Mình nghĩ, bi kịch của việc biết và tận hưởng một tính từ, một trạng thái tốt đẹp, là người ta biết luôn song song sự tồn tại đối lập của tính từ, trạng thái đó.
Có ai hỏi: bạn có đang vui không? Đồng nghĩa với việc có khả năng xảy ra là bạn đang buồn và họ mong là bạn đang không như thế. Một vài lúc trống rỗng, bạn tự hỏi: Ủa mình đang vui hay đang buồn đây?
Bạn trau chuốt để trở nên xinh đẹp, thực ra cũng là đang làm để thoát khỏi tình trạng xấu xí, phờ phạc. Có khi mua đồ hoặc đổi phong cách, bạn có tò mò không biết như thế này là xấu hay đẹp, có hợp với mình không.
Bạn vui sướng, cảm động khi nhận được những hành động, lời nói biểu hiện yêu thương thắm thiết từ người yêu. Vậy nên mới có lúc bạn buồn tủi và nghi ngờ bởi những hành động mang sắc thái “có phải anh không yêu mình như xưa nữa?”.
Khi những sự giản đơn, những cảnh vật tự nhiên làm bạn dễ chịu, thì cũng là lúc những tòa nhà chọc trời, những ống khói của nhà máy, những thứ đồ “công nghiệp” dễ làm bạn bí bách ngộp thở.
Bạn xác nhận trạng thái hạnh phúc, bằng câu hỏi: Bạn có đang cảm thấy hạnh phúc không? Hình như mình đang không thấy vui và hạnh phúc? Để rồi trước khi đến trạng thái đó, bạn chết ngộp và áp lực về việc làm sao và phải làm gì đây.
Mình mạo muội nghĩ, trạng thái hạnh phúc là căn nguyên của phần nhiều các chứng bệnh tâm lý hiện nay. Các bệnh tâm lý cứ như thể được định nghĩa là trạng thái thoát khỏi tích cực, hạnh phúc, vui vẻ, phấn chấn vậy. Mỗi khi thấy không vui, không hào hứng với cuộc sống, người ta lại tự hỏi “Mình có vấn đề gì đây?”. Và vấn đề thực sự là cách đi tìm câu trả lời và giải quyết cho câu hỏi đó – cái thắc mắc chưa chắc là “vấn đề” đó. Khoan đã. Ai nói với bạn rằng cuộc sống này phải vui vẻ, hạnh phúc? Bố mẹ hay ông bà bạn có nghĩ nhiều về điều đó như bạn không? Hay do bạn đọc báo mạng và mấy trang truyền cảm hứng động lực sống quá nhiều?
Và rồi cách chữa trị, đích đến của phương pháp chữa trị cũng là làm sao để đưa họ đến trạng thái tích cực, hạnh phúc, vui vẻ, phấn chấn đó. Có nhiều phương pháp trị liệu bằng cách gọi tên, đối diện và bước qua với những nỗi đau, cảm xúc tiêu cực.
Mình không cho rằng đó là biện pháp triệt để và lâu dài. Chừng nào não bạn còn tồn tại 2 khung ô, 2 ngăn đối lập tốt – xấu, tích cực – tiêu cực đó, đồng nghĩa với việc chừng đó còn tồn tại cái ngăn mang hàm nghĩa màu sắc xấu – tiêu cực, bạn sẽ còn phải khổ sở. Các sự việc input, theo sự phán đoán nhận định của não, sẽ được xếp vào “ngăn tốt” hoặc “ngăn xấu”, rồi từ ” ngăn tốt” sang “ngăn xấu”, và có khi ngược lại.
Vì tự cho là vậy, đã từ lâu mình không đi tìm hạnh phúc. Mình không nghĩ về trạng thái “hạnh phúc” ở bản thân. Mình tập ghi nhận, và đi tìm sự bình thản khi cảm nhận, nhận biết mọi thứ mọi sự. Không xếp nó vào một ngăn ô nào cả, cứ để tự nó vậy mà chung sống và hài lòng thôi. Cái lúc mà hài lòng mà không cần phán xét đó, với mình là một thứ hạnh phúc kỳ diệu. Lalala. ?
Sẽ có nhiều người nói: thế giới đó thật nhàm chán! Nhưng có thể bạn chưa đủ mệt với sự nhồi lên đáp xuống của 2 trạng thái. Hoặc bạn chưa trải nghiệm sự bình yên, bình thản một cách bình lặng đó thôi.
Đương nhiên là đường còn dài. Những bước đi đó vẫn đang được mò mẫm từng ngày. Nhưng dù sao thì, mình cũng đã có đường đi.
Thiền sinh Trần Khánh Vy
Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm