fbpx

Lá thư số 51. Thế hệ trẻ 10X cảm nhận gì về Pháp học – Sự thật chân lý

Lá thư là những thu hoạch được về Pháp học – các sự vật, hiện tượng dưới góc nhìn của một người trẻ, thế hệ thanh niên từ các khóa học GOSINGA.

0–>20 tuổi:  Góc nhìn cuộc sống về Tôn giáo

           Từ nhỏ đến lớn, khi nhắc đến những khái niệm: Phật giáo, Thiền, Khổ,… là những từ ngữ không mấy tốt đẹp được lưu trong tiềm thức của tôi, đơn giản là vì lớn lên, quan sát cuộc sống như hình ảnh nhà sư ăn chay, sống khổ trong chùa, tôi không bao giờ muốn sống cuộc sống như vậy. Hay khi thấy các mẹ, các bà thường đi cúng bái, mê tín dị đoan quá mức, những thông tin được lưu vào bộ nhớ qua tivi, báo đài…. đều với thái độ tiêu cực trong đầu. Tôi nghĩ hầu hết đứa trẻ nào sinh sống ở Việt Nam cũng suy nghĩ như vậy thôi, đạo Phật dành cho những người già, lớn tuổi. Sau Khi học Pháp, thì mới biết trong Phật giáo gọi là hiểu không đúng sự thật (Vô minh).

Giai đoạn sinh viên: tìm nghề nghiệp, sự nghiệp , tình yêu

Tôi vẫn đang trong giai đoạn này, những kiến thức học ở Đại học thì chán ngắt, trong khi cái mà tất cả những người xung quanh muốn và bản thân mình muốn là sự giàu có vật chất. Với Internet, tôi lục lọi tất cả những video làm giàu của những người nổi tiếng, nhưng vẫn không áp dụng được gì thậm chí còn mất tiền với dự án đa cấp lừa đảo. Các mối quan hệ, tình yêu cũng vậy, tôi đọc các thể loại sách giao tiếp, hạnh phúc…nhưng vào cuộc sống hàng ngày, không áp dụng được gì mà tất cả khổ, vui đều lệ thuộc vào người đối diện.

Trong một năm liên tục đi tìm, cảm thấy khổ quá, sống vật vờ, không biết mình muốn gì thích gì, tôi tìm đến những gì liên quan đến Tôn giáo. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, thì con người sợ hãi những gì họ không thấy như: ma quỷ, Chúa, Phật,… Tôi cần một cái gì đó bám víu, thế là nghiên cứu về kinh thánh, chúa Giêsu, rồi đến xem hết 55 bộ phim của Đức Phật nhưng các mảnh ghép chỉ dừng lại ở mức kiến thức suông, lộn xộn.

Tháng 7/2021 tình cờ biết đến các khóa thiền của Gosinga

          Vì đã có một số kiến thức trước đó nên những gì thiền sư Nguyên Tuệ giảng tôi đều hiểu và cảm thấy nó đúng quá. Đúng như lời Phật dạy: “ Đường này đến thế gian, Đường kia đến Niết bàn”.

Một loạt những quan điểm trong đầu ngược nhau, làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

VD: Trước giờ, tôi tìm kiếm sự giàu có vật chất, Đức Phật lại dạy Buông. Là một người trẻ đầy nhiệt huyết, làm sao tôi có thể chấp nhận điều này. Nhưng cứ tư duy và những buổi học của thầy sau đó, tôi mới vỡ ra tư tưởng của mình đã sai. Buông có thể là buông tham lam bằng trí tuệ, Buông tâm ngạo mạn bằng đức tùy thuận, bằng lòng, bỏ cái tôi, bản ngã. Buông đi đau khổ, lệ thuộc vào người khác bằng cách quan sát chính mình, buông đi mải mê nghĩ quá khứ, tương lai bằng nhiệt tâm những gì đang làm… Mà đặc biệt, không phải tư tưởng Buông đi bố mẹ, công việc học tập mà phải tích cực lao động hơn, không phải cứ lên chùa là tu là sửa mà ngay tại nhà phải sửa cách sống của mình, không xa lánh ai cả, mà phải sống hòa đồng hơn nữa.

Vì hệ thống giáo dục của Việt Nam, học giỏi kiến thức là được kính nể, dẫn đến rất nhiều bạn trong đó có tôi, tham lam kiến thức mà không bao giờ lôi ra ứng dụng nó cả. Lần này, trong khóa học 23 ngày, tôi bỏ qua những kiến thức liên quan đến hóa sanh mà chỉ chọn tập trung xoáy sâu vào những gì phù hợp với bản thân mình đó là kĩ năng chú tâm liên tục (tập trung) và kĩ năng thích nghi mọi hoàn cảnh sống mà thôi.

Tôi lên Google tìm kiếm tất cả những gì liên quan đến 2 kĩ năng này. Đó là những từ khóa liên quan đến: Bộ não, Hệ thần kinh, Trí tuệ, Cơ thể sinh học con người, Khả năng thích nghi để làm rõ và sâu sắc hơn về thân tâm mình – điều mà chắc chắn Đức Phật không có 2600 năm trước.

Trở về cuộc sống hàng ngày, vẫn những sự kiện tác động và bản thân cảm thấy khổ tâm. Nhưng lần này, với Pháp học tôi đã tập được quan sát bản thân mình. Nếu trước đó, cảm thấy khổ rất nhiều và rất lâu thì sau khi học về Vô Thường, Lý Duyên Khởi, tôi đã rút ngắn đi còn vài ngày, vài giờ. Đó là một thành công của khóa học mang lại rồi không phải đâu xa.

Khi học Pháp, đôi lúc tôi nghĩ sao cuộc đời tiêu cực, sao toàn học về khổ vậy? Nhưng nếu quan sát, với động vật, no là sướng, đói là chết là khổ. Bây giờ hầu như ai cũng đều có ăn, không thể chết vì đói mà vẫn khổ. Vậy chẳng lẽ loài người thống trị muôn loài lại không bằng động vật! Các con động vật nhỏ như gián, tắc kè, rắn…. tuy nhỏ nhưng chúng lại tồn tại đến tận bây giờ, trong khi đó loài khủng long to xác đã tuyệt chủng khoảng 200 triệu năm trước. Vì sao vậy? Đơn giản là loài nào có khả năng thích nghi, biến đổi để phù hợp môi trường thì là loài mạnh nhất và tồn tại lâu nhất.

Vậy mục đích của Pháp là rèn luyện kĩ năng thích nghi mọi hoàn cảnh sống như: đi xin việc, giải quyết vấn đề, kỹ năng tự vệ,… Nếu sinh ra là con người, là môi trường thích hợp nhất để tu sửa, tư duy thì phải trân trọng cuộc sống này, không thể cứ khổ tâm, trầm cảm…mãi được!

Kết thư:

Giá trị lớn nhất sau khi khóa học 6 ngày và 23 ngày của GOSINGA đó là: một người trẻ như tôi đã phân biệt một phần đúng sai tư tưởng về tôn giáo là gì, cụ thể là Phật giáo. Biết nhiệt tâm vào những gì mình làm, tập trung phát triển trí tuệ, chăm sóc cơ thể mình hơn. Và chắc chắn cần thời gian để kiểm nghiệm, thực hành. Có thể nhiều quan điểm, tư tưởng vẫn chưa đúng với những gì Pháp học vì còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm nhưng điều đó không quan trọng. Nếu những gì Phật dạy đúng với cuộc sống và có ích thì áp dụng, đây là một điều tuyệt vời để định hướng bản thân cho một chặng đường phía trước!

Chân thành cảm ơn các Thiền sinh đã lắng nghe đến cuối bức thư này!

Thiền sinh Tiến Vũ

Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *