Đức Phật không dạy các đệ tử nhìn đời bằng các quan điểm Duy vật hay Thường kiến và Duy tâm hay Đoạn kiến :
– Một là quan điểm Duy vật : Duy vật mặc định rằng thế giới thực tại này là thế giới vật chất. Thế giới vật chất không được sinh ra, cũng không bị mất đi mà chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, từ vật này sang vật khác. Thế giới vật chất không được sinh ra cũng không bị diệt đi và tinh thần là sản phẩm do tương tác, vận động của vật chất mà phát sinh nên có sinh có diệt. Vì vậy, vật chất là cái có trước, tinh thần là cái có sau. Đối tượng nhận thức là thế giới vật chất có trước, tâm biết nhận thức hay chủ thể nhận thức là cái có sau. Cho dù có con người nhận thức hay không có con người nhận thức thì thế giới vật chất vẫn tồn tại khách quan, nên thế giới thực tại là THỰC CÓ với ý nghĩa là nó tồn tại độc lập với ý thức con người, độc lập với chủ thể nhận thức. Vì vậy, Hạnh phúc và Khổ đau sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú nơi thế giới vật chất ngoại cảnh. Và Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ ( Hạnh phúc ) và Con đường chấm dứt Khổ ( thay đổi hoàn cảnh sống ) đều thuộc về thế giới vật chất ngoại cảnh. Đây là một loại hiểu biết sai, một loại tà kiến mà trong Phật giáo gọi là Thường kiến hay Chấp Có. Có một số trường phái Phật giáo y chỉ vào loại Thường kiến này khi nghe Đức Phật thuyết giảng Nguyên nhân Khổ là do Tham ái, chấm dứt Tham ái là Chấm dứt khổ mà Tham ái là Tham ái Hạnh phúc, không ai Tham ái khổ nên họ suy luận rằng : Nếu mọi người hiểu tất cả cuộc đời là khổ, tất cả thế giới này, tức tất cả các pháp là khổ thì sẽ không còn tham ái và lúc đó sẽ không còn khổ. Chính vì suy tư như vậy nên họ cố gắng thuyết minh rằng cuộc đời là khổ, tất cả các pháp là khổ, sắc thọ tưởng hành thức là khổ và nguyên nhân khổ là do các pháp đó vô thường. Như vậy, theo thuyết minh đó, khổ sẵn có, luôn luôn có, khổ thường hằng thường trú trong sắc thọ tưởng hành thức. Mục đích thuyết minh như vậy là để con người không còn tham ái các pháp, và do vậy sẽ hết khổ. Nhưng sự nhồi sọ đó không đưa đến kết quả vì nó là một tà kiến, một vọng tưởng trái với sự thật mà con người đang sống là cuộc đời không những có khổ đau mà còn có vị ngọt, có hạnh phúc. Những thuyết minh như vậy không đưa đến chấm dứt tham ái, chấm dứt khổ mà chỉ đưa đến rất nhiều sự hiểu lầm, hiểu lầm rằng Đức Phật nhìn đời một cách bi quan, chỉ thuyết minh về những nỗi khổ của cuộc đời mà thôi. Sự thật không phải như vậy, Đức Phật không những thuyết minh về những nỗi khổ của cuộc đời mà Ngài còn nói đến niềm vui, vị ngọt của cuộc đời. Ngài đã khẳng định, Ngài đã biết như thật, biết với trí tuệ về vị ngọt, “Ta đã tuệ tri vị ngọt là vị ngọt”. Vì cuộc đời có niềm vui, có vị ngọt nên Phàm phu mới tham đắm cuộc đời, nếu cuộc đời này mà không có niềm vui, không có vị ngọt thì Phàm phu sẽ không thích thú cuộc sống này và nhân loại này sẽ tự sát hết, sẽ không ai muốn sống trên cuộc đời này nữa. Cái đặc biệt trong giáo pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng là không những Ngài thuyết giảng về những nỗi khổ mà con người đang trải qua mà cái quan trọng, cái cốt lõi là Ngài thuyết giảng để TUỆ TRI SỰ THẬT KHỔ, là hiểu biết đúng sự thật khổ. Đó là Khổ đế, là Sự thật Khổ, và Khổ đế thuộc về Tâm chứ không thuộc về thế giới vật chất, Khổ không sẵn có, không thường xuyên có, không thường hằng, không thường trú đâu cả, không thường hằng thường trú trong thế giới vật chất, không thường hằng thường trú nơi sáu căn, không thường hằng thường trú nơi sáu trần, không thường hằng thường trú nơi năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức. Khổ không phải tự nhiên sinh, khổ không phải do mình làm và mình chịu khổ ( khổ do nghiệp quá khứ mình đã tạo tác ), khổ cũng không do người khác làm mà mình chịu khổ ( khổ do thượng đế trừng phạt tội của tổ tông), mà Khổ do duyên khởi, nghĩa là khi đủ nhân và duyên thì khổ sẽ khởi lên, nên Khổ có tính chất Vô thường, Vô chủ vô sở hữu (Vô ngã ).
