A- NGŨ CĂN:
Là năm yếu tố căn bản, năm yếu tố cốt lõi của sự tu học Phật Pháp. Đó là TÍN – TẤN – NIỆM – ĐỊNH – TUỆ. Sự tu học Phật pháp có rất nhiều việc phải làm, nhưng tất cả mọi việc đó đều nhằm phát triển năm yếu tố căn bản này. Nămyếu tố căn bản này phát sinh và được làm cho viên mãn theo trình tự duyên khởi: Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ, sẽ đi đến thành tựu Giác Ngộ và Giải Thoát, nếu thiếu đi dù một trong năm yếu tố căn bản này thì sẽ không thành tựu Giác Ngộ và Giải Thoát.
1- TÍN CĂN: Yếu tố căn bản đầu tiên của sự tu học cần phải đạt được và phát triển viên mãn là Tín. Đó là đức tin phát sinh khi được nghe giảng (VĂN) và tư duy (TƯ) về Tứ Thánh Đế. Do VĂN và TƯ mà có được HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT về Duyên khởi, về Vô thường, Vô chủ, Vô sở hữu (Vô ngã), về lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu có KHỔ và NGUYÊN NHÂN KHỔ, về lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh có KHỔ DIỆT và CON ĐƯỜNG KHỔ DIỆT. Do có hiểu biết như thật do VĂN và TƯ như vậy mà không còn mơ hồ trừu tượng, không còn nghi ngờ do dự, không còn phân vân lưỡng lự về KHỔ DIỆT và CON ĐƯỜNG KHỔ DIỆT nên phát sinh đức tin và đức tin phát sinh như vậy gọi là Chánh Tín, là một yếu tố căn bản, đứng thứ nhất trong ngũ căn. Đây chính là TÍN CĂN.
2 – TẤN CĂN: Là yếu tố căn bản thứ hai của sự tu học. Do có TÍN và tuỳ theo mức độ của TÍN mà nỗ lực cố gắng tu tập Bát Chánh Đạo sẽ phát sinh. Nỗ lực cố gắng để thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên do duyên TÍN như vậy gọi là TẤN. Hai yếu tố căn bản đầu tiên là TÍN và TẤN do VĂN và TƯ khởi lên, nên nó thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế, là bước CHUẨN BỊ, tạo nhân duyên cho Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên.
3 – NIỆM CĂN: Là yếu tố căn bản thứ ba, nói đủ là Chánh Niệm là yếu tố đầu tiên của lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế. Có con đường hai ngã mà Niệm là người đánh xe. Tại chỗ rẽ này, nếu Tà Niệm khởi lên thì cỗ xe sẽ đi trên con đường Bát Tà Đạo, con đường thế gian, con đường nô lệ Vô minh và Tham ái. Nếu tại chỗ rẽ, Chánh Niệm khởi lên, cỗ xe sẽ đi trên con đường Bát Chánh Đạo, con đường xuất thế gian, con đường của giác ngộ và giải thoát. Sự thực hành mà Đức Phật dạy được tóm gọn trong câu: “Ngồi kiết già lưng thẳng an trú Chánh Niệm trước mặt”. Khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng rồi, nếu Tà Niệm khởi lên thì Bát Tà Đạo khởi lên và trên đó sẽ có Vô minh, Tham Sân Si, Sầu bi khổ ưu não. Khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng rồi, nếu Chánh Niệm khởi lên thì Bát Chánh Đạo khởi lên và trên đó không có Vô minh, không có Tham Sân Si, không có Sầu bi khổ ưu não. Chính vì điều này CHÁNH NIỆM là yếu tố căn bản của sự thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế. CHÁNH NIỆM gồm có bốn:
– Nhớ Đến chú tâm quán sát thân nơi thân với chánh niệm, nhiệt tâm, tỉnh giác
– Nhớ Đến chú tâm quán sát thọ nơi thọ với chánh niệm, nhiệt tâm, tỉnh giác
– Nhớ Đến chú tâm quán sát tâm nơi tâm với chánh niệm, nhiệt tâm, tỉnhgiác
– Nhớ Đến chú tâm quán sát pháp nơi pháp với chánh niệm, nhiệt tâm, tỉnh giác
4 – ĐỊNH CĂN: Là yếu tố căn bản thứ tư của sự tu học. Trên Bát Chánh Đạo siêu thế khi có Chánh Niệm (nhớ đến chú tâm đối tượng) thì Chánh Tinh Tấn khởi lên và làm phát sinh hành vi CHÚ TÂM liên tục từ đối tượng này sang đối tượng khác theo trình tự sinh diệt của các đối tượng. Sự CHÚ TÂM liên tụcnhư vậy đưa đến những trạng thái ĐỊNH và được gọi là CHÁNH ĐỊNH bao gồm:
– Sơ thiền: Ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với (chú tâm có) tầm, với tứ.
– Nhị thiền: Diệt (chú tâm có) tầm diệt tứ chứng và trú nhị thiền một trạng thái hỷ lạc do định sanh, (chú tâm) không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
– Tam thiền: Ly hỷ trú xả, thân cảm lạc thọ mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba.
– Tứ thiền: Xả lạc, xả khổ, diệt trừ hỷ ưu, chứng và trú thiền thứ tư không khổ, không lạc, tâm thanh tịnh nhờ xả.
– CHÁNH ĐỊNH trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo không những có năng lực làm lộ trình tâm dừng lại (CHỈ) cái biết trực tiếp giác quan Vô niệm, Vô ngôn, Vô phân biệt gọi là TỈNH GIÁC, kinh nghiệm được Tâm Giải Thoát hay Không Giải Thoát mà khi Niệm Tâm, Niệm Pháp nó sẽ là nhân làm phát sanh Chánh Tư Duy và do Chánh Tư Duy mà phát sinh CHÁNH TRI KIẾN là TRÍ TUỆ đưa đến Tuệ Giải Thoát hay Vô Tướng Giải Thoát. Chính vì những lý do này mà ĐỊNH là một trong năm yếu tố căn bản của sự tu học.
5 – TUỆ CĂN: Là yếu tố căn bản thứ năm của sự tu học. Tuệ chính là Chánh Tri Kiến phát sinh trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế có trục chính là Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Tri Kiến mà gọi tắt là NIỆM – ĐỊNH – TUỆ.
XÚC – <Thọ – Tưởng> – CHÁNH NIỆM – Chánh Tinh Tấn – CHÁNH ĐỊNH – (Tỉnh Giác) – Chánh Tư Duy – CHÁNH TRI KIẾN – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Chính TUỆ này đưa đến giác ngộ Tứ Thánh Đế: Giác ngộ SỰ THẬT KHỔ, Giác ngộ SỰ THẬT NGUYÊN NHÂN KHỔ, Giác ngộ SỰ THẬT KHỔ DIỆT, Giác ngộ SỰ THẬT CON ĐƯỜNG KHỔ DIỆT. Chính vì lý do này mà TUỆ là một trong năm yếu tố căn bản của sự tu học giác ngộ.
NGŨ CĂN hay NĂM CĂN là năm yếu tố căn bản của sự tu học, nó phát sinh và hoàn thiện theo quy luật duyên khởi, do “cái này” có nên “cái kia” có, do “cái này” sinh nên “cái kia” sinh trong đó TÍN và TẤN thuộc Bát Chánh Đạo HIỆP THẾ, còn NIỆM – ĐỊNH – TUỆ thuộc Bát Chánh Đạo SIÊU THẾ. Đây là một trong nhiều cách cách thuyết minh về lộ trình VĂN – TƯ – TU.
B – NGŨ LỰC:
Là năm sức mạnh của NGŨ CĂN Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ. Khi năm yếu tố căn bản của sự tu học đã tuần tự khởi lên và được phát triển đi đến viên mãn thì mỗi một yếu tố sẽ có một sức mạnh giúp cho người tu vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt, gian nguy của tu học và cuộc đời.
Nhờ có Tín Căn và Tấn Căn mà sẽ có TÍN LỰC và TẤN LỰC giúp cho người tu có sức mạnh, thoát ra khỏi mọi nghi ngờ, do dự, thoát ra khỏi những cám dỗ của Dục lạc, vượt qua những giá trị mà thế gian ca ngợi để NHẤT HƯỚNG tu tập Bát Chánh Đạo. Nhờ TÍN LỰC và TẤN LỰC mà vượt qua các giới cấm như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và sử dụng các chất say, vượt qua được mọi sự ràng buộc của việc mưu sinh, sắp xếp được thời gian và không gian thực hành Bát Chánh Đạo, vượt qua được mọi dụ dỗ, mua chuộc của Tà giáo, vượt qua những thăng trầm của đời sống thường ngày.
Do Niệm Căn mà sẽ có NIỆM LỰC, là sức mạnh đánh tan mọi Tà Niệm, đưa đến an trú Ly dục, ly bất thiện pháp. Niệm Lực đưa đến trạng thái Nhất tâm, làm viên mãn Định Căn và chính Niệm Lực khi thực hành Niệm Tâm và Niệm Pháp làm cho phát triển và viên mãn Tuệ Căn.
Do có Định Căn mà sẽ có ĐỊNH LỰC, một sức mạnh giúp hành giả thoát ra khỏi sự chi phối, ràng buộc, kiềm toả của Dục Lạc thế gian, là phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc, vui ít khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn, và nhờ Định Căn mà an trú hỷ lạc nội tâm của các bậc thiền, loại Lạc của bậc Thánh là Thánh lạc, Chánh giác lạc, an tịnh lạc. Do có Tuệ Căn mà sẽ có TUỆ LỰC, là sức mạnh chấm dứt Vô minh, là sức mạnh như
một cột trụ đá cắm sâu vào lòng đất, không lay động giữa tám pháp thế gian, kham nhẫn được mọi hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt, bình thản trước mọi hiểu lầm, mạ lỵ. Tuệ Lực sẽ cắt đứt mọi quan tâm đến những hiểu biết không liên quan tới Tứ Thánh Đế, người tu sẽ không còn quan tâm thế giới là như thế nào, là Cửu sơn bát hải với trục là núi Tu Di ở giữa hay thế giới phát sinh từ vụ nổ lớn BigBang, không còn quan tâm tới cõi trời, cõi địa ngục có hay không, quá khứ của ta như thế nào, tương lai sẽ ra sao, mà Tuệ Lực sẽ hướng vào nội tâm tu tập với hiểu biết không gì lay chuyển được: còn Tham Sân Si là còn Khổ, đoạn tận Tham Sân Si là đoạn tận Khổ, ngoài sự tu tập này ra không có gì phải liên quan.
C – KẾT LUẬN:
Đức Phất đã giảng dạy NĂM CĂN và NĂM LỰC là năm yếu tố căn bản, năm yếu tố cốt lõi của sự tu học, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, trở thành vị Vô học. Đây là lộ trình tu học từ một kẻ Phàm phu cho đến khi thành tựu quả A la hán gồm cả Bát Chánh Đạo hiệp thế và Bát Chánh Đạo siêu thế. Phải thành tựu cả năm yếu tố căn bản, cốt lõi này mới thành tựu giải thoát, thiếu đi dù một trong Năm Căn thì không thể thành tựu giải thoát. Năm Căn và Năm Lực được phát triển tuần tự theo lộ trình, do cái này làm duyên cho cái kia sinh khởi: Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ, cho nên không được hiểu nhầm Niệm là yếu tố để cân bằng giữa Tín và Tấn, cân bằng giữa Định và Tuệ.
Đức Phật chỉ có dạy NĂM YẾU TỐ CĂN BẢN là TÍN – TẤN – NIỆM – ĐỊNH – TUỆ của sự tu học, còn GIỚI không được xem là yếu tố căn bản, không có lộ trình TÍN – TẤN – GIỚI – ĐỊNH – TUỆ. Trong 37 chi phần thuộc Đạo Đế không có chi phần tu tập Giới riêng biệt. Chính vì vậy, trong hai mươi năm đầu của sự giảng dạy, Đức Phật không chế định một giới điều nào. Vì sao vậy? Như đã phân tích trên, người tu đang là một kẻ phàm phu trước tiên phải phát sinh và phát triển hai yếu tố căn bản đầu tiên là TÍN và TẤN và khi có được TÍN CĂN và TẤN CĂN thì sẽ có TÍN LỰC và TẤN LỰC giúp người đó tránh xa sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Vì vậy, đối với những người trí như vậy không còn phải đặt vấn đề giữ giới ra nữa, GIỚI đã trong sạch khi TÍN và TẤN đã phát sinh và phát triển. Lúc đó Bát Chánh Đạo siêu thế với NIỆM – ĐỊNH – TUỆ sẽ khởi lên. Hai mươi năm sau của lịch sử Tăng đoàn, rất nhiều người không phải là người trí đã xuất gia, đối với họ hai yếu tố căn bản đầu tiên là TÍN và TẤN không có mặt, nên nhiều tệ nạn đã xảy ra và Đức Phật đã chế định các điều giới để ngăn chặn. Đối với hạng người như vậy, không phải là người trí, phải dùng GIỚI LUẬT làm phương tiện để phát sinh và phát triển TÍN CĂN và TẤN CĂN và chỉ khi có hai yếu tố căn bản đầu tiên này có mặt, họ mới có thể tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế với NIỆM – ĐỊNH -TUỆ.
Như vậy GIỚI là một trong những yếu tố giúp phát sinh TÍN CĂN và TẤN CĂN chứ không phải là nhân sanh Định, còn nhân sanh Chánh Định là Chánh Niệm và Chánh Tinh tấn. Có nhiều người sẽ nói rằng, có tin tưởng tuyệt đối ở Phật, có tinh tấn ngất trời mới xuất gia được, những người xuất gia như vậy phải có đầy đủ TÍN CĂN và TẤN CĂN và như vậy họ không cần giữ giới phải không. Hãy thận trọng suy xét cho kỹ càng, TÍN CĂN và TẤN CĂN chỉ phát sinh khi có HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT về TỨ THÁNH ĐẾ do VĂN và TƯ, còn Tin tưởng tuyệt đối ở Phật đến cả hy sinh thân mạng đi chăng nữa nhưng không hiểu biết đúng như thật về Tứ Thánh Đế thì chỉ là MÊ TÍN và Tinh tấn có ngất trời chăng nữa cũng do MÊ TÍN mà phát sinh. Nếu có tin tưởng tuyệt đối, tinh tấn ngất trời như vậy do Mê Tín thì tâm vẫn là rác bẩn, không bao giờ có giới trong sạch như một người có TÍN CĂN, TẤN CĂN đúng nghĩa. Hạng người xuất gia như vậy không có hiểu biết đúng, không thể tự giác tu hành nên phải dùng Giới Luật ngăn chặn, điều phục họ và nếu họ chịu tuân thủ Giới Luật thì họ mới có cơ hội phát triển hai yếu tố căn bản đầu tiên của việc tu học Phật pháp là Tín Căn và Tấn Căn. Và chỉ khi có Tín Căn và Tấn Căn thì Niệm Căn, Định Căn, Tuệ Căn của Bát Chánh Đạo siêu thế mới sinh khởi và phát triển.
-Thiền Sư Nguyên Tuệ-