Định là một trạng thái thuộc phạm trù tâm, phát sinh do sự CHÚ TÂM LIÊN TỤC trên các đối tượng đang sanh diệt. Có hai loại Định là Tà Định và Chánh Định. Để phân biệt hai loại Định này có thể phân biệt bằng các loại chú tâm. Đó là hai loại chú tâm gồm: CHÚ TÂM CÓ TẦM CÓ TỨ và CHÚ TÂM KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ.
– Một là : Chú Tâm Có Tầm Có Tứ là sự chú tâm có hướng đến đối tượng ( tầm theo tiếng Tàu là hướng đến ) và có duy trì sự chú tâm trên đối tượng đó. Đây là sự chú tâm có sự hướng đến đối tượng và duy trì sự chú tâm trên đối tượng.
– Hai là : Chú Tâm Không Tầm Không Tứ là sự chú tâm không hướng đến bất kỳ một đối tượng nào và cũng không duy trì sự chú tâm trên bất kỳ đối tượng nào. Đây là sự chú tâm TỰ ĐỘNG XẨY RA từ đối tượng sinh diệt này sang đối tượng sinh diệt khác.
1 – TÀ ĐỊNH là trạng thái Định phát sinh do chỉ có một loại chú tâm duy nhất là Chú tâm có Tầm có Tứ.
Đa phần các trường phái tu thiền chủ trương thực hành duy nhất loại chú tâm này vì chú tâm có tầm có tứ phù hợp với quan điểm buộc tâm vào một đối tượng duy nhất, để đạt được nhất tâm trên một cảnh, để tâm không phóng dật.
Ví như tu Định với biến xứ đất, họ lấy một miếng đất dạt ra và ngồi ngắm miếng đất đó để hình ảnh, màu sắc đó được lưu giữ vào bộ nhớ.Tiếp đến họ nhắm mắt lại để tưởng nhớ ra hình ảnh miếng đất vừa nhìn và chú tâm vào hình ảnh vừa “tưởng ra” đó. Cứ lặp đi lặp lại cách đó suốt ngày đêm, cho đến lúc cái hình ảnh được “tưởng ra” đó vững chắc, không mất đi nữa và tâm an trú vững chắc trên hình ảnh đó thì đạt được trạng thái định.
Trạng thái định xẩy ra này do chú tâm liên tục vào đối tượng được “tưởng ra” và sự chú tâm đó là chú tâm Có Tầm Có Tứ, nghĩa là chú tâm có hướng đến đối tượng và duy trì sự chú tâm trên đối tượng được tưởng ra, buộc tâm vào đối tượng được tưởng ra. Nhắm mắt lại và đặt tâm nơi điểm xúc chạm giữa môi trên và hơi thở rồi chú tâm vào đó để quan sát hơi thở vô ra cũng là chú tâm có tầm có tứ trên đối tượng được “tưởng ra”, cũng y như là biến xứ đất, nước, lửa, gió …
Vì đa phần các trường phái tu Định đều đã Mặc Định là phải buộc tâm vào một cảnh, nhất tâm trên một cảnh, tâm chỉ an trú trên một đối tượng duy nhất nên họ chỉ biết đến duy nhất một loại chú tâm có tầm có tứ, họ không thể biết, không thể chấp nhận loại chú tâm không tầm không tứ, không chấp nhận sự tồn tại của Định không tầm không tứ.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh có tường thuật lại cuộc đối đáp giữa cư sĩ Cita với người đứng đầu giáo phái Ni kiền tử ( Kỳ na giáo ) và ngoại đạo đó đã nói về Đức Phật và Định không tầm không tứ như sau : “Sa môn Gotama là hư ngụy, là dối trá. Sa môn Gotama chủ trượng định không tầm không tứ thì có khác gì chủ trương dùng lưới để buộc gió lại giữa hư không, thật là điều không tưởng”.
Ngoại đạo không thể hiểu, không thể chấp nhận Định không tầm không tứ, do chú tâm không tầm không tứ mà phát sanh, do Đức Phật chứng ngộ và thuyết giảng.
2 – CHÁNH ĐỊNH là trạng thái Định mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng, với bốn mức độ định khác nhau là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.
Kinh điển đã ghi nhận đặc tính của bốn trạng thái định đó như sau :
“Ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với chú tâm có tầm có tứ. Diệt chú tâm có tầm có tứ chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh với chú tâm không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xã, thân cảm lạc thọ mà bậc thánh gọi là xã niệm lạc trú, chánh niệm tĩnh giác, chứng và trú tam thiền. Xã lạc xã khổ, diệt trừ hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú tứ thiền, tâm thanh tịnh nhờ xã”.
Bốn mức độ Định này là sự phát triển tuần tự từ Sơ thiền lên Nhị thiền, lên Tam thiền rồi lên Tứ thiền, chứ không phải là đạt được các định ấy một cách độc lập với nhau. Trong bốn tầng định này thì Sơ thiền là Định có tầm có tứ và Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền là Định không tầm không tứ. TRONG ĐỊNH KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ, CHỈ CÓ DUY NHẤT LOẠI CHÚ TÂM KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ, KHÔNG CÒN LOẠI CHÚ TÂM CÓ TẦM CÓ TỨ BỞI KHI CHUYỂN QUA NHỊ THIỀN ĐÃ DIỆT CHÚ TÂM CÓ TẦM CÓ TỨ.
Chi tiết này cũng chỉ rõ là ở Sơ thiền phải gồm có hai loại chú tâm có tầm có tứ lẫn không tầm không tứ, còn các tầng thiền cao hơn thì chỉ có chú tâm không tầm không tứ. Vậy thì Chánh Định mà Đức Phật đã chứng ngộ có đặc trưng là loại chú tâm không tầm không tứ mà ngoại đạo không thể nào hiểu nổi, không thể nào chấp nhận.
Và sự tồn tại loại chú tâm không tầm không tứ đã KHẲNG ĐỊNH LÀ TRONG CHÁNH ĐỊNH CÓ SỰ CHÚ TÂM LIÊN TIẾP TỪ ĐỐI TƯỢNG SINH DIỆT NÀY SANG ĐỐI TƯỢNG SINH DIỆT KHÁC CHỨ KHÔNG PHẢI CHÚ TÂM VÀO MỘT ĐỐI TƯỢNG DUY NHẤT, KHÔNG PHẢI BUỘC TÂM VÀO MỘT ĐỐI TƯỢNG như quan điểm các trường phái Phật Giáo hiện nay.
Chánh Định không chú tâm vào một đối tượng duy nhất, không có mục đích buộc tâm vào một đối tượng duy nhất để nhất tâm trên một cảnh, để tâm không phóng dật vì không hề có một cái tâm nào cố định, cũng không hề có một đối tượng nào cố định để mà buộc nó lại với nhau như vậy, do tâm và các đối tượng đều đang sinh diệt.
Vậy thì Chánh Định là sự chú tâm liên tiếp từ đối tượng sinh diệt này sang đối tượng sinh diệt khác, mục đích là để làm gì? Phải hiểu rằng tâm không phải cấu trúc nguyên khối như một thực thể di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác mà là một lộ trình sinh diệt của nhiều Danh pháp khác nhau do duyên Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, trong đó có hai loại tâm biết:
(1) Tâm biết trực tiếp giác quan ( trực giác ) có phận sự GHI NHẬN ĐỐI TƯỢNG và (2) tâm biết gián tiếp Ý thức có phận sự xác định đối tượng vừa được ghi nhận là cái gì, tính chất ra sao ( Tâm lý học hiện đại gọi tâm biết trực tiếp là Nhận thức cảm tính đối tượng và tâm biết Ý thức là Nhận thức lý tính đối tượng ).
Đối với Phàm phu thì tâm biết trực tiếp thấy, nghe, cảm nhận đối tượng chỉ ghi nhận đối tượng, đối tượng như thế nào thì ghi nhận như thế đó, nên nó là như thực ở mức độ cảm tính, còn tâm biết Ý thức là hiểu biết sai lạc, gọi là vô minh nên sẽ phát sinh thái độ tham sân si, phát sinh phiền não.
Mục đích chú tâm liên tiếp từ đối tượng sinh diệt này sang đối tượng sinh diệt khác trong hai cách tu CHỈ và QUÁN mà Phật đã thuyết giảng là như sau:
– TU CHỈ
Tu Chỉ là khi thực hành Chánh Niệm về Thân. Chánh Niệm về Thân cụ thể là : Nhớ đến chú tâm theo dõi ( quán sát ) các đối tượng ( cảm giác ) nơi thân. Ví như khi tọa thiền trước tiên là xiết nhẹ hai hàm răng lại và đầu lưỡi chạm vào hàm răng trước làm phát sinh cảm giác nổi trội nơi răng lưỡi và nếu Trí nhớ Chánh ( Chánh Niệm ) “Nhớ đến chú tâm theo dõi các cảm giác nơi thân” khởi lên liên tục thì Nhớ Nghĩ về thế gian ( Niệm và Tư duy thế tục ) không khởi lên.
Lúc đó sự chú tâm theo dõi sẽ TỰ ĐỘNG khởi lên, bắt đầu từ cảm giác nơi răng lưỡi tiếp đến cảm giác thở vô, tiếp đến cảm giác thở ra. Hết cảm giác thở ra lại tiếp đến cảm giác nơi răng lưỡi rồi lại tiếp đến cảm giác thở vô … và cứ tiếp tục xẩy ra theo một vòng có ba cảm giác nổi trội là Cảm giác răng lưỡi, Cảm giác thở vô, Cảm giác thở ra. Quá trình chú tâm theo dõi sẽ tự nhiên dần và sẽ quan sát được thêm nhiều cảm giác trên thân đan xen với ba cảm giác nổi trội trên như cảm giác chuyển động, cảm giác nơi chân, nơi ngực, nơi bụng …
Do có sự chú tâm liên tiếp từ đối tượng này sang đối tượng khác nên lúc đó chỉ có tâm biết Thân thức Ghi nhận các cảm giác trên thân mà tâm biết Ý thức không khởi lên ( cảm nhận tâm vắng lặng, không suy nghĩ, không tư tưởng nào khởi lên ), nghĩa là lộ trình tâm DỪNG LẠI TÂM BIẾT TRỰC TIẾP ( CHỈ ) và lúc này gọi tâm biết trực tiếp đó là TỈNH GIÁC.
Nhờ lộ trình tâm dừng lại và chỉ có tâm biết trực tiếp mà tâm biết Ý thức vô minh không khởi lên nên không tìm hiểu, không nhận xét, không đánh giá đối tượng, và vì vậy sẽ không phát sinh thái độ thích hay ghét ( Tham hay Sân ) với đối tượng. Do không có thái độ tham sân với đối tượng nên không Dính mắc với đối tượng và do không dính mắc mà sẽ không có Phiền não với đối tượng. Đây chính là giải thoát và giải thoát này do tu Chỉ như vậy mà có nên gọi là Tâm Giải Thoát.
Khi tọa thiền nhờ chú tâm theo dõi liên tiếp từ đối tượng này đến đối tượng khác trên thân nên không những Thân thức Ghi nhận các đối tượng ( cảm giác xúc chạm ) nơi thân mà Nhĩ thức vẫn Ghi nhận đối tượng ( cảm giác âm thanh ) và Tưởng thức Ghi nhân đối tượng ( cảm giác pháp trần ) nhưng Ý thức không khởi lên nên vẫn an trú Tâm Giải Thoát.
Tương tự như vậy, khi thiền hành nếu trong 20 phút mà Chánh Niệm, nhớ đến chú tâm theo dõi các cảm giác nơi thân khởi lên liên tục không gián đoạn, không Nhớ Nghĩ bất kỳ một chuyện gì khác thì trong thời gian đó không bị phân tâm ( nhất tâm ), lúc đó chú tâm theo dõi tự động khởi lên. Lúc đó chỉ có Thân thức Ghi nhận cảm giác chân trái, chân phải chạm đất, cảm giác chuyển động của vai, cổ, cảm giác nơi bụng … ( với chú tâm không tầm không tứ ) nhưng Nhãn thức vẫn Ghi nhận cảm giác hình ảnh đường đi với chú tâm có tầm có tứ và Nhĩ thức vẫn Ghi nhận các Cảm giác âm thanh nổi trội.
Trong 20 phút đó chỉ có Thân thức ghi nhân Cảm giác trên thân, Nhãn thức ghi nhận Cảm giác hình ảnh, Nhĩ thức ghi nhận Cảm giác âm thanh mà Ý thức không khởi lên ( nội tâm vắng lặng ), nên không tìm hiểu, nhận xét, đánh giá đối tượng. Lúc đó an trú tâm biết Tĩnh giác, an trú Tâm Giải Thoát và đó là Thấy chỉ là thấy, Nghe chỉ là nghe, Cảm nhận chỉ là cảm nhận không thêm bớt, không bị cái biết Ý thức Tà kiến vô minh bóp méo đối tượng.
– TU QUÁN
Tu Quán là khi thực hành Chánh Niệm về Thọ, về Tâm, về Pháp với mục đích đoạn diệt tâm biết Ý thức Tà kiến vô minh của Phàm phu bằng cách thay thế bởi tâm biết Ý thức Chánh Kiến của bậc Thánh. Sẽ có rất nhiều đề mục khi quán thọ, quán tâm, quán pháp.
Ví dụ như đề mục quán sinh diệt ( vô thường ). Đó là thực hành Chánh Niệm “ Nhớ đến chú tâm quán sát để biết đối tượng đó vô thường, sinh diệt”. Trong tư thế tọa thiền có thể hướng đến các Cảm giác trên thân và đối với các Cảm giác nổi trội thì sau khi chú tâm và Thân thức ghi nhận rõ ràng Cảm giác đó, rồi tiếp đến Ý thức Chánh Kiến khởi lên, biết trực tiếp Cảm giác đó đang sinh diệt ( vô thường ).
Khi Cảm giác đó diệt thì một Cảm giác nổi trội khác lại xuất hiện, sự chú tâm lại xẩy ra và Thân thức ghi nhận rõ ràng đối tượng, tiếp đến Ý thức Chánh Kiến xác nhận đối tượng đó đang sinh diệt. Và sự chú tâm lại xẩy ra liên tiếp từ đối tượng này đến đối tượng khác và nhờ vậy Ý thức Chánh Kiến khởi lên, biết trực tiếp, biết đúng sự thật thật mọi Cảm giác trên thân đều đang sinh diệt …
Chính Ý thức Chánh Kiến, biết trực tiếp các đối tượng đang sanh diệt sẽ xoá bỏ cái biết vô minh, thường kiến đã cài đặt từ vô thủy của Phàm phu. Không có thể trình bày đầy đủ về mục đích và diễn biến của việc Tu Quán này trong một bài viết ngắn mà phải tham dự một khoá tu 9 ngày mới được chỉ dẩn và phân tích đầy đủ trong phần Niệm Thọ, Niệm Tâm và Niệm Pháp và mới có thể hiểu rõ mối quan hệ giữa Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Kiến ( Niệm – Định – Tuệ ) và Tuệ Giải Thoát trong lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế là như thế nào.
Đại Đức Nguyên Tuệ