– Hai là quan điểm Duy tâm : Duy tâm cũng mặc định rằng thế giới thực tại là thế giới vật chất nhưng nó không thực có mà nó do một năng lực tinh thần tuyệt đối gọi là Thượng Đế toàn năng hoá hiện ra. Vì vậy, nó KHÔNG THỰC CÓ chỉ GIẢ CÓ mà thôi, nó không tồn tại một cách khách quan mà do Thượng Đế quyết định.Theo quan điểm này Tinh thần (Thượng đế ) có trước, Thế giới vật chất có sau, do Thượng đế tạo dựng nên, vì vậy tâm biết là cái không sinh không diệt có trước và Thế giới vật chất do Thượng đế làm ra có sinh có diệt là đối tượng được biết là cái có sau. Quan điểm Duy tâm này trong Phật giáo cho là một tà kiến gọi là Đoạn kiến hay Chấp Không. Một số trường phái Phật giáo phát triển y chỉ theo quan điểm Duy tâm cho rằng thế giới thực tại này là thế giới vật chất nhưng do TÂM tạo ra ( TÂM đó là CHÂN TÂM không sinh không diệt như là Thượng đế của tôn giáo phương tây ) cho nên nó là Giả Có, Không Thật. Tại sao các trường phái Phật giáo phát triển lại chủ trương thế giới thực tại này Không Thực Có, chỉ Giả Có vì tất cả các pháp đó là do Tâm tạo nên ( Nhất thiết duy tâm tạo ) ? Là tại vì khi nghe Đức Phật thuyết giảng Tham ái là Nguyên nhân Khổ, chấm dứt Tham ái là Chấm dứt Khổ nên họ suy luận rằng, nếu mọi người cho rằng tất cả các pháp là do tâm tạo, là giả có không thật thì con người sẽ không còn tham ái cái thứ đồ giả đó nữa và như vậy sẽ hết khổ. Chính vì suy luận như vậy mà họ đã tìm đủ mọi cách thuyết minh và nhồi sọ các tín đồ các pháp là giả có, là không thật. Nhưng sự giáo dục nhồi sọ đó không đi đến kết quả ly tham mà vẩn tham, vẩn sân, vẩn si là vì hiểu biết các pháp là “giả có không thật” không đúng với sự thật thực tại mà con người đang thấy nghe cảm nhận. Đương nhiên cách giải thích này cho rằng, mọi sự vật hiện tượng, kể cả Hạnh phúc và Khổ đau là giả có, là ảo ảnh, là vọng tưởng là không có thật. Nhưng chúng sanh lại cứ khư khư ôm giữ cái vọng tưởng, cái không thật đó cho là của Ta, cho là Ta. Và kiến giải đó cònì cho rằng chỉ ở nơi Chân Tâm Thường Trụ ( tương tự khái niệm Thượng đế toàn năng ) mới có Hạnh phúc chân thật, vĩnh cửu, mới là ông chủ thực sự, mới là của Ta, là Ta chân thực. Nhận ra và thể nhập Chân Tâm ( Chân không mà Diệu hữu )mới là giác ngộ giải thoát và mới trở về với ông chủ, với cái Ta chân thật ( Chân ngã ) của mình. Đó mới là thế giới Chân Đế không sanh không diệt ( bất tử ), còn chúng sanh đang sống với thế giới vọng tưởng, giả có không thật này là thế giới Tục Đế sanh diệt.
– Đức Phật dạy hãy nhìn đời bằng hiểu biết đúng sự thật, nhìn đời bằng TRÍ TUỆ. Đó là nhìn đời bằng : TUỆ TRI SỰ SINH DIỆT CỦA THỌ, VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM VÀ SỰ XUẤT LY CỦA THỌ. Đó chính là cách nhìn đời do sự giác ngộ của Ngài, đã được Ngài tuyên bố trong bản kinh Phạm Võng, bản kinh mở đầu Trường bộ kinh. “Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không còn chấp thủ”. Đức Phật đã giác ngộ thế giới thực tại này KHÔNG PHẢI LÀ THẾ GIỚI VẬT CHẤT như quan điểm Duy vật (Thường kiến) và Duy tâm ( Đoạn kiến )đã mặc định mà thế giới thực tại này là THẾ GIỚI CẢM THỌ , nó là Tâm chứ không phải là Thế giới Vật Chất ( như Duy vật ), nó do Sáu Căn và Sáu Trần tương tác với nhau mà phát sinh chứ không phải do Tâm tạo( như Duy tâm ).
Để hiểu thế nào là Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ, hãy đọc bài Trung Đạo trên trang FB Đại Đức Nguyên Tuệ.
Ngày 22/03/2020