BỆNH LÀ Ở NƠI TÂM, KHÔNG PHẢI Ở NƠI THÂN - Gosinga

BỆNH LÀ Ở NƠI TÂM, KHÔNG PHẢI Ở NƠI THÂN

Kinh Pháp cú, câu 198 có viết thế này:

Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau.”

(Trích Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya, Kinh Pháp Cú, Phẩm An lạc, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Nhưng kinh điển cũng ghi lại rằng thời Phật tại thế, có những vị Tỷ kheo đã đạt đến mục đích cuối cùng của cuộc sống là chấm dứt khổ, nhưng trên thân vẫn phải chịu những khổ thọ khốc liệt, điển hình như Tỷ kheo Channa, là vị đã chứng quả A La Hán nhưng trên thân có những khổ thọ khốc liệt đến phải “mang lại con dao“, tức là phải tự sát:

Này Sāriputta, ai bỏ thân này và chấp thủ thân khác; người ấy, Ta nói là có lỗi. Nhưng Tỷ-kheo Channa thời không vậy. Tỷ-kheo Channa không có tội lỗi khi đem lại con dao. Này Sàriputtra, Ông cần phải thọ trì như vậy.”

(Tương Ưng Bộ kinh, Chương 35 – Tương Ưng Sáu Xứ, Phẩm Channa, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Mục đích của sự tu tập theo giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và khéo léo thuyết giảng là chứng ngộ Khổ Diệt (Chấm dứt Khổ), vị tỷ kheo Channa đã chấm dứt Khổ, nhưng Khổ thọ trên thân vẫn còn (Niết bàn hữu dư), mà pháp cú trên lại tuyên dương “không bệnh“, vậy thì chữ “bệnh” ở đây không phải là bệnh nơi thân mà bệnh ở tâm, đó chính là bệnh Tham, bệnh Sân, bệnh Si hay bệnh Vô minh, bệnh chấp thủ Năm thủ uẩn.

Đối với lộ trình tâm của người phàm phu, khi có sự tiếp xúc của con người với thế giới (6 căn tiếp xúc 6 trần) phát sinh cảm giác (6 thọ) và tâm biết trực tiếp ghi nhận cảm giác (6 tưởng), tiếp đó Trí nhớ (niệm) sẽ kích hoạt những thông tin không đúng sự thật được lưu giữ trong kho chứa tâm thức (tri thức, kinh nghiệm) làm phát sinh Tư duy, rồi đưa đến cái biết Ý thức không đúng sự thật xác định đối tượng đó là dễ chịu, khó chịu hoặc trung tính (Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ). Với đối tượng được xác định là dễ chịu thì đưa đến thái độ yêu thích (Tham), khó chịu thì đưa đến thái độ ghét (Sân), trung tính thì đưa đến thái độ tìm kiếm một đối tượng khác dễ chịu để thay thế (Si). Từ việc xác định 3 tính chất của cảm giác rồi đưa đến 3 thái độ đó mà đưa đến dính mắc ràng buộc với đối tượng và mỗi một thái độ đều phát sinh một cái khổ nơi nội tâm:

Dễ chịu – Thích – Ràng buộc – Hoại khổ
Khó chịu – Ghét – Ràng buộc – Khổ khổ
Trung tính – Tìm kiếm – Ràng buộc – Hành khổ

Như vậy, lộ trình tâm nơi người phàm phu sẽ khởi lên theo lộ trình duyên khởi là: Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Khổ. Hay cụ thể là:

Căn + Trần => Thọ – Tưởng => Tà niệm => Tà tư duy => Tham Sân Si => Tà định => Dục => Tà tinh tấn => Phi như lý tác ý =>Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng => Sầu, bi, khổ, ưu, não

Qua lộ trình trên, có thể thấy được rằng thực tại của người phàm phu khi tiếp xúc với thế giới sẽ có 6 lộ trình tâm (6 căn tiếp xúc 6 trần), mỗi lộ trình tâm lại phát sinh 1 trong 3 loại cảm thọ, và đều đưa đến Khổ. Như vậy sẽ xuất hiện 18 cái Khổ nơi nội tâm và 1 khổ thọ nơi thân nơi thực tại đời sống của người phàm phu.

Còn với một người tu tập Bát Chánh Đạo đã đạt đến mục đích cuối cùng là đoạn tận Vô minh, đoạn tận Tham Sân Si thì cũng với 6 lộ trình tâm (6 căn xúc 6 trần), nhưng diễn tiến lộ trình tâm sẽ không còn Vô minh, không còn Tham Sân Si:

Căn + Trần => Thọ – Tưởng => Chánh niệm => Chánh tinh tấn => Chánh định [Tỉnh giác] => Chánh tư duy => Chánh kiến => Như lý tác ý => Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng

Như vậy, nguyên nhân Khổ là Vô minh, Tham Sân Si đã đoạn tận nên Khổ nơi nội tâm cũng đã được đoạn tận nơi một vị A La Hán (chỉ còn những Khổ thọ nơi thân do bệnh tật hay xúc chạm với ngoại cảnh). Nên Niết bàn với một vị A La Hán khi còn hiện hữu là Niết bàn hữu dư, tức là vẫn còn dư sót những Khổ thọ nơi thân, nhưng những Khổ thọ đó so với toàn bộ khối đau khổ nơi một người phàm phu thì chỉ như là đất nơi kẽ móng tay mà so với đất của toàn bộ quả đất này vậy. Còn đối với những bậc hữu học, những người tu tập Bát Chánh Đạo nhưng chưa đạt đến mục đích cuối cùng thì sự chấm dứt Khổ tùy thuộc vào quãng thời gian vị ấy có Chánh niệm, thời gian an trú Chánh niệm được bao lâu thì vị ấy thân chứng được Khổ diệt bấy nhiêu.

Như vậy, bệnh nơi thân không phải là “bệnh“, mà đó chỉ là những “triệu chứng” về thân mà thôi. Những căn bệnh hiểm nghèo hiện nay như tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, xơ gan, ung thư cũng vậy, đó chỉ là những “triệu chứng” về thân, chứ đó không phải là “bệnh“. “Bệnh” chính là Vô minh, tà kiến, chấp thủ 5 uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là Ta, là Của Ta; “bệnh” chính là yêu thích đối tượng dễ chịu (Tham), ghét đối tượng khó chịu (Sân), tìm kiếm đối tượng dễ chịu để thay thế đối tượng trung tính (Si)… “Bệnh” là Vô minh đưa đến Tham Sân Si làm phát sinh những nỗi thống Khổ trong vòng luân hồi sinh tử. Đó mới chính là “bệnh“, đó là căn bệnh hiểm nghèo, căn bệnh nguy hiểm nhất mọi thời đại mà cho dù khoa học, y dược có phát triển bao nhiêu đi nữa, con người có phát minh ra bao nhiêu loại thần dược, công cụ y tế, các công trình nghiên cứu y khoa hiện đại, tân tiến đi bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể nào chữa được căn bệnh đó. Vì sao vậy? Vì phương pháp không phù hợp với mục đích.

Chỉ có một con người độc nhất vô nhị trên thế gian từ cổ chí kim mới có thể tự mình tìm ra phương thuốc cứu chữa cho chính mình và Ngài còn truyền trao lại cho những ai đủ duyên đủ trí phương thuốc thần kỳ đó. Người đó chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và phương thuốc thần kỳ chữa bệnh Khổ đó là Con đường Thánh Đạo Tám Nghành (Bát Chánh Đạo).

Vậy ai là bệnh nhân cần phải chữa trị? Bệnh nhân là toàn thể nhân loại này. Triệu chứng của căn bệnh đó là:

– Thực tại vốn chỉ là Cảm thọ do duyên 6 Căn tiếp xúc 6 Trần mà phát sinh, nhưng toàn bộ nhân loại ai ai cũng mặc định rằng Thực tại là thế giới vật chất sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… Hạnh phúc hay Khổ đau cũng sẵn có, xuất phát từ nơi thế giới vật chất đó mà đến với con người, nên con người có Tham Sân Si với các đối tượng thực tại. Thực tại là Cảm giác nên nó đang Sinh Diệt, đang Vô thường liên tục, không thể níu giữ, nắm bắt hay xua đuổi, không thể làm chủ nó được, nhưng vì nhận lầm nên con người thì cứ níu kéo, chấp thủ, nắm bắt hay xua đuổi thực tại…

– Con người vốn chỉ là những lộ trình Sắc Thọ Tưởng Hành Thức sinh diệt liên tục nối tiếp nhau mà không hề có một cái Ta nào điều khiển, làm chủ… nhưng toàn thể nhân loại ai ai cũng mặc định là có một cái Ta làm chủ thân tâm, điều khiển mọi ý nghĩ, lời nói, hành vi, cái Ta đó là chủ nhân thừa tự của nghiệp, cái Ta đó là thuần nhất từ quá khứ, hiện tại đến vị lai…

Từ những biểu hiện của căn bệnh hiểm nghèo đó mà đưa đến những nỗi thống khổ cùng cực nơi nội tâm của mỗi chúng sinh trong nhân gian này.

Chỉ có phương thuốc đặc hiệu duy nhất là tu tập Bát Chánh Đạo mới có thể chấm dứt được hoàn toàn căn bệnh hiểm nghèo nguy hiểm nhất mọi thời đại kia. Vậy những ai đã có nhân duyên được tiếp cận với giáo pháp vi diệu này thì hãy nỗ lực tinh tấn đêm ngày ngay đi, chớ có chần chừ nữa, bởi vì “Không ai biết được ngày mai đến trước hay đời sau đến trước“.

Sakya Sông Lam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *