LIỄU TRI THAM SÂN SI - Gosinga

LIỄU TRI THAM SÂN SI

Người tu học Phật với mục đích tối hậu là đoạn tận Tham Sân Si, nhưng nếu không hiểu biết đúng sự thật một cách toàn diện, không Liễu tri Tham Sân Si thì sẽ không đạt được mục đích. Hình dung như một người mù đánh nhau với người sáng mắt, người mù không thấy đối thủ nên không thể chống đỡ, không thể tránh né được các đòn đánh của đối phương và thua cuộc là phần chắc. Cũng y như vậy, người tu mà không Liễu tri Tham Sân Si thì sẽ bị Tham Sân Si khống chế và đánh gục là phần chắc.

Để Liễu Tri Tham Sân Si phải tuệ tri bốn khía cạnh của Tham Sân Si như công thức Tứ Thánh Đế mà Đức Phật đã dày công xây dựng và thuyết giảng:

  • Một là : Hiểu biết đúng sự thật về Tham Sân Si.
  • Hai là: Hiểu biết đúng sự thật về Tham Sân Si tập khởi (Nguyên nhân phát sinh Tham Sân Si)
  • Ba là: Hiểu biết đúng sự thật về Tham Sân Si đoạn diệt
  • Bốn là: Hiểu biết đúng sự thật về Con đường Tham Sân Si đoạn diệt

1 – Hiểu biết đúng sự thật về Tham Sân Si:
a – Cả Nhân loại này, dù già trẻ gái trai giàu nghèo ngu trí, dân tộc tôn giáo nào (ngoại trừ các bậc Thánh Phật giáo) đều có hành vi phổ quát là:

– Hễ thấy, nghe, cảm nhận đối tượng thực tại Dễ chịu như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái v.v… thì đều THÍCH THÚ đối tượng dễ chịu đó. Hành vi Thích thú đó là một tâm hành mà thuật ngữ Phật học gọi là Tham. Hãy quan sát sự thật thực tại để nhận diện tâm hành Tham (Thích thú) và hoá giải hiểu biết sai lầm của nhiều người cho rằng, Tham là thích thú một cái gì của người khác rồi lấy cắp hoặc chiếm đoạt của người đó. Phải hiểu đúng sự thật, Tham chỉ là tâm hành thích thú, còn muốn có nó rồi lấy cắp hoặc chiếm đoạt nó, lại là các tâm hành khác do Tham mà khởi lên chứ không phải Tham.

– Hễ thấy, nghe, cảm nhận đối tượng thực tại Khó chịu như sắc xấu, tiếng dở, hương thối vv… thì đều CHÁN GHÉT đối tượng khó chịu đó. Hành vi Chán Ghét là một tâm hành mà thuật ngữ Phật học gọi là Sân.

– Hễ thấy, nghe, cảm nhận đối tượng thực tại Trung tính (không dễ chịu không khó chịu) thì không thích thú, không chán ghét đối tượng mà hướng đến TÌM KIẾM đối tượng Dễ chịu để thay thế đối tượng Trung tính đó. Hành vi tìm kiếm đối tượng Dễ chịu để thay thế đối tượng Trung tính là tâm hành mà thuật ngữ Phật học gọi là Si. Ví như, khi ăn cơm không có thức ăn sẽ cảm nhận đối tượng là Cảm giác Trung tính (không ngon không dở) và sẽ không thích không ghét Cảm giác đó, nhưng ngay lập tức tác ý Tìm Kiếm một loại thức ăn, thậm chí là muối, để ăn có Cảm giác Dễ chịu, thay thế Cảm giác Trung tính khi ăn cơm không có thức ăn. Tâm hành Si rất vi tế, khó thấy, khó biết nhưng lại là tâm hành phổ biến chiếm khoảng 70 đến 80% còn Tham Sân chỉ khoảng 20 đến 30% còn lại. Đa phần người tu học Phật giáo lại hiểu lầm, đồng hoá Si với ngu si, với vô minh nhưng Si lại là biểu hiện sự thông minh của nhân loại. Nhờ Si, hành vi TÌM KIẾM các đối tượng Dễ chịu trong quá khứ hoặc tương lai mà nhân loại mới phát minh ra biết bao cái mới, cái dễ chịu, cái tiện nghi, cái hiện đại để thay đổi thế giới, để đời sống ngày càng hiện đại hơn.

Tất cả nhân loại còn là phàm phu thì không một ai mà không có Tham Sân Si như vậy. Đây là một sự thật phổ quát.

b – Mỗi một thời điểm xuất hiện một đối tượng thực tại thì con người có thái độ hoặc Tham, hoặc Sân, hoặc Si với đối tượng. Và thái độ hoặc Tham, hoặc Sân, hoặc Si cứ diễn tiến từ đối tượng này sang đối tượng khác, liên tục từ giây phút này cho sang giây phút khác, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng năm này cho đến năm tháng khác, suốt cả cuộc đời trừ lúc ngủ say không mộng mị. Thái độ hay các tâm hành Tham Sân Si diễn tiến như vậy sẽ đưa đến kết quả cuộc đời ra sao? Kết quả sẽ là:

– Khi có đối tượng Dễ chịu thì Tham ái đối tượng, nên Muốn có được đối tượng, Muốn sở hữu đối tượng và nếu đã có được đối tượng thì Muốn đối tượng đó mãi mãi là của mình, và do vậy sẽ Ràng buộc với đối tượng. Nhưng vì đối tượng đó là Cảm Giác (Cảm Thọ) sinh diệt vô thường, nên khi đối tượng biến hoại, biến diệt, mất đi Sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Khổ này được đặt tên là Hoại Khổ.

– Khi có đối tượng Khó chịu thì Chán ghét (Sân), nên Muốn xua đuổi, xa lánh, tiêu diệt đối tượng, vì thế sẽ Ràng buộc với đối tượng. Nhưng vì đối tượng đó là Cảm Thọ, nó Vô chủ, vô sở hữu, nghĩa là không thể làm chủ, không thể điều khiển, không thể xua đuổi, xa lánh, tiêu diệt được nó nên Sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Khổ này được đặt tên là Khổ Khổ.

– Khi có đối tượng Trung tính thì không thích không ghét (không Tham không Sân) nhưng tâm hành Si sẽ hướng đến Tìm Kiếm đối tượng Dễ chịu để thay thế đối tượng Trung tính, vì thế sẽ Ràng buộc với kết quả tìm kiếm đó. Nếu sự tìm kiếm bắt gặp đối tượng Dễ chịu sẽ có Hoại khổ, bắt gặp đối tượng Khó chịu sẽ có Khổ khổ, bắt gặp đối tượng Trung tính lại tìm kiếm tiếp nên sẽ có Hành khổ. Đặc biệt khi trạng thái hấp hối và chết xảy ra, tâm hành Si sẽ tìm kiếm an toàn trong sự sống, sự hiện hữu nên sẽ phát sinh Thức tái sinh và sẽ phát sinh khổ của sinh già bệnh chết trong tương lai.

  • * Đối tượng Dễ chịu (Lạc thọ) – Tham – Ràng buộc – Hoại Khổ.
  • * Đối tượng Khó chịu (Khổ thọ) – Sân – Ràng buộc – Khổ Khổ.
  • * Đối tượng Trung tính (Bất khổ bất lạc thọ) – Ràng buộc – Hành Khổ.

Kết quả này đã thuyết minh đúng sự thật: Tham Sân Si là Nguyên nhân phát sinh Khổ gồm Hoại khổ, Khổ khổ và Hành khổ. Hãy tham khảo các bài viết khác để thấy biết sự thật phổ quát này là chung cho toàn thể nhân loại đang là phàm phu, không trừ một ai.

c – Tham Sân Si có tánh chất Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã): Tham Sân Si là các tâm hành thuộc Nhóm Hành hay Hành uẩn là một trong năm nhóm (năm uẩn) Sắc Thọ Tưởng Hành Thức nên nó là Pháp Duyên Khởi. Bởi Tham Sân Si là Pháp duyên khởi (do Ý tiếp xúc với Pháp mà phát sanh) nên nó phải có tánh chất (tự tánh) Vô thường và Vô ngã (Vô chủ vô sở hữu). Nghĩa là Tham Sân Si sinh lên rồi diệt đi liền, không sẵn có, không thường hằng, không thường trú ở đâu cả. Cũng có nghĩa là, không có một cái tâm không sinh không diệt nguyên một khối nào làm nơi chỗ để chứa đựng tham sân si, để rồi tham sân si chỉ xuất hiện hay chỉ trình hiện chỗ này hay chỗ kia rồi lại trở về trú ngụ nơi cái tâm đó. Vô ngã (Vô chủ vô sở hữu) nghĩa là không có Ta, không có Bản ngã, không có ai, không có ông A, bà B nào là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển Tham Sân Si cả.

2 – Hiểu biết đúng sự thật về Tham Sân Si tập khởi:

Nghĩa là hiểu biết đúng sự thật Duyên Khởi Tham Sân Si, thấy biết rõ ràng, đúng sự thật: Do cái gì có mặt mà Tham Sân Si có mặt ? Đó chính là tâm biết Ý thức Tà kiến trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của phàm phu:

  • XÚC – < Thọ – Tưởng > – Tà niệm – Tà tư duy – [Ý thức – Tà kiến] – Tham Sân Si …

Khi tâm biết Ý thức Tà kiến (do Tà niệm – Tà tư duy khởi lên) xác định đối tượng (được thấy, được nghe, được cảm nhận) là Dễ chịu thì tâm biết Ý thức Tà kiến cũng hiểu biết trong đối tượng đó có hạnh phúc, nó sẽ mang hạnh phúc đến cho Ta, nó sẽ chấm dứt khổ cho Ta. Do tâm biết ý thức Tà kiến hiểu biết về đối tượng như vậy mà phát sinh tâm hành Tham ái đối tượng Dễ chịu.

Khi tâm biết Ý thức Tà kiến xác định đối tượng đó là Khó chịu thì cũng biết đối tượng đó là đau khổ, sẽ mang đau khổ đến cho Ta. Do tâm biết Ý thức Tà kiến hiểu biết về đối tượng như vậy mà sẽ phát sinh tâm hành Sân với đối tượng Khó chịu.

Khi tâm biết Ý thức Tà kiến xác định đối tượng đó là Trung tính thì cũng biết đối tượng đó không mang đến hạnh phúc, không chấm dứt khổ cho Ta mà chỉ có đối tượng Dễ chịu mới mang đến hạnh phúc, mới chấm dứt khổ cho Ta.Do tâm biết Ý thức Tà kiến hiểu biết đối tượng như vậy mà phát sanh tâm hànhSi với đối tượng Trung tính.

Như vậy, nguyên nhân phát sinh Tham Sân Si là tâm biết Ý thức Tà kiến trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của phàm phu.

3 – Hiểu biết đúng như thật Tham Sân Si đoạn diệt:

Do cái gì không có mặt mà Tham Sân Si không có mặt, Tham Sân Si đoạn diệt? Đó là khi Ý thức Tà kiến không có mặt, khi Ý thức Tà kiến đoạn diệt. Cũng đồng nghĩa là khi lộ trình tâm Bát Tà Đạo đoạn diệt thì Tham Sân Si đoạn diệt, lúc đó là Khổ diệt hay Niết bàn.

4 – Hiểu biết đúng sự thật Con đường Tham Sân Si đoạn diệt: Đó là Bát Chánh Đạo với bốn loại Chánh niệm về Thân Thọ Tâm Pháp.

– Khi thực hành Chánh niệm về thân tức “Nhớ đến chú tâm quán sát thân nơi thân” lộ trình tâm Bát Chánh Đạo xảy ra như sau:

  • XÚC – <Thọ – Tưởng> – Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – [Tỉnh giác]

Lúc này lộ trình tâm chỉ có tâm biết trực tiếp giác quan ghi nhận đối tượng mà tâm biết Ý thức không có mặt (gọi là Tỉnh giác) nên Ý thức Tà kiến được đoạn diệt, vì thế Tham Sân Si được đoạn diệt.
Khi thực hành Chánh niệm về Thọ, về Tâm, về Pháp tức “Nhớ đến chú tâm quán sát thọ, tâm, pháp” lộ trình tâm Bát Chánh Đạo xảy ra như sau:

  • XÚC – < Thọ – Tưởng > – Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – [Tỉnh giác] – Chánh tư duy – [Ý thức – Chánh kiến]…

Lúc này lộ trình tâm có tâm biết Tỉnh giác ghi nhận đối tượng và tâm biết Ý thức Chánh kiến biết đúng sự thật đối tượng. Vì thế tâm biết Ý thức Tà kiến được đoạn diệt nên Tham Sân Si được đoạn diệt.

Như vậy, Con đường để Tham Sân Si đoạn diệt, Khổ đoạn diệt chính là Bát Chánh Đạo. Để đoạn diệt, đoạn tận Tham Sân Si đồng nghĩa với đoạn diệt, đoạn tận Khổ mà không thực hành Bát Chánh Đạo là điều không thể xảy ra, giống như nấu cát thì không thể thành cơm vậy.

-Thiền Sư Nguyên Tuệ-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *