KHỔ ĐẾ – CẦU BẤT ĐẮC KHỔ

Nghĩa tiếng Việt “cầu bất đắc khổ” là mong cầu một cái gì đó mà không được thì sẽ phát sinh khổ, sẽ có khổ. Đây là một cái khổ trong 7 cái khổ của đời sống nhân loại mà Đức Phật đã thuyết giảng trong bài kinh “Chuyển Pháp Luân”. Đó là “Sinh là khổ, Già là khổ, Bệnh là khổ, Chết là khổ, Cầu bất đắc khổ, Ái biệt ly khổ, Oán gắng hội khổ. Tóm lại Năm Thủ Uẩn là khổ”.

Trong đoạn kinh này có có 7 cái khổ phát sinh trong 7 trường hợp trên và đó là chân lý, là sự thật có tính chất phổ quát với toàn thể nhân loại. Chỉ ngoại trừ những người đã giác ngộ, giải thoát không có 7 nỗi khổ nói trên còn những người còn lại cho dù già trẻ gái trai, giàu nghèo, ngu trí đều có 7 nỗi khổ phát sinh khi ở trong các hoàn cảnh nói trên.

Tóm lại Năm Thủ Uẩn là khổ thì không phải là cái khổ thứ 8 như nhiều người hiểu là bát khổ mà “Tóm lại Năm Thủ Uẩn là khổ” là thuyết minh về sự thật khổ, nghĩa là khổ không sẵn có, không luôn luôn có, không thường hằng, không thường trú trong các sự kiện trên, khổ chỉ phát sinh khi có tư tưởng tà kiến, chấp thủ Năm Uẩn này là của Ta, là Ta, là tự ngã của Ta. Vì vậy, khổ là do duyên khởi, bản chất nó là vô thường, vô chủ, vô sở hữu ( vô ngã ).

Mong cầu cái gì mà không đạt được thì khổ sẽ phát sinh. Đây là một sự thật hiển nhiên mà con người bình thường ai cũng kinh nghiệm được và là sự thật hiển nhiên như đất dưới chân mỗi người. Sự thật trong đời sống của mỗi một người có vô số mong cầu nhưng có rất ít mong cầu đạt được, nó ít ỏi như cách ví von trong kinh điển là đất trong móng tay so với đất trên quả địa cầu, ít ỏi vô cùng. Và vì vậy, cuộc đời này vui thì ít, khổ thì nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Nhưng những mong cầu mà nhân loại cho rằng đã đạt được và vui thú vì nó thì sẽ mong cầu nó là của ta mãi mãi. Nhưng vì nó vô thường, sinh lên rồi diệt đi nên khi nó biến hoại, biến diệt, mất đi thì sầu bi khổ não khởi lên. Đó cũng chính là Cầu bất đắc khổ.

Nhân loại mong cầu gì?

Nhân loại mong cầu LÀM CHỦ, mong cầu SỞ HỮU các đối tượng thực tại. Thế gian này, xã hội loài người này đang vận hành trên nền tảng tư tưởng LÀM CHỦ, tư tưởng SỞ HỮU. Từ hiến chương Liên hợp quốc đến Luật pháp của mỗi một quốc gia, hương ước làng xã, đến các quy định bất thành văn về quan hệ giữa con người với các sự vật đều đặt nền tảng trên quan hệ CHỦ NHÂN, CHỦ SỞ HỮU, đều công nhận một quyền cơ bản của con người là QUYỀN LÀM CHỦ, QUYỀN SỞ HỮU.

Nền văn học nghệ thuật, văn hoá tư tưởng, phim ảnh ca nhạc của nhân loại đang từng giây phút phát minh ra biết bao hình dung từ, biết bao mỹ từ tốt đẹp để ca ngợi, để bảo vệ quyền làm chủ, quyền sở hữu của con người. Làm chủ cuộc sống, làm chủ hạnh phúc, làm chủ tương lai, làm chủ gia đình, xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ quy luật, làm chủ thân tâm, làm chủ cảm xúc, làm chủ lời nói hành động, làm chủ sinh già bệnh chết … Nhân loại, ai ai cũng đang nỗ lực phấn đấu để khẳng định, để tăng trưởng, để bảo vệ quyền làm chủ, quyền sở hữu. Sở hữu tiền bạc, nhà cửa, đất đai, xe cộ, con cái vợ chồng, sông biển …

Vậy thì nhân loại đang mong cầu QUYỀN LÀM CHỦ, QUYỀN SỞ HỮU đối với các đối tượng mà họ thấy, họ nghe, họ cảm nhận mà họ yêu thích như Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái … Nhân loại dù già trẻ gái trai ngu trí, dù sắc tộc tôn giáo nào nếu đang bị vô minh che đậy thì đều hiểu, đều mặc định là ta nhất định sẽ làm chủ, sẽ điều khiển được, ta nhất định sẽ sở hữu được các đối tượng đó. Vì sao ? Vì họ cho rằng, mặc định rằng các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận mà họ yêu thích, mê đắm đó là THẾ GIỚI VẬT CHẤT và đã là thế giới vật chất thì đương nhiên sẽ làm chủ, điều khiển, sở hữu được nó.

Nhưng sự thật đang xẩy ra thì ngược lại hiểu biết và mong cầu của nhân loại. Sự thật đó là : Không có bất kỳ một ai, một thế lực nào đạt được QUYỀN LÀM CHỦ, QUYỀN SỞ HỮU với các ĐỐI TƯỢNG THỰC TẠI mà họ thấy, nghe, cảm nhận rồi yêu thích, mê đắm. Và vì mong cầu mà không được nên sầu bi khổ não sẽ khởi lên. Đó chính là “Cầu Bất Đắc Khổ”.

Nhưng tại làm sao mà loài người mong cầu quyền làm chủ, quyền sở hữu mà lại không đạt được mong cầu đó và vì không đạt được mong cầu đó nên phát sinh khổ ? Tại vì nhân loại bị vô minh che đậy nên không “nhìn thấy” SỰ THẬT THỰC TẠI mà lại “nhìn gà hoá cuốc”, hiểu biết sai sự thật về thế giới thực tại.

Nghĩa là thế giới thực tại này vốn là Thế giới Cảm giác ( cảm thọ ) do Sáu Căn tương tác ( tiếp xúc ) với Sáu Trần mà phát sinh, nó là Tâm chứ không phải Vật ( thế giới vật chất ), nó vô thường, vô chủ vô sở hữu nhưng nhân loại lại hiểu nhầm nó là Thế giới Vật chất. Khi hiểu biết đúng sự thật thế giới thực tại gồm những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận là Thế giới Cảm thọ ( Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm và Cảm giác pháp trần ) do sáu Căn tương tác sáu Trần mà phát sinh, hiểu biết đúng như thật NÓ LÀ TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI VẬT, hiểu biết đúng như thật nó VÔ THƯỜNG, hiểu biết đúng như thật nó VÔ CHỦ VÔ SỞ HỮU, nghĩa là hiểu biết đúng như thật không có một ai, một cái tôi, một cái ta ( bản ngã ) nào có thể làm chủ, điều khiển, sở hữu được thế giới thực tại.

Hiểu biết đúng như thật đó sẽ làm phát sinh hiểu biết đúng như thật, BẢN CHẤT CỦA CUỘC SỐNG THẾ GIAN LÀ CẦU BẤT ĐẮC KHÔ Nguyên nhân của Cầu bất đắc khổ chính là tư tưởng vô minh tà kiến, ảo tưởng về một cái Ta là chủ nhân, chủ sở hữu của Sắc Thọ Tưởng Hành Thức và mong cầu quyền làm chủ, quyền sở hữu là mong cầu cho cái Ta ảo tưởng đó. Cho nên Kinh mới nói “Tóm lại Năm Thủ Uẩn là khổ” là như vậy.

Nói Sinh là khổ, Già là khổ, Bệnh là khổ, Cầu bất đắc khổ, Ái biệt ly khổ ( Yêu mà phải chia lìa là khổ ), Oán thắng hội khổ ( Hận thù mà gặp nhau là khổ ) là mô tả khổ phát sinh trong những hoàn cảnh như vậy nhưng về bản chất thì đều là Cầu bất đắc khổ.

Sinh là khổ: Sinh ra với kỳ vọng, với mong cầu cuộc đời luôn luôn an ổn hạnh phúc, tận hưởng được mọi niềm vui, hạnh phúc, lạc thú cuộc đời, muốn gì được nấy nhưng sự thực đã sinh ra là bất toại nguyện, là vui ít khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Cho nên Sinh là khổ bản chất là Cầu bất đắc khổ.

Già là khổ : con người với mong cầu trẻ mãi không già với sắc đẹp và sức khỏe của tuổi thanh xuân để tận hưởng niềm vui của cuộc đời nhưng khi già đến tóc bạc răng long, thân thể rã rời … không còn điều kiện để tận hường niềm vui, hạnh phúc lạc thú. Đó là cái khổ của già mà bản chất là Cầu bất đắc khổ.

Bệnh là khổ : con người mong cầu một cuộc sống mạnh khỏe, không bệnh tật nên khi bệnh tật đến, mong cầu không được thỏa mãn nên không những trên thân xuất hiện các khổ thọ mà nội tâm khởi lên khổ khổ. Bệnh là khổ là như vậy và bản chất là Cầu bất đắc khổ.

Chết là khổ : con người muốn trẻ không già, trường sinh bất diệt để tận hưởng mọi niềm vui hạnh phúc cuộc đời, để sở hữu những thứ mà mình đã nỗ lực để có được nhưng khi đối diện với cái chết thì mất tất cả, không còn được sở hữu bất kỳ một thứ gì, không còn thân xác này, không còn đôi mắt để ngắm nhìn người thương yêu, không còn ngắm nhìn được cả trời xanh mây trắng … Và sau cái chết là một chốn đen ngòm khủng khiếp với biết bao nỗi sợ hãi khủng khiếp đang chờ đợi. Mong cầu cho đừng chết, đừng rơi vào nơi chốn ấy nhưng không thể được cho nên đau khổ khởi lên. Chết là khổ là vậy và bản chất cũng là Cầu bất đắc khổ.

Ái biệt ly khổ : yêu thương nhau mà phải xa cách, phải chia lìa chắc chắn là khổ. Khổ này do mong cầu gần nhau mà không toại nguyên nên bản chất là Cầu bất đắc khổ.

Oán tắng hội khổ : thù hận nhau mà phải gặp nhau, phải gần nhau chắc chắn là khổ. Khổ này do mong cầu xa cách nhau, không sống gần nhau, không gặp nhau nhưng không được toại nguyện nên bản chất là Cầu bất đắc khổ.

Đại Đức Nguyên Tuệ, 26/02/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *