CHÁNH TRÍ TUỆ
Có một đoạn kinh được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các bộ kinh Nikaya : “Ai với Chánh trí tuệ thấy như chơn các pháp tập khởi thì không cho rằng các pháp là không có. Ai với Chánh trí tuệ thấy như chơn các pháp đoạn diệt thì không cho rằng các pháp luôn luôn có. Chấp các pháp là luôn luôn có ( Chấp Có ), chấp các pháp là không có ( Chấp Không ) là hai cực đoan của nhân loại. Ly hai cực đoan đó, Như Lai thuyết pháp ở Trung đạo, nghĩa là : Cái này có do cái kia có, cái này sinh do cái kia sinh. Cái này không có do cái kia không có, cái này diệt do cái kia diệt”. Đây là đoạn kinh quan trọng bậc nhất trong Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng và nội dung là nói về Định luật Nhân Quả hay còn gọi là Lý Duyên Khởi. Trong đó mô tả quan hệ giữa “Cái này” là Quả và “Cái kia” là Nhân. Vì đoạn văn hết sức ngắn gọn, súc tích nên đa phần người học, do không quan sát sự thật mà chỉ tư duy trên ngôn từ câu chử theo hiểu biết của mình, nên lý giải nó theo LỐI MÒN TƯ DUY của nhân loại : “Cái này” là Một Quả sinh ra “Cái kia” là Một Nhân, và đương nhiên Một Nhân sinh Một Quả. Vì thế, không thấy biết như thật là : “Cái kia” gồm hai nhân tương tác với nhau và cùng diệt thì phát sinh ra “Cái này” cũng gồm một hoặc nhiều quả.
Chánh trí tuệ là thấy biết như thật các sự vật hiện tượng vật chất và tinh thần mà thuật ngữ Phật học gọi là Sắc pháp và Danh pháp đều là pháp duyên khởi, nghĩa là do hai nhân ( hai pháp ) tương tác với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh ra, vì vậy các pháp không sẵn có, không thường hằng, không thường trú ở đâu cả, nên gọi là vô thường; quan hệ giữa các pháp xét theo chiều thời gian và chiều không gian là độc lập, bình đẳng, không có pháp nào lệ thuộc pháp nào, không có pháp nào là chủ nhân chủ sở hữu của pháp nào nên các pháp là vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ). Ai với Chánh trí tuệ thấy như chơn các pháp tập khởi, thấy như chơn các pháp đoạn diệt sẽ chấm dứt được Chấp Có và Chấp Không, chấm dứt hai cực đoan của nhân loại là như thế nào ?
Hai cực đoan Chấp Có và Chấp Không là gì ? Bản chất của hiểu biết hay nhận thức của nhân loại là Nhị nguyên Tâm Cảnh, nghĩa là Con người là chủ thể nhận thức, chủ nhân của Tâm thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức còn đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức là Thế Giới, bao gồm thế giới vật chất và thế giới tinh thần ( sắc và danh ). Như vậy chỉ có hai phần : CON NGƯỜI ( nhận thức ) và THẾ GIỚI ( được nhận thức ). Nhưng THẾ GIỚI gồm thế giới vật chất và thế giới tinh thần được con người nhận thức lại chia làm hai quan điểm Duy vật và Duy tâm.
– Quan điểm Duy vật cho rằng THẾ GIỚI là do vật chất cấu thành và vật chất là thứ sẵn có, không được sinh ra cũng không mất đi mà chỉ biến đổi từ vật này sang vật khác, từ dạng này sang dạng khác. Tinh thần là sản phẩm do vận động của vật chất mà phát sinh và tinh thần sinh diệt theo sự vận động của vật chất. Như vậy, theo quan điểm Duy vật, thế giới là sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, vĩnh viển, không sinh không diệt. Các pháp cũng sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú, không sinh không diệt như ngọt sẵn có trong đường, mặn trong muối, ngon dở trong thức ăn, nóng trong lửa, lạnh trong nước đá, cứng mền thô mịn nặng nhẹ trong hòn đá, trong địa đại, năng lượng, khối lượng sẵn có trong vật thể, không gian thời gian là thuộc tính sẵn có của thế giới, sự sống sẵn có trong tế bào…. Quan điểm này gọi là Thường kiến, còn gọi là Chấp Có. Chữ Có này không phải hiểu theo nghĩa có không, hay thật có giả có, mà hiểu là các pháp thường có, sẵn có, luôn luôn có, thường hằng.
– Quan điểm Duy tâm cho rằng THẾ GIỚI vật chất mà con người thấy nghe, cảm nhận, nhận thức này không thực có, mà chỉ là do Chúa, một thực thể tâm linh tuyệt đối vĩnh cữu hoá hiện ra. Như vậy, theo quan điểm Duy tâm chỉ có Chúa toàn năng, vĩnh cữu, là năng lực tinh thần tuyệt đối có thật, còn thế giới vật chất mà con người đang sống là không thật, là giả có do Chúa hoá hiện ra, điều khiển và quyết định tồn tại hay không tồn tại. Các tôn giáo Duy tâm đều có chung quan điểm đó, nghĩa là có một thế giới tâm linh tuyệt đối có năng lực làm phát sinh và điều khiển thế giới vật chất ( Các pháp do Tâm tạo ) tuy tên gọi thế giới tâm linh có khác nhau. Quan điểm này là Đoạn kiến, còn gọi là Chấp Không. Chử Không này không được hiểu theo nghĩa có không mà hiểu là không thật có, chỉ là giả có mà thôi.
Ví như một người khỏe mạnh nhai một đốt mía rồi khởi lên nhận thức, tôi biết đốt mía ngọt.Nghĩa là người này hiểu ngọt là vật chất, ngọt sẵn có, thường xuyên có nơi đốt mía, thường hằng, thường trú nơi đốt mía, ngọt của đốt mía.Hiểu biết đó là quan điểm Duy vật, là Thường kiến, là Chấp Có.Nhưng cũng người đó bị bệnh cảm sốt đã 6, 7 ngày và nhai đốt mía đó nhưng cảm nhận đốt mía đắng. Lúc đó quan điểm Duy tâm sẽ giải thích rằng, ngọt hay đắng không có trong đốt mía, ngọt hay đắng là giả có, là không thật vì ngọt hay đắng là do Tâm tạo nên mà thôi. Giải thích như vậy là quan điểm Duy tâm, là Đoạn kiến, là Chấp Không. Người có Chánh trí tuệ sẽ thấy biết đúng sự thật Lưỡi ( Căn ) là một nhân và Mía ( Trần ) là nhân thứ hai, tiếp xúc với nhau sẽ phát sinh Cảm giác vị ( ngọt hay đắng ) và Thiệt thức. Sự thật thực tại đang xẩy ra là Thiệt thức ghi nhận đối tượng thực tại là Cảm giác vị ( ngọt hay đắng ) chứ không phải Thiệt thức biết đốt mía ngọt hay đắng. Cảm giác vị này thuộc Tâm chứ không phải Vật chất, do duyên xúc mà phát sinh nên nó Vô thường, không thường hằng, không thường trú trong đốt mía. Nhờ Chánh trí tuệ như vậy mà chấm dứt cực đoan Duy vật Chấp Có. Nhờ Chánh trí tuệ biết rằng đối tượng thực tại được cảm nhận là Cảm thọ thuộc phàm trù tâm nhưng do Căn Trần tiếp xúc mà phát sanh chứ không phải do Tâm sanh, không phải do Tâm tạo nên chấm dứt được cực đoan Duy tâm Chấp Không. Mọi Danh pháp và Sắc pháp khác cũng phải được thấy biết đúng sự thật với Chánh trí tuệ như vậy.
Ai với Chánh trí tuệ sẽ chấp nhận một pháp có thực, chấp nhận pháp đó thực sự hiện hữu khi thuyết minh được : do cái gì ( pháp nào ) có mặt mà pháp đó có mặt, do cái gì không có mặt mà pháp đó không có mặt. Họ sẽ không chập nhận pháp đó là có thực nếu như tuyên bố một pháp mà không thuyết minh được duyên khởi của pháp đó, không chỉ ra được “do cái gì có mặt mà pháp đó có mặt, do cái gì không có mặt mà pháp đó không có mặt”, họ sẽ khẳng định rằng pháp đó chỉ là do tưởng tượng ra mà không có thực, không hiện hữu. Điều này trong Phật giáo Bắc tông và Nam tông đều mắc phải, khi đề ra một số pháp là do tưởng tượng mà không có thật. Ví như Bắc tông không thể nào thuyết minh được, do cái gì có mặt mà A lại đã thức, Mạt na thức có mặt hoặc Nam tông không thể thuyết minh được, do cái gì có mặt mà tâm Hữu phần, tâm sở Mạng căn có mặt.
Đại Đức Nguyên Tuệ