CHẤP CÓ CHẤP KHÔNG VỀ HẠNH PHÚC

CHẤP CÓ CHẤP KHÔNG VỀ HẠNH PHÚC
Nhân loại này, dù già trẻ gái trai giàu nghèo ngu trí, dù thuộc dân tộc, tôn giáo nào, hễ khi có Hạnh phúc thì ai ai cũng cảm nhận được Hạnh phúc, không cần ai dạy bảo, không cần học hỏi. Nhưng đa phần nhân loại KHÔNG HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT HẠNH PHÚC, như Kinh Pháp Môn Căn Bản nói là KHÔNG LIỄU TRI HẠNH PHÚC, nên đã Mặc định rằng, có được Hạnh phúc thì chấm dứt được Khổ, như ánh sáng xuất hiện thì bóng tối biến mất. Chính vì hiểu biết không đúng sự thật đó, nên tham ái, tìm cầu Hạnh phúc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái để Chấm dứt Khổ, nhưng kết quả là chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác mà thôi. Hiểu biết sai lạc, vô minh về Hạnh phúc của nhân loại được chia làm hai loại :
– Một là hạnh phúc sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú trong thế giới vật chất ngoại cảnh, như Hạnh phúc có trong Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái. Hạnh phúc có trong tiền bạc, xe cộ, đất đai, nhà cửa, sắc đẹp, sự sống, khoẻ mạnh, danh tiếng, sự thành đạt… Đây là quan điểm Duy vật, còn gọi là Thường Kiến hay CHẤP CÓ. Chính vì tư tưởng tà kiến CHẤP CÓ như vậy nên nhân loại lao tâm khổ trí, cố gắng học hành, trau dồi nghề nghiệp, sản xuất buôn bán, nỗ lực cố gắng để kiếm tìm hạnh phúc trong thế giới vật chất ngoại cảnh
– Hai là Hạnh phúc là phần thưởng từ các đấng thần linh, từ Chúa, từ Phật, từ bồ tát, từ tổ tiên đã quá vãng mang đến cho con cháu, từ thế giới tâm linh mà đến với con người. Đây là quan điểm Duy tâm còn gọi là Đoạn kiến hay CHẤP KHÔNG. Chính vì tư tưởng tà kiến CHẤP KHÔNG như vậy mà nhân loại thờ cúng đủ loại thần linh, xây dựng bảo tháp nguy nga, mộ phần đồ sộ, cúng tế, lễ bái cầu nguyện thường xuyên, dâng sao giải hạn định kỳ … hầu mong mỏi phước báo từ thế giới tâm linh được ban phát đến mình.
Đa phần người tu học Phật giáo cũng đang CHẤP CÓ và CHẤP KHÔNG về Hạnh phúc như vậy, nên đa phần các giảng sư đang thuyết giảng để tìm cầu hạnh phúc. Có thể là từ bỏ hạnh phúc vật chất giả tạm, nhưng tìm kiếm để tận hưởng hạnh phúc tinh thần chân thật thanh cao. Nhiều diễn giả nổi tiếng khuyên bảo hãy từ bỏ truy tìm hạnh phúc trong quá khứ và tương lai mà hãy khám phá và tận hưởng hạnh phúc trong giây phút hiện tại của thế giới thực tại mầu nhiệm này. Vì mãi mê với quá khứ và tương lai nên con người không thể tiếp xúc được với thế giới thực tại mầu nhiệm, tràn đầy hạnh phúc với trời xanh, mây trắng, gió hát thông reo, tình yêu thiên nhiên cây cỏ, tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái … đó chính là CHẤP CÓ. Một số khác thì hàng ngày siêng năng lễ bái, tụng kinh với mong ước phước báo cháy bỏng, cầu xin tam bảo, chư thiên, Phật, bồ tát gia hộ, ngăn ngừa mọi tai ương, mọi mộng mỵ bất thường, mọi nghịch duyên trở ngại, thảy đều mau tan biến. Một số thì siêng nặng tụng niệm, siêng năng hành thiền với ước nguyện đắc được thần thông để thâm nhập thế giới tâm linh, sau khi chết được về Tây phương cực lạc, được tâm thanh tịnh để nhập Niết bàn với hạnh phúc tuyệt đối … đó chính là CHẤP KHÔNG.
Người trí với Văn tuệ, với Tư tuệ, với Tu tuệ THẤY BIẾT NHƯ THẬT Hạnh phúc là CẢM THỌ ( CẢM GIÁC ) mà cụ thể là LẠC THỌ do CĂN TRẦN tiếp xúc mà phát sinh, nó VÔ THƯỜNG, VÔ CHỦ VÔ SỞ HỮU, NÓ CÓ VỊ NGỌT, CÓ SỰ NGUY HIỂM VÀ CÓ SỰ XUẤT LY. Chính hiểu biết đúng sự thật về Hạnh phúc làm cho người trí không khao khát, mong mỏi tìm cầu Hạnh phúc, không còn đuổi bắt Hạnh phúc. Người trí đoạn tận ba ái gồm Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái là Nguyên nhân phát sinh mọi nỗi khổ trên đời. Đây chính là điều mà Đức Thế Tôn đã giác ngộ và Ngài đã tuyên bố trong kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh : “Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ, mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ”.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *