Dành cho các thiền sinh ôn bài Tuệ tri Năm uẩn.
Tuệ phân biệt Danh Sắc là gì? Là nhận thức hay HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT VỀ DANH VÀ SẮC.
Trong “Tuệ phân biệt Danh Sắc” thuộc về Chú giải, thuộc về Tạng Luận của Phật giáo cho rằng: Danh thấy Sắc, Danh biết Sắc hay dùng từ Nhị nguyên Tâm Vật là Tâm biết Vật, cái Thấy Biết là Danh (Tâm) và Đối tượng được thấy biết là Vật chất (Cảnh vật).
Quan điểm này không có gì mới mẻ, mà là hiểu biết sai sự thật (vô minh) xưa nay của con người. Cho dù là Duy vật hay Duy tâm thì đều mặc định rằng: Những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là Thế giới vật chất, là sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần.
Đa phần nhân loại mặc định, đây là sự thật, đây là chân lý nhưng thật sự, đây lại là HIỂU LẦM CĂN BẢN nhất của tri thức nhân loại và từ Hiểu lầm căn bản này mà mọi hiểu lầm khác phát sinh. Nói theo ngôn từ khác thì đây là Vô minh gốc rễ mà mọi Vô minh khác phát sinh. Vô minh này tồn tại, hiện hữu làm phát sinh mọi vô minh khác, là gốc rễ làm phát sinh mọi khổ đau, sinh tử luân hồi của con người.
Nguyên nhân là do: Chưa được nghe những điều chưa từng được nghe, do Đức Phật thật thuyết giảng, chưa từng được nghe điều Đức Phật giác ngộ: Thực tại này là Danh (là Tâm) do Sáu Căn (vật chất) TƯƠNG TÁC với Sáu Trần (vật chất) mà phát sinh, cũng có nghĩa là cái Thấy Biết là Danh, là Tâm và Đối tượng thực tại được thấy biết cũng là Danh, là Tâm. Sự thật là Danh thấy Danh hay Tâm thấy Tâm chứ không phải như nhân loại đã nhầm lẫn lâu nay Tâm thấy Cảnh (vật).
Triết học phân chia tất cả các sự vật hiện tượng thành hai PHẠM TRÙ gồm: Tinh thần và Vật chất. Tương tự như vậy Phật học cũng phân chia tất cả các sự vật hiện tượng (gọi là các pháp) thành hai NHÓM (Phật học gọi là uẩn) gồm Danh và Sắc (từ Hán Việt là Danh uẩn và Sắc uẩn). Nhóm Danh lại được phân chia thành 4 nhóm nhỏ là: Thọ Tưởng Hành Thức. Như vậy, Phật học phân chia các sự vật hiện tượng hay các pháp thành Năm nhóm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức hay Năm uẩn (Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn).
Tuệ Phân Biệt Danh Sắc là Hiểu Biết Đúng Sự Thật về Sắc Thọ Tưởng Hành Thức trong đó nhóm Danh bao gồm 4 nhóm nhỏ là Thọ Tưởng Hành Thức, nhóm Sắc là toàn bộ thế giới vật chất gồm 6 căn và 6 trần. Tuệ phân biệt Danh Sắc cũng đồng nghĩa với Tuệ phân biệt Năm uẩn.
Trong Đại kinh mãn Nguyệt thuộc Trung bộ kinh có định nghĩa về Năm uẩn như sau :
—Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là sắc uẩn. Phàm cảm thọ gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là thọ uẩn. Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại … xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn. Phàm những hành gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại … xa hay gần, như vậy là hành uẩn. Phàm thức gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại … xa hay gần, như vậy là thức uẩn. Cho đến như vậy, này Tỷ-kheo, là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn.
Và bản kinh đó nói về tập khởi của Năm uẩn như sau:
—Bốn đại là nhân, này Tỷ-kheo, bốn đại là duyên được chấp nhận gọi là sắc uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là thọ uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là tưởng uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là hành uẩn. Danh sắc là nhân, này Tỷ-kheo, danh sắc là duyên được chấp nhận gọi là thức uẩn.
A- Tuệ phân biệt Sắc:
Theo định nghĩa trên : Phàm sắc gì quá khứ, hiện tại, vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần đều là sắc uẩn, thì nhóm sắc hay sắc uẩn bao gồm toàn bộ thế giới vật chất chứ KHÔNG PHẢI RIÊNG THÂN THỂ con người. Và như vậy nhóm sắc bao gồm thân thể con người và thế giới bên ngoài nói theo Phật học là gồm Sáu Căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) và Sáu Trần (sắc thanh hương vị xúc trần pháp trần).
Thưở xưa khi hiểu biết về vật chất còn sơ khai cho rằng vật chất tồn tại dưới 4 dạng Đất Nước Gió Lửa (tứ đại) nên định nghĩa tứ đại là nhân, tứ đại là duyên được gọi là Sắc uẩn. Trải qua trên 2.400 năm ra đời và phát triển, ngành Vật lý học đã phát hiện ra vật chất tồn tại phức tạp hơn rất nhiều, không phải như quan niệm tứ đại ấu trĩ của thời kỳ còn mông muội xưa kia. Ngày nay ngành vật lý phát hiện ra: Vật chất tồn tại dưới 2 dạng sóng và hạt không tương thích với nhau và còn đồng thời tồn tại theo dạng lưỡng tính sóng hạt (lượng tử) và còn rất nhiều vấn đề, nhiều nghi vấn về vật chất mà vật lý học hiện nay cũng chưa lý giải được.
Vật chất thô hoặc tế tồn tại rất nhiều dạng khác nhau, có những dạng tương tác được với 5 căn mắt tai mũi lưỡi thân của con người nhưng cũng có những thứ vật chất không tương tác được với 5 căn. Ví như ánh sáng có loại tương tác với mắt (khả kiến) nhưng cũng có loại ánh sáng không tương tác được với mắt người như tia hồng ngoại, tia tử ngoại. Âm thanh tương tác được với tai nhưng âm thanh hạ âm hoặc siêu âm thì không thể tương tác được với tai người. Sóng điện từ và nhiều loại vật chất khác nữa không tương tác được với các giác quan con người. Vì vậy nếu nói Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần là toàn bộ vật chất thuộc thế giới bên ngoài như Phật học thì cũng là hiểu biết còn nhiều thiếu sót về sắc.
Tuy vậy, định nghĩa trên: Phàm sắc gì …. đã đầy đủ bao gồm tất cả các sắc thuộc sắc uẩn. Và nếu quan sát đầy đủ và sâu sắc thì sắc cho dù đa dạng thô hay tế, vĩ mô hay vi mô thì đều phát sinh theo QUY LUẬT DUYÊN KHỞI, nghĩa là HAI SẮC tương tác với nhau rồi cùng diệt và sẽ phát sinh MỘT HOẶC NHIỀU SẮC KHÁC. Và các sắc mới này lại tương tác với sắc khác rồi cùng diệt và phát sinh các sắc mới khác. Chính vì sự tương tác giữa các sắc theo từng đôi một như vậy nên các sắc đều có tính chất: Vô thường và Vô chủ sở hữu (Vô ngã).
1- Sáu Căn: Ngày nay có thể khẳng định được Sáu căn gồm Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn, Ý căn theo nghĩa tiếng Việt là phần VẬT CHẤT CĂN BẢN, CỐT LÕI, QUAN TRỌNG NHẤT nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý. Đó là 6 loại tế bào thần kinh gồm: tế bào thần kinh thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và tế bào thần kinh não.
2- Sáu Trần (thế giới): Con người đã đề ra các mô hình thế giới vật chất, mô hình vũ trụ như trời tròn đất vuông, Cửu sơn bát hải, núi tu di, hay vũ trụ theo cấu trúc cơ giới của Newton, các các thiên hà đang giãn nở, lỗ đen, vụ nổ lớn bigbang vv … Nhưng mọi mô hình mà con người dày công tưởng tượng ra điều không phải sự thật. Những mô hình đó là thế giới tĩnh, trái với sự thật là bất kỳ một vật thể nào thô hay tế đều sinh lên rồi diệt đi ngay chỉ tồn tại một lần duy nhất (không lặp lại) trong một giây lát ngắn ngủi.
Một sự thật nữa là cho dù quan điểm Duy vật hay Duy tâm thì đều mặc định rằng VẬT CHẤT LÀ THUẦN TUÝ không tồn tại Tinh thần (Danh) trong vật chất nhưng sự thật thì ngược lại, KHÔNG CÓ VẬT CHẤT THUẦN TUÝ mà trong bất kỳ một vật thể vật chất nào cũng tồn tại các THÔNG TIN (Danh), nghĩa là trong vật chất có các thông tin. Vì vậy tương tác giữa Sáu Căn và Sáu Trần phát sinh Tâm không phải là tương tác vật chất thuần túy như quan niệm Duy vật, mà tương tác giữa 6 căn và 6 trần đồng thời có hai loại tương tác: tương tác vật chất + tương tác thông tin.
Trong các chú giải thuộc Tạng Luận có quan điểm cho rằng trong sự thật tuyệt đối mà họ gọi là chân đế thì chỉ có Danh Sắc chứ không có đàn ông đàn bà, ông A, bà B, không có cây cối trăng sao… gì cả. Còn tục đế là pháp chế định thì có đàn ông đàn bà, ông A, bà B, có cây cối trăng sao, núi rừng…. và gọi những cái đó là pháp chế định.
Đây là những suy nghĩ hết sức ngây thơ và ấu trĩ. Vì rằng PHÁP CHẾ ĐỊNH là cái do con người chế ra theo những quy định với nhau. Và pháp do con người chế định chính là NGÔN TỪ như danh sắc, đàn ông, đàn bà … với QUY ĐỊNH là nhắm trỏ đến một sự vật, hiện tượng thực tại đang xẩy ra. Và pháp chế định là ngôn từ đó DÙNG ĐỂ TRUYỀN THÔNG, để người nghe hiểu được đang nói đến sự vật hiện tượng nào, để phân biệt cái này với cái kia. Phải hiểu cho đúng sự thật là ngôn từ để chỉ cái này cái kia gồm: DANH TỪ CHUNG và DANH TỪ RIÊNG. Trong đó Sắc là danh từ chung dùng để chỉ TẤT CẢ CÁC SẮC và đàn ông, đàn bà, cây cối, xe cộ, trăng sao … là DANH TỪ RIÊNG để chỉ các sắc cụ thể giúp phân biệt sắc này với sắc kia. Nếu chủ trương chỉ dùng danh từ chung là Sắc thì khi mô tả, truyền thông cho người khác phải dùng chỉ một từ duy nhất sắc như Sắc đi, Sắc đứng, Sắc ngồi… mà không dùng danh từ riêng để phân biệt con bò đi, ông A đứng, bà B ngồi… thì làm sao người nghe hiểu được người đó đang nói đến đối tượng nào. Nếu chỉ dùng một từ chế định thuộc danh từ chung là Sắc thôi thì để người khác hiểu đang nói cái gì thì phải ra hiệu, phải chỉ trỏ sờ mó… giống như loài vật không có ngôn ngữ truyền thông.
B- Tuệ phân biệt Danh:
Danh theo Phật học gồm bốn nhóm là Thọ Tưởng Hành Thức là bốn loại Tâm. Nhưng đây là kiến thức thời đó, do chưa có một hiểu biết cực kỳ quan trọng của ngày nay. Đó là THÔNG TIN. Thông tin không phải là Vật chất, nó là Tinh thần nên nó không thuộc nhóm Sắc mà nó thuộc nhóm Danh. Vì vậy, nhóm Danh hay Danh uẩn không chỉ có 4 loại tâm Thọ Tưởng Hành Thức mà nó còn có thêm Thông tin. Vậy nhóm Danh gồm: THÔNG TIN + THỌ + TƯỞNG + HÀNH + THỨC.
I- Tuệ phân biệt Thông tin:
Thông tin là một môn học mới ra đời trong mấy chục năm gần đây nhưng nó lại là nhân tố làm thay đổi thế giới nhanh nhất. Kiến thức về thông tin rất đa ngành (mã hóa, lưu giữ, dẫn truyền, tương tác thông tin…) ngày càng phát triển.
Trong khái niệm 6 trần của thế giới vật chất thì 5 cái đầu (sắc thanh hương vị xúc) là năm loại vật chất, là đối tượng tương tác với 5 căn (mắt tai mũi lưỡi thân) nhưng cái thứ 6 là Pháp trần thì không phải là vật chất mà nó là Thông tin được lưu giữ trong bộ nhớ tâm thức và nó là đối tượng tương tác với Ý căn (tế bào thần kinh não).
Như vậy nhóm Sắc hay Sắc uẩn gồm Sáu Căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) và Năm Trần (sắc thanh hương vị xúc). Pháp trần là thông tin, là Danh chứ không phải Sắc.
Thông tin pháp trần được lưu giữ trong bộ nhớ là những thông tin về những tri thức kinh nghiệm, tư tưởng đã học hỏi, đã trải nghiệm. Thông tin pháp trần này được lưu giữ trong cấu trúc ADN của các tế bào. Như vậy trong cấu trúc ADN lưu giữ hai loại thông tin: Thông tin đi truyền (về thân) + Thông tin pháp trần (về tâm). Muốn hiểu và khẳng định được điều này phải tham dự một khóa tu học 9 ngày của Gosinga.
Không những Thông tin pháp trần được lưu giữ trong các tế bào có ADN mà bất kỳ một vật thể vật chất nào cũng lưu giữ lượng thông tin trong đó. Vì vậy không có vật chất thuần túy mà trong vật chất có chứa thông tin. Thông tin không thể tồn tại độc lập mà nó phải có vật chất để lưu giữ và dẫn truyền thông tin.
Do vậy, tương tác giữa hai vật thể thì không phải là tương tác vật chất thuần túy mà nó bao gồm 2 loại tương tác: tương tác vật chất + tương tác thông tin.
Thí dụ trong ánh sáng phát ra từ một máy chiếu không có một hình ảnh nào trong đó cả mà ánh sáng mang thông tin hình ảnh nào đó. Và màn chiếu cũng không có hình ảnh nào cả nhưng trong màn chiếu có thông tin về màn chiếu. Khi ánh sáng và màn chiếu tiếp xúc nhau (tương tác) thì phát sinh một hình ảnh. Trong trường hợp này có tương tác vật chất giữa ánh sáng và màn ảnh phát sinh kết quả nào đó (màn nóng lên, ánh sáng đổi chiều) nhưng tương tác thông tin chứa trong ánh sáng và thông tin trong màn ảnh sẽ làm phát sinh hình ảnh. Cùng một loại ánh sáng với màn ảnh khác nhau (thông tin khác nhau) sẽ phát sinh các hình ảnh khác nhau nhưng cùng một màn ảnh nhưng với ánh sáng mang thông tin khác nhau sẽ phát sinh các hình ảnh khác nhau.
Trong cái điện thoại có cài đặt các phần mền khác nhau (thông tin) như Facebook, YouTube, Google, Zalo… còn mạng Internet là sóng điện từ mang nhiều loại thông tin khác nhau như FB, YouTube, Google, Zalo… Tương tác giữa Internet và điện thoại bao gồm tương tác giữa vật chất sóng điện từ và vật chất điện thoại sẽ phát sinh kết quả nào đó. Nhưng tương tác đó còn kèm theo tương tác giữa thông tin trong Internet và thông tin phần mền cài đặt trong điện thoại làm phát sinh hình ảnh, âm thanh trên màn hình và loa. Đương nhiên để cho 2 lượng thông tin tiếp xúc nhau thì phải tạo duyên xúc, thí dụ bấm FB thì lúc đó thông tin FB trong bộ nhớ sẽ tương tác với thông tin FB trên mạng.
Tương tự như vậy, tương tác giữa 6 căn và 6 trần không những là tương tác vật chất giữa Căn và Trần mà kết quả là cả hai Căn Trần cũ diệt làm phát sinh Căn Trần mới, mà còn có sự tương tác thông tin trong Căn và Trần phát sinh đồng thời tâm Thấy và Đối tượng được thấy mà Phật học gọi là Thọ – Tưởng (Cảm thọ – tâm thấy Tưởng). Thí dụ các tia sáng từ vật thể (Sắc trần) tiếp xúc với Mắt sẽ xảy ra tương tác vật chất giữa mắt và tia sáng làm phát sinh kết quả vật chất là Tia sáng và Mắt cũ đó cùng diệt đi, làm phát sinh Tia sáng mới và Mắt mới. Nhưng các Tia sáng đi từ vật thể (Sắc trần) sẽ mang thông tin Sắc trần tương tác với Tế bào thần kinh thị giác (Mắt) thì sẽ là TƯƠNG TÁC GIỮA THÔNG TIN SẮC TRẦN VỚI THÔNG TIN DI TRUYỀN CỦA TẾ BÀO THẦN KINH THỊ GIÁC. Kết quả của tương tác thông tin này phát sinh đồng thời tâm Thấy và Đối tượng được thấy. Đối tượng được thấy này là Cảm giác hình ảnh, là Tâm chứ không phải vật, không phải là Sắc trần.
XÚC (Mắt + Sắc trần) phát sinh đồng thời [Nhãn thức – Cảm giác hình ảnh].Thuật ngữ Phật học Hán Việt gọi là [Thọ – Tưởng].
XÚC được hiểu là sự tiếp xúc mà nói chính xác là TƯƠNG TÁC giữa 6 Căn và 6Trần và theo bài kinh Đại kinh mãn nguyệt:
- Sáu Xúc sinh ra Sáu Thọ (6 Cảm giác) do tương tác Thông tin 6 trần và Thông tin di truyền của 6 tế bào thần kinh.
- Sáu XÚC sinh ra Sáu Tưởng (6 tâm Thấy) do tương tác giữa Thông tin 6 trần với Thông tin di truyền của 6 tế bào thần kinh.
- XÚC sinh ra tất cả các Tâm Hành như niệm, tư duy, tham sân si, định, dục, tác ý, lời nói, hành động, khổ vui, nhưng XÚC phát sinh các tâm hành này là Ý tiếp xúc với Pháp (thông tin pháp trần). XÚC này là tương tác giữa các loại thông tin pháp trần với nhau xảy ra trong bộ nhớ nằm trong tế bào thần kinh não bộ.
- XÚC trực tiếp phát sinh Thọ, Tưởng, Hành nhưng còn Thức thì không phát sinh trực tiếp do XÚC mà Thức gồm Ý thức và Tư tưởng do duyên Danh Sắc phát sinh. Cụ thể là tiến trình: Xúc – Thọ – Tưởng – Tư phát sinh [Ý thức và Tư tưởng].
Tuy quan điểm Duy vật cũng chủ trương sự vận động của Vật chất sẽ phát sinh tâm có vẻ giống với chủ trương Phật học là tương tác giữa 6 căn vật chất và 6 trần vật chất phát sinh TÂM, nhưng sự thật lại khác biệt hoàn toàn. Sáu căn tương tác với với 6 trần phát sinh tâm Thọ Tưởng Hành Thức là do TƯƠNG TÁC THÔNG TIN. Tương tác thông tin (Danh) mới phát sinh Tâm bởi vì trong vật chất có chứa thông tin (Danh).
II- Tuệ phân biệt Thọ:
Thọ là nói tắt của Cảm Thọ, nghĩa tiếng Việt là Cảm Giác và nó là Tâm, là Danh chứ không phải Sắc. Đại kinh mãn nguyệt đã khẳng định: Thọ do XÚC phát sinh. Nghĩa là 6 căn XÚC 6 trần sẽ phát sinh 6 Thọ.
Sáu Thọ được kinh điển nhiều chỗ nói đến gồm: Thọ do Nhãn xúc sinh, Thọ do Nhĩ xúc sinh, Thọ do Tỷ xúc sinh, Thọ do Thiệt xúc sinh, Thọ do Thân xúc sinh, Thọ do Ý xúc sinh. Hiểu rõ và phân biệt 6 loại Thọ do 6 XÚC sinh là điều hiếm thấy trong giới học Phật hiện nay và đa phần thì chỉ nói đến Thọ thì gồm 3 thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ (xả thọ). Ba thọ này là tính chất của Thọ chứ không phải là tên gọi của 6 loại Thọ do 6 Xúc phát sinh.
1- Thọ do Nhãn xúc sinh là Cảm thọ, cụ thể hơn là CẢM GIÁC HÌNH ẢNH do tương tác (Xúc) giữa Nhãn căn và Sắc trần. Nói nôm na là Mắt tiếp xúc với Sắc trần nhưng chính xác là Mắt tiếp xúc với Ánh sáng từ Sắc trần. Tương tác giữa Mắt và Sắc trần đồng thời tồn tại 2 loại tương tác: vật chất và thông tin. Chính tương tác giữa Thông tin di truyền của tế bào thần kinh thính giác và Thông tin của sắc trần chứa trong ánh sáng làm phát sinh Cảm thọ cụ thể là Cảm giác hình ảnh.
- XÚC (Mắt + Sắc trần) phát sinh thọ là Cảm giác hình ảnh.
Ở đây cần phân biệt rõ giữa Sắc trần và Cảm giác hình ảnh. Sắc trần là Nhân (một trong 2 nhân) và Cảm giác hình ảnh là Quả nên không đồng thời tồn tại mà nó xảy ra theo quy luật Nhân trước Quả sau, Nhân diệt Quả sinh. Phải khẳng định rằng: Đối tượng được nhìn thấy là Cảm giác hình ảnh chứ không phải là Sắc trần (là Tâm chứ không phải Vật). Hãy nghiên cứu kỹ điều này rồi quan sát thực tế để khẳng định: Đối tượng được nhìn thấy là Cảm giác hình ảnh do Mắt tiếp xúc với Sắc trần phát sinh chứ không phải Sắc trần.
2- Thọ do Nhĩ xúc sinh là CẢM GIÁC ÂM THANH do Nhĩ căn (Tai) tương tác với Thanh trần phát sinh. Đây là Tương tác giữa Thông tin di truyền của tế bào thần kinh thính giác với Thông tin âm thanh trong sóng âm.
- XÚC ( Tai + Âm thanh ) phát sinh thọ là Cảm giác âm thanh.
Cần phân biệt rõ giữa Âm thanh vật chất (sóng âm) với Cảm giác âm thanh là tâm chứ không phải vật theo quy luật Nhân Quả, Nhân diệt Quả sinh. Và cần tư duy và quan sát sự thật để khẳng định: Đối tượng được nghe thấy là Cảm giác âm thanh chứ không phải Âm thanh, là tâm chứ không phải vật.
3- Thọ do Tỷ xúc sinh là CẢM GIÁC MÙI do Tỷ căn (Mũi) tương tác với Hương trần (Mùi) phát sinh. Đây là tương tác giữa Thông tin di truyền của tế bào thần kinh khứu giác với Thông tin chứa trong Mùi hương.
- XÚC (Mũi + Mùi hương) phát sinh thọ là Cảm giác mùi.
Cần phân biệt rõ giữa Mùi hương vật chất và Cảm giác mùi là tâm xảy ra theo quy luật Duyên khởi Nhân diệt rồi Quả mới sanh nên không đồng thời tồn tại. Cái được ngửi thấy là Cảm giác mùi là tâm chứ không phải Mùi hương vật chất.
4- Thọ do Thiệt xúc sinh là CẢM GIÁC VỊ do Thiệt căn (Lưỡi) tương tác với Vị trần (Thức ăn) phát sinh. Đây là tương tác giữa Thông tin tế bào thần kinh vị giác với Thông tin vị trần (thức ăn).
- XÚC (Lưỡi + Thức ăn) phát sinh thọ là Cảm giác vị.
Cần phân biệt rõ Cảm giác vị là tâm và Vị trần là vật chất và khẳng định Cái được nếm thấy là Cảm giác vị là tâm chứ không phải Vị trần vật chất (mặn ngọt chua cay…)
5- Thọ do Thân xúc sinh là CẢM GIÁC XÚC CHẠM do Thân căn (Thân) tương tác với Xúc trần (Vật chất) phát sinh. Đây là tương tác thông tin giữa Thông tin tế bào thần kinh xúc giác và Thông tin xúc trần.
- XÚC (Thân + Xúc trần) phát sinh thọ là Cảm giác xúc chạm nơi thân.
Cần phân biệt rõ Cảm giác xúc chạm là tâm khác với Xúc trần là vật chất và khẳng định: Cái được cảm nhận thấy nơi thân là Cảm giác xúc chạm là tâm chứ không phải Xúc trần vật chất (nóng lạnh, cứng mền, đau ngứa…).
6- Thọ do Ý xúc sinh là CẢM GIÁC PHÁP TRẦN do tương tác giữa Ý căn (thần kinh não) và Thông tin pháp trần. Đây là tương tác giữa Thông tin di truyền tế bào thần kinh não với Thông tin pháp trần được lưu giữ trong ADN của tế bào thần kinh não.
- XÚC (Ý + Pháp trần) phát sinh thọ là Cảm giác pháp trần.
Cần phân biệt rõ Cảm giác pháp trần và Pháp trần (thông tin về các tri thức kinh nghiệm đã học hỏi, trải nghiệm) và khẳng định: Cái được tưởng thấy là Cảm giác pháp trần là tâm phát sinh từ não bộ chứ không phải Cảnh vật bên ngoài.
Cảm giác pháp trần là khái niệm hoàn toàn mới không được đề cập trong kinh điển cũng như chú giải nhưng nó là cái có thật đang diễn ra do Ý xúc sinh. Tuy kinh có nói thọ do Ý xúc sinh nhưng không chỉ rõ thọ đó là gì, đặt tên là gì. Cảm giác pháp trần nói cho dễ hiểu là những Cảm giác hình ảnh, âm thanh, mùi vị, xúc chạm, các tư tưởng đã thấy đã biết trước đây được lưu giữ trong bộ nhớ với tên gọi là Pháp trần (thông tin) ĐƯỢC TÁI HIỆN LẠI, được tưởng thấy (tưởng thức).
Nhân loại đã mặc định chắc nịch không lay chuyển rằng: Đối tượng thực tại là thế giới vật chất, nghĩa là: Cái được nhìn thấy là Sắc trần, Cái được nghe thấy là Thanh trần, Cái được ngửi thấy là Hương trần, Cái được nếm thấy là Vị trần, Cái được cảm nhận thấy (nơi thân) là Xúc trần, Cái được tưởng thấy là Pháp trần hay thường nói là: Mắt thấy Sắc, Tai nghe Tiếng, Mũi ngửi Hương, Lưỡi nếm Vị, Thân biết Xúc chạm, Ý biết Pháp. Đây là cái hiểu biết sai sự thật khởi đầu và căn bản nhất, là Vô minh gốc mà từ đó phát sinh mọi hiểu biết sai khác, mọi vô minh khác.
Sự thật là các đối tượng thực tại gồm những gì được nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm thấy, cảm nhận thấy, tưởng thấy là CẢM THỌ, LÀ CẢM GIÁC, LÀ TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI VẬT (là Danh chứ không phải Sắc).
Thực tại là Cảm thọ (Cảm giác) gồm 6 loại do 6 căn tương tác với 6 trần mà phát sinh. Đây là tương tác thông tin giữa thông tin 6 căn và thông tin 6 trần. Sáu loại thọ này do Duyên khởi nên 6 thọ có tính chất Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã).
III- Tuệ phân biệt Tưởng:
Tưởng là một từ rất khó hiểu trong Phật học và đa phần đều hiểu sai lạc khái niệm này. Tưởng là thuật ngữ Phật học Hán Việt mà gọi đầy đủ là Tưởng tri, có chỗ gọi là Tri giác. Tưởng tri là tâm biết Tưởng và Tri giác là tâm biết giác quan nghĩa là tâm biết Tưởng là tâm biết phát sinh nơi các giác quan.
Đại kinh mãn nguyệt đã định nghĩa: Tưởng uẩn do XÚC sinh, nghĩa là tâm biết Tưởng là MỘT NHÓM GỒM NHIỀU TƯỞNG chứ không phải như cách hiểu lầm của đa số cho rằng Tưởng chỉ có một. Nhiều chỗ trong kinh điển có nói đến 6 Xúc phát sinh 6 Tưởng nhưng 6 Tưởng đó gồm những gì và tên gọi chúng là gì thì không chỗ nào đề cập đến.
Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh Sáu Tưởng là các tâm biết phát sinh nơi các giác quan Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý thì nó phải là 6 tâm Thấy gồm: Nhìn thấy, Nghe thấy, Ngửi thấy, Nếm thấy, Cảm nhận thấy, Tưởng thấy. Các tâm Thấy này được đặt tên lần lượt là: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức. Sáu thức này thuộc nhóm Tưởng là tâm biết trực tiếp phát sinh nơi các giác quan chứ không phải như hiểu lầm xưa nay là 6 thức này thuộc về nhóm Thức (Thức uẩn). Thức uẩn là tâm biết gián tiếp phát sinh do duyên Danh Sắc không phải do duyên XÚC còn Tưởng uẩn phát sinh do duyên XÚC.
1- Tưởng do Nhãn xúc sinh là tâm Thấy do Nhãn căn tiếp xúc với Sắc trần phát sinh và được đặt tên là NHÃN THỨC. Nhãn thức phát sinh do tương tác giữa Thông tin di truyền tế bào thần kinh thị giác với Thông tin sắc trần do ánh sáng mang tải. Tâm Thấy gọi là Nhãn thức này có phận sự thấy Đối tượng thực tại đang có mặt. Đối tượng thực tại này chính là Cảm giác hình ảnh ĐỒNG THỜI PHÁT SINH với Nhãn thức do XÚC giữa Mắt và Sắc trần.
Cái Thấy tên là Nhãn thức đồng sanh đồng diệt với Cảm giác hình ảnh và cái thấy nhãn thức này THẤY Cảm giác hình ảnh. Ở đây chỉ nói gọn vậy thôi, người nghe cần phải được hướng dẫn quan sát và tư duy trên điều quan sát được để khẳng định sự thật này.
Tâm thấy nhãn thức, thấy (ghi nhận) đối tượng là Cảm giác hình ảnh giống như máy ảnh ghi lại hình ảnh. Đối tượng như thế nào thì ghi nhận như thế đó, không thêm bớt nên tâm Thấy này không có tính chất khái niệm, ngôn từ, phân biệt (vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt). Hình dung là cái Thấy của đứa trẻ vừa mới sinh ra, nó Thấy mọi đối tượng nhưng không Biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao.
Tâm thấy nhãn thức do duyên khởi nên tính chất của nó là: Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã), Vô niệm vô ngôn vô phân biệt.
2- Tưởng do Nhĩ xúc sinh là tâm Thấy (nghe thấy) do Nhĩ căn tiếp xúc với Thanh trần phát sinh và được đặt tên là NHĨ THỨC. Nhĩ thức phát sinh do tương tác giữa Thông tin di truyền tế bào thần kinh thính giác với Thông tin âm thanh do sóng âm mang tải. Tâm thấy nhĩ thức thấy (ghi nhận) Cảm giác âm thanh đồng sinh với Nhĩ thức do Tai và Âm thanh tiếp xúc phát sinh.
Nghĩ thức do duyên khởi nên có tính chất: Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã), Vô niệm vô ngôn vô phân biệt.
3- Tưởng do Tỷ xúc sinh là tâm Thấy (ngửi thấy) do Mũi tiếp xúc với Mùi hương phát sinh và được đặt tên là TỶ THỨC. Tỷ thức phát sinh do tương tác giữa Thông tin di truyền tế bào thần kinh khứu giác và Thông tin của Mùi hương. Tâm thấy tỷ thức thấy (ghi nhận) Cảm giác mùi đồng sanh với Tỷ thức.
Tỷ thức do duyên khởi nên có tính chất Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã), Vô niệm vô ngôn vô phân biệt.
4- Tưởng do Thiệt xúc sinh là tâm Thấy (nếm thấy) do Lưỡi tiếp xúc Vị trần (thức ăn) phát sinh và được đặt tên là THIỆT THỨC. Thiệt thức phát sinh do tương tác giữa Thông tin di truyền tế bào thần kinh vị giác và Thông tin vị trần (trong thức ăn). Tâm thấy thiệt thức thấy (ghi nhận) Cảm giác vị đồng sinh với Thiệt thức do Lưỡi tiếp xúc Vị trần.
Thiệt thức do duyên khởi nên có tính chất: Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã), Vô niệm vô ngôn vô phân biệt.
5- Tưởng do Thân xúc sinh là tâm Thấy (cảm nhận thấy) do Thân tiếp xúc với Xúc trân phát sinh và được đặt tên là THÂN THỨC. Thân thức phát sinh do tương tác giữa Thông tin di truyền tế bào thần kinh xúc giác và Thông tin của Xúc trần. Tâm thấy thân thức thấy (ghi nhận) Cảm giác xúc chạm đồng sinh với Thân thức do Thân tiếp xúc với Xúc trần.
Thân thức do duyên khởi nên có tính chất: Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã), Vô niệm vô ngôn vô phân biệt.
6- Tưởng do Ý xúc sinh là tấm Thấy (tưởng thấy) do Ý căn tiếp xúc Pháp trần phát sinh và được đặt tên là TƯỞNG THỨC. Tưởng thức phát sinh do tương tác giữa Thông tin di truyền tế bào não và Thông tin pháp trần. Tâm thấy tưởng thức thấy (ghi nhận) Cảm giác pháp trần đồng sinh với Tưởng thức do Ý tiếp xúc Pháp trần phát sinh.
Tưởng thức do duyên khởi nên có tính chất: Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã), Vô niệm vô ngôn vô phân biệt.
a- Tâm biết Tưởng tiếng Việt là tâm Thấy đối tượng, triết học gọi là Nhận thức cảm tính đối tượng. Tấm Thấy này già trẻ gái trai, thánh phàm, người động vật đều có tính chất như nhau (vô niệm vô ngôn vô phân biệt) hễ Căn Trần tiếp xúc là phát sinh không cần phải học hỏi, rèn luyện như Tâm Biết Ý thức.
b- Tâm Thấy và Đối tượng được thấy (Cảm giác) đều do XÚC phát sinh nên chúng đồng sinh đồng diệt mà thuật ngữ Phật học Hán Việt diễn tả là:
- XÚC (Căn + Trần) – PHÁT SINH ĐỒNG THỜI – [Thọ – Tưởng]
- XÚC (Căn + Trần) – PHÁT SINH ĐỒNG THỜI – [Thấy – Cảm giác]
Đây là “cặp bài trùng” luôn luôn đi cùng nhau “đồng sinh đồng diệt” nghĩa là tâm Thấy và Đối tượng được thấy đồng sanh đồng diệt. Đây là một sự việc rất vi tế khó thấy, khó biết nên trong kinh điển và chú giải không chỗ nào thấy điều này, nói về điều này. Sự thật này cũng hoàn toàn khác biệt với quan điểm Duy vật: Đối tượng được thấy có trước, tâm Thấy có sau (vật chất có trước tinh thần có sau) và cũng hoàn toàn khác với quan điểm Duy tâm: tâm Thấy có trước, Đối tượng được thấy có sau (tinh thần có trước vật chất có sau). Đương nhiên không thể nói cặn kẽ trong bài viết ngắn này, sự thật này phải được quan sát thực tế và tư duy logic sâu sắc.
c- Nhóm Tưởng (nhóm tâm Thấy) bao gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức nhưng sự nhầm lẫn phổ biến từ trước tới nay là 6 thức này thuộc nhóm Thức hay Thức uẩn. Định nghĩa Thức uẩn trong kinh đã rất rõ ràng là Thức uẩn do duyên Danh Sắc chứ không phải do duyên Xúc nên 6 thức (nhãn thức, nghĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức) không thuộc Thức uẩn mà thuộc Tưởng uẩn thuộc nhóm tâm Thấy. Rõ ràng quan sát sự thực thì có 2 loại tâm: tâm Thấy (đối tượng) và tâm Biết (đối tượng) đó là cái gì, tính chất ra sao. Nếu Thức uẩn là nhóm tâm Biết gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức thì KHÔNG CÓ TÂM GÌ LÀ TÂM THẤY SAO?. Hãy suy gẫm sâu xa về sự phi lý đó.
d- XÚC giữa Căn và Trần phát sinh đồng thời tâm Thấy và Đối tượng được thấy mà thuật ngữ Phật học Hán Việt gọi là Thọ – Tưởng nhưng XÚC này xảy ra khi có Duyên giữa Căn và Trần không phải do Tác ý. Không thể do Tác ý mà có XÚC giữa Căn và Trần. Vì rằng kinh điển và đa phần các Luận giải điều chấp nhận lộ trình: Xúc – Thọ – Tưởng – Tư – Tác ý (chú giải đa phần gọi là Năm tâm sở biến hành) nhưng đa phần lại hiểu Tư là tạo tác, là nghiệp nhưng Kinh đã định nghĩa Tư là TƯ LƯƠNG, TƯ LƯỜNG, THẦM Ý. Như vây, phải được hiểu Tư là Tư Duy làm phát sinh Ý thức (biết đối tượng được thấy là cái gì, tính chất ra sao). Do Ý thức mới phát sinh Tác ý. Tác ý là tâm hành làm phát sinh LỜI NÓI HÀNH ĐỘNG phản ứng với đối tượng được Thấy Biết. Và Tác ý ở gần cuối lộ trình tâm chứ không thể là tâm hành tạo ra Xúc có trước Xúc, vì chưa có Xúc thì chưa có lộ trình tâm để phát sinh Tác ý. Lộ trình xảy ra là XÚC – Thọ – Tưởng – Tư – Tác ý không thể có lộ trình Tác ý – XÚC – Thọ – Tưởng -Tư như một số luận giải
e- Trong kinh có xuất hiện định nghĩa Thọ: Căn + Trần tiếp xúc phát sinh Thức (thuộc Tưởng uẩn). Ba pháp này gặp nhau (Căn + Trần + Thức) gọi là Xúc. Do Xúc mà có Thọ.
– Định nghĩa này do những người sau không hiểu lời Phật, không thấy biết sự thật Thọ – Tưởng đồng sanh đồng diệt nên tìm cách giải thích sự xuất hiện của Thọ. Dựa vào định nghĩa này (Căn + Trần + Thức – Thọ) thì không ai có thể quan sát, lý giải được 6 thọ là gì, vì không có sự kiện này. Điều này là do không thấy biết sự thật quy luật Nhân Quả là Nhân trước Quả sau, Nhân diệt Quả sinh, Nhân Quả không đồng thời tồn tại, Nhân không thể gặp Quả trong một tiến trình Nhân Quả. Cụ thể là Căn và Trần là Nhân tương tác với nhau phát sinh Thức là Quả (thí dụ như Mắt + Sắc trần – Nhãn thức). Căn và Trần thuộc Nhân quá khứ và Thức thuộc Quả hiện tại. Nhân quá khứ không thể gặp Quả hiện tại nên KHÔNG THỂ CÓ Căn + Trần + Thức gặp nhau gọi là Xúc được.
– Lý do thứ 2 có cái định nghĩa sai lạc này là do Vô minh (Tâm thấy Vật) mà không biết Tâm thấy Tâm (Danh), Tâm thấy Thọ. Căn + Trần tiếp xúc nhau, phát sinh đồng thời Thọ – Tưởng và Tưởng thấy Thọ nhưng Vô minh lại cho rằng Tưởng thấy Sắc. Thí dụ, Mắt + Sắc trần phát sinh Nhãn thức và vì vô minh nên đã mặc định rằng Nhãn thức thấy Sắc trần (cái thấy nhãn thức là của Mắt, Đối tượng được Mắt thấy là Sắc trần). Cho nên mới đề ra Căn + Trần + Thức gặp nhau gọi là Xúc và do Xúc mà phát sinh Thọ.
IV- Tuệ phân biệt Hành:
Nhóm Hành hay Hành uẩn gồm có rất nhiều tâm hành như niệm, tư duy, tham sân si, chú tâm, dục, tinh tấn, tác ý, lời nói, hành động, khổ vui… Đại kinh mãn nguyệt đã định nghĩa Hành do duyên XÚC, nghĩa là Căn + Trần tiếp xúc sẽ phát sinh các tâm hành. Nhưng nhóm Thọ – Tưởng do 6 căn tiếp xúc với 6 trần phát sinh nhưng XÚC phát sinh các tâm hành chỉ là Ý căn XÚC Pháp trần.
Ý căn và Pháp trần tiếp xúc pháp sinh Cảm giác pháp trần và Tưởng thức nhưng sao lại Ý căn XÚC Pháp trần lại phát sinh các tâm hành đó nữa? Là tại vì bộ não có hàng tỷ tế bào thần kinh nên bộ não có nhiều “chức năng” khác nhau, chia ra nhiều khu vực trong não.
Ý căn XÚC Pháp trần phát sinh các tâm hành là tương tác giữa HAI LƯỢNG THÔNG TIN PHÁP TRẦN xảy ra trong bộ nhớ còn Ý căn XÚC Pháp trần phát sinh Cảm giác pháp trần và Tưởng thức là tương tác giữa THÔNG TIN DI TRUYỀN tế bào thần kinh não với THÔNG TIN PHÁP TRẦN.
Ví dụ như tâm hành Niệm là do tương tác giữa Thông tin Thọ Tưởng phát sinh nơi các giác quan được truyền dẫn về kho chứa trong tế bào thần kinh não với Thông tin Pháp trần chứa trong tế bào thần kinh não. Tương tác này phát sinh Niệm chính là lượng thông được kích hoạt. Tiếp đến sẽ có sự tương tác giữa thông tin Thọ -Tưởng với thông tin vừa phát sinh (Niệm). Tương tác này phát sinh tâm hành Tư duy … các tâm hành khác cũng phát sinh tương tự như vậy.
Các tâm hành hay Hành uẩn do Xúc mà phát sinh, là pháp duyên khởi nên có tính chất Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã). Tâm hành được chia làm 2 loại Tà và Chánh trên Bát tà đạo và Bát Chánh đạo.
– Các tâm hành mà do duyên với chúng phát sinh tham sân si thì gọi là Tà, như tà niệm, tà tư duy, tà định, tà ngữ …..
– Các tâm hành mà duyên với chúng sẽ không phát sinh tham sân si mà đoạn trừ tham sân si thì gọi là Chánh như Chánh niệm, Chánh tư duy, Chánh định…
Tại sao Khổ Vui lúc thì nói là Cảm thọ (Cảm giác) lúc thì nói là Tâm Hành? Vì Khổ Vui là các tâm hành phát sinh nơi tế bào thần kinh não bộ và không thể thấy được các tâm hành này mà chỉ biết qua suy luận. Khi tâm hành Khổ Vui phát sinh nơi tế bào thần kinh não bộ diệt thì phát sinh thông tin Khổ Vui và được dẫn truyền đến các tế bào trên cơ thể, đặc biệt là các tế bào nội tạng như tim gan thận phổi … Tại các tế bào này sẽ xẩy ra NỘI XÚC giữa thông tin Khổ Vui với thông tin di truyền các tế bào đó và phát sinh đồng thời Thọ Tưởng (tâm thấy Thân thức và Cảm giác khổ Vui). Lúc này mới cảm nhận Cảm giác khổ vui. Khổ Vui là tâm hành thuộc lộ trình tâm thứ nhất tạm gọi là lộ trình tâm sơ cấp, Khổ Vui là Cảm giác cảm nhận trên thân là lộ trình tâm thứ 2 tạm gọi là thứ cấp.
V- Tuệ phân biệt Thức:
Nhóm Thức hay Thức uẩn gồm tâm Biết Ý thức và Tư tưởng phát sinh do duyên Danh Sắc mà cụ thể là tiến trình trong kinh diễn tả là Xúc – Thọ – Tưởng – Tư phát sinh Thức. Vậy Thức phát sinh theo một tiến trình duyên khởi nối tiếp nhau. Khởi đầu là Căn + Trần tiếp xúc phát sinh đồng thời Thọ – Tưởng và tiếp theo là Tư (gọi tắt của Tư duy) làm phát sinh đồng thời tâm biết Ý THỨC và TƯ TƯỞNG. Ý thức là tâm Biết và Đối tượng được biết là Tư tưởng. Chữ Tư tưởng mà các nhà dịch thuật Hán Việt đặt ra khi phiên dịch chỗ này là ám chỉ Tư duy về Thông tin mà Tưởng (cái Thấy) về đối tượng cung cấp (tư về tưởng). Ý thức và Tư tưởng cũng giống như Thọ và Tưởng đồng sanh đồng diệt.
Ý THỨC biết TƯ TƯỞNG là biết về thông tin của đối tượng qua suy luận các thông tin do cái Thấy cung cấp chứ không phải là biết trực tiếp đối tượng. Hành vi Tư duy làm phát sinh Ý thức – Tư tưởng xảy ra trong bộ nhớ nơi tế bào thần kinh não chứ không phải xảy ra nơi đối tượng. Tư tưởng là các thông tin, kiến thức, tri thức, kinh nghiệm nên Tư tưởng có KHÁI NIỆM, NGÔN TỪ, PHÂN BIỆT. Tiến trình phát sinh Thức uẩn đầy đủ là:
- XÚC ( Căn + Trần ) – [Thọ + Tưởng] – Niệm – Tư duy – [Ý thức + Tư tưởng]
Và để cho tiến trình Niệm – Tư duy – [Ý thức + Tư tưởng] khởi lên thì phải có quá trình học hỏi, lưu giữ các thông tin tri thức, kinh nghiệm. Vì vậy đứa trẻ mới sinh ra gần như chưa có tâm biết Ý thức và Tư tưởng.
Thức uẩn cũng do duyên XÚC (nhưng nhiều tiến trình nối tiếp) nên có tính chất Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã).
Trong Thức uẩn thì Ý thức là tâm Biết chỉ có phận sự biết đối tượng còn Tư tưởng là cái được biết được chia làm 2 loại:
+ TƯ TƯỞNG TÀ KIẾN là những tri thức kinh nghiệm, hiểu biết sai sự thật gọi là Vô minh chấp ngã. Tư tưởng Tà kiến là nguyên nhân phát sinh tâm hành tham sân si, phát sinh khổ.
+ TƯ TƯỞNG CHÁNH KIẾN là những tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết đúng sự thật gọi là Minh, Trí tuệ. Tư tưởng Chánh kiến đoạn trừ tham sân si, đoạn trừ khổ.
C- Tuệ phân biệt Danh và Sắc cũng là Tuệ phân biệt Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức:
1- Danh Sắc cũng là Năm uẩn:
Tất cả các sự vật hiện tượng được phân chia thành 2 nhóm Danh và Sắc gồm : Sắc + Thông tin + Thọ + Tưởng + Hành + Thức. Thông tin là khái niệm mới nhưng thực chất là khái niệm Pháp trần mà lâu nay hiểu nhầm là Sắc. Và để cho tương đồng với ngôn từ cũ thì vẫn có thể vẫn chia Danh thành Thọ + Tưởng + Hành + Thức. Như vậy tất cả mọi sự vật hiện tượng có thể chia thành 2 nhóm Danh và Sắc hoặc 5 nhóm Sắc + Thọ + Tưởng + Hành + Thức.
Sắc Thọ Tưởng Hành Thức đều do duyên khởi, điều đó XÚC phát sinh nên có tính chất Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã). Năm uẩn do DUYÊN KHỞI chứ không phải do DUYÊN HỢP nên chúng sinh diệt theo một lộ trình nối tiếp nhau liên tiếp: Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức – Hành. Chúng đều có tính chất Vô chủ vô sở hữu nghĩa là chúng ĐỘC LẬP KHÔNG PHỤ THUỘC NHAU, không có quan hệ “cái này là của cái kia”. Ai thấy được sự thật này thì sẽ thấy được chủ trương của các Chú Giải thuộc Tạng Luận cho rằng Tâm gồm có Tâm Vương Tâm Sở và Tâm sở thuộc sở hữu của Tâm vương là tà kiến của người sau trái với tâm gồm Thọ – Tưởng – Hành – Thức sinh diệt nối tiếp nhau và độc lập với nhau.
2- Trong 4 loại tâm thì có 2 loại tâm biết là Tưởng tri và Thức tri mà tiếng Việt là tâm Thấy và tâm Biết, triết học gọi là Nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính:
+ Tâm Thấy gồm 6 (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức) có tính chất vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt, có phận sự Thấy 6 đối tượng tương ứng (cảm giác hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, pháp trần). Mỗi một tâm Thấy chỉ thấy một đối tượng. Tâm Thấy và Đối tượng được thấy đồng sanh đồng diệt.
+ Tâm Biết do suy luận trên các đối tượng được thấy và chỉ duy nhất là Ý thức. Đối tượng được biết là Tư tưởng là thông tin về mọi Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Tâm Biết do học hỏi, niệm, tư duy mà có nên nó có khái niệm, ngôn từ, phân biệt. Tâm Biết và Đối tượng được biết là Tư tưởng đồng sanh đồng diệt. Tâm Biết có 2 loại Tà kiến và Chánh kiến.
3- Ba nhóm đầu gồm Sắc – Thọ – Tưởng thì con người Thánh hay Phàm đều có tính chất giống nhau không sai khác. Hai nhóm còn lại gồm Hành – Thức thì Thánh Phàm khác nhau. Thánh thì Hành – Thức là Chánh (không duyên cho tham sân si) còn Phàm thì Hành – Thức là Tà (duyên cho tham sân si).
4- Trong Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức có một loại loại pháp gọi là Pháp chế định. Đó là NGÔN TỪ được con người chế ra và quy định ám chỉ một sự vật hiện tượng nào đó. Do vậy hiểu đúng sự thật ngôn từ là pháp chế định, chỉ cho một sự vật, hiện tượng nào đó. Các ngôn từ chỉ con người như Tôi, Ta, ông A, bà B… là chỉ cho LỘ TRÌNH SẮC THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC đang sinh diệt nối tiếp nhau, để PHÂN BIỆT tiến trình sinh diệt sắc thọ tưởng hành thức này với tiến trình sinh diệt sắc thọ tưởng hành thức kia. Cách hiểu sai là cho rằng Tôi, Ta, ông A, bà B … là Bản ngã, là một thực thể cố định, đồng nhất từ quá khứ, hiện tại, vị lại, là chủ nhân điều khiển Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Đó là cách hiểu tà kiến, chấp ngã.
– Thiền Sư Nguyên Tuệ –