ, và từ đó kích hoạt chỉ số vượt khổ. Trong khi điều kiện hiện tại thì đang sướng giàu. Nhưng thử hỏi, chỉ 10 ngày trong quân đội hay khóa tu thì tạo ra được gì so với cả mười mấy năm sống ở gia đình? Dầu cho báo chí vẫn nói thói quen được hình thành sau 14 ngày, thì sau những ngày đó, điều gì sẽ khiến cho con người có ý định duy trì thói quen đó.

Không lạ, thông tin cơ thể con người là một cơ chế sinh tồn. Cơ thể của chúng ta rất thông minh, nó có cơ chế tự thay đổi để thích nghi với những hoàn cảnh bắt buộc. Bạn sẽ cáu lên vì đói như thể gần chết nếu đến bữa mà Grabfood ship muộn, nhưng nếu bị ném ra đảo hoang không ăn không uống thì cũng không lạ mà được trụ được vài ngày. 

Điều đó đồng nghĩa với việc, khi đưa cơ thể về môi trường sung sướng thoải mái, nó lại thích nghi nhanh chóng với môi trường đó. Đặc biệt là, dù có tham gia một khóa tu thiền hay huấn luyện khắc nghiệt nào đi chăng nữa, não của người tham gia cũng luôn ý thức được rõ ràng đây chỉ là trial (nhưng mất phí). Không thiếu những suy nghĩ: “Cố lên. Cố lên. Mấy ngày nữa là hết đó mà”.

Vì vậy, sau khóa học hay có thể hiểu là mấy ngày hành xác, giống như một đợt sóng ào lên rồi dạt xuống, lượng hormone trong người cũng xuống, những cảm giác được truyền cảm hứng cũng phai dần theo thời gian. Và con người lại hoàn về như ban đầu. Nghe thật giống mô típ những câu chuyện hay khóa học tìm động lực và sứ mệnh.

Tôi kể chị chuyện hai thằng em tôi đi học quân sự, ở trên doanh trại hơn một tháng chứ ít ỏi gì. Mấy ngày đầu về nhà, cũng theo nếp cũ của trên doanh trại, đi ngủ sớm và 5h sáng dậy. Tiếc là cảnh đó chỉ giữ được chừng 3-4 ngày rồi lại về thước phim cũ: ôm laptop đến 2h sáng và dậy ăn sáng lúc 12h trưa. Cũng có thể chúng là những người kỷ luật kém. Tôi lạc quan cho rằng chúng là những IT thông minh, hoặc cơ thể và đầu óc chúng thông minh vậy.

Nhưng trên đó vẫn là câu chuyện bề nổi để kể với nhau. Về bản chất, chúng ta cần định nghĩa như thế nào là Khổ?

Con người luôn cho rằng khổ là từ ngoại cảnh. Các phụ huynh, khi thấy báo đài đưa tin những em trẻ nhà nghèo không có sách học, mùa đông học bài trong áo mỏng, mùa mưa ôm nhau trong nhà dột nước… thì ngưỡng mộ, kêu con cái nhìn đó mà làm gương, rằng “khổ thế mà chúng nó còn học hành được, tụi bây sướng mà không biết hưởng”. Đó là những nhân vật “con nhà người ta”. Nhưng phụ huynh không hề biết rằng: Tụi con vượt sướng cũng rất khổ. Vượt hoài không nổi đây chứ. Vì vậy thì cũng có thể coi cái sướng của chúng con là khổ mà người lớn hoặc những người trong TV kia không hiểu được. Con cũng muốn chăm chỉ học hành, muốn cần cù siêng năng hay lao động cày cuốc nâng cao thể chất. Ngặt nỗi từ khi sinh ra nhà đã thơm tho mát lạnh, thành phố không có đất vườn mà cày cuốc, bố mẹ phục vụ đồ ăn nước uống tận bàn… Tự dưng lớn lên bắt tụi con chê tụi con không biết chịu cảnh ngược lại.

Và có ai hiểu một sự thực là, những đứa trẻ nếu sinh ra và lớn lên trong thiếu thốn, thì chúng không thấy những điều kiện đó thực sự ghê gớm kinh hoàng như người đang ngồi điều hòa xem chúng trên TV. Những đứa trẻ đó coi việc dậy sớm phụ mẹ nấu cám lợn, chăn trâu chăn bò giữa nắng gắt, bê lúa gạo nặng…là những việc tương đối bình thường, và cơ thể chúng, đương nhiên cũng thông minh mà thích nghi với những công việc đó. Có những đứa giỏi chịu nóng chịu lạnh của thiên nhiên khắc nghiệt địa phương, nhưng vô phòng điều hòa thì không chịu được mà ốm, rồi sợ hãi hùng. Những lúc đó, chính phòng điều hòa sung sướng mới là cái khổ của chúng.

Định nghĩa cái khổ của từng người khác nhau. Đừng áp cái khổ của bản thân vào người khác rồi đánh giá họ rồi so sánh với mình. Một đợt, tôi thấy rất nhiều người và báo mạng ngợi ca hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên lặn lội sông nước để làm từ thiện, xuýt xoa cô giàu sang xinh đẹp thế mà chịu khó hy sinh ghê. Rồi ngưỡng mộ cảm phục mà gửi tiền ủng hộ nhiều hơn. Rồi cũng chính những người đó sau này lại bức xúc cách làm của cô ca sĩ này mà hối hận.

Tôi không biết để bàn nhiều bàn sâu, chỉ thấy cách đánh giá việc lội nước ăn mì là khổ hơi phiến diện, đa số là từ người thành phố hoặc điều kiện khá đầy đủ ngồi lướt Facebook. Chị Thủy Tiên có thể thấy đó là việc không ghê gớm đến vậy để mà phải nỗ lực ghê gớm. Chưa kể báo chí nói chị xuất thân cũng nghèo khổ cơ cực, ở vùng miền Tây sông nước, nên chắc là cảnh khổ này với chị cũng là “easy game” thôi. Bổ sung thêm là tôi vẫn đang nêu cảm nhận suy đoán trên sự quý trọng sự thơm thảo thiện lành của Thủy Tiên nhé. ?

Vậy nên, vẫn quý trọng những tấm gương vươn lên tỏa sáng trong hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt, nhưng các phụ huynh đừng quá cứng nhắc luôn lấy đó làm tấm gương cho con em mình học tập đức tính nghị lực.

Có một câu chuyện kể rằng, một ông giám đốc rất thích cô nhân viên của mình. Buồn là cô ấy đã có bạn trai và cả hai người rất gắn bó, cô gái rất chung thủy với người yêu dù hoàn cảnh của anh vẫn đang nghèo khó. Ông giám đốc bèn nghĩ kế, tặng cho cô gái và bạn trai một chuyến du lịch dài ngày đắt tiền, đến nơi có cảnh đẹp, có nơi ở tiện nghi sang trọng, ăn những món ăn ngon,… cùng những dịch vụ và vật chất sung sướng xa xỉ. Hai người đã có một chuyến đi nghỉ tuyệt vời bên nhau. Nhưng sau khi trở về một thời gian thì cô gái chia tay chàng trai và đến với người đàn ông giàu có. Tôi không biết đây là một câu chuyện thật hay bịa đặt, mục đích nêu ra bài học ý nghĩa gì hay châm biếm hài hước… Tôi chỉ muốn nói đến chuyện, “vượt sướng” cũng là một nghị lực cần rèn giũa. Trước khi chia tay, có mấy ai không khen cô gái chịu khó thủy chung dù người yêu nghèo khó?

Khá ngược đời là,  bây giờ người ta đưa người cần vượt sướng ném vào môi trường cần vượt khổ.

Vậy thì vượt sướng bằng cách nào? Có cần sự nghị lực?

Tôi nói với chị phụ huynh, chúng ta nên thay từ Vượt khổ – Vượt sướng, nghị lực bằng kỹ năng thích nghi. Cuối cùng thì, khả năng thích nghi mới là điều quan trọng. Nghèo đói thiếu thốn thì thích nghi không chê bai hằn học nghèo đói thiếu thốn. Sung sướng ấm êm thì thích nghi không phụ thuộc vào sung sướng ấm êm. Ở chỗ khổ cũng vui mà chỗ sướng cũng chỉ thấy đó chỉ là tiện nghi thoải mái. Và điều đó được tạo ra từ ý thức bên trong, chứ không phải từ ngoại cảnh bên ngoài.

Thế giới luôn thay đổi. Hôm nay trắng tay mai sau đã đề huề xe cộ. Tối nay nhà lầu Vila mai bán nhà trả nợ. Chúng ta cũng không kiểm soát được thời tiết khắc nghiệt hay ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Chẳng có cách nào khác tối ưu và triệt để bằng rèn luyện cho mình không tâm thái bình thản: Không ghét bỏ khó khăn vào những điều tạo ra cảm giác khó chịu. Không yêu quý phụ thuộc vào những điều kiện sung sướng êm ái tạo cảm giác dễ chịu.

Mà hiểu biết về sự thích nghi đó, chính người phụ huynh phải hiểu rõ ràng sâu sắc thì mới thấu hiểu con cái và định hướng cho con được. Chị phụ huynh thông thái đó đồng ý với lời tôi, nhưng cuối buổi vẫn nói chị lên xem cơ sở vật chất trước được không, và nói chuẩn bị thêm sữa bánh các thứ vì sợ con đói. Bởi bản chất từ sâu thẳm bao lâu đã, nên nay vẫn cho đó là khổ sở thiếu thốn, và cần khắc phục bên ngoài. Nhưng vì chị là người phụ huynh thông thái, lúc sau nghĩ lại chị nói “Không cần đâu em nhỉ? Cứ đăng ký cho tham gia thôi.”

Không biết cô gái trong câu chuyện trên có thật không, nếu có thì tôi gửi đến cô khóa thiền Tứ niệm xứ – Thiền sư Nguyên Tuệ. Cô học xong thì sẽ biết như thế nào là Khổ, là Hạnh phúc. Nhờ kỹ năng thích nghi, cô sẽ kiên định vững vàng hơn anh người yêu để bước qua hoàn cảnh khó khăn, đi qua những sự sung sướng xa hoa dễ làm con người lầm lẫn với sự bình thản không nhớ nhung phụ thuộc.

Mà thực ra, cô gái hay chàng trai, con em hay phụ huynh, người nghèo hay đại gia… tất cả đều cần khóa học này: https://gosinga.vn/khoa-hoc/online/

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